Lan tỏa cổ phục Việt trong đời sống hiện tại

Thứ Sáu, 03/02/2023, 11:27

Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa độc đáo và vô cùng quý báu của dân tộc. Bảo tồn cổ phục không chỉ góp phần giữ gìn một di sản cổ xưa mà còn thúc đẩy những giá trị trong hiện tại và tương lai. Gần đây, với sự nỗ lực của nhiều người trẻ, cổ phục đã dần có được vị trí và lan tỏa vẻ đẹp trong đời sống hiện đại.

Với lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Cùng với các yếu tố như phong tục tập quán, lễ hội… thì trang phục đã góp phần không nhỏ làm nên nét đặc sắc cho văn hóa Việt.

Có thể nói, ngoài áo dài, cổ phục Việt xứng đáng là một kho tàng với nhiều trang phục phong phú khác nhau, mang đậm dấu ấn, bản sắc của từng thời kỳ. Tuy nhiên, một thời gian dài, những trang phục Việt cổ đầy ắp giá trị văn hóa, thẩm mĩ chưa được nhiều người biết tới. Trong khi đó, những trang phục truyền thống như Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản đã được thế giới biết đến khá nhiều từ sự ảnh hưởng của phim ảnh, ca nhạc…

Gần đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức cá nhân, đặc biệt của những người trẻ yêu truyền thống, những cụm từ như áo Tấc, Nhật Bình, Ngũ thân, Giao Lĩnh, áo viên lĩnh, Phượng bào triều Nguyễn… đã được nhiều người biết đến hơn. Thời gian gần đây, có khá nhiều hoạt động về cổ phục Việt Nam đã được tổ chức cho thấy trang phục này ngày càng được quan tâm trong cuộc sống hiện đại.

biểu diễn côt phục tại văn miếu quốc tử giám hà nội.jpg -0
Một buổi biểu diễn cổ phục tại Văn Miếu Quốc Tử giám, Hà Nội.

Tháng 11 năm 2022, sự kiện Trình diễn 100 bộ cổ phục và áo dài truyền thống Việt tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 37 Hùng Vương (Hà Nội) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo những người yêu trang phục truyền thống. Đây là một trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Sự kiện do Trung tâm UNESCO phối hợp cùng một số cơ quan và đơn vị phục dựng cổ phục như Cổ trang Đại Việt quán, Đại Việt Phong Hoa, Đa La Xước Phục, Đông Phong, V Styles… Điều đặc biệt là hầu hết các thành viên ở các đơn vị này đều là những bạn trẻ. Với tình yêu cổ phục Việt, họ đã tự nghiên cứu, và tìm kiếm nguyên liệu để phục dựng lại những trang phục, phụ kiện hay vũ khí thời xưa.

Tham gia buổi trình diễn, giới thiệu cổ phục Việt Nam và áo dài truyền thống được cách điệu là hơn 100 diễn viên từ nhiều đơn vị khác nhau. Có mặt tại sự kiện, khán giả được dịp tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cổ phục độc đáo. Ví dụ như trang phục thời Trần có sử dụng phụ kiện như kiếm, lệnh bài, Áo mãng bào màu đỏ tươi dành cho hoàng tử thời Nguyễn, áo tứ thân của phụ nữ miền Bắc, trang phục được phỏng dựng theo tượng Hậu Phật bà Nguyễn Thị Thanh (hiệu Diệu Tịnh) ở chùa Đại Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Trước đó, vào tháng 3, triển lãm một số trang phục người Việt dưới thời Nguyễn cũng đã được diễn ra tại không gian Mu Lala Art ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày hội Việt phục "Tóc xanh - Vạt áo" diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Tương tự, vào tháng 5, chương trình trình diễn trang phục cổ "Niên - Đi cùng năm tháng" được tổ chức bởi một nhóm sinh viên Đại học Hà Nội.

Trung tuần tháng 6, trong chương trình "Bách hoa Bộ hành 2022" tổ chức dưới hình thức diễu hành cổ phục trong không gian đi bộ khu vực Hoàn Kiếm và phụ cận. Chương trình quy tụ gần 100 diễn viên quần chúng ở mọi lứa tuổi trình diễn những trang phục cổ truyền như áo bào, áo tấc, giao lĩnh, nhật bình, ngũ thân tay chẽn…

Ngoài các sự kiện trình diễn là các hội thảo về bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp có sản phẩm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của Việt Nam. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra những phương án nhằm phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua trang phục. Từ đó, tìm kiếm những giải pháp để có thể thu được lợi nhuận từ những hoạt động này, hướng đến kết hợp phát triển song song, bền vững hai khía cạnh kinh tế và văn hóa.

Thời gian gần đây, có khá nhiều đơn vị, tổ chức tìm về với cổ phục Việt. Không chỉ phỏng dựng lại, một số cơ sở đã có những dự án bảo tồn, quảng bá và phát huy cổ phục Việt trong đời sống hiện đại. Đa số những dự án này lại được thực hiện bởi những người trẻ có một tình yêu đặc biệt với cổ phục nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung.

Trong số đó phải kể tới những đơn vị như Ỷ Vân Hiên. Với phương thức như phối hợp với nhiều nghệ nhân của các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống như hài, quạt, gối xếp, tìm kiếm và sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A… để phục dựng, tái hiện phục hồi thành công nhiều bộ cổ phục khác nhau. Qua bàn tay của các nhà thiết kế, những trang phục triều Trần, triều Nguyễn hay những trang phục truyền thống của các vùng miền cũng đã được tái hiện lại khá sinh động, đẹp mắt.

Với mục đích quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, tổ chức Vietnam Centre lại có chuỗi hoạt động phong phú và hấp dẫn trong dự án "Dệt nên triều đại". Ví dụ như trong chuỗi hoạt động tái hiện trang phục cung đình của nước Đại Việt thời đầu Lê Sơ là tái hiện nghi lễ và trang phục Nghi lễ sắc phong Hoàng thái hậu thời Lê, xuất bản sách "Dệt nên triều đại", dự án triển lãm và biểu diễn nghệ thuât ở trong và ngoài nước…

cổ phục việt có sức thu hút đặc biệt với người trẻ.jpg -0
Cổ phục Việt có sức thu hút đặc biệt với người trẻ.

Không chỉ phỏng dựng lại, những người trẻ còn có nhiều cách để trang phục cổ có mặt trong đời sống hiện đại. Ngoài những hoạt động như trình diễn tại các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm, các đơn vị này còn kết hợp với các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ để phát huy được giá trị của cổ phục Việt trong các tác phẩm nghệ thuật. Tiêu biểu như Ỷ Hiên Vân đã kết hợp với ê kíp của ca sĩ Hòa Minzy trong MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" với vai trò là phụ trách trang phục. Toàn bộ nhân vật trong MV đều sử dụng cổ phục Việt. Tương tự, điều này cũng được thực hiện trong MV "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của nghệ sĩ Xuân Hinh. Một số MV cũng sử dụng cổ phục cho các nhân vật trong câu chuyện kể như "Tứ phủ" của Hoàng Thùy Linh, "Mặt Trăng" của Bùi Lan Hương…

Không chỉ những đơn vị chuyên nghiệp, các nhà thiết kế mới tìm đến với cổ phục Việt. Tìm kiếm trên mạng xã hội, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp khá nhiều nhóm quy tụ những người yêu cổ phục Việt. Số lượng thành viên từ chục nghìn đến hàng trăm nghìn người mà hầu hết là những người trẻ. Các nội dung mà các nhóm này chia sẻ thường là những câu chuyện xung quanh lịch sử của trang phục, cách mặc cổ phục đẹp…

Các đơn vị phỏng dựng lại cổ phục cho biết, điều đáng mừng là hiện nay, các bạn trẻ rất yêu thích trang phục này. Vì thế, các đơn vị này đã có thu nhập từ việc cho thuê trang phục, vật phẩm cổ phục. Khách hàng chủ yếu là những bạn học sinh, sinh viên, thanh niên. Một số cô dâu chú rể cũng thuê những bộ áo Nhật Bình, áo ngũ thân để chụp ảnh cưới với phong cách đậm chất xưa.

Có thể, nhiều bạn trẻ đến vì tò mò muốn tìm hiểu một kiểu trang phục khác với hiện nay hay đến vì đặc tính ưa khám phá những điều mới lạ, khác thông thường của tuổi trẻ… Những rõ ràng, dù đến vì lý do gì thì cổ phục cũng có thêm cơ hội lan tỏa trong đời sống hiện đại, tiếp cận với thế hệ trẻ. Đồng nghĩa với việc văn hóa truyền thống không bị lãng quên trong nhịp sống có phần vội vã, xô bồ hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa thì việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc lại vô cùng quan trọng. Đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống đương đại, giúp cổ phục Việt có vai trò và đời sống riêng sẽ là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất. Thành công trong việc bảo tồn cổ phục Việt sẽ góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tác động tới thị hiếu thời trang người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ theo hướng trân trọng và tôn vinh nét đẹp cổ truyền, góp phần vào sự phát triển của ngành thời trang mang bản sắc Việt.

Khánh Thảo
.
.