Liên hoan phim trực tuyến có dễ tìm Bông Sen Vàng?

Thứ Sáu, 15/10/2021, 00:17

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 sau khi dời lại 2 tháng theo kế hoạch, để tránh cao điểm chống dịch COVID-19, đã quyết định diễn ra tại Huế từ 18 đến 20/11. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 chỉ gói gọn trong 3 ngày, và chủ yếu tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên, giới làm phim nước nhà chứng kiến một lễ hội nghề nghiệp ngắn ngủi và đơn giản, đúng tính chất một sự kiện thời COVID-19.

Năm ngoái, dù đã xuất hiện virus corona, nhưng lễ trao giải Cánh Diều 2020 của Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn khá tươm tất vì dịch bệnh được khống chế tương đối. Năm nay, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 phải đối diện thử thách cam go hơn. Cục trưởng Cục Điện ảnh - Vi Kiến Thành chia sẻ: "Các chương trình nội dung của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức gọn gàng, đơn giản, tiết kiệm; đảm bảo trang trọng, thực chất; phục vụ đông đảo công chúng, cổ vũ, động viên đội ngũ các nhà hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ điện ảnh, vì sự thành công chung của kỳ Liên hoan Phim trong điều kiện bình thường mới".

1 hanh phuc.jpg -0
Bộ phim "Hạnh phúc của mẹ".

Vậy những người yêu điện ảnh nước nhà có thể hình dung hành trình đi tìm và tôn vinh những tác phẩm đoạt Bông Sen Vàng và Bông Sen Bạc như thế nào? Dĩ nhiên sẽ không có lễ khai mạc hoành tránh với sự xuất hiện lộng lẫy của các nghệ sĩ trên thảm đỏ tại nơi đăng cai là cố đô Huế. Ngoài việc chiếu phim cho ban giám khảo tại Hà Nội, thì cũng công chiếu các bộ phim được phép chiếu trực tiếp, trong đó có phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình. Giải pháp dự phòng là Ban giám khảo các hạng mục phim dự thi phải họp bàn, thảo luận và chấm thi trực tuyến nếu trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Có thể kể thêm vài điểm nhấn của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 như chương trình toàn cảnh (Panorama) sẽ chiếu tại rạp và trực tuyến tới khán giả (với những phim thỏa thuận được phép chiếu trực tuyến) chương trình phim Việt Nam đương đại, bao gồm các phim được sản xuất trong khoảng thời gian từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 đến Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, nhưng không nằm trong chương trình phim dự thi. Cục Điện ảnh xác nhận, Ban tổ chức sẽ họp báo kết hợp khai mạc liên hoan phim tại Thừa Thiên Huế, giới thiệu các sự kiện diễn ra trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, hạng mục phim dự thi, thành viên các ban giám khảo của chương trình phim dự thi… Còn lễ công bố và trao giải của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế, đồng thời phát trực tuyến trên nền tảng số VTVGo để phục vụ khán giả. Nói chung, khán giả sẽ được thưởng thức các hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 qua màn ảnh nhỏ, từ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim đến chương trình phim Việt Nam có bối cảnh được quay tại Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ.

Hình thức trực tuyến chưa phải là điều khiến công chúng băn khoăn nhất về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, mà quan trọng hơn là làm sao có được tác phẩm xứng đáng Bông Sen Vàng và Bông Sen Bạc với số lượng phim sản xuất rất ít ỏi trong hai năm vừa qua. Với hạng mục phim tài liệu hoặc phim truyện truyền hình, thì không khó để dự đoán kết quả mỹ mãn dành cho các tác phẩm đề cập đến đại dịch toàn cầu như "Ranh giới" hoặc "Ngày mai bình yên". Còn ở hạng mục chủ lực nhất là phim truyện điện ảnh thì sao? Ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 diễn ra vào năm 2019, thì Bông Sen Vàng đã thuộc về bộ phim "Song Lang", còn Bông Sen Bạc thuộc về ba bộ phim "Hai Phượng", "Cua lại vợ bầu" và "Truyền thuyết về Quán Tiên".

Vậy, ứng viên cho Bông Sen Vàng và Bông Sen Bạc của một liên hoan phim trực tuyến có thể điểm danh những bộ phim nào? Bộ phim "Hạnh phúc của mẹ" năm ngoái đã vượt qua "Hai Phượng" và "Truyền thuyết về Quán Tiên" để đoạt Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, thì năm nay sẽ tiếp tục được đề cao ở Liên hoan phim Việt Nam chăng? Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân đánh giá về bộ phim "Hạnh phúc của mẹ" một cách ưu ái: "Một tác phẩm nghệ thuật muốn làm gì thì làm cũng phải tác động được đến cảm xúc của khán giả. Bộ phim chọn được đề tài mang tính xã hội rất cao. Câu chuyện về một bà mẹ nuôi con tự kỷ được đạo diễn chuyển tải khá hài hòa, trọn vẹn, với thông điệp nhẹ nhàng, sâu sắc. Đó là điều điện ảnh cần hướng tới. Diễn xuất của Cát Phượng và diễn viên nhí cũng rất tốt, tạo hiệu quả cảm xúc cho người xem".

1 bo gia.jpg -0
Diễn viên Trấn Thành trong phim "Bố già".

Đối thủ đáng gờm được đặt lên bàn cân với bộ phim "Hạnh phúc của mẹ" có thể kể đến bộ phim "Bố già" do Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành đồng đạo diễn và bộ phim "Cơn giông" của đạo diễn Trần Ngọc Phong. Bộ phim "Bố già" và bộ phim "Cơn giông" thực sự là hai câu chuyện trái ngược trong ánh mắt người yêu điện ảnh Việt Nam. Bộ phim "Bố già" làm vào dịp đầu năm 2021 và nhanh chóng đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng sau 2 tháng trình chiếu. Còn bộ phim "Cơn giông" thực hiện trong thời gian giãn cách và chưa được ra rạp buổi nào.

Bộ phim "Bố già" phá kỷ lục bán vé của những bộ phim từng làm mưa gió trên thị trường như "Em chưa 18" lẫn "Cua lại vợ bầu". Bộ phim "Bố già" có sự góp mặt của các diễn viên Ngọc Giàu, Tuấn Trần, Ngân Chi, Lê Giang, Lan Phương, Hoàng Mèo, La Thành, Quốc Khánh, Lê Trang, A Quay, Bảo Phúc… Thế nhưng, không xem bộ phim "Bố già" thì sẽ là những người sống hời hợt, như lời ca sĩ Hồ Ngọc Hà phán định chăng? Bộ phim của danh hài Trấn Thành vì sao lại lấy tên là "Bố già" mà không phải "Cha già" hay "Ba già"? Đơn giản, vì cái tên "Bố già" rất quen thuộc với công chúng.

"Bố già" là cái tên tiểu thuyết được Ngọc Thứ Lang dịch từ nguyên tác "The Goldfather" của Mario Buzo. Đặt tên phim theo tên sách, cũng là cách kế thừa khôn ngoan của những người làm phim nhạy bén với thị trường. Tuy nhiên, nếu đắn đo một chút về sở hữu trí tuệ thì thấy ê-kip làm phim "Bố già" chưa sòng phẳng lắm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có thương hiệu kem "Bố già" rất nổi tiếng từ năm 1975 đến nay, ở đây chủ quán trưng bày rất nhiều bản in "Bố già" để nhắc nhớ nguồn gốc của cái tên. Còn bộ phim "Bố già" thì không có một dòng nào tri ân hoặc cảm tạ nào, cứ hồn nhiên như tác giả kịch bản và đạo diễn đã tự nghĩ ra cái tên "Bố già".

Nếu con số doanh thu không phải một áp lực, thì chất lượng bộ phim "Bố già" cần nhìn nhận ra sao? Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, khẳng định: "Bộ phim khắc họa cuộc sống của một gia đình lao động nghèo, trong một ngõ phố nghèo, nơi có sự dung hợp và cả sự xô đẩy, va đập, thậm chí xung đột trong cách nghĩ, cách sống của hai, ba thế hệ (ông Ba Sang, Quắn, bé Bù Tọt, Hai Giàu, Sang, Cẩm Lệ, Tư Phú...). Lối tả thực mạnh mẽ, ào ạt, thô ráp, "dưới đáy", với sự trợ lực của công nghệ hình, tiếng hiện đại đã gây ấn tượng mạnh, rất mạnh, "rất Sài Gòn", khác rất nhiều (rất xa) với những phim chủ đề gia đình về cảnh sống của thị dân Hà Nội (nhẹ nhàng, suy tư, nhiều lối mòn, dù có kịch tính). Người xem không chỉ xem, mà như được nhập cuộc, trải nghiệm cùng nhân vật và đời sống thực.

Phim dài, có thể rút bớt dung lượng nhưng không sa đà, không câu khách nhờ vào "mảng tối" của xã hội (như phim "Bụi đời Chợ Lớn" và không ít phim khác). Cái được khá rõ là tình người, kể cả nơi khổ cực, ngột ngạt, cả những người đã bị tha hóa… Đây là phim khá, mới, kịch bản, đạo diễn và dàn diễn viên đều tay, có mặt chắc tay. Tuy nhiên, không nên xếp ở mức cao hơn. Doanh thu là thành công nổi bật nhất, nhờ quảng bá tốt, sớm, bài bản, nhưng không có nghĩa là phim xuất sắc. Không ít người xem đến rạp vì "thần tượng" của mình, nhưng ở lĩnh vực khác, có người theo xu hướng, có người tò mò".

Tuy Hòa
.
.