Lê Thiết Cương - Người trân trọng những ký ức
Họa sĩ Lê Thiết Cương lâu nay không được khỏe. Anh có một cơn ốm vô cơn cớ đã hành anh hơn một năm nay chưa dứt. Nhưng dù ốm đến thế, dù mới phẫu thuật về, ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh với việc sinh hoạt còn khó khăn thì Lê Thiết Cương hình như chưa từng đầu hàng với mọi cơn đau. Anh làm việc mọi nơi, mọi lúc trong mọi tình huống có thể.
Vừa tỉnh dậy sau một ca mổ phức tạp kéo dài, anh đã có thể nghĩ ra việc và triển khai việc được ngay. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói bạn mình Lê Thiết Cương là “Trưởng ban bè bạn”. Nhưng tôi thấy thêm ý này, Lê Thiết Cương, con người có một tình yêu “sống chết” với nghệ thuật. Anh mê ký ức, yêu, quý, trân trọng, gìn giữ những ký ức và luôn có nhu cầu làm sống lại, lộng lẫy hơn những ký ức của đời, của người.

- Thưa anh, tôi có cảm tưởng như nếu không làm việc, nếu không bận rộn, Lê Thiết Cương không còn là Lê Thiết Cương nữa, anh sẽ lạc mất, bỏ rơi mất chính mình?
+ Tổ chức triển lãm ra mắt sách v.v... thì đều có kế hoạch trước nhưng ốm thì bỗng dưng, cái ốm làm gì có kế hoạch. Cho nên “tỉnh dậy sau ca mổ là triển khai ngay mọi việc” vì làm bất kể việc gì mà lên kế hoạch trước sẽ bớt mệt hơn. Những việc mà mình đã lên lịch thì tất thẩy đều là việc mà mình mê. Làm vì mê đắm cũng bớt mệt thêm nữa. Mê đắm mà không được làm thì có khi lại… ốm ấy chứ. Một lý do cuối: đã chửa thì phải đẻ, hoãn gì chứ hoãn đẻ sao được.
- Hai năm gần đây, sức khỏe của anh không được tốt. Cuộc đại phẫu lần thứ nhất năm ngoái đã lấy đi của anh thời gian và sức lực khá nhiều. Vậy mà không ai hình dung được Lê Thiết Cương vẫn làm việc “như điên”, ra mắt sách cho chính mình và cho những người bạn, cùng với việc tổ chức các sự kiện đình đám liên miên. Anh lấy đâu năng lượng để thỏa mãn những khát vọng công việc như vậy?
+ Tôi là con người của công việc. Không làm việc mới là ốm. Làm việc tôi thấy vui, khỏe hơn và cuộc sống của tôi vì thế cũng hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
- Hình như càng ốm, Lê Thiết Cương càng làm việc như chưa từng bận rộn hơn. Năm ngoái, anh ra mắt “Nhà và Người” cuốn sách vô cùng quý về những câu chuyện văn hóa của một ngôi làng, một mảnh đất, một phố thị mà nhìn nhận ra là câu chuyện văn hóa của cả một dân tộc. Lê Thiết Cương là người luôn nặng lòng với đời sống vốn dĩ ngổn ngang và không kém phần đẹp đẽ này?
+ Không ốm thì cuốn tản văn "Nhà và Người" vẫn được ra đời vì đó là những bài viết được chọn lọc từ khoảng hơn 20 năm (2001-2024) chứ không phải là viết trong vài tháng để làm sách. Tên sách là thế nhưng thực ra tôi viết về chuyện nhà cửa là để thấy được chuyện người, người Việt, văn hóa Việt, chuyện gìn giữ di sản, chuyện phong tục, chuyện nết người, nếp người. Toàn những chuyện mà tôi yêu thích, quan tâm kỹ, tìm hiểu sâu. Tôi làm vì tôi thích nên tôi thấy khỏe ra.
Tôi tự cho rằng, cuốn sách rất cần ra đời lúc này. Càng hội nhập, càng phát triển thì càng cần một bệ đỡ văn hóa vững. Tuy cuộc sống hôm nay giàu có về vật chất hơn trước nhưng cũng còn nhiều điều chưa hay, chưa đẹp, ví dụ như ý thức tự giác tuân thủ luật lệ giao thông hoặc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, chuẩn mực phát ngôn trên mạng v.v... Muốn “vươn lên” thì hãy cúi xuống trước, cúi thấp xuống để nhìn lại cái chân đế văn hóa của mình đã tốt chưa. Phát triển kinh tế mà để mất văn hóa thì vô nghĩa. Chả phải ngẫu nhiên mà ngay đoạn mở đầu của "Bình Ngô Đại Cáo", Nguyễn Trãi hai lần nhấn mạnh văn hóa: “văn hiến” và “phong tục”, hơn 500 năm mà vẫn thời sự.
- Chưa hết, cũng chính năm ngoái anh đã làm hai sự kiện đặc biệt ý nghĩa cho bạn anh và thầy anh, đó là cuộc kỷ niệm 1 năm ngày mất của họa sĩ Trịnh Tú, và lễ ra mắt sách “Nhưng di cảo lần đầu tiên được công bố của Đặng Đình Hưng”. Lễ ra mắt sách đúng vào sinh nhật của nhà thơ Đặng Đình Hưng và cũng là dịp nghệ sĩ Piano Đặng Thái Sơn con trai của Đặng Đình Hưng về nước biểu diễn. Mà lúc đó tình trạng sức khỏe của anh rất tệ khi anh chuẩn bị cho cuộc đại phẫu lần 2. Anh có thể chia sẻ một chút lí do cũng như ý nghĩa của hai sự kiện này.
+ Về lý do tôi “xắn tay áo” lao vào làm 2 cuốn sách "Di cảo Đặng Đình Hưng" và "Chuyện hình sắc" của Trịnh Tú rất giản dị thôi.
Cụ Đặng Đình Hưng là thầy tôi, làm sách để tri ân thầy thì ai cũng nên làm. Hơn nữa phần lớn những di cảo, bút tích ấy của thầy là do bạn bè tin tưởng đưa tôi và mong muốn tôi làm. Tôi không muốn phụ lòng bạn. Mà cũng là bởi tôi là loại người thích đọc sách, thích làm sách…
Còn về cuốn của Trịnh Tú, dễ hiểu lắm, anh ấy là bạn tôi, thâm niên những 40 năm, thân tình là một, hai nữa là tôi thích cách bình luận về hội họa của Trịnh Tú. Viết phê bình nhưng không khô khan, vẫn có chuyện, có văn. Sách lý luận phê bình hội họa đâu có nhiều người viết. "Chuyện hình sắc" rất cần ra sạp để mọi người được biết đến có một Trịnh Tú ngoài vẽ, anh ấy viết về hội họa rất hay.
- Mới đây, anh chính là người khởi xướng và là giám tuyển cho cuộc triển lãm gốm lấy cảm hứng từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cuộc triển lãm được tổ chức trong những ngày đầu tháng 4 ở Hàng Buồm, Hà Nội rất thành công. Họa sĩ Nguyễn Phan Bách, con trai của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có chia sẻ với chúng tôi, anh lên ý tưởng ngay trên giường bệnh. Ốm thế mà vẫn chỉ đạo công việc sát sao từng tí một, không phút nào lơi là. Thật đáng khâm phục cái tình cũng như những cống hiến nghệ thuật của anh. Nhưng nếu tôi hỏi anh, rằng anh làm triển lãm gốm Thiệp vì muốn Nguyễn Huy Thiệp vui hay anh làm để thỏa mãn tình yêu với những người bạn và ký ức của mình?

+ Triển lãm Gốm Thiệp thì ngoài kế hoạch nhưng tôi “ngửa tay xin đám” với hai con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vì anh ấy cũng là một người bạn đặc biệt, một người anh của tôi. Tôi vừa yêu văn chương trong đó có văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, như rất nhiều người khác. Tôi là người đọc, tôi thấy văn anh Thiệp rất gợi ý gợi hình cho hội họa. Một điểm nữa là anh Thiệp và tôi cùng yêu thích vẽ trên gốm.
Trước đây tôi đã làm các triển lãm Thơ gốm (2017), Kinh gốm (2020), Kiều gốm (2022), Đặng Đình Hưng gốm (2021) nên cũng có chút kinh nghiệm. Ngần ấy lý do tạo ra năng lượng cho tôi. Thật may mắn được cùng gia đình anh Thiệp tổ chức triển lãm này nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của anh ấy. Có nhiều Nguyễn Huy Thiệp đâu, muốn cũng chả được ấy chứ. Và chị nói đúng, tôi làm vì muốn trên trời cao xa xanh kia Thiệp sẽ vui. Và kết quả là dưới trần gian tôi cũng đang rất vui và hạnh phúc.
- Trong khi cuộc triển lãm gốm Nguyễn Huy Thiệp đang diễn ra anh đã tiếp tục cuốn sách "Album trắng" của Lê Đạt kịp ngày giổ của ông vào 13/4 và khởi xướng cuốn sách “Thơ trong sổ tay” của cố nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng với việc phát động trong bạn bè của Thụy Kha vẽ từ cảm hứng thơ của anh Kha kịp ra mắt trong lễ 49 ngày mất. Anh làm tất cả những việc này nhiều khi tôi thấy không hẳn vì bạn anh, những người đã khuất mà vì chính anh, vì “những cơn đói bạn” vì những ký ức không thể đánh mất?
+ Cuốn "Album trắng" của nhà thơ Lê Đạt tôi được con gái nhà thơ nhờ làm. Tôi nhận lời ngay vì tôi có nhiều kỷ niệm với ông từ hồi gặp ông lần đầu, 1985 ở nhà cụ Đặng Đình Hưng, sau này thì ông và tôi cùng là cộng tác viên của Tạp chí Tia Sáng. Tôi đã được làm sách cho cụ Đặng Đình Hưng, cuốn "Di cảo" đã nhắc ở trên, được làm cuốn "Hoàng Cầm trăm bài"… nên rất muốn được làm cuốn này của nhà thơ Lê Đạt. Các cụ là bạn nhau. Nhưng trước hết là tôi cũng là fan của cụ Lê Đạt.
10 năm cuối đời, anh Thụy Kha gắn bó với tôi, gặp gỡ thường xuyên ở nhà tôi, ở quán và những lần đi chơi xa cùng. Vừa là hàng xóm, vừa là bạn văn nghệ. Một người bạn đặc biệt của mình “đi xa”, buồn! Thôi thì chọn những bài thơ của anh ấy ghi trong sổ tay của tôi để cố gắng ra mắt đúng dịp 49 ngày là ý nghĩa nhất, để giải buồn.
- Sống chính là công việc lớn nhất của anh, và yêu thương, tha thiết với cuộc đời, với con người là bầu khí quyển của anh, là không khí để anh thở, là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo?
+ Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều “bầu tôi” làm Trưởng ban bè bạn. Tôi luôn “đói bạn”, chữ của Nguyễn Thụy Kha đấy. Có lẽ bởi bạn làm cho cái nghĩa sống và nghĩa người đẹp lên nhiều lắm chăng?
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương.