Khúc hát tình yêu, cưới xin của đồng bào dân tộc Mông

Thứ Hai, 23/01/2023, 07:24

Dân tộc Mông vùng Tây Bắc luôn yêu chính mình. Họ luôn cất lên những lời ca, khúc hát trong lễ hội. Đó là mạch sống, nguồn cảm hứngđã có từ lâu. Là niềm tự hào lớn, niềm tin yêu lớn trong cả cộng đồng dân tộc. Lời ca, khúc hát, nụ cười mãi mãi trong tâm, nó đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Từng lời ca, tiếng hát say sưa như lửa cháy trong đêm hội. Họ luôn giữ tình yêu ấy như giữ bếp lửa trong nhà.

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa, và chúng ta có thể hiểu theo các cách tiếp cận khác nhau. Nghĩa gốc (tiếng Hán) thì văn hóa là cái đẹp. Theo cách nhìn phương Đông, hình thức đẹp biểu hiện trước hết trong lễ, nhạc… đặc biệt trong ngôn ngữ, cách ứng xử. Nó biểu hiện thành một hệ thống các chuẩn mực, giá trị ứng xử được mọi người chấp nhận và hưởng ứng.

Văn hóa còn là dòng chảy của các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, các truyền thống, các nghi lễ… văn hóa được hình thành qua thời gian khi mọi người cùng làm việc, cùng giải quyết các vấn đề, cùng đương đầu với các thách thức văn hóa tượng trưng cho một hệ thống độc lập bao gồm các giá trị trong một thời gian dài. Văn hóa đã nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Người Mông đã lưu giữ nhiều tầng văn hóa khác nhau. Nhưng đặc trưng nhất, bản sắc nhất là các bài hát thuộc loại tiếng hát tình yêu, tiếng hát cưới xin, tiếng hát cúng ma. Sau đây, ta sơ qua tiếng hát tình yêu để thấy rõ tình cảm, giá trị văn hóa ẩn sâu trong đó.

múa trong lễ hội gầu tào ở sapa.jpg -0
Múa trong lễ hội Gầu Tào ở Sapa.

Không gian hát giao tiếp của đồng bào dân tộc Mông

Phổ biến nhất là thanh niên nam nữ hát với nhau, trong bất cứ trường hợp nào thuận lợi. Đi làm nương, làm ruộng, vào rừng lấy củi, lấy nấm, đi chơi phố, chơi chợ, những buổi rảnh rỗi công việc v.v… gặp nhau là họ hát vui với nhau. Không những hát để giải trí, để thử tài nhau mà chính trong những trường hợp hát như thế này, các chàng trai, cô gái được một dịp “tìm hiểu” lẫn nhau, và không ít những cuộc tình duyên đẹp đẽ đã nảy sinh từ trước những dịp hát xướng thú vị này.

Hát trong lễ hội Gầu tào (còn gọi là lễ hội sải sán): tạm dịch là lễ hội leo núi

Tập quán người Mông ăn tết kéo dài, dịp tết thường mở hội Gầu tào. Người Hán, người Sã và một số đồng bào Mông thường gọi theo tiếng quan hỏa là sải sán (Hội leo núi). Hội Gầu tào được tổ chức trên một bãi đất tương đối bằng phẳng, giữa trồng một cây bương hoặc cây tre giống như cây nêu ở miền xuôi, trên ngọn treo miếng lụa hoặc nhiễu đỏ và một lọ nhỏ trong đựng rượu. Hội thường mở trong bốn ngày liền, thu hút được nhiều già trẻ, trai gái. Ngoài những trò chơi dân tộc như đánh pao, đánh võ, đua ngựa, bắn súng, bắn nỏ còn có múa khèn, thổi sáo, chọi chim, chọi gà v.v… và trai gái thường hát xướng với nhau. Họ hát với nhau hoặc trực tiếp đối đáp bằng miệng, hoặc dùng hai ống nứa bong bóng nối bằng một sợi chỉ dài, đứng cách xa nhau mà hát và nghe trong ống (cách hát này gọi là hát ống). Người hát đông, người dự xem và nghe hát cũng đông. Các cuộc hát này gọi là hát hội (chù gâu tào).

Từng đôi nam nữ tình tự riêng với nhau. Điều rất đáng chú ý là thanh niên nam nữ dân tộc Mông khi tình tự với nhau, họ rất thích hát lên bằng lời bằng miệng. Họ dùng khèn, kèn lá, sáo, đàn môi… thổi thành nhạc điệu, người nghe hiểu được ngay nội dung bài hát mà “đối tượng” của mình đang diễn tả. Lối tự tình qua nhạc cụ này rất phổ biến, thanh niên nam nữ Mông nói chung là có một biệt tài, một năng khiếu thẩm nhạc riêng - nghe nhạc mà hiểu được tình ý của người chơi nhạc - chẳng khác gì các nhạc sĩ chuyên nghiệp nghe “nhạc thuần túy” vậy.

Giá trị chủ yếu của tiếng hát tình yêu

Giá trị của tiếng hát tình yêu là ở chỗ các bài hát phản ánh được trung thực những tình cảm, những ước mơ lành mạnh của nhân dân lao động dân tộc Mông: Tình yêu chân chính, lòng chung thủy, hạnh phúc gia đình. Đó là những điều người ta thiết tha, mong mỏi, được nói lên nhiều nhất. Bên những yếu tố chính ấy, nội dung nhiều bài cũng hướng vào phê phán các mặt tiêu cực của con người trong tình yêu, nhất là vấn đề phụ bạc lẫn nhau. Thái độ phê phán có nhiều vẻ: Hoặc đau xót, cay chua mà kết án, hoặc mỉa mai chì chiết, hoặc phẫn nộ đả kích. Từ các bài “Tiếng hát tình yêu”, ta có thể nhận thức được khá đầy đủ về nhiều mặt đời sống xã hội, đời sống tình cảm của người Mông, càng thấy họ là người coi trọng tín nghĩa. Các ông mối “thảo luận” với nhau về mọi nghi thức, điều khoản cưới xin (tất nhiên là phải dựa trên ý kiến của hai gia đình)

Tiếng hát cưới xin: Đây là những bài hát thường chỉ do nam giới hát nhân dịp đám cưới. Người Mông gọi chung là “gầu xống”. Loại này thường chia ra:

Hát nghi thức: Tục lệ cũ của người Mông, khi cưới vợ, nhà trai trước tiên phải cử người đến “đánh tiếng”- Người này phải là người còn đủ đôi - Sau khi “đánh tiếng” đạt kết quả, bấy giờ mới chính thức cử hai ông mối tới nhà gái. Nhà gái cũng phải cử hai ông mối ra tiếp. Các ông mối thảo luận với nhau về mọi nghi thức, điều khoản cưới xin (tất nhiên là phải dựa trên ý kiến của hai gia đình) với tính cách là các đại diện.

Mỗi đám cưới thường phải trải qua ba lễ: Lễ hỏi, lễ trả và lễ cưới (đón dâu).

Hai ông mối của nhà trai, ngay từ bữa rượu tiễn chân từ nhà trai ra hỏi vợ, đã phải hát những bài hát có tính chất nghi thức của đám cưới rồi (hát các bài nói về việc lấy vợ lấy chồng, hứa hẹn làm tròn nhiệm vụ với gia đình nhà trai….). Họ mang lễ hỏi tới nhà gái (nhà gái đã cử sẵn hai ông mối tiếp). Từ việc xin nhà gái mở cửa, nói rõ ý định của mình, xin chỗ treo ô, xin nước rửa mặt, xin chỗ ăn ngủ… Tất cả mọi việc, các ông mối nhà trai đều phải hát và các ông mối nhà gái hát đáp lại. Hôm sau, mời họ hàng nhà gái tới, ông mối nhà trai bàn việc chính thức, nhà gái thách cưới (dùng “que thách” để nói rõ số tiền và lễ vật treo cưới). Đôi bên điều đình thỏa thuận với nhau ra sao, nhất nhất các ông mối phải dùng bài hát mà trao đổi ý kiến với nhau. Sau lễ hỏi, hai ông mối nhà trai trở về báo lại cho nhà trai biết tình hình để lo liệu lễ trả và lễ cưới. Trong lễ trả, các ông mối dẫn chú rể mang lễ vật sang nhà gái, trao nhận lễ vật từng phần, từng thứ, bốn ông mối vẫn phải dùng bài hát “nói” với nhau. Xong xuôi mọi việc mới quyết định ngày giờ đón dâu. Trong lễ đón dâu (lễ cưới) các ông mối vẫn giữ vai trò chủ chốt và “nói” bằng bài hát.

Tóm lại: tất cả bài hát các ông mối hát trong các lễ nói trên của một đám cưới gộp lại thành một phần của gầu xống. Các bài này mang tính chất hát nghi thức, có quy tắc, có nhạc điệu tương đối ổn định. Vì vậy, tuy là dân ca nhưng tính chất dân gian của nó có phần bị hạn chế.

Hát vui chơi trong đám cưới: Trong lễ cưới, người dự tiệc rượu thường ca hát với nhau. Người ta hát những bài vui, chúc mừng cô dâu, chú rể, mời nhau uống rượu, kể chuyện vui cười, hát đố hát giải, hát trêu chọc đùa cợt lẫn nhau. Các bài nội dung đều xoay quanh việc cưới xin, vui mừng, hợp thành một phần nữa của gầu xống

Trong tiệc rượu cưới, không phải người ta chỉ hát các bài thuộc gầu xống. Đây là một dịp đượcgặp gỡ, người ta không bỏ lỡ. Vì vậy, trong đám cưới, ngoài các bài gầu xống người ta còn hát các bài khác. Cần than thân mồ côi, làm dâu góa bụa, người ta hát tiếng hát mồ côi, tiếng hát làm dâu; Trai gái tìm hiểu yêu đương nhau thì cùng nhau hát ''Tiếng hát tình yêu''. Có thể nói chỗ nào có tiệc vui mừng, có tiệc rượu là ở đấy có hát, có khi chỉ có hai bên nam giới ngồi uống rượu với nhau họ cũng kéo một cuộc hát rất dài. Hát là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của người Mông.

Các nhạc cụ cùng giãi bày sắc thái tình cảm

k.jpg -0
Mùa khèn trong lễ hội Gầu tào của người Mông.

Khèn, kèn lá, đàn môi, sáo… là những nhạc cụ thông dụng của người Mông. Đặc biệt là kèn lá, đàn môi và khèn… người ta giãi bày tâm sự với nhau bằng khèn, than thân bằng khèn, cúng lễ cũng bằng khèn, nghĩa là diễn tả mọi tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình ra bằng khèn. Nghe khèn có thể hiểu được những điều người thổi khèn muốn nói, muốn hát. Khèn cũng như kèn lá và đàn môi là những nhạc cụ gắn liền với dân ca, do đó có thể nói nội dung của khèn, kèn lá hoặc đàn môi, rất nhiều bài là dân ca, hoặc ngược lại, dân ca được biểu hiện qua hình thức các nhạc điệu ấy. Vậy nên, các bài hát mà được sử dụng dụng cụ làm nền thì càng tăng thêm sức thuyết phục, truyền cảm, dễ đi vào lòng người.

Giá trị của văn hóa là rất lớn, chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn. Trước hết mỗi làng xã, thôn bản trong hương ước cần xây dựng bầu không khí dân chủ: Cởi mở, hợp tác, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau; mọi người đều được tôn trọng, luôn được coi trọng và có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình.

Giá trị văn hóa bản làng chỉ phát triển, trong đó phải có sự hòa nhập của cộng đồng dân tộc. Ý nghĩa Fonclore được phát triển hết cỡ, đó là trí tuệ của nhân dân, trí tuệ của cộng đồng dân tộc.

Đỗ Văn Dinh
.
.