Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2024: Nhạc kịch lên ngôi

Chủ Nhật, 08/12/2024, 08:24

Phải hoãn do bão Yagi nên đến những ngày cuối tháng 11, Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc đợt 1 mới được tổ chức tại Vĩnh Phúc. Có thể nói, sự tham gia của các đoàn chuyên nghiệp đã tạo nên không khí và chất lượng cho một kỳ liên hoan được định kỳ 3 năm tổ chức một lần. Đặc biệt ở liên hoan lần này, nhạc kịch lên ngôi.

Bức tranh đa sắc màu

Tại lễ bế mạc, thay mặt Hội đồng nghệ thuật, NSND Nguyễn Quang Vinh đánh giá, qua 189 tiết mục biểu diễn nghệ thuật của gần 1.000 nghệ sĩ thuộc 13 đơn vị nghệ thuật từ mọi miền đã hội tụ về Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2024, đợt 1 đã tạo nên một bức tranh sinh động, đa sắc màu với những thanh âm trầm bổng.

ban t%3f ch%3fc.jpg -1
Ban tổ chức trao giải thưởng cho các đơn vị có chương trình, vở diễn đoạt Huy chương Vàng.

Liên hoan đã có một số chương trình ca múa nhạc được đầu tư xây dựng công phu từ kịch bản xuyên suốt, bám sát chủ đề của chương trình; ngay từ công tác biên tập cũng đã rất được coi trọng, lựa chọn tác phẩm phù hợp với năng lực, xây dựng các tác phẩm có nhiều yếu tố mới, trẻ trung mang tính thời đại, văn minh; xây dựng bố cục chặt chẽ với đủ các thể loại, biết kết hợp tương tác từ trang trí mỹ thuật, đạo cụ, hình ảnh, công nghệ... "Các tiết mục tham gia Liên hoan đã luôn coi trọng và nâng cao yếu tố hấp dẫn, tính giải trí; biết tận dụng khai thác kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữa các hình thái sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với lối trình diễn của sân khấu đương đại, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Và đó cũng chính là điều kiện để các nghệ sĩ có cơ hội thăng hoa tỏa sáng ở từng phần diễn...", NSND Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh bức tranh sinh động của Liên hoan, theo NSND Nguyễn Quang Vinh vẫn còn những chương trình được xây dựng chủ yếu trên nền tảng có sẵn đã được sử dụng trong nhiều năm; chưa có sự đổi mới trong các khâu, từ kịch bản đến kết cấu chương trình, từ thiết kế mỹ thuật sân khấu đến xây dựng tác phẩm; chưa có sự sáng tạo, bứt phá tạo điểm nhấn hoặc mũi nhọn trong chương trình.

Ngoài ra, công tác đạo diễn chưa được phát huy đúng mức; có những tiết mục là ca khúc thì công đoạn phối khí dàn dựng âm nhạc, dàn dựng cho ca sĩ lại chưa được coi trọng, trong khi chỉ tập trung nhiều cho hình ảnh múa minh họa, thậm chí phần ca có những đoạn bị chênh, nên chất lượng tiết mục cũng bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan nhấn mạnh, "Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc" là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp với tinh thần kế thừa và phát huy cũng như tôn vinh, quảng bá, các giá trị đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

"Trải qua 9 ngày đêm biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm. Các chương trình, vở diễn, tiết mục ca, múa, nhạc đem đến Liên hoan không chỉ thể hiện tinh hoa của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cũng như của thế giới, mà còn hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam", Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.

Xu hướng phát triển của nhạc kịch Việt Nam

Điều đặc biệt tại Liên hoan Ca múa nhạc lần này là sự xuất hiện của hai vở nhạc kịch Việt Nam, "Giấc mơ Chí Phèo" của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và "Bỉ vỏ" của Nhà hát Hải Phòng. Những mùa liên hoan trước cũng đã có những vở nhạc kịch nhưng là các tác phẩm kinh điển của nước ngoài như "Những người khốn khổ", lần này là vở "Carmen" của Nhà hát Nhạc Vũ kịch. Sự xuất hiện của "Bỉ vỏ" và "Giấc mơ Chí Phèo" minh chứng cho xu hướng phát triển của nhạc kịch Việt Nam mà chính Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc từng chia sẻ: "Việt Nam sẽ có nhiều tài năng trẻ làm nên chuyện với nhạc kịch".

b%3f v%3f.jpg -0
Nhạc kịch "Bỉ vỏ" do nghệ sĩ Tuyết Minh viết kịch bản, lời ca khúc kiêm tổng đạo diễn.

NSND Phạm Phương Thảo ngồi vị trí giám khảo hai liên hoan gần đây đánh giá: "Hội diễn ghi nhận tình yêu nghề, say nghề của các nghệ sĩ, là dịp tuyệt vời cho những người làm nghề được cống hiến và thể hiện đam mê của mình. Hội diễn năm nào cũng có điểm mạnh yếu. Năm nay, ghi nhận sự đột phá, sáng tạo của tập thể Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long với vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo".

Nhà hát với sự lãnh đạo của NSND Tấn Minh đã có những chiến lược phát triển để khuyến khích và tạo cơ hội cho các tài năng tỏa sáng. Họ biết khai thác, tôn vinh nghệ sĩ. Họ là một đơn vị luôn tiếp thu cái mới và tinh hoa của nghệ thuật thế giới, biến nó thành của mình. Họ đã biến Chí Phèo - Thị Nở của Nam Cao thành Chí phèo - Thị Nở của Dương Cầm, Tấn Minh.

Điều này cho thấy rõ ràng, chúng ta rất có tiềm năng và nhiều nghệ sĩ tài năng, điều quan trọng là phải mạnh dạn bứt phá và không ngừng sáng tạo. Bởi bên cạnh đó vẫn có những nhà hát, những tác phẩm cũ, đi theo lối mòn. Họ chỉ dừng lại ở điểm xuất phát chứ không sáng tạo, không mang đến những điều mới mẻ cho liên hoan".

Trước đó, hàng ngàn khán giả có mặt tại Nhà hát Vĩnh Phúc đã chứng kiến "Chí Phèo" "hồi sinh" trên sân khấu Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long. Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch Broadway được cảm tác từ văn chương nước nhà. Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch mang tầm vóc quốc tế do chính người Việt sản xuất. Lần đầu tiên, khán giả đại chúng trong nước được thưởng thức Musical made in Vietnam và thưởng thức trọn vẹn những màn hát live.

Và nhiều người phải thốt lên "hoá ra nhạc kịch lại hay đến thế!", "Giấc mơ Chí Phèo" như đã tạo nên những cuộc gặp gỡ đầy giá trị; giữa văn học và nhạc kịch, cuộc gặp gỡ của Chí Phèo "luân hồi" quá khứ và hiện thực, cuộc gặp gỡ trong nghệ thuật của Nhà văn Nam Cao và ekip sản xuất nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo". Và tựu chung trong một thông điệp giá trị và cao đẹp bất di bất dịch: "Là người bình thường và ai cũng muốn mình được yêu thương!".

Ca sĩ Đông Hùng lần đầu tiên giành Huy chương vàng trong sự nghiệp với vai diễn "Chí Phèo" trong vở nhạc kịch chia sẻ: "Tôi đã chờ đợi hơn 6 năm rồi. Chí Phèo đã đưa tôi vào thế giới đầy cảm xúc và thử thách, rất tự hào khi được thể hiện nhân vật này. Đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi. Tôi cảm ơn và trân trọng thời gian, mồ hôi công sức của tất cả anh chị em cơ quan đã cống hiến cho Vở nhạc kịch, tâm huyết tập luyện cùng nhau. Đó là những nỗ lực, vượt ra khỏi vùng an toàn của mình".

Vở nhạc kịch "Bỉ vỏ" do Biên đạo múa Tuyết Minh làm tổng đạo diễn cũng đã có những đêm diễn cháy vé ở Nhà hát Hải Phòng trước khi tham dự liên hoan. "Bỉ vỏ" chuyển thể từ tác phẩm "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng, với khát vọng, mang đến một vở nhạc kịch "thuần Việt" cho khán giả.

Một mùa liên hoan khép lại, và một xu hướng mới được mở ra. Điều này sẽ góp phần kích hoạt đời sống nghệ thuật nước nhà, tạo ra những thực đơn phong phú cho mọi người thưởng thức thay vì hiện nay, nhạc pop đang chiếm sóng cả truyền hình lẫn concert.

Tại lễ bế mạc, BTC đã trao 2 giải xuất sắc cho: Vở diễn opera ballet "Carmen" của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo" của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; 2 huy chương Vàng cho chương trình: "Con đường từ trái tim" của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và "Tổ chim bên sườn núi" của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Lạng Sơn; 3 huy chương Bạc cho chương trình và vở diễn: "Vĩnh Phúc - Quê hương tôi" của Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, "Lào Cai - Mạch nguồn chảy mãi" - Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai và "Bỉ vỏ - Cũng một kiếp người" của Đoàn ca múa Hải Phòng.

Đồng thời, BTC cũng trao 24 huy chương Vàng và 42 huy chương Bạc cho các tiết mục, diễn viên; 7 giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo, gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc; tổng đạo diễn xuất sắc; nhạc sĩ xuất sắc; chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch xuất sắc; hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc; tác giả kịch bản xuất sắc; diễn viên hát chính xuất sắc tham gia liên hoan.

Mỹ Hiền
.
.