Liên hoan kịch nói có cần khán giả không?
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 dự kiến diễn ra vào tháng 11 sắp tới tại Hải Phòng, đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới nghệ sĩ và công chúng. Bởi lẽ, với sự hạn chế hình thức thi trực tiếp, và mở rộng hình thức thi trực tuyến thì khán giả thực sự vắng bóng trong ngày hội của những nghệ sĩ sân khấu.
Cục Nghệ thuật biểu diễn quyết định đăng cai Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, bằng hai hình thức dự thi là trực tiếp hoặc trực tuyến. Với tư cách địa phương diễn ra sự kiện sân khấu quan trọng này, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng - Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ: "Theo tôi được biết, ở thời điểm này trên thế giới vẫn tổ chức các cuộc thi và giải thi đấu về nghệ thuật, thể thao. Ban tổ chức đã tính toán rất kỹ khi lựa chọn Hải Phòng, vì nơi đây đang là vùng xanh an toàn, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, liên tục dẫn đầu cả nước, kể cả trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các nghệ sĩ đến với Liên hoan sẽ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ Y tế".
Đúng là trên truyền hình vẫn tường thuật những trận bóng đá ở Anh có hàng trăm nghìn khán giả không đeo khẩu trang, nhưng ở nước ta thì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Liên hoan kịch nói cũng không thể nói chuyện bên Tây để làm chuyện bên ta. Vội vàng tổ chức ngày hội giới sân khấu phải chăng có lý do khác? Theo giải thích của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì dời lại sẽ khó khăn trong việc chuyển kinh phí tổ chức từ năm này sang năm khác, nhiều nhà hát đã dựng vở mà chưa quyết toán được.
Nếu gấp rút liên hoan để giải quyết bài toán tài chính thì có gì hơi khiên cưỡng chăng? Liên hoan phải là dịp để các nghệ sĩ học hỏi và giao lưu với nhau. Thực tế cho thấy, kịch nói đang có sự trượt dài về số lượng lẫn chất lượng trong những năm gần đây. Không ít đơn vị được bao cấp chỉ hoạt động cầm chừng, còn các đơn vị xã hội hóa thì loay hoay ăn đong từng vở diễn. Khi tổ chức liên hoan thì có dịp để trao đổi rất nhiều điều cấp bách thúc đẩy sự phát triển của kịch nói, chứ không chỉ tìm kiếm huy chương cho cuộc mưu cầu danh hiệu nọ hay giải thưởng kia.
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 giữa mùa dịch, thì chắc chắn sẽ vắng bóng các tác phẩm ở phía Nam, vì TP.Hồ Chí Minh vẫn đang căng thẳng chống Covid-19 không thể nào tập hợp nghệ sĩ. Không có vở diễn mới, chả lẽ lấy vở diễn cũ đi tham dự? Mặc khác, nhiều nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh cũng khốn đốn vì lây nhiễm, thì bụng dạ nào mà thi thố. Với tư cách Phó Phòng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ nhận định: "Kể cả không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì các đơn vị sân khấu xã hội hoá ở TP. Hồ Chí Minh cũng rất hiếm khi tham gia bởi nhân lực và tài chính đều khó khăn, và không phải đơn vị nào cũng có những tác phẩm chất lượng cao để mang đi "chinh chiến". Biết cuộc thi diễn ra trong giai đoạn này là rất khó khăn, nhưng Liên hoan cũng đã lùi lại nhiều lần rồi, nếu không tổ chức thì phải hủy chứ không thể lùi được nữa. Nhiều đơn vị đã dàn dựng, chuẩn bị vở suốt một năm qua, vì vậy đều rất mong muốn được giao lưu, cọ sát với đồng nghiệp. Đây là trường hợp phải thích nghi với tình huống mới bất khả kháng".
Như một giải pháp thích ứng mùa dịch, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 có thêm hình thức thi trực tuyến. Những tác phẩm thi trực tiếp thì đến Hải Phòng từ 6/11 đến 18/11, còn những tác phẩm thi trực tuyến thì trổ tài trước camera từ ngày 28/10 đến ngày 4/11. Kịch nói mà thi trực tuyến thì khác gì kịch truyền hình? Kịch nói có phải đơn giản là tung hứng mấy câu nói đâu. Chỉ riêng thiết kế mỹ thuật thì họa sĩ đã phải đắn đo không gian khán phòng để có sự sáng tạo riêng biệt. Tác phẩm kịch nói khi thi trực tuyến thì mất hẳn phẩm chất của nghệ thuật sân khấu.
Đạo diễn Ngọc Hùng - Sân khấu Thế Giới Trẻ tại TP. Hồ Chí Minh tỏ ra ái ngại: "Nếu thi online tôi nghĩ nghệ sĩ không hào hứng. Diễn có khán giả thì mới hưng phấn, chứ chỉ nhìn ban giám khảo qua màn hình thì nguội lắm. Chưa kể, chấm thi qua online chắc là không chính xác, sẽ mất giá trị của chiếc huy chương, gây thắc mắc trong lòng nghệ sĩ".
Tương tự, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằngliên hoan kịch toàn quốc không nên để thiếu khuôn mặt kịch TP. Hồ Chí Minh vì đấy là nơi sân khấu xã hội hóa sôi động, nghệ sĩ luôn cố gắng và gần với công chúng. Mặt khác, khi các đường truyền để học online của các gia đình còn trục trặc như hiện nay thì việc thi kịch online là điều rất hên xui. Lý tưởng nhất là lùi thời gian tổ chức lại để các sân khấu chuẩn bị tốt hơn. Đồng thời, khi đó, khán giả cũng được xem vở trực tiếp.
Thi kịch nói trực tuyến liệu có đạt được 50% giá trị của tác phẩm không? Câu hỏi ấy, không vị giám khảo nào dám trả lời. Ngược lại, nếu có những góc quay tinh tế để truyền tải đầy đủ tinh thần tác phẩm, thì không lẽ Liên hoan kịch nói 2021 có thêm Huy chương vàng cho nhà quay phim, tương tự như bên lĩnh vực điện ảnh? Nên nhớ rằng, mỗi tác phẩm kịch nói tạo cảm hứng thăng hoa cho nghệ sĩ nhờ không khí tương tác của sân khấu có khán giả. Sự im lặng của khán giả, sự chăm chú của khán giả, sự hồi hộp của khán giả, sẽ khiến những lời thoại nhấn nhá bay bổng hơn, nét mặt nhân vật co giãn xúc động hơn.
Đạo diễn- Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc từng làm giám khảo nhiều cuộc thi sân khấu, khẳng định: "Liên hoan diễn ra mùa dịch, dù thi trực tiếp thì cũng phải hạn chế khán giả, mà thiếu khán giả là thiếu không khí sân khấu. Rồi thi trực tuyến thì chấm thi như thế nào khi cách một cái màn hình, cảm xúc đã khác. Như giờ bảo tôi ngồi chấm thi qua một cái máy cũng không có hứng thú. Với quy mô ngày hội chung của người làm sân khấu cả nước, thì chỉ nên diễn ra trong điều kiện bình thường, không nên có yếu tố khác biệt tác động có thể gây ra những vấn đề phức tạp".
Làm sao để Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đạt được kết quả như mong đợi. Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - Trần Hướng Dương cho rằng: "Nếu đẩy liên hoan đến sang năm thì lại tùy thuộc vào kế hoạch sang năm, vì sang năm có hoạt động khác. Kế hoạch nhà nước phê duyệt 5 năm từ 2021 - 2025, năm đầu mà ùn tắc sẽ ảnh hưởng năm sau. Duy trì tổ chức được là tốt nhất, nếu không cũng phải báo cáo để điều chỉnh. Mong muốn của chúng tôi là các nhà hát hoạt động, có chương trình phục vụ nhân dân vì thường chương trình dự thi là hay. Ban tổ chức sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, và đặc biệt mong sự có mặt của các sân khấu xã hội hoá ở TP. Hồ Chí Minh. Đến hết ngày 25/10, chúng tôi mới kết thúc nhận đăng ký của các đơn vị. Hơn thế, nếu như khu vực TP. Hồ Chí Minh có yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một đợt thi riêng ngay tại đây để có đầy đủ đại diện những gương mặt sân khấu kịch nói của cả nước. Rất mong các sân khấu xã hội hoá phía Nam sẽ có những tác phẩm dàn dựng công phu, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống".
Từ ngày 1/10, TP. Hồ Chí Minh cũng nới giãn cách, nhưng hầu hết sân khấu đều chưa thể hoạt động trở lại. Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh, ngậm ngùi: "Tiền đâu mà đi thi. Đơn vị xã hội hóa ngồi bán từng cái vé, hai năm nay dịch Covid -19 tơi bời, đóng cửa suốt, tôi còn bỏ tiền túi ra bù lương cho gần 20 anh chị em công nhân hậu đài, âm thanh, ánh sáng, soát vé, bảo vệ, đang rất khó khăn đây, không thể mơ tới chuyện dựng vở ứng thí. Tham gia liên hoan với tôi lúc này là không thể, không đủ thể lực, sức khỏe tinh thần lẫn cạn kiệt tài chính. Khi thành phố vẫn chưa thể ổn định vì dịch bệnh thì làm sao có thể sáng tạo và biểu diễn".