Kiến tạo hệ sinh thái truyện tranh Việt

Thứ Năm, 03/07/2025, 18:36

Khoảng 10 năm trở lại đây, sự bùng nổ của mạng xã hội giúp truyện tranh siêu ngắn (short comic) nhanh chóng bám rễ và phát triển mạnh mẽ. Đến nay, dạng truyện này không đơn thuần "mua vui tích tắc" mà đã tạo nên cho mình một hệ sinh thái đa dạng, biến nhân vật truyện tranh thành đại sứ văn hóa.

Kể từ năm 2015,  so với truyện dài hơi, truyện tranh siêu ngắn (thường được vẽ trong một trang chứa từ ba đến sáu khung) có sự bứt tốc và để lại nhiều dấu ấn. Đình đám trên Facebook thời điểm này là loạt cái tên như "Thỏ bảy màu", "Én", "Ếch Ộp", "Quỳnh Aka", "Vàng Xám", "Anh Trọc Comic", "Lười chăm chỉ", "Tí Đù", "Gia đình bất ổn"…  Đứng sau các tác phẩm này đều là tác giả trẻ.

Những câu chuyện sinh hoạt thường ngày, vấn đề thời sự, chuyện tình yêu, công sở, gia đình… đều được thể hiện bằng góc nhìn dí dỏm, hài hước, sáng tạo của người trẻ hôm nay. Đặc thù của truyện tranh siêu ngắn hài hước là cài cắm tình tiết bất ngờ ở khung tranh cuối cùng khiến người xem bật cười. Thời gian vẽ ngắn, cách tiếp cận súc tích trên mạng xã hội giúp công chúng giải tỏa căng thẳng khiến truyện tranh ngắn được dịp trăm hoa đua nở.

1 hoat hinh con tho.jpg -0
Một cảnh trong series phim “Hoạt hình con thỏ”.

Theo họa sĩ Trần Tuấn Dũng, "cha đẻ" của series "Én", dù mảng truyện tranh siêu ngắn xuất hiện vô số cái tên nhưng mỗi truyện đều có nét đặc trưng riêng để không bị chìm khuất và thu hút lượng độc giả riêng. Các tác giả bây giờ đều khôn khéo xây dựng nên một nhân vật chủ đạo có tính cách đặc sắc, có thế giới của riêng mình để xuất hiện xuyên suốt series chứ không còn vẽ được tranh nào vui thì đăng tranh ấy.

Nếu "Thỏ bảy màu" xoay quanh cuộc sống của một chú thỏ trắng khôn vặt, tinh ranh với slogan "Nghe lời thỏ, kiếp này coi như bỏ" thì "Én" nổi bật với chú én màu xanh dương ngốc nghếch, ngây thơ và luôn suy nghĩ phi logic. "Quỳnh Aka" phá cách với tạo hình cô gái thô kệch, luôn nũng nịu quá đáng trong tình yêu thì "Tí Đù" là câu chuyện đời thường dễ thương trong gia đình của nhóc Tí… 

Các nét vẽ của mỗi họa sĩ đều thuần Việt, không thể lẫn lộn nhau và thoát hẳn ảnh hưởng của truyện tranh ngoại quốc. Thế nên không lạ khi mỗi fanpage truyện tranh này luôn có lượt theo dõi lên tới hàng triệu.

Một điểm độc đáo của truyện siêu ngắn mà truyện dài chưa làm được chính là màn giao lưu của "vũ trụ short comic Việt". Cộng đồng yêu truyện tranh từng dậy sóng với phen đọ sức thú vị của Én và Thỏ bảy màu. Cả hai cùng xuất hiện trong các mẩu truyện, châm chích, đùa giỡn nhau bằng những tình huống, câu thoại hài hước. Không chỉ "gây chiến" với Thỏ bảy màu, Én còn ghé nhà của "Ếch Ộp", "Sói họa nô", "Vàng Xám"… để thể hiện sự "mất não" của mình. Những màn "phá đám" đặc biệt này khiến cả khách mời lẫn chủ nhà đều được chú ý, góp phần làm nổi bật thêm cá tính của mỗi nhân vật.

Sự yêu mến của công chúng thúc giục các họa sĩ dần thiết lập hệ sinh thái xung quanh nhân vật truyện tranh, từ đó hỗ trợ "đứa con tinh thần" có sức sống mạnh mẽ, lâu bền hơn. Bởi như Trần Tuấn Dũng quan niệm "khi nhân vật có cá tính và sức sống, độc giả cũng sẽ thích thú với những câu chuyện xảy ra xung quanh nó".  Đội ngũ tác giả không còn an phận với việc sáng tác truyện tranh gốc mà tích cực kết nối với các lĩnh vực khác để tạo ra sản phẩm phái sinh chất lượng, được độc giả đón nhận không thua kém bản gốc.

Sản phẩm phái sinh đầu tiên và phổ biến nhất chính là truyện tranh giấy. Giai đoạn 2020-2025 là thời điểm mà truyện tranh siêu ngắn ồ ạt đổ bộ và làm nên mùa vàng cho làng xuất bản. Từ thành công của "Thỏ bảy màu - Timeline của tui có gì" (xuất bản năm 2015), năm 2023, họa sĩ Huỳnh Thái Ngọc tiếp tục ra mắt tập 2 mang tên "Thỏ bảy màu và những người nghĩ nó là bạn". Bộ truyện nhanh chóng cháy hàng và liên tục tái bản để chiều lòng bạn đọc. 

Tương tự, "Ếch Ộp", "Quỳnh Aka", "Mèo Mốc", "Tí Đù"… cũng có xuất bản phẩm để làm món quà cầm tay cho bạn đọc. Mới đây nhất là màn chào sân trên giấy của "Én" với cái tên "Ở đây có một con én". Lên kệ lần đầu vào cuối năm ngoái nhưng đến đầu năm 2025, "Ở đây có một con én" đã phải tái bản.

Nhiều người nhầm tưởng phiên bản sách giấy chỉ là tập hợp ngẫu nhiên những trang truyện siêu ngắn đã từng đăng trên mạng. Nhưng lật giở "Thỏ bảy màu và những người nghĩ nó là bạn", "Ở đây có một con én"… mới thấy tác giả đã khéo léo liên kết những mẩu chuyện vụn vặt, tưởng như vô thưởng vô phạt thành một câu chuyện có lớp lang để làm nổi bật tính cách và truyền tải thông điệp tích cực đến độc giả: dù cuộc sống có khó khăn như thế nào thì hãy cứ nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan, bởi nó là liều thuốc xoa dịu tâm hồn để chúng ta vững vàng bước tiếp.

2 en.jpg -1
Ấn phẩm truyện “Ở đây có một con én” và các sản phẩm phái sinh.

Đi kèm với sách là các phụ kiện như móc khóa, bút, balo, túi xách, sổ tay, thẻ lưu niệm… in hình nhân vật. Giữa tháng ba năm nay, giới trẻ Việt nức lòng khi hai bộ sticker (nhãn dán) đến từ Việt Nam là "Thỏ bảy màu" và "Én xanh" chính thức có mặt trên mạng xã hội Facebook. Người dùng có thể tải miễn phí hai bộ sticker này để dùng nó thể hiện cảm xúc buồn vui giận hờn thay cho các nhãn dán đã quá quen thuộc.

Không dừng lại ở ấn phẩm hay phụ kiện, gần đây, nhiều short comic bắt đầu ra mắt tựa game riêng và sản xuất phim hoạt hình ngắn lẫn nhiều tập. Đội ngũ sáng tạo của "Én" đang rục rịch làm game và phim hoạt hình ngắn để mở rộng tệp khách hàng.

Lừng lẫy nhất trong nước cờ này phải kể đến "Thỏ bảy màu". Ngoài game "Thông Thỏ" đáng yêu, vui nhộn đã ra mắt từ năm 2020, "Thỏ bảy màu" đã gọi vốn thành công cho dự án phim "Hoạt hình con thỏ" - dự kiến 10 tập với tổng thời lượng 120 phút trong mùa đầu tiên.

Tập 1 của "Hoạt hình con thỏ" chính thức lên sóng vào cuối năm 2023 và đến nay đang thực hiện tiếp tập 3. Số vốn 1,3 tỷ đạt được chỉ trong vòng hai tháng biến "Hoạt hình con thỏ" trở thành dự án phim hoạt hình đầu tiên gọi vốn cộng đồng thành công ở Việt Nam.

Trước đó, chú thỏ tinh nghịch, đáng yêu này đã trở thành hiện tượng trên YouTube khi ekip tung các video hoạt hình ngắn. Trong đó tập phim "Thỏ bảy màu và hành trình chuyển sinh" thu hút khoảng 13 triệu lượt xem, "Thỏ bảy màu và người yêu mới của chị Xô" đạt hơn 30 triệu lượt, "Thỏ bảy màu và chiến tranh cầu cá" đạt 16 triệu lượt… "Thỏ bảy màu: Thần bài miền Tây" ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán 2023 lập tức cán mốc 10 triệu lượt xem và đứng nhất vị trí thịnh hành sau bốn ngày lên sóng. Đây là loạt con số ấn tượng mà các nhà làm phim hoạt hình thèm khát.

Các bộ phim trên đều xoay quanh những yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam như sông nước miền Tây, văn hóa cầu cá, phong tục Tết cổ truyền… Để từ đó, hình tượng chú thỏ trắng dí dỏm, hài hước trở thành đại sứ văn hóa truyền tải nét đẹp đất nước, con người miền Tây. Không những thế, "Thỏ bảy màu" còn trở thành hình tượng lạc quan trong âm nhạc khi ekip Huỳnh Thái Ngọc hợp tác với rapper Pháo để phát hành bài hát "Một ngày chẳng nắng".

Sự phong phú của hệ sinh thái truyện tranh giúp nhân vật truyện tranh khuếch trương tầm ảnh hưởng và truyền tải thông điệp hiệu quả. Từ đó chúng mang lại trải nghiệm mới cho công chúng, tạo ra một môi trường giao lưu, chia sẻ và tương tác giữa những người yêu thích truyện tranh. Với họa sĩ, hệ sinh thái phát triển tiếp thêm động lực sáng tạo. Họ không ngại thử nghiệm và đổi mới để nhân vật quen thuộc có thêm chiều sâu nội dung và cá tính. Về mặt thương mại, các sản phẩm phái sinh giúp hiệu suất sinh lời được đẩy lên mức cao nhất, tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề cộng sinh.

Nhìn rộng ra, hệ sinh thái này còn là bước khởi đầu vững vàng để truyện tranh phát huy vai trò quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Nếu so với nền truyện tranh của các nước phát triển, chúng ta vẫn mới chập chững phía sau. Theo ông  Ðặng Cao Cường - Trưởng ban biên tập truyện tranh, NXB Kim Đồng, để bắt kịp thế giới, việc phát triển hệ sinh thái truyện tranh là xu hướng tất yếu. Và với những gì đã và đang làm được, chúng ta có thể tự tin rằng hệ sinh thái truyện tranh Việt sẽ hoàn thiện trong tương lai không xa.

Mai Quỳnh Nga
.
.