Lễ hội âm nhạc: Thúc đẩy công nghiệp âm nhạc phát triển
Những ngày cuối năm, hai lễ hội âm nhạc “Hò Dô” và “Dalat Concert Spring” đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Bằng nghệ thuật biểu diễn, bằng âm nhạc, hai địa chỉ này đang trở thành điểm đến của nhiều ngôi sao quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Sự giao thoa văn hóa độc đáo
Lễ hội âm nhạc quốc tế “Hò Dô” đã đi đến mùa thứ 4, trở thành "đại tiệc" quen thuộc của công chúng TP Hồ Chí Minh và du khách. Với khát vọng đưa “Hò Dô” trở thành một trong những sự kiện văn hóa quan trọng nhất của năm tại TP Hồ Chí Minh, ban tổ chức đã toại nguyện khi công chúng luôn mang tâm thế háo hức đợi chờ. Đây là sự kiện được tổ chức theo định hướng của TP Hồ Chí Minh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030; mở ra cơ hội để thành phố khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa hàng đầu khu vực.
“Hò Dô” 2024 với hơn 250 nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia, mang đến những màn trình diễn ấn tượng, tạo nên bức tranh âm nhạc phong phú, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Trong đó, ca sĩ Mỹ Tâm là một trong những biểu tượng của âm nhạc Việt Nam đương đại, Henry Lau là ngôi sao quốc tế lần đầu biểu diễn tại Việt Nam, HIEUTHUHAI là rapper trẻ mang tinh thần đổi mới của nhạc Việt...
“Hò Dô” 2024 còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ tài năng như: Thịnh Suy, Hoàng Dũng, Vũ Thanh... và các nhóm nhạc quốc tế nổi tiếng như Psychic Fever (Nhật Bản), Nfamady (Xứ Wales), The Big Day (Scotland), Greta (Đan Mạch), A Train (Hàn Quốc)... Sự góp mặt của nghệ sĩ Võ Vân Ánh (Vanessa Võ) - từng đoạt giải Emmy danh giá năm 2003 và là người đầu tiên mang âm nhạc truyền thống Việt Nam đến Nhà Trắng năm 2016 - cùng nhóm Blood Moon Orchestra hứa hẹn sẽ mang đến sức hút độc đáo cho sân khấu Local Labels Stage. Võ Vân Ánh không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.
Cũng trong những ngày cuối năm này, 21/12, tại TP Đà Lạt thơ mộng sẽ diễn ra lễ hội âm nhạc "Dalat Spring concert", dự kiến được tổ chức thường niên nhằm lan tỏa hình ảnh Đà Lạt là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc được UNESCO công nhận và hướng đến xây dựng Đà Lạt là điểm đến âm nhạc đỉnh cao thế giới, cụ thể hóa cam kết của Đà Lạt khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO. Dự án âm nhạc quốc tế "Dalat Spring Concert" với sự tham gia của các huyền thoại âm nhạc thế giới: Boney M.Liz Mitchell, Joy và Samantha Fox với những giai điệu sôi động, miễn phí vé vào cửa.
Theo ông Nguyễn Thùy Dương - Giám đốc của IBGroup - đơn vị tổ chức "Dalat Spring Concert": "Hiện nay các lễ hội âm nhạc Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế. Như vậy mới có thể mời các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam". Ông Dương kể: "Dalat Spring Concert là có 3 nhóm nghệ sĩ trình diễn, chúng tôi phải chuẩn bị 3 hệ thống âm thanh độc lập đạt chuẩn yêu cầu của ban nhạc. Với không gian đó sức nghe là bao nhiêu dB để khán giả nghe được. Với sự kiện này chúng tôi phải chuẩn bị 6 bàn mixer để vận hành toàn bộ hệ thống âm thanh, tạo ra chất âm thanh trung thực nhất của đêm nhạc".
Hiện chúng ta đã khắc phục được cả những khó khăn như một keyboard có thể lên tới 100.000 USD nhưng theo yêu cầu của Boney M là keyboard phải sản xuất cách đây hơn 20 năm. "Chúng tôi mất 3-4 tuần đi tìm, đến hôm nay mới thấy vì chỉ nó mới cho ra chất nhạc Disco. Chúng tôi phải đáp ứng mọi yêu cầu để họ thể hiện chất âm nhạc của các nghệ sĩ", ông khẳng định. Những nỗ lực này một lần nữa khẳng định, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các ngôi sao quốc tế và đang là điểm đến của nhiều nghệ sĩ thế giới. Những lễ hội âm nhạc như "Hò Dô" và "Dalat Spring Concert" chính là cầu nối lan tỏa.
Nhạc sĩ Huy Tuấn, Tổng đạo diễn của lễ hội âm nhạc quốc tế “Hò Dô” cũng khẳng định với báo giới rằng: "Chúng tôi hay nói với nhau một câu nghe có vẻ to tát nhưng thực ra rất chân thành, đó là mình đang mang thế giới về Việt Nam và mang Việt Nam ra thế giới. Qua những lễ hội thế này, tôi hy vọng TP Hồ Chí Minh sẽ dần được định vị như một địa chỉ văn hóa hấp dẫn mà các ngôi sao, nghệ sĩ thế giới đi tour nhớ đến".
Những không gian âm nhạc sáng tạo
Ông Trần Thanh Hoài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng chia sẻ: "Đà Lạt chọn nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh là hai mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa. Tham vọng của chúng tôi muốn chọn Bảo Lộc làm xứ sở của trà và tơ lụa, hướng tới thành phố sáng tạo của UNESCO về ẩm thực. Chúng tôi xác định du lịch văn hóa là tất yếu, chúng tôi chọn cách đi khác biệt. Chỉ khi sự khác biệt đó nổi bật thì sẽ trở thành sự khác biệt và “Dalat Spring Concert” cũng là một sự khác biệt".
Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt tại lễ họp báo công bố chương trình cũng khẳng định: "Chương trình này có tính kết nối để Đà Lạt có không gian âm nhạc sáng tạo mang đẳng cấp quốc tế. UBND tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ rất nhiều, kể cả kinh phí, để Đà Lạt tổ chức các chương trình âm nhạc quy mô tổ chức sự kiện âm nhạc quốc tế. Khi tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, Đà Lạt cam kết tham gia các hoạt động trong 3-5 năm tới.
“Dalat Spring Concert” khẳng định đây là điểm đến kết nối các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Việc các nghệ sĩ quốc tế đến Đà Lạt sẽ là cách quảng bá cho Đà Lạt, Lâm Đồng. Với những đêm nhạc 15.000 ghế, lượng du khách đến xem có thể lên tới khoảng 20-25 nghìn người, kín quảng trường Lâm Viên. Lần đầu tiên một ban nhạc quốc tế đến thành phố cùng các ca khúc đi vào lòng người thập niên 1970-1980 nhưng chương trình không bán vé. Đây là sự tri ân của Đà Lạt với nhân dân, du khách, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ mang thương hiệu quốc tế đến Đà Lạt, kết nối không gian biểu diễn mang đẳng cấp, chất lượng nâng tầm quốc tế".
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: "Sau nhiều năm tổ chức, “Hò Dô” đã trở thành biểu tượng văn hóa nổi bật của TP Hồ Chí Minh với mô hình hoàn toàn miễn phí dành cho cộng đồng, góp phần khẳng định vị thế của thành phố trên bản đồ văn hóa quốc tế.
Mỗi mùa tổ chức, “Hò Dô” đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo. Việc hợp tác với các lễ hội âm nhạc quốc tế lớn trong khu vực và các mạng lưới sáng tạo toàn cầu cũng đã đưa “Hò Dô” trở thành cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn ở các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật và du lịch.
Thông qua “Hò Dô”, TP Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến như một trung tâm kinh tế năng động, sáng tạo, hội nhập mà còn là một điểm hẹn giao lưu văn hóa quốc tế. Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của TP Hồ Chí Minh, nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Liên hoan Âm nhạc quốc tế “Hò Dô” hướng tới nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này".
Theo thống kê, “Hò Dô” qua các năm tổ chức đã thể hiện sự phát triển về nhiều mặt, với những con số ấn tượng. Năm 2023, sự kiện đã thu hút hơn 200.000 lượt người tham dự qua 3 đêm diễn, trong đó có đông đảo du khách quốc tế. Thành công này đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần đưa TP Hồ Chí Minh trở thành điểm hẹn âm nhạc chất lượng cao trên bản đồ lễ hội âm nhạc quốc tế, tạo đà để thành phố định hình là một trung tâm kinh tế và văn hóa trong khu vực. Đà Lạt cũng hy vọng sự lan tỏa mạnh mẽ của lễ hội âm nhạc, định vị nơi này trở thành một điểm đến của các nghệ sĩ quốc tế và trong nước. Đó là những giá trị mà chúng ta có được từ việc phát triển nguồn lực về văn hóa mà các lễ hội âm nhạc mang lại.