Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc: "Sân chơi" lớn chờ đợi những tài năng

Thứ Năm, 23/06/2022, 14:47

Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 (đợt 2) do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức sẽ kéo dài trong 13 ngày, khai mạc vào ngày 17/ 6 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Thể hiện tâm thế người lính

Mặc dù 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhưng các đơn vị nghệ thuật đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong việc xây dựng các chương trình, vở diễn nghệ thuật với nhiều loại hình, thể loại, đồng thời đã có kế hoạch triển khai tốt cho hoạt động biểu diễn trở lại khi dịch bệnh tạm thời được khống chế. Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 đợt 1 đã được tổ chức thành công tại Hải Phòng vào cuối năm 2021. Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 đợt 2 tiếp tục thu hút hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước.

Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc:
Một cảnh trong vở nhạc kịch "Người cầm lái" - tác phẩm tham gia Liên hoan của Nhà hát CAND.

Nhà hát CAND mang đến Liên hoan vở nhạc kịch "Người cầm lái". Đây là vở nhạc kịch đầu tiên của các nghệ sĩ Công an về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đầu tư dàn dựng, ra mắt lần đầu vào tháng 4/2022 tại Hà Nội trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát CAND, công diễn toàn bộ vào tháng 5/2022 trong dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung vở nhạc kịch xoáy sâu về quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Hình tượng Bác Hồ được chuyển tải qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, từ khi Người còn là cậu bé 5 tuổi ở Nam Đàn (Nghệ An) đến khi trở về quê hương, chèo lái con thuyền cách mạng… Nhạc kịch "Người cầm lái" được xây dựng ở hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm được coi là bước ngoặt của Nhà hát CAND, thể hiện nỗ lực rất lớn của những chiến sĩ, nghệ sĩ trong lực lượng CAND.

Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội năm nay tham gia Liên hoan với chương trình mang chủ đề "Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng". Chương trình được kết cấu theo 3 chương thể hiện nổi bật sức trẻ của người lính hôm nay luôn kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước thông qua sự sáng tạo tươi mới trong nghệ thuật ca, múa, nhạc.

Với 13 tiết mục sáng tác mới hoàn toàn, do đội ngũ nhạc sĩ, biên đạo (chủ yếu là của quân đội và lực lượng trẻ, mới của nhà hát sáng tác), chương trình đưa người xem cảm nhận những phong cách mới mẻ, trẻ trung và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng ngày hôm nay. Các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu từ hòa âm, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, trang phục…

Ngoài những tiết mục phản ánh tâm thế luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng phục vụ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, như: Hợp xướng dàn nhạc "Tự hào người lính thời đại mới", múa "Tần số", múa "Thước ngắm"…; còn có các tiết mục mang đậm âm hưởng nghệ thuật truyền thống, như: Hòa tấu dàn nhạc "Tiếng vọng non sông", hát "Thương nhớ hậu phương", múa "Em và núi"…

Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (NSƯT Hồng Hạnh), Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Chỉ đạo nghệ thuật chương trình "Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng" cho biết, để chuẩn bị chương trình cho Liên hoan lần này, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã lên kế hoạch dàn dựng cũng như tập luyện trong thời gian gấp gáp, chỉ vỏn vẹn trong 2 tháng do đại dịch COVID-19 kéo dài. Sát đến ngày lên đường tham gia Liên hoan, hơn 130 nghệ sĩ, diễn viên, thành phần sáng tạo của từng bộ phận như biên đạo, hòa âm, phối khí, đoàn ca, đoàn múa… thường xuyên tập luyện xuyên đêm, có hôm tới 2-3 giờ sáng.

"Ghi nhận ở đội ngũ tham gia chương trình lần này là sự nỗ lực, quyết tâm cao, tinh thần lạc quan, đam mê cống hiến với ý nghĩa mang màu sắc đặc trưng của nghệ thuật quân đội đến sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp lớn toàn quốc. Hy vọng chương trình mang đến khán giả, đồng nghiệp sắc màu nghệ thuật mới, trẻ trung, sáng tạo góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới và đạt thành tích cao trong Liên hoan", Đại tá, NSND Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Mang bản sắc của từng vùng miền

Mỗi đơn vị nghệ thuật đến với Liên hoan đều cố gắng mang bản sắc của từng vùng miền giới thiệu đến công chúng xa gần. Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa) mang đến chương trình "Khánh Hòa miền đất tình yêu và huyền thoại", Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Ninh Thuận mang đến chương trình "Miền đất nắng", Đoàn Nghệ thuật Kh'me (tỉnh Sóc Trăng) mang đến chương trình "Quê hương nhớ ơn Bác", Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng mang đến chương trình "Đà Lạt - Suối nguồn cổ tích", Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - TP. Hồ Chí Minh mang đến chương trình "Sen trắng"… Năm nay Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn mang đến chương trình nghệ thuật "Huyền tích non cao".

Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc:
Tiết mục "Tự hào người lính thời đại mới" mở màn chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tham gia Liên hoan.

Theo NSƯT Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn thì "Huyền tích non cao" tập hợp hơn 50 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật. Thông qua các tác phẩm viết về xứ Lạng, sự gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Lạng, trong đó đặc biệt là 3 dân tộc Tày, Nùng, Dao, chương trình tập trung giới thiệu về mảnh đất, con người xứ Lạng đẹp, nên thơ, dạt dào nghĩa tình. Chương trình biểu diễn trong khoảng từ 85-90 phút, gồm 13 tiết mục với các thể loại hát, múa độc lập, song ca, đơn ca, tốp ca nam, nữ, hòa tấu nhạc cụ…

Theo nghệ sĩ Thanh Quý, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, chỉ đạo nghệ thuật chương trình "Giếng tiên" thì việc Nhà hát tham gia Liên hoan lần này có lẽ là hơi quá sức. Bởi trong quan họ thì không có múa mà chỉ có ca truyền khẩu, nhạc thì chỉ có dàn nhạc dân tộc. Nhà hát đã phải khắc phục để có điều kiện đủ 3 loại hình ca, múa, nhạc đáp ứng yêu cầu của Ban tổ chức.

Ban tổ chức cũng có những yêu cầu khắt khe mà chúng tôi không thể mang quan họ truyền thống đi biểu diễn được. Tất cả phải sáng tạo trên nền tảng dân ca quan họ, giữ được quan họ nhưng không rập khuôn. Điều đó yêu cầu ekip đạo diễn và Ban lãnh đạo Nhà hát phải suy nghĩ, đắn đo, bàn luận rất nhiều. Hiện nay, cơ bản chúng tôi đã hài lòng với chương trình đã dàn dựng và hy vọng tại Liên hoan chúng tôi sẽ thể hiện một cách hoàn thiện nhất, đẹp nhất và giành giải cao nhất. Dẫu đánh giá của Hội đồng nghệ thuật như thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi đã cố gắng, nỗ lực hết sức.

Là đơn vị chủ nhà của Liên hoan năm nay, với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk là một áp lực rất lớn. Nghệ sĩ Kpă Tố Nga, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk cho biết, Đoàn tham gia chương trình mang tên "Những bức tranh Bazan đỏ" gồm 2 phần: "Ký ức cội nguồn", "Những bức tranh Bazan đỏ". Thông điệp của chương trình là vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại, kết nối với địa phương để gìn giữ, phát huy lợi thế văn hóa của 49 dân tộc anh em sinh sống tại Đắk Lắk. Chương trình diễn ra trong khoảng 80 phút, bao gồm ca, múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Chúng tôi đã có những áp lực nhưng luôn được lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh quan tâm, động viên, hỗ trợ hết mức.

Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp. Đây chính là "sân chơi" lớn chờ đợi những tài năng, nơi để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, làm mới, đa dạng hóa hình thức trình diễn, mang dấu ấn vùng miền cũng như phong cách cá nhân.

Ngô Đăng Khoa
.
.