Lăng kính đa chiều từ kho báu dân gian

Thứ Bảy, 24/08/2024, 09:50

Vài năm gần đây, kho tàng thần thoại, cổ tích, văn hóa dân gian Việt Nam trở thành “mỏ vàng” bất tận cho các nhà làm phim khai thác. Sự thành công liên tiếp của dòng phim này trên màn bạc càng khiến đề tài dân gian nóng sốt và sôi động hơn bao giờ hết.

Sắp ra rạp vào tháng 9 tới có “Con Cám” của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Đây là phiên bản kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám”. Dù là tân binh nhưng đạo diễn Trần Hữu Tấn đã sớm ghi dấu ấn với người yêu nghệ thuật thứ bảy bởi thương hiệu phim kinh dị đậm chất dân gian như “Bắc Kim Thang”, “Tết ở làng Địa Ngục”, “Kẻ ăn hồn”…

Trong đó “Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” được giới chuyên môn lẫn khán giả khen ngợi nhờ câu chuyện lôi cuốn lẫn kỹ xảo, tạo hình chân thực. Lần trở lại này, đạo diễn Trần Hữu Tấn lấy Cám làm nhân vật trung tâm để thể hiện cho những góc khuất đáng sợ của con người. Dù mới tung trailer (đoạn giới thiệu phim) nhưng tạo hình khủng khiếp của Cám cùng những chuyện ma quái quanh ngôi làng, cái giếng vẳng lên câu hát “Bống bống bang bang/ Lên ăn máu thịt, máu thịt nhà ta”… trong “Con Cám” khiến khán giả tò mò và nóng lòng chờ ngày khởi chiếu.

Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả không quá bất ngờ với giới làm phim. Bởi năm 2016, tác phẩm điện ảnh đầu tiên xung phong đưa “Tấm Cám” lên màn ảnh rộng là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng từng gây sốt. Với khán giả mọi lứa tuổi, “Tấm Cám” là truyện cổ tích quá quen thuộc, là đại diện tiêu biểu trong kho tàng dân gian Việt Nam. Vậy nên việc điện ảnh khai thác câu chuyện này khiến ai ai cũng nức lòng và mong đợi. Thời điểm “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân ra mắt, dù bị ép suất chiếu, kỹ xảo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, nội dung pha trộn thiếu thuyết phục… nhưng phim vẫn thắng lớn (gặt hái 66,5 tỉ đồng). Điều đó cho thấy cơn khát của công chúng về phim văn hóa dân gian cháy bỏng đến mức nào.

1 con cam.jpg -0
Tạo hình đáng sợ của nhân vật Cám trong phim kinh dị "Con Cám".

Nhưng mặc cơn khát ấy, số phim về đề tài dân gian sau đó vẫn như giọt nước mùa hạn. Nhà làm phim ngại “đụng” bởi dòng phim này thường dụng công về kỹ xảo, trang phục, kinh phí lớn…. Sau “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, phải đến ba năm sau, màn bạc mới có thêm “Trạng Quỳnh”. Gây thất vọng toàn tập về một nhân vật Trạng Quỳnh ngô nghê, thô thiển nhưng “đứa con tinh thần” của đạo diễn Đức Thịnh vẫn là sự lựa chọn số một của khán giả vào dịp đầu năm. Người ta châm chước cho phim ít nhiều cũng bởi cái mác văn hóa dân tộc mà nó mang. Cùng năm, “Bắc Kim Thang”- tác phẩm kinh dị lấy cảm hứng từ bài hát thiếu nhi “Bắc Kim Thang”, ra đời và cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng.

Những tưởng khi “Trạng Tí phiêu lưu ký” của Ngô Thanh Vân ra đời năm 2021 sẽ là cú hích cho dòng phim này phát triển. Bởi nhà sản xuất - diễn viên Ngô Thanh Vân từng ôm mộng xây dựng một “vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam” như mô hình vũ trụ điện ảnh nổi tiếng của hãng Disney bên trời Tây. Kế hoạch thực hiện loạt dự án chuyển thể các câu chuyện thần thoại, cổ tích của nước nhà lên màn ảnh như: “Thằng Bờm”, “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”, “Ông Kẹ”… đã được Ngô Thanh Vân lên bài bản, chi tiết. Đáng tiếc “Trạng Tí phiêu lưu ký” hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề do dịch bệnh hoành hành, phải dời lịch liên tục. Từ cú “ngã ngựa” này, loạt dự án thuộc “vũ trụ cổ tích” của “đả nữ” họ Ngô đành tạm cất kho.

Phải chờ đến năm 2023, dòng phim lấy cảm hứng dân gian mới thực sự bùng nổ. Hàng loạt tác phẩm thuộc dòng kinh dị nối đuôi nhau ra rạp như “Kẻ ăn hồn”, “Quỷ cẩu”, “Ma Da”… Hầu hết số phim trên đều gặt hái doanh thu khả quan. Sắp tới, ngoài “Con Cám” ra rạp còn có “Đèn âm hồn”, “Linh miêu”, “Bà Chằng”, “Cố nội anh là Thủy Tinh”… sắp bấm máy.

Câu chuyện cổ tích, truyền thuyết hay thần thoại luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với mọi đối tượng công chúng. Nó hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ và dệt nên thế giới mộng mơ, kỳ ảo cho con người. Đó là ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống xóa hết những bất công, thù hận để yêu thương nhau. Do đó, công chúng luôn mỏi mắt trông chờ các câu chuyện ấy được bước lên màn ảnh rộng để họ đắm chìm trong thế giới tuổi thơ đầy ước vọng một lần nữa.

Trong khi phim Việt đang khan hiếm kịch bản trầm trọng thì kho tàng truyện cổ dân gian rõ ràng là nguồn kịch bản bổ sung vô cùng quý giá. Ngô Thanh Vân từng đặt câu hỏi: “Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng nguồn từ các kịch bản remake của nước ngoài? Trong khi những bộ phim cổ tích, thần thoại ấy không chỉ thu hút công chúng trong nước mà còn dễ dàng quảng bá với bạn bè quốc tế vì nét đẹp văn hóa truyền thống riêng biệt”.

Ngoài chiều theo thị hiếu khán giả, tôn vinh văn hóa dân tộc thì sự phát triển của ngành kỹ xảo Việt Nam cũng là bước đà quan trọng để mảng phim này nở rộ. Chuyên gia kỹ xảo Mai Văn Tài cho hay: “Với các phim như khoa học viễn tưởng, siêu anh hùng, phim cổ trang, fantasy như cổ tích, thần thoại... thì kỹ xảo đóng góp đến 70% sự thành công”. Theo thống kê của Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam, hiện nước ta có hơn 100 studio chuyên về hiệu ứng kỹ xảo, hoạt hình và game. Chưa kể chi nhánh của các xưởng kỹ xảo nổi tiếng của Hàn Quốc, Pháp, Nhật đóng ở Việt Nam khá nhiều, chất lượng gia công cao trong khi giá thành ngày càng rẻ.

2 linh mieu.jpg -1
Hai diễn viên trong phim "Linh miêu".

Là mảnh đất tiềm năng nhưng phim lấy cảm hứng chuyện xưa, tích cũ không phải là món ăn dễ làm. Món ăn này được ví như một món đặc sản vùng miền. Bản gốc tuy quen thuộc đấy nhưng nếu chuyển thể thành phim, thì đầu bếp phải làm sao không được làm lệch vị (tinh thần câu chuyện) nhưng vẫn mang đến sự lạ miệng, đã mắt. Điều này đòi hỏi nhiều thách thức ở khâu kịch bản. Theo đạo diễn Việt Linh, câu chuyện dân gian có lợi thế là quen thuộc với mọi người nhưng không thể bê nguyên xi nội dung mà ai cũng biết lên màn bạc. Nếu vậy phim sẽ không có gì đáng xem nữa. Ngay cả hãng Disney khi chuyển thể các tác phẩm cổ tích nổi tiếng sang live –action, họ cũng có những điều chỉnh ở nội dung cốt truyện cho tươi mới, lạ lẫm, thậm chí là khó đoán. Chẳng hạn trong "Lọ Lem”, Lọ Lem không đơn thuần chỉ cam chịu bất hạnh và chờ vận may mà cô dũng cảm đứng lên giành lại hạnh phúc cho chính mình.

Với nhà làm phim trong nước, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cố gắng thổi luồng gió mới vào câu chuyện quen thuộc bằng cách bẻ lái cuộc đối đầu của Tấm và mẹ con Cám sang cuộc tranh giành quyền lực giữa hoàng tử và vị quan lớn. Hay “Trạng Quỳnh” không nhấn nhiều vào trí thông minh của Trạng mà dựng nên mối tình và hành trình đi tìm công lý cho cha của nàng Điềm. Kiểu thêm thắt quá đà này khiến hai phim dù doanh thu ngất ngưởng nhưng vẫn bị khán giả chê bai. Họ ví đoạn sau “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” chẳng khác gì “Người đẹp và quái vật”. Còn “Trạng Quỳnh” thì như món lẩu hổ lốn nửa hiện đại, nửa cổ trang. Ở “Con Cám” sắp trình làng, khán giả cũng lo ngại đạo diễn biến tấu quá tay bởi hình tượng con Cám quá dị hợm, gớm ghiếc, khác xa với nguyên tác.

Tuy gặp nhiều rào cản nhưng sự đón nhận và góp ý nhiệt tình của công chúng khiến các nhà làm phim dần mạnh bạo hơn khi dấn thân vào dòng phim này. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho hay: “Chúng tôi không thể chủ quan với những điều mình đã biết, mà phải tham khảo và xin ý kiến tư vấn một cách cẩn trọng. Đó là yếu tố cần thiết khi thực hiện những bộ phim có mượn chất liệu văn hóa dân gian”. Các tác phẩm về sau càng ngày càng thể hiện sự chỉn chu, sáng tạo và tâm huyết của ekip. Nói như đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Phải có làm thì mới biết mình làm sai ở đâu để sửa mà làm cho tốt hơn. Còn chúng ta không đi thì mãi mãi không thể thành đường”.

Mai Quỳnh Nga
.
.