Làn sóng mới của điện ảnh Việt Nam?
Chỉ trong vòng 2 năm, 3 bộ phim của 3 đạo diễn trẻ điện ảnh Việt Nam liên tiếp lọt vào các hạng mục tranh giải của 3 Liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới và mang về các giải thưởng đáng tự hào. Mới đây nhất, bộ phim "Mưa trên cánh bướm" của đạo diễn Dương Diệu Linh thắng 2 giải tại Tuần lễ phê bình của Liên hoan phim Venice, trong đó có giải IWONDERFULL Grand Prize - giải cao nhất tại hạng mục này. Có phải "làn sóng mới" của điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện?
1. Bộ phim hài kinh dị "Mưa trên cánh bướm" (tên gốc "Don't Cry, butterfly") do Dương Diệu Linh viết kịch bản với sự tham gia của diễn viên Tú Oanh, Lê Vũ Long, Nguyễn Nam Linh, Bùi Thạc Phong. Phim lấy bối cảnh ở Hà Nội kể về một người phụ nữ trung niên (Tú Oanh đóng) tìm đến thầy bùa online mong người chồng ngoại tình hồi tâm chuyển ý, nhưng vô tình đánh thức một thế lực siêu nhiên bí ẩn trong chính căn nhà của mình. Trong tác phẩm đầu tay này, tác giả khám phá các chủ đề về nữ tính, mối quan hệ gia đình và truyền thống văn hóa, được kể qua ngôn ngữ điện ảnh hài hước, tâm lý và có yếu tố huyền ảo.
Đạo diễn Dương Diệu Linh chia sẻ: "Mưa trên cánh bướm" bắt đầu cuộc hành trình khám phá kẻ thực sự gây ra nỗi đau cho phụ nữ, qua thế giới đan xen của mẹ và con gái, dẫn đến một phát hiện bất ngờ. Đây là nỗ lực của tôi để phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu về những người phụ nữ buồn bã và bất lực, thay vào đó thể hiện họ đầy sức sống và hài hước, với một chút chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và những giấc mơ. Tôi hy vọng tác phẩm của chúng tôi sẽ quyến rũ thế giới như cách bộ phim đã làm với chúng tôi.
"Mưa trên cánh bướm" đã nhận được sự cổ vũ của khán giả tại Tuần lễ các nhà phê bình ở Venice ngay sau khi ra mắt. Phim nhận tràng pháo tay dài 2 phút rưỡi và được nhiều trang tin điện ảnh quốc tế uy tín như IndieWire, Screendaily hay Cineuropa bình luận. Tờ IndieWire đánh giá: "Dương Diệu Linh đã tạo nên nhiều hình ảnh khó quên trong bộ phim đầu tay, khiến cô trở thành một nhà làm phim tiếp nối thời kỳ bùng nổ của điện ảnh Việt Nam". Ngay sau Liên hoan phim Venice, "Mưa trên cánh bướm" tiếp tục tham dự Liên hoan phim Quốc tế Toronto và Liên hoan phim Busan diễn ra vào tháng 10, trong chương trình "Cửa sổ châu Á" (A Window on Asian Cinema).
Giải thưởng là điều bất ngờ và hạnh phúc đối với đạo diễn Dương Diệu Linh và đoàn làm phim, nhưng với cô gái trẻ, phần thưởng lớn hơn cả là những kỷ niệm trên trường quay, tinh thần đồng cam cộng khổ và tình yêu của cả ê-kíp đối với nhau cũng như đối với bộ phim. Đó cũng là niềm tự hào và hy vọng của điện ảnh Việt khi những tiếng nói mới của các nhà làm phim trẻ được đánh giá cao tại các Liên hoan phim uy tín của thế giới. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng, phải chăng đang có một làn sóng mới của điện ảnh Việt?
2.Trong hai năm qua, phim Việt đã xuất hiện những tiếng nói mới ở dòng phim độc lập và giành được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới. Năm 2023, phim "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân thắng giải Camera d'Or tại LHP Cannes 2023 và có một cuộc chu du khắp thế giới, được giới phê bình quốc tế ca ngợi vì hành trình "thoát kén" với phong cách điện ảnh chậm mang màu sắc chiêm nghiệm và tâm linh. Ở Liên hoan Phim Cannes của Pháp, Camera d'Or (Camera Vàng) là một giải danh giá dành cho phim đầu tay xuất sắc của đạo diễn trẻ. Giải thưởng do nhà phê bình Pháp Gilles Jacob lập ra, lần đầu được trao cho phim "Alambrista" của đạo diễn Robert M. Young năm 1978. Từ đó, giải thuộc về nhiều nhà làm phim nổi tiếng thế giới như Jim Jarmusch, Naomi Kawase, Bahman Ghobadi, Trần Anh Hùng, Jaco Van Dormael. Và trong lịch sử 76 năm của Cannes, năm 1993, Trần Anh Hùng là người Việt quốc tịch Pháp đầu tiên thắng giải thưởng này với phim "Mùi đu đủ xanh" do anh đạo diễn kiêm biên kịch. Phim được quay tại phim trường ở Paris, cùng vốn đầu tư và ê-kíp sản xuất của Pháp.
Và phải đến bây giờ, Phạm Thiên Ân với "Bên trong vỏ kén vàng" mới chạm tay tới giải thưởng danh giá đó. Trước đó, phim đã chiếu cho khán giả trong khuôn khổ LHP Cannes tại hạng mục Tuần lễ đạo diễn (Directors' Fortnight), nhận được tràng pháo tay giòn giã của người xem và được giới phê bình phim quốc tế ca ngợi.
Phim "Bên trong vỏ kén vàng" có thời lượng lên đến 3 tiếng, kể về Thiện, em rể phải mang xác chị dâu mình về lại quê, sau khi cô qua đời trong một vụ tai nạn xe ở Sài Gòn. Anh phải mang theo đứa cháu trai tên Đạo để trao lại cho người anh trai, vốn biệt tăm nhiều năm trước. Đây là tác phẩm dài đầu tay của nhà làm phim Phạm Thiên Ân sau nhiều phim ngắn.
"Bên trong vỏ kén vàng" là tác phẩm đầy bí ẩn và hấp dẫn của Phạm Thiên Ân với thông điệp: "Không có câu trả lời dễ dàng cho những thắc mắc về sự tồn tại. Chúng ta chỉ có thể tìm kiếm chúng bằng lòng tốt và một trái tim nhân hậu. Cuối cùng, niềm tin là thứ còn sót lại trên hành trình đi tìm đáp án", báo Screen Daily nhận định.
Đầu năm 2024, bộ phim của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân "Culi không bao giờ khóc" thắng giải Best First Film tại Liên hoan phim Berlin. Phim kể về bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng) từ châu Âu trở về Việt Nam với món thừa kế là con culi của người chồng qua đời. Bên cạnh việc đối mặt với quá khứ tưởng như chôn chặt, bà Nguyện lo lắng cho tương lai của người cháu gái, khi cô kết hôn vội vã do lỡ có thai với bạn trai.
Phim quy tụ dàn diễn viên gồm NSND Minh Châu, Hà Phương, Xuân An và Hoàng Hà. Trần Thị Bích Ngọc, Nghiêm Quỳnh Trang giữ vị trí sản xuất, Phan Đăng Di làm giám đốc sáng tạo. Dự án do Phạm Ngọc Lân và Nghiêm Quỳnh Trang biên kịch, bắt đầu năm 2016, sau khi đạo diễn dự thi phim ngắn "Một thành phố khác". "Culi không bao giờ khóc" là phim dài đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Trong quá khứ, đạo diễn trẻ này từng là gương mặt quen thuộc tại LHP Berlin. Năm 2016, tác phẩm "Một thành phố khác" của anh tranh giải ở hạng mục phim ngắn của Berlin. Ba năm sau, "Một khu đất tốt" nhận đề cử tương tự…
Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm: "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân và "Culi không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân là hai điểm sáng của điện ảnh nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm qua. Cả hai đều khơi gợi những cảm giác mơ hồ về tâm thức con người trước mục đích tồn tại và hành trình làm người. Cả hai đều chạm vào được những chất liệu rất Việt Nam. Cả hai đều có phần quay phim rất đẹp, với những bảng màu khá đơn sắc như đen trắng hoặc xám tro sương mù.
Cả hai không bao giờ phải lo kiểm duyệt, vì họ không cần kể một thứ gì đó quá dị biệt hay vi phạm thuần phong. Cả hai đều ra được thế giới vì nói được nỗi lòng và tâm trạng của con người trước tồn tại để rồi dẫn dắt họ vào miền tâm thức để thoát kén. Và biết đâu đấy, điện ảnh Việt Nam đi ra thế giới bằng những con vật có vẻ yếu ớt nhỏ bé, chậm chạp dường như không bao giờ thoát khỏi nơi sinh sống như vỏ kén, như cánh bướm, như con culi nhưng gần gũi phận người với những ẩn dụ tinh tế của nghệ thuật điện ảnh?".
Tuy nhiên, theo đạo diễn Phạm Ngọc Lân, con đường ra rạp của dòng phim độc lập ở Việt Nam khá gian nan vì đây là dòng phim bị mặc định 'kén" khán giả. Năm 2023, bộ phim "Bên trong vỏ kén vàng" do CGV phát hành tại Việt Nam nhưng doanh thu thấp. "Culi không bao giờ khóc" sau nhiều chật vật cuối cùng cũng chuẩn bị ra rạp vào ngày 15/11. Còn bộ phim mới nhất của Dương Thùy Linh "Mưa trên cánh bướm" đã được Công ty Barunson E&A của Hàn Quốc mua quyền phân phối toàn cầu cho bộ phim và sẽ có lịch chiếu trong thời gian tới.
Theo đạo diễn Phạm Ngọc Lân, vẫn cần một chính sách dành cho dòng phim này khi ra rạp để khuyến khích những nhà làm phim trẻ dấn thân hơn nữa trên con đường sáng tạo. Bởi mong muốn lớn nhất của các đạo diễn, đó là phim được công chiếu rộng rãi trên chính quê hương mình.