Kĩ xảo điện ảnh - tiềm năng vươn tầm quốc tế của các studio Việt Nam

Thứ Năm, 30/09/2021, 15:53

Kĩ xảo điện ảnh - Visual Effect (VFX) là phần hậu kỳ trong quá trình làm phim, bao gồm đảm bảo kĩ xảo điện ảnh, hiệu ứng về âm thanh, giúp cho bộ phim thêm phần hoàn thiện, truyền tải đúng thông điệp, nội dung mà nhà sản xuất muốn. Đây là một công đoạn có chất lượng nhân vật ngày một tiến bộ tại Việt Nam.

Kĩ xảo điện ảnh - tiềm năng lớn của điện ảnh Việt

Nhen nhóm từ đầu 2010 rồi bắt đầu được biết đến nhiều hơn trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam với hơn 10 studio nổi bật, bao gồm: Sparx* - A Virtuos Studio, BlueR Studio, Colory Animation, CYCLO, HETA, LuciDigital, Planion Animation, Rainstorm Film, SPARTA Visual Effects Studio, VEGA Animation Studio, Vinamation… đã trở thành những thương hiệu được nhiều hãng phim thế giới tìm đến công đoạn hậu kì cho tác phẩm.

Để nhắc về thành tựu của lĩnh vực kĩ xảo điện ảnh nước ta, có thể kể đến các phim bom tấn nổi tiếng như “Captain Marvel” (Đại úy Marvel), “Avenger: Infinity War” (Cuộc chiến vô cực). Đặc biệt, Việt Nam còn là đối tác quen thuộc của “ông lớn” Hàn Quốc trong những năm trở lại đây, đảm nhiệm một số tác phẩm đình đám châu Á như “Hotel Del Luna” (Khách sạn ánh trăng), “Sweet Home” (Thế giới ma quái), “Penthouse” (Cuộc chiến thượng lưu) hay gần đây nhất là tác phẩm “Squid Game” (Trò chơi con mực). Những sản phẩm được thực hiện bởi studio Việt Nam không chỉ mang lại hình ảnh chân thật mà luôn khiến khán giả ngạc nhiên vì độ hoành tráng, sáng tạo.

hai phượng là một bộ phim việt nam có kĩ xảo tinh tế, đẹp mắt.jpg -0
“Hai Phượng” là một bộ phim Việt Nam có kĩ xảo tinh tế, đẹp mắt.

Trong nước, dù kĩ xảo điện ảnh đã được biết đến từ lâu nhưng thời gian gần đây, kĩ thuật này mới được nhiều nhà làm phim cân nhắc lựa chọn. Một số bộ phim Việt Nam có phần kĩ xảo vô cùng chất lượng, ấn tượng, có thể kể đến như “Người bất tử”, “Vợ ba”, “Mắt biếc” hay “Chị chị em em”. Trong đó, “Hai Phượng” là ví dụ cho việc sử dụng VFX tốt khi dù đa phần bối cảnh trong phim đều được quay trong phim trường rồi hậu kì lại bằng kĩ xảo nhưng hiệu quả mang đến lại sống động đến mức hiếm ai có thể nhận ra.

Có thể nói, dù so với Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam vẫn “chưa nổi tiếng trong ngành hoạt hình và kĩ xảo quốc tế” (ông Thierry Nguyen - đồng sáng lập Bad Clay) nhưng với các thành tích về số lượng cũng như chất lượng thu được trong 5 năm gần đây, chúng ta có thể khẳng định rằng lĩnh vực kĩ xảo điện ảnh của nước ta có tiềm năng rất lớn và có khả năng phát triển, vươn tầm thế giới trong các năm tiếp tới.

Vì sao phim Việt lại yếu thế mảng kĩ xảo?

Để phải nói, dù có sẵn một lượng nhân lực có chất lượng được đánh giá cao trên thế giới nhưng số lượng phim sử dụng kĩ xảo hoành tráng ở Việt Nam vẫn ít, nếu có sử dụng, chất lượng cũng không quá cao. Vấn đề này đến từ nhiều nguyên do. Đầu tiên là vì các phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, hành động tại Việt Nam còn ít vì không có nhiều nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch đủ sức chinh phục hay dám chinh phục dòng phim này. Thế nhưng nguyên do lớn hơn lại đến từ việc nhà làm phim Việt không đủ để chi trả cho chi phí làm VFX.

bộ-phim-squid-game-có-phần-kĩ-xảo-được-thực-hiện-bởi-studio-việt-nam.jpg -0
Bộ phim “Squid Game” có phần kĩ xảo được thực hiện bởi studio Việt Nam.

Dù giá cả cho phân đoạn thực hiện VFX của studio Việt Nam không quá đắt so với mặt bằng chung thế giới đi kèm với chất lượng ổn định nhưng với các hãng phim trong nước, chi phí này vẫn còn nằm ngoài tầm với. Theo chia sẻ của đại diện Bad Clay Studio trả lời Thanh Niên trong bài “Phim Việt ngại đầu tư kĩ xảo” (17/10/2020), một bộ phim Hollywood sẽ có ngân sách 100 triệu USD chỉ dành cho VFX, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ từ 10.000 - 100.000 USD. Trong khi đó, khi xét đến “Bố già”, bộ phim có doanh thu hàng đầu tại Việt Nam, doanh thu thu về cũng chỉ được 17 triệu đô, bằng 2/10 so với ngân sách phim Hollywood. Tất nhiên so sánh vậy là khập khiễng, nhưng nó cũng chỉ rõ yếu thế của chúng ta trong việc đầu tư VFX nằm ở đâu.

Phim Việt tất nhiên vẫn có những lựa chọn phù hợp với túi tiền hơn, nhưng hẳn nhiên chất lượng hình ảnh không thể sánh bằng vì những yếu tố vô cùng khách quan. Bởi chỉ tính các phần mềm cao cấp dùng cho việc chỉnh sửa VFX đã có phần mềm phải trả 200 triệu đồng/giấy phép, chưa tính đến thu nhập bình quân của những nghệ sĩ thuộc lĩnh vực này thường cao và chi phí di chuyển nếu quốc gia sở tại không có trang bị cần thiết. Chi phí thấp thì phần mềm tương ứng cũng không phải phần mềm cao cấp, chất lượng hình ảnh sẽ có nhiều thiếu sót, người thực hiện cũng không phải người chuyên nghiệp nhất.

Suy cho cùng, việc đầu tư kĩ xảo điện ảnh ở Việt Nam là một canh bạc lớn mà đa số các nhà đầu tư tránh né. Bởi họ có nhiều lựa chọn thay thế hơn cho dòng phim cần sử dụng kĩ xảo, và tất nhiên có khả năng hút khách cao hơn như hài, tình cảm, kinh dị. Tuy nhiên việc tránh né này chỉ mang lại lợi ích tạm thời cho cả cá nhân lẫn nền điện ảnh nước nhà. Tiếp tục tránh né, Việt Nam không chỉ đi chậm hơn so với bước tiến của điện ảnh thế giới mà đấnh mất cơ hội phát triển của không biết bao đạo diễn, biên kịch có kịch bản tiềm năng cần khai thác VFX hay khiến tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực này ngày càng phổ biến và hiển nhiên.

Không thể coi thường kĩ xảo điện ảnh

Theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, người đứng sau “Trái tim quái vật”, kĩ xảo đóng vai trò quan trọng, tạo nên sự chân thật và tinh tế trong phim điện ảnh. “Kĩ xảo làm tăng cảm xúc hoặc làm phim dày lên, kĩ xảo không dừng ở những thứ nhỏ nhặt như: một cái cây, một phông nền, chi tiết nhỏ,… Những phim hay, hút khách tại Việt Nam hiện đang ứng dụng kĩ xảo rất nhiều. Nhu cầu của khán giả ngày càng cao, đòi hỏi kĩ xảo chân thực. Kĩ xảo làm phim nhiều cảm xúc, thăng hoa hơn”. Quả thật, trong thời đại công nghệ, kĩ xảo là một phương tiện hữu ích giúp nâng cao chất lượng của tác phẩm. Không những vậy, kĩ xảo điện ảnh còn giúp tiết kiệm chi phí di chuyển trong quá trình quay phim, hạn chế những rủi ro liên quan đến an toàn sức khỏe, tính mạng của thành viên thuộc đoàn làm phim.

Kĩ xảo hoành tráng còn trở thành một trong những yếu tố giúp điện ảnh kích thích và thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả. Có thể thấy, những tác phẩm có kĩ xảo hoành tráng luôn được khán giả mong đợi, ví dụ tiêu biểu nhất là chuỗi phim King Kong. Dù phần nội dung không quá xuất sắc nhưng chuỗi phim biến những tưởng tượng trong trí não con người về các nhân vật siêu nhiên trở thành hiện thực đầy chân thật và sống động. Từ đó, tạo nên một thương hiệu riêng, giúp King Kong liên tục cho ra các phần phim mới trước sự đón nhận nhiệt tình của các thế hệ người xem. Đấy chính là sức hút của kĩ xảo điện ảnh.

Các năm trở lại đây, chúng ta vẫn thấy được những biên kịch, đạo diễn quả cảm, dám thử sức mình với những thể loại yêu cầu kĩ xảo điện ảnh cao, trong đó có các bộ phim của Ngô Thanh Vân. Tất nhiên, những tác phẩm này chưa thể sánh ngang thế giới, nhưng nó vẫn khiến khán giả trong nước phải trầm trồ, công nhận hay thậm chí là khen ngợi. Đó là bước chân đầu tiên đặt tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai, và bất kì nền điện ảnh nào cũng cần những bước chân chập chững như vậy. Sự ái ngại của nhà làm phim Việt đối với kĩ xảo điện ảnh đang tạo nên một cánh cửa vô hình ngăn cản sự phát triển của người làm phim Việt cũng như điện ảnh Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi và chấp nhận thử thách trước khi tự bồi đắp để cánh cửa ấy càng khó bị phá bỏ.

Khải An
.
.