Kịch Tết phía Nam: Bỏ thì thương. vương thì tội

Thứ Năm, 27/01/2022, 14:16

Những năm trước, mỗi dịp Tết về, không khí sàn diễn vô cùng tất bật để chuẩn bị cho vở diễn mới. Năm nay, tình hình dịch diễn biến quá phức tạp khiến hầu hết sân khấu đều “án binh bất động”. Một vài sân khấu rón rén tập vở với tâm thế vừa làm vừa run.

Cả năm qua, sân khấu kịch nói TP Hồ Chí Minh gần như “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch Covid. Các diễn viên, nhân viên hậu đài tan tác, mỗi người mỗi ngả. Để mưu sinh, người livestream bán hàng online, người làm nhân viên giao hàng, người chạy xe ôm… Ai cũng nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ tiếng vỗ tay của khán giả đến thắt ruột thắt gan.

Khi lệnh giãn cách của thành phố bắt đầu được nới lỏng, lĩnh vực văn hóa giải trí dễ thở hơn một chút, một số sân khấu bắt đầu rục rịch tập lại vở cũ để có tác phẩm “gối đầu” phục vụ khán giả. Nhân tiện họ dựng thêm một vài vở kịch mới để đón dịp lễ Tết cuối năm. Thậm chí, để an toàn, có sân khấu chờ đến gần thời điểm cuối năm mới bắt đầu lên lịch tập dù TP Hồ Chí Minh chưa có công văn chính thức cho mở lại các hoạt động giải trí, sân khấu.

Kịch Tết phía Nam: Bỏ thì thương. vương thì tội -0

Sân khấu kịch Idecaf không có vở trình làng mùa Tết 2022.

Do tập cầm chừng nên số vở Tết 2022 vô cùng hiếm hoi. Nếu mọi năm, sân khấu nào cũng sở hữu tầm hai, ba vở thì năm nay, ai “chơi lớn” cũng chỉ dám dựng một, hai vở mới. Còn hầu hết là tái dựng vở cũ, vừa đỡ tốn kém chi phí vừa kịp phục vụ khán giả. Đạo diễn Ngọc Hùng, đại diện sân khấu Thế giới trẻ cho hay: “Năm nay, chúng tôi chỉ dựng một vở mới. Do năm ngoái diễn được vài suất nên nhiều vở còn khá mới với khán giả, chúng tôi chỉ cần tập lại là có thể diễn”.

Trong làng sân khấu, kịch Hồng Vân có lẽ là đơn vị “chịu chơi” nhất khi dựng đến hai vở mới mang tên “Ngã rẽ” (kịch bản: Tấn Nhật, đạo điễn: Xuân Trang) và “Ngôi nhà trên thuyền” (kịch bản: Xuân Trang, đạo diễn: NSND Hồng Vân - Xuân Trang).

Vở “Ngôi nhà trên thuyền” khai thác nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam. Câu chuyện xoay quanh một gia đình nhỏ sống trên chiếc thuyền rách nát chòng chành theo sông nước miền Tây. Lệ là người phụ nữ lam lũ luôn phải chịu đựng người chồng suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ. Hai đứa con của họ đều bị tật nguyền. Nhưng bù lại, hai đứa trẻ thông minh, đáng yêu và rất ngoan ngoãn vì chúng hiểu được sự khổ nhọc của mẹ và sự cùng cực của gia đình. Tình - người chồng - là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Bị dằn vặt vì mình mà vợ con phải khổ sở, vì mình mà những đứa trẻ mỗi ngày phải đối diện với những cơn động kinh, nói ngọng nói nghịu không ai hiểu nổi nên Tình tìm đến rượu quên đời. Để rồi bi kịch lại nối tiếp bi kịch…

Nếu “Ngôi nhà trên thuyền”, bà bầu Hồng Vân dành đất cho những diễn viên cứng cựa thì “Ngã rẽ” lại dành cho dàn diễn viên trẻ khi khai thác bước đường tương lai của lớp sinh viên sau tốt nghiệp. Hiểu diễn viên quá nhớ nghề, NSND Hồng Vân cố gắng làm hai vở để diễn viên nào cũng có nơi thể hiện đam mê.

Kịch Tết phía Nam: Bỏ thì thương. vương thì tội -0
Cảnh trong vở “Ngôi nhà trên thuyền” của Sân khấu kịch Hồng Vân.

Hai vở vừa để thi Liên hoan Sân khấu toàn quốc ngày 15-1-2022, vừa để làm vở diễn Tết đều thuộc dòng chính kịch mang tinh thần lạc quan, nhân văn khác với gu kịch lâu nay của sân khấu Hồng Vân. Lý giải về điều này, NSND Hồng Vân phân tích: “Thời dịch, khán giả có nhiều lựa chọn về giải trí nên sân khấu phải lựa chọn khán giả cho mình. Chúng tôi muốn trở lại dòng chính kịch mang hơi hướng đời, để những khán giả thực sự yêu sân khấu sẽ đến cùng trải nghiệm, đánh giá thông điệp, hướng mọi người tới điều tốt đẹp”.

Những ngày này, sân khấu Trịnh Kim Chi cũng lên lịch tập vở “Blouse trắng” - tác phẩm tri ân những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Đây là vở có dàn diễn viên đông đảo khi huy động tới 40 diễn viên, chưa kể diễn viên quần chúng. Chị cũng tập lại các vở cũ để khi sân khấu được mở cửa là phục vụ khán giả luôn, tránh tình trạng “nước tới chân mới nhảy”. Tập kịch trong thời điểm dịch bùng phát mạnh trở lại nên sân khấu Trịnh Kim Chi luôn đề cao công tác phòng dịch. Cứ ba ngày, tất cả nghệ sĩ tham gia vở lại được test covid một lần. Lịch tập được chia nhỏ, tránh tụ tập đông người… “Bà bầu" Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh thì cho hay, sân khấu mình luôn cố gắng hết sức để cho ra đời những vở diễn chất lượng. Các nghệ sĩ luôn được bà động viên, khuyến khích để vượt qua giai đoạn khó khăn, hết lòng cống hiến trên sàn tập.

Nếu phim ảnh vẫn có kênh phát hành trực tuyến thì trong đại dịch, sân khấu gần như bí đường. Bởi kịch nói trên sóng truyền hình hay trên mạng xã hội khác xa với kịch nói trên sàn diễn. Chỉ ở sàn diễn, kịch nói mới mang lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả khi nghệ sĩ cùng khán giả tương tác, khóc cười với nhau. Nhưng dịch bệnh khiến công chúng ngại đến nơi đông người, nhất là tập trung đông người trong phòng kín như sân khấu kịch. Sân khấu “ngủ đông” quá lâu lại khó kéo khán giả đến rạp khi hoạt động trở lại. Để kéo khán giả đến rạp, NSND Hồng Vân cam kết: “Tôi sẽ không tăng giá vé, chỉ cố gắng giữ sân khấu và khán giả chứ không nghĩ về lợi nhuận. Từ lâu rồi, sân khấu không có lợi nhuận, chỉ giữ được nhờ sự bám trụ của diễn viên”. Thậm chí nhiều sân khấu phải khuyến mãi, có chương trình ngoài lề hấp dẫn để giữ chân khán giả.

Tuy đã chuẩn bị kịch mục để diễn Tết nhưng các ''ông, bà bầu'' sân khấu vẫn thấp thỏm không yên, nhất là khi biến thể mới xuất hiện. Cú ngã mùa Tết 2021 đã khiến họ e dè, lo sợ lịch sử lặp lại. Năm ngoái là một mùa kịch Tết thất bát vì sân khấu phải đóng cửa để chống dịch. Các vở kịch mới phục vụ Tết Tân Sửu đều là kịch bản hay, được chọn lọc kỹ, mang tính nhân văn, đồng thời cũng gây cười sảng khoái cho khán giả.

Trình làng nhiều vở thú vị như thế, nên thông tin dịch Covid bùng phát trở lại ngay dịp giáp Tết khiến các "ông bầu, bà bầu" đứng ngồi không yên. Rất nhiều vở đã được dàn dựng công phu, chỉ chờ ngày kéo rèm nhưng cuối cùng dịch bùng lên mạnh, vở đành cất kho.

“Toàn bộ lịch diễn kịch Tết 2021 vẫn còn đó vì năm ngoái chuẩn bị sẵn sàng nhưng cuối cùng không thể mở cửa” - NSND Hồng Vân than thở. Năm nay, dù đã tập kịch nhiều tuần nhưng kế hoạch mở cửa của hầu hết sân khấu đều chưa có. Sân khấu Hồng Vân dự định xếp lịch diễn trở lại vào dịp Tết Dương lịch nhưng nay phải dời lại vô thời hạn. Sân khấu Thế giới trẻ thì lên kế hoạch mở cửa vào dịp Noel nhưng rồi cũng tạm hoãn. 

Sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh sẽ mất trắng mùa kịch Tết là điều mà nhiều người dự báo. Bởi đến thời điểm này, số sân khấu chuẩn bị kịch mục để đón Tết Nhâm Dần 2022 quá ít ỏi. Rất nhiều sân khấu “án binh bất động” để nghe ngóng tình hình dịch bệnh và thị hiếu khán giả chứ không dám “tay không bắt dao” như Idecaf, kịch 5B...

NSƯT Thành Lộc, Phó giám đốc sân khấu Idecaf thừa nhận, đơn vị không dám đổ tiền ra để tập vở Tết vì chưa biết bao giờ mình được diễn lại. Đến nay, thành phố vẫn đang áp dụng Chỉ thị số 18/CT-UBND. Trong đó, các sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được tổ chức với quy mô tối đa 60 người, với điều kiện có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Trong khi đó, sân khấu cần đông người nên đành chịu ngồi “bó gối” cho lành.

NSƯT Trịnh Kim Chi mong mỏi, với tình hình ảm đạm này, Nhà nước cần nhanh chóng “bơm oxy” nếu không các sân khấu xã hội hóa sẽ đi vào chỗ chết. Bây giờ, làng sân khấu chỉ biết thực hiện các bước phòng dịch thật tốt, mong mỏi dịch bệnh sớm được kiểm soát để khán giả và nghệ sĩ có một mùa Tết vui vẻ, đầy sức sống mới sau hai năm lắm tai ương, bất trắc. Lâu nay, kịch Tết vốn là mùa vàng để nghệ sĩ tung tẩy trên sàn diễn và tăng thêm thu nhập. Nhưng nay, mùa vàng đã trở thành dĩ vãng xa xôi biết đến khi nào trở lại…

Mai Quỳnh Nga
.
.