Làm gì để rap không còn tiêu cực?

Thứ Năm, 14/10/2021, 23:12

Ngôn từ trong rap từ lâu đã trở thành chủ đề được đưa ra mổ xẻ, tranh luận. Không thể phủ nhận rằng, rap luôn mang lại những màu sắc thú vị cho nền âm nhạc của Việt Nam, nhưng những tác hại từ các ngôn từ, chủ đề thô tục trong thể loại này là có thật. Và đó là một bài toán để chúng ta cân nhắc nhằm giảm thiểu mọi tác hại nhưng vẫn giữ được chất riêng của rap.

Nền văn hóa của cái tôi tự do

Nhen nhóm ở Việt Nam từ lâu, thế nhưng đến 2 năm gần đây, sau sự thành công của King of Rap và Rap Việt, người ta mới chứng kiến được thời hoàng kim thật sự của thể loại rap trong thị trường nhạc Việt. Rap len lỏi khắp mọi nơi, dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc, rapper trở thành những ngôi sao được ưu ái trên truyền hình hay trong lựa chọn quảng cáo của các nhãn hàng. Đế chế của rap ngày một lớn mạnh và đông đảo hơn với sự yêu quý, ủng hộ hết mình từ người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ.

Có lẽ, trong thời đại nơi người trẻ được khuyến khích theo đuổi sự khác biệt, khao khát khám phá, sống với cái tôi của bản thân, rap quả thật là một phương tiện âm nhạc phù hợp để tạo nên sự đồng cảm, khích lệ. Bởi đúng như bản chất của nó từ thuở ban đầu, rap luôn là loại hình nghệ thuật thể hiện cái tôi mạnh mẽ, nói lên suy nghĩ, tình cảm, khát khao tự do bên trong những con người bị kìm hãm. Rap là sự giải tỏa cảm xúc, là nơi để cái tôi của con người được vùng vẫy, thể hiện quan điểm cá nhân. Cũng vì vậy, văn hóa rap thường gắn liền với những chủ đề nhạy cảm hay các từ ngữ thô tục, chửi mắng.

đen vâu là một trong những rapper nhận được sự yêu mến của cả khán giả, chuyên gia lẫn truyền thông vì những tác phẩm văn minh.jpg -0
Đen “Vâu” là một trong những rapper nhận được sự yêu mến của cả khán giả, chuyên gia lẫn truyền thông.

Có lẽ vì bản chất đầy phóng khoáng, phá cách nên khi đột ngột tấn công vào làng nhạc Việt, rap khiến nhiều người phải ngỡ ngàng vì sự táo bạo của mình. Người ta thảng thốt vì sao rapper có thể nói lên lời lẽ thô bạo như thế, bất ngờ khi họ không ngại chạm đến các chủ đề nhạy cảm, và tức giận vì họ dùng chính âm nhạc của mình để đả kích đối phương. Nhưng văn hóa rap là vậy. Những đặc trưng này đã đi cùng rap đến các nền âm nhạc khác nhau, dù Á hay Âu, dù là Mỹ, Anh, Hàn Quốc hay Nhật Bản, và giờ là Việt Nam. Chính nền văn hóa đường phố này cũng mang theo những nét đẹp riêng cho dòng nhạc rap, đồng thời thúc đẩy nhiều nhạc sĩ tạo nên các tác phẩm rap để đời. Và nếu như rap mất đi sự phá cách, táo bạo và độc đáo, có lẽ rap sẽ không còn là nền văn hóa của những cái tôi tự do nữa.

Một nền văn hóa tiềm tàng nguy hiểm

Thế nhưng không thể vì thế mà gạt bỏ đi những tác hại khôn lường từ sự phóng túng trong chủ đề, ngôn từ của một số sản phẩm rap. Có không ít nghiên cứu chứng minh rằng âm nhạc với ngôn từ độc hại có thể ảnh hưởng đến thế giới quan của người nghe. Trong nghiên cứu của Michelle E. Kistle và Moon J. Lee thực hiện năm 2010 về việc tiếp xúc với các video nhạc hip-hop khiêu dâm có ảnh hưởng đến thái độ tình dục của sinh viên đại học không, kết quả cho thấy rằng nam giới tiếp xúc với thể loại nội dung này sẽ có xu hướng dễ dãi trong tình dục, định kiến giới cũng như sẵn sàng thực hiện hành vi hiếp dâm hơn.

Một nghiên cứu khác thực hiện năm 2012 bởi Melinda Burgess và Sandra Burpos với nội dung khảo sát tập trung vào video ca nhạc có nội dung tình dục hóa cao, kết quả cho thấy việc tiếp xúc nhiều với video có nội dung phản cảm sẽ khiến họ cảm thấy ít tội lỗi hơn khi thực hiện hành vi xâm hại tình dục trong buổi hẹn hò. Không chỉ vậy, vô số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các sản phẩm truyền thông đại chúng có nội dung kích động, thô tục sẽ khiến người xem có xu hướng trở nên bạo lực hơn. Vì vậy, không thể phủ nhận rằng việc các tác phẩm nhạc rap có nội dung nhạy cảm, thậm chí phản cảm sẽ gây nên nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý, hành động của người xem, thậm chí là ảnh hưởng đến xã hội.

sẽ thế nào nếu những đứa trẻ nghe được các tác phẩm về nội dung tục tĩu như thế này.jpg -0
Sẽ thế nào nếu những đứa trẻ nghe được các tác phẩm về nội dung tục tĩu như thế này.

Đó cũng là lí do vì sao, ngôn từ phản cảm trong rap luôn là một chủ đề thường xuyên bị lên án, nhất là khi đối tượng người nghe của rap tại Việt Nam bao gồm cả trẻ em, trẻ vị thành niên. Tất nhiên, các sản phẩm được tạo ra không hề chủ đích hướng đến đối tượng nhỏ tuổi, nhưng đa phần, các rapper đều không quan tâm đến việc giới hạn độ tuổi cho sản phẩm của mình, từ đó vô hình trung "mở cửa" đón chào trẻ em, trẻ vị thành niên đến với các sản phẩm dành cho người trưởng thành. Thật khó để chấp nhận được nếu một tác phẩm rap với nội dung dung tục, xúc phạm tôn giáo, xem thường phụ nữ, cổ xúy tình dục, tôn sùng chủ nghĩa vật chất như "Bigcityboy" của Binz, "Mẩy thật mẩy", "Ồ sao bé không lắc" của Big Daddy, "Cypher nhà làm" của Low G, Teddie J, Chí, ResQ, "Như cái lò" của Sambi và Mr.A,.. lại đến tai những đứa trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn học hỏi, hình thành và hoàn thiện nhân cách. Và thật khó để định lượng được hậu quả của nó sẽ ra sao.

Cũng như văn học hay phim ảnh, rap có quyền sử dụng những từ ngữ, chủ đề nhạy cảm miễn nó mang lại giá trị nghệ thuật và người nghệ sĩ biết sử dụng đúng thời điểm với dung lượng phù hợp. Thế nhưng lúc nào là đúng thời điểm, bao nhiêu là đủ thì không thể nào đo đếm được. Và với những người nghe rap tuổi trẻ, với sự cân nhắc, phân tích còn non yếu và kiến thức xã hội còn ít, việc chọn và đánh giá một tác phẩm với nội dung tuy phóng khoáng nhưng không vượt ngưỡng chuẩn mực thì thật khó khăn.

Hướng đi nào cho sự tự do của rap

Dù vướng phải nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận rằng rap xứng đáng được chào đón như một thể loại nhạc mang theo tâm tư, khát vọng của người trẻ. Thế nhưng, khi đã vượt qua bóng tối của undergound để hoạt động dưới cái nhìn của đông đảo khán giả, khi có được cơ hội để hoạt động âm nhạc thoải mái hơn mà không cần phải lo về cơm áo gạo tiền, rapper cũng phải hiểu rằng, họ cần có trách nhiệm với công chúng để xứng với các quyền lợi bản thân nhận được. Vì chỉ cần liên tục gây nên ấn tượng tiêu cực, công chúng rồi sẽ buông tay họ và truyền thông chỉ còn các bài viết chỉ trích như mũi rìu phá hỏng công sức chứng minh vị trí của các thế hệ rapper suốt 2 thập niên vừa qua.

Rap có thể là tiếng nói tự do, rap có thể phản ánh xã hội, tình yêu, tình bạn, rap cũng có thể là lời nói phẫn uất hay sự hận thù, ganh ghét. Đó là bản chất của rap, cũng là nguyên do khiến rap luôn tồn tại và nhận được sự yêu mến trong cộng đồng người nghe nhạc trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Công chúng cũng nên cho rap một cái nhìn bao dung hơn, chấp nhận rap ở những khía cạnh tạo nên chất riêng của nền văn hóa này. Nhưng cộng đồng chơi rap cũng nên cân nhắc để lựa chọn những chủ đề, ngôn từ phù hợp với đất nước, nền văn hóa và cả giới nghệ thuật nơi các bạn đang sinh sống, hoạt động. Không phải cứ gồng lên với chủ đề nhạy cảm mới là rap, không phải cứ ngập tràn ngôn từ mạnh bạo, thậm chí là thô tục thì tác phẩm mới có chất riêng. Điều này đã được chứng minh rõ bởi Đen Vâu, một trong những rapper nổi tiếng nhất tại Việt Nam, người được cả khán giả lẫn giới chuyên môn ưu ái về chất lượng nội dung, nghệ thuật trong những tác phẩm của mình.

Trong những tranh cãi về ảnh hưởng của rap đối với trẻ em, luôn có một số ý kiến cho rằng đây là chuyện thuộc về trách nhiệm của phụ huynh. Điều này khiến tôi nhớ đến lời của Cardi B khi cô lý giải lí do vì sao bản thân không cho con gái nghe tác phẩm của mình: "Tôi không làm nhạc cho trẻ con mà là cho người lớn. Tự cha mẹ phải có trách nhiệm trước những gì con cái của họ nghe hay nhìn thấy chứ. Tôi là một người thiên về nhục dục nhưng không phải là thể hiện trước mặt con cái tôi, điều này cũng giống như bao phụ huynh khác thôi".

Thế nhưng, trong thời đại 4.0, việc kiểm soát con cái trong môi trường Internet không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, việc quy định cụ thể về giới hạn độ tuổi của người nghe là một phương thức hay. Tại các nước châu Á, các sản phẩm âm nhạc, show truyền hình có nội dung nhạy cảm luôn phải dán nhãn độ tuổi để tránh việc trẻ em tìm đến xem và tiếp nhận các thông tin không phù hợp với khả năng nhận thức, phân tích, đánh giá vấn đề với chúng. Việc quy định và thực hiện sát sao điều này không chỉ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực không đáng có mà còn giúp rap cũng như rapper được thể hiện đúng với cái tôi âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn đối với khán giả.

Khải An
.
.