“Làm mới” ca khúc: Thành công không dễ

Chủ Nhật, 21/11/2021, 19:05

Những ngày qua, việc ca sĩ trẻ Han Sara bị khán giả phản ứng khi remix ca khúc “Cô gái mở đường” trong chương trình “The Heroes” vẫn còn đang nóng trên các trang mạng xã hội.

Trước đó, một số ca sĩ cũng đã vấp phải những ý kiến không đồng tình của khán giả và giới chuyên môn khi “làm mới” ca khúc. Việc sáng tạo để những bài hát quen thuộc mang tinh thần mới, phù hợp với khán giả trẻ là điều cần thiết nhưng không phải ai cũng có được thành công.

Nằm trong khuôn khổ chương trình thực tế về âm nhạc có tên “The Heroes” (Thần tượng đối đầu thần tượng) phát sóng trên VTV3, theo luật chơi, từ vòng 4, thí sinh sẽ phải thực hiện thử thách từ các huấn luyện viên. Với đề tài là những câu ca dao, tục ngữ, tác phẩm văn học, điện ảnh hoặc các anh hùng dân tộc, các đội sẽ phải trình bày những tiết mục mang đề tài hoặc tinh thần của tác phẩm có chất liệu xưa ấy. Thử thách này khá thú vị với các ca sĩ trẻ với mục tiêu giúp họ đến gần với chất liệu dân gian, truyền thống.

“Làm mới” ca khúc: Thành công không dễ -0

Trong một chương trình phát sóng gần đây, ca sĩ trẻ Han Sara đã trình bày tiết mục “Cô gái gen Z” biến tấu từ ca khúc “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao. Đây là một ca khúc hay của nhạc sĩ Xuân Giao viết về các cô gái thanh niên xung phong thời chống Mỹ đã được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Trong tiết mục của mình, êkíp của Han Sara đã sử dụng bản phối ca khúc với chất liệu EDM.

Ngoài việc bản phối không đặc sắc, ca sĩ hát chói tai, nhiều chỗ không rõ lời thì điều khiến tiết mục của nữ ca sĩ bị khán giả phản ứng vì cô và dàn vũ công sử dụng trang phục váy ngắn bó sát với những vũ đạo hiện đại không phù hợp. Rõ ràng, với một ca khúc có nội dung về những cô gái thanh niên xung phong, phần rap tôn vinh các anh hùng dân tộc nhưng cả trình diễn lẫn nội dung biên đạo đều không thể hiện đúng tinh thần này. Han Sara cho rằng cô chọn ca khúc và phát triển bài rap với chủ đề nữ quyền, khuyến khích phụ nữ noi gương các anh hùng trong sử sách, tự tin đứng trên đôi chân của mình. Trước phản ứng của khán giả, chương trình đã ẩn các video màn trình diễn trên Tiktok, cắt phần hát “Cô gái mở đường”.

Êkíp và ca sĩ đã xin lỗi khán giả và cho biết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Họ đã xóa tiết mục trên các nền tảng Youtube, Tiktok. Han Sara viết trên trang cá nhân: “Sau khi lên sóng, team T – Sa nhận được nhiều ý kiến cho rằng sự sáng tạo lần này chưa phù hợp với nguyên bản ca khúc “Cô gái mở đường”. Đây là một sự thiếu sót lớn của team nên rất mong quý vị thông cảm bỏ qua”. Điều đáng tiếc là trước đó, tiết mục “Yêu nhau ghét nhau” của ca sĩ này với âm hưởng ca dao cũng chưa thuyết phục được khán giả.

Chuyện “làm mới” các ca khúc không phải là việc xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến tại các cuộc thi, các gameshow ca nhạc. Sự thiếu hụt ca khúc mới, nhu cầu phải làm khác so với thế hệ ca sĩ đi trước khiến các ca sĩ trẻ đau đầu tìm cách sáng tạo. Mà giới ca sĩ cũng vốn được đánh giá là những người năng động, luôn tiên phong trong việc đưa ra những điều mới lạ, độc đáo nên điều này lại càng dễ hiểu.

Nhưng việc “làm mới” ca khúc không phải là điều dễ dàng để nhận được sự đồng tình tuyệt đối. Mới đây, cũng tại chương trình này, bản rap “Nam quốc sơn hà” do Erik và Phương Mỹ Chi biểu diễn đã đạt 1,8 triệu lượt xem trên Youtube sau 5 ngày ra mắt. Trích đoạn bài hát được Phương Mỹ Chi đăng trên Tiktok có hơn 10 triệu lượt xem, tạo cơn sốt trong ứng dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tiết mục này còn có phần khiên cưỡng, các ca sĩ chưa thể hiện đúng chủ đề anh hùng dân tộc của ca khúc.

Tương tự, một trong số những ca sĩ tự ý “làm mới” ca khúc nhưng không nhận được sự ủng hộ của khán giả cũng như đồng tình từ phía nhạc sĩ phải kể tới trường hợp Bùi Lan Hương với ca khúc “Mưa hồng”. Không thể phủ nhận, thời gian gần đây, Bùi Lan Hương nổi lên là một nghệ sĩ đa tài khi vừa sáng tác vừa biểu diễn. Các sản phẩm âm nhạc của cô luôn cho thấy sự độc đáo từ ý tưởng tới cách thể hiện. Bùi Lan Hương còn là cái tên được các nhạc sĩ săn đón mời hát ca khúc ở những dự án phim điện ảnh. Thế những, khi cô làm mới ca khúc vốn quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “Mưa hồng” thì lại bị khán giả và giới chuyên môn gắn cho mác “thảm họa”.

“Làm mới” ca khúc: Thành công không dễ -0
Ca sĩ Hà Lê chinh phục được công chúng yêu nhạc Trịnh bằng một phong cách hoàn toàn mới.

Không chỉ sử dụng bản phối mới lạ tai, điều khiến tiết mục “Mưa hồng” do Bùi Lan Hương thể hiện gây nhiều tranh cãi vì cô tự ý thay đổi phần lời. Một số ý kiến cho rằng, phần cải biên của Bùi Lan Hương là có sáng tạo. Tuy nhiên, nếu đó là sáng tác của Bùi Lan Hương thì cô hoàn toàn có quyền thay đổi. Còn rõ ràng,  không thể tùy tiện thêm bớt hoặc thay đổi phần ca từ trong ca khúc của người khác.

Chưa kể, “Mưa hồng” vốn đã là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ họ Trịnh, đẹp cả lời ca lẫn giai điệu. Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã lên tiếng phản đối phần thay đổi của ca sĩ Bùi Lan Hương. Không chỉ gặp “vấn đề” với “Mưa hồng”, Bùi Lan Hương cũng không nhận được sự đồng tình của khán giả khi hát tác phẩm “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí. Khán giả cho rằng cô đã không giữ đúng tinh thần của các ca khúc, thậm chí “phá nát” tác phẩm.

Không ít ca sĩ thất bại khi có ý định “làm mới” ca khúc. Cách đây vài năm, trong một cuộc thi âm nhạc, ca khúc “Cô gái Pakô” của nhạc sĩ Huy Thục cũng đã được trình bày với một phiên bản hoàn toàn khác biệt khiến khán giả không khỏi ngán ngẩm. Người làm mới ca khúc này theo phong cách R&B, không quên thêm phần Rap cho mới ấn tượng. Nhưng kết quả trái ngược với mong muốn ban đầu. Bản thân nhạc sĩ Huy Thục đã không đồng tình khi thấy “đứa con tinh thần” có một hình hài như vậy. Ông cho rằng không phải ca khúc nào cũng “làm mới” được. Chưa kể, trước khi “làm mới” phải nhận được sự đồng tình của tác giả ca khúc.

Thời gian gần đây, sự nở rộ của các cuộc thi, các gameshow ca nhạc trên truyền hình được coi là một trong những lý do khiến các ca sĩ đua nhau “làm mới” ca khúc. Sự sáng tạo thể hiện theo nhiều cách khác nhau và mức độ thành công cũng rất khác nhau. Ca sĩ trẻ Quách Tuấn Du từng bị dư luận ném đá khi hát Bolero theo kiểu pha trộn Rock. Thiếu nền tảng và bản lĩnh khiến việc làm mới âm nhạc trở nên lệch lạc, phản cảm. Một số nghệ sĩ trẻ cứ ngỡ quái dị từ trang phục, tạo hình hay hát ca khúc quen theo kiểu trúc trắc, khó nghe là sáng tạo. Những cách làm mới như vậy đã phá hỏng các tác phẩm âm nhạc vốn đã được định vị như những giá trị bất biến trong đời sống âm nhạc.

Trong số các ca sĩ mạnh dạn làm mới ca khúc và nhận được sự yêu mến của khán giả phải kể tới Hà Lê với dự án âm nhạc mang tên “Trịnh Contemporary”. Lần đầu tiên khán giả được thưởng thức nhạc Trịnh theo phong cách R&B (Rhythm and Blues; Nhịp điệu và tâm trạng). Với cách hát giàu cảm xúc, hình ảnh đẹp, ấn tượng, tạo thị giác tốt, các MV của Hà Lê luôn thu hút người xem. Giữ vững hồn cốt nhạc Trịnh mà lại thấm đẫm tinh thần đương đại khiến âm nhạc Hà Lê chinh phục được khán giả ở nhiều lứa tuổi. Hay Đức Tuấn cũng nhận được nhiều khen ngợi khi anh đã làm mới những bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Phú Quang theo phong cách Symphomy (giao hưởng) cùng đàn dây vừa cổ điển, vừa hiện đại. Tùng Dương từng tạo cơn sốt với “Chiếc khăn piêu” mang phiên bản độc đáo của riêng mình…

Không thể phủ nhận, khi các nghệ sĩ quyết định “làm mới” ca khúc đã đi cùng năm tháng và được nhiều thế hệ trước thể hiện thành công là một sự dũng cảm bởi sẽ chịu nhiều áp lực. Nếu không thành công, họ sẽ phải đối mặt với sự phản ứng của khán giả lớn hơn nhiều so với việc thể hiện một sáng tác mới. Các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng, muốn làm mới ca khúc đòi hỏi bản lĩnh của ca sĩ dựa trên hiểu biết, văn hóa, tư duy âm nhạc, kỹ thuật và chiều sâu cảm xúc. Một ca khúc tồn tại trong đời sống âm nhạc bản thân nó đã là một giá trị, vậy những nghệ sĩ trẻ muốn thổi vào đó tinh thần mới thì đầu tiên phải gìn giữ nâng niu những giá trị đó chứ không phải làm méo mó, quái dị hay sai lệch đi. 

Tuấn Phong
.
.