Kịch tết phía nam tất bật vào mùa

Thứ Bảy, 31/12/2022, 21:07

Cuối năm, sân khấu kịch nói tại TP Hồ Chí Minh ráo riết tập luyện, dàn dựng kịch mục để kịp sáng đèn phục vụ khán giả đầu năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trải qua một năm còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ tỏ ra rất "chịu chơi" khi đầu tư kịch bản mới mẻ, đa dạng.

Giữa tháng 12, sân khấu Trương Hùng Minh của nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương ra mắt khán giả tại rạp Vườn Lài cũ, quận 10. Là tân binh nhưng dịp Tết này, Trương Hùng Minh tỏ ra không kém cạnh các sân khấu kỳ cựu khi tung ra hai vở mang màu sắc riêng biệt. Nếu "Đụng vô là phỏng tay" mang lại tiếng cười sảng khoái bởi câu chuyện cười dân gian thì "Loạn thế chi vương" lại là vở kịch nói mang dáng dấp lịch sử, cung đấu.

Cả hai vở diễn đều có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ hai thế hệ. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội, lớp diễn viên trẻ được tạo nhiều đất diễn để họ trau dồi kinh nghiệm diễn xuất và trẻ hóa sân khấu kịch nói. Đây là điều mà nghệ sĩ Minh Nhí ấp ủ từ lâu. Rạp Trương Hùng Minh không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật đơn thuần mà còn là nơi đào tạo, rèn luyện kỹ năng diễn xuất, khơi nguồn sáng tạo cho lớp trẻ.

2-tia-oi-chong-con-dau.jpg -0
Cảnh trong vở “Tía ơi, chồng con đâu?” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ.

Cũng mang mục đích đưa sàn gỗ đến gần công chúng trẻ, từ khi chuyển sang diễn kịch theo mùa, sân khấu Hoàng Thái Thanh bắt đầu giao nhiều khâu quan trọng cho lớp đàn em như biên kịch, phó đạo diễn, diễn viên chính... Công diễn vào Mồng Một Tết, Hoàng Thái Thanh chỉ tung một vở mang tên "Trái tim oan khuất" nhưng đầy hấp dẫn bởi sự tươi mới mà lớp nghệ sĩ trẻ đem lại. Tác giả kịch bản của "Trái tim oan khuất" là Huỳnh Trúc Anh, bút danh ghép lại từ ba biên kịch mới toanh Huỳnh Công Hiển - Hồng Trúc - Lê Anh. Bộ ba mới ngoài 20 tuổi mang đến một câu chuyện mới lạ và khác biệt hoàn toàn so với thể loại quen thuộc của sân khấu Hoàng Thái Thanh (vốn thiên về các vở chính kịch tâm lý xã hội).

"Trái tim oan khuất" là vở kịch tâm linh mang màu sắc liêu trai, ma mị - thể loại rất hút khán giả trẻ. Chuyện kể về Hoàng, đứa con mồ côi mẹ phải sống với bà Phụng - mẹ kế. Cuộc sống yên bình bỗng chốc bị đảo lộn khi người bạn của anh tìm thấy một bức tượng kỳ quái. Trước hàng loạt bí mật bị chôn giấu và biểu hiện khác lạ của bà Phụng, Hoàng buộc phải dấn thân vào hành trình tìm ra sự thật. Tuy khai thác đề tài tâm linh nhưng "Trái tim oan khuất" không phải là một vở kinh dị chỉ hù ma, dọa dẫm. Dưới bàn tay đạo diễn, dẫn dắt lão luyện của NSƯT Thành Hội và Ái Như, tác phẩm vẫn thấm đẫm hồn cốt của Hoàng Thái Thanh. Đó là chiều sâu tâm lý, chất nhân văn nhẹ nhàng mà lay động trái tim người xem.

Cũng chỉ tung một vở nhưng Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ (còn gọi là sân khấu 5B) của NSƯT Mỹ Uyên trình làng tác phẩm mới này rất sớm. Đầu tháng 12, "Tía ơi, chồng con đâu?" (đạo diễn, NSƯT Hữu Quốc) đã được công diễn và sẽ kéo dài đến mùa Tết âm lịch. Đây là phần tiếp theo của vở "Tía ơi, con lấy chồng" đã ra mắt cách đây ba năm. Nối dài đề tài về cộng đồng giới tính thứ ba, "Tía ơi, chồng con đâu?" là vở kịch hài hước nhưng sâu lắng tình cảm gia đình. Yếu tố LGBT không bị lạm dụng để chọc cười rẻ tiền mà tiếng cười đến từ những câu thoại duyên dáng của những người vui tính. Qua vở kịch, khán giả dễ dàng đi sâu vào tâm tư, cảm xúc của thân phận đồng tính nam, đồng tính nữ, để từ đó xóa bỏ định kiến mà mở lòng hơn với tình yêu đồng giới.

"Chơi lớn" nhất mùa kịch Tết 2023 là sân khấu Thế giới Trẻ và Idecaf. Thế giới Trẻ tung đến ba vở gồm: vở tâm linh "Nghiệp quật", hài kịch "Ở đây ai tỉnh?" và "Xóm trọ Kungfu". Bà An Thi, đại diện sân khấu Thế giới Trẻ cho biết: "Mùa Tết năm nay, chúng tôi rất vui khi đón sự trở về của ba gương mặt nghệ sĩ quen thuộc sau một thời gian dài vắng bóng là Diệu Nhi, vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật. Họ cùng lực lượng diễn viên hùng hậu, nổi bật của Thế giới Trẻ hứa hẹn các kịch mục mùa Tết sẽ rất hút khách". Ngoài ba vở mới, bà An Chi còn cho biết sẽ dựng lại các kịch mục cũ để diễn xen kẽ như: "Hợp đồng yêu đương", "Di chúc máu", "Họa hồn"…

1-vo-minh-lam.jpg -0
Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm (trái) tạo bất ngờ khi góp mặt trong nhạc kịch “Em em chị chị”.

Kịch Idecaf tỏ ra không thua kém khi vừa làm mới hai vở cực kỳ ăn khách trước đây là "Thuốc đắng giã tật" và "Cưới vợ cho ai", vừa dồn sức đầu tư nhạc kịch "Em em chị chị" (tác giả Mai Thịnh - Lê Thúy, đạo diễn Quốc Thịnh - Tuyết Mai). Hai vở tái dựng đều có sự tham gia của các gương mặt đình đám đã lâu chưa xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. Riêng vở "Em em chị chị" lấy cảm hứng từ phim "Chicago" của Hollywood là "con át chủ bài" để Idecaf xông đất đầu năm. Ngoài thể loại nhạc kịch hấp dẫn nhưng khó dựng, "Chicago" còn có sự góp mặt bất ngờ của nghệ sĩ Võ Minh Lâm trong vai luật sư Bách Tùng. Lý giải về việc mời nghệ sĩ cải lương nổi tiếng vào một vở kịch, "ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn cho hay: "Đây cũng là cách chúng tôi tạo sức hút cho vở kịch và cũng là cơ hội để Võ Minh Lâm lột xác, tạo dấu ấn mới cho mình".

Có thể thấy mùa kịch Tết 2023, số kịch mục vượt trội và nội dung phong phú hơn so với mùa Tết năm ngoái. Trở lại sau dịch COVID, dù khó khăn chất chồng, các sân khấu vẫn không ngừng nỗ lực làm mới mình để giữ lửa nghề và níu chân người xem. Điểm chung của họ là: trẻ hóa kịch nói từ nghệ sĩ đến khán giả để sân khấu kịch tồn tại và phát triển. Nghệ sĩ Minh Nhí tâm tình: "Đúng là đời sống sân khấu đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu ai cũng sợ, cũng ngại thì khác gì chúng ta đang lùi bước. Tôi và nhiều đồng nghiệp chọn cách tiếp tục đi vì học trò, để tạo đà cho các em phát triển".

Trong lúc sân khấu kịch Hồng Vân hạn chế lịch diễn để cầm cự qua khó khăn, "bà bầu" Hồng Vân nhanh nhạy bắt tay với Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) để ra mắt sân khấu kịch học đường UEH Theatre. Nơi đây dàn dựng những tác phẩm văn học, điển tích, truyền thuyết lịch sử dân gian, đương đại nổi tiếng trong và ngoài nước. Cuối tháng 11, những vở kịch có sự tham gia của dàn nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn sinh viên các lớp đào tạo nghệ thuật ra đời. Đó là vở "Quyền lực và tình yêu", "Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân" và "Thị Mầu lên chùa".

Cuối buổi diễn, học sinh, sinh viên sẽ đối thoại và trao đổi với đội ngũ đạo diễn, diễn viên để hiểu hơn về các tác phẩm dưới đa dạng góc nhìn. Sự dìu dắt, chỉ dẫn, tương tác của các nghệ sĩ với sinh viên không chỉ giúp đào tạo ra một dàn nghệ sĩ trẻ tài năng trong tương lai mà còn giúp hình thành nên lớp công chúng am hiểu và yêu thích loại hình kịch nói. Nhờ sự phối hợp này, sân khấu Hồng Vân có thêm nguồn kịch mục để phục vụ khán giả vào dịp đầu năm.

Nhờ giao khâu điều hành, quản lý cho nghệ sĩ trẻ Huỳnh Công Hiển, sân khấu Hoàng Thái Thanh có nhiều cú chuyển mình tích cực, hợp xu hướng. Không chờ đến ngày Mồng Một Tết, Công Hiển đã đề xuất các suất chiếu sớm (tức sneak show) dành cho "Trái tim oan khuất" bắt đầu từ ngày 1/1/2023. Đây là cách phát hành phổ biến bên lĩnh vực điện ảnh dành cho những bộ phim thú vị, hấp dẫn được khán giả háo hức trông chờ.

Sneak show vừa gây tò mò cho khán giả, nhất là đối tượng khán giả trẻ, vừa giúp nhà sản xuất gặt hái thêm lợi nhuận trước giờ chiếu chính thức. Song, "chiêu" này lại hoàn toàn mới với sân khấu kịch nói. Có thể coi sân khấu Hoàng Thái Thanh là đơn vị đầu tiên áp dụng cách phát hành này và bước đầu tỏ ra hiệu quả khi lượt đặt vé online không ngừng tăng lên. Riêng sân khấu Idecaf mở rộng thêm điểm diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên với giá vé ưu đãi nhằm thu hút giới học sinh, sinh viên. Thế nên không ngạc nhiên khi duy nhất nhạc kịch "Em em chị chị" - "con át chủ bài" của Idecaf - công diễn tại đây vào những ngày đầu năm.

Phan Thi Uyên
.
.