Không gian mới của âm nhạc truyền thống

Thứ Bảy, 01/06/2024, 07:50

Đêm diễn “Về Kinh Bắc” của Thiên Thanh Band - một ban nhạc truyền thống do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sáng lập chật kín khán giả, người trẻ - người già và cả du khách nước ngoài. Âm nhạc truyền thống, trên sân khấu Nhà hát Tuồng và những tác phẩm sắp đặt vẽ trên tơ lụa của họa sĩ Thu Trần, tất cả hòa quyện, xúc động và trong trẻo, tạo nên một không gian mới mẻ cho những tác phẩm truyền thống từ ngàn đời của ông cha.

Cuộc hội ngộ của những người trẻ tài năng

“Về Kinh Bắc” là đêm nhạc đậm chất truyền thống nhưng mang hơi thở đương đại, trong đó chất liệu dân gian đã được biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại.

nghệ sĩ hát xẩm nguyễn quốc bảo khang mới 15 tuổi.jpg -0
Nghệ sĩ hát xẩm Nguyễn Quốc Bảo Khang mới 15 tuổi.

“Về Kinh Bắc” được trình diễn bởi nhóm nhạc Thiên Thanh gồm 9 thành viên chính với các nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tam thập lục, đàn tranh và bộ gõ dân tộc không định âm. Ngoài 9 thành viên chính, chương trình còn có thêm 2 khách mời: Beatboxer/nghệ sĩ truyền thông mới Trung Bảo và nghệ sĩ Cello người Mỹ Bryan Charles Wilson. Họ sẽ tham gia vào phần trình diễn của nhóm nhằm tạo cầu nối văn hóa âm nhạc và sự hứng thú đối với người nghe.

Các nhạc khí và sự tương tác này hòa quyện để tạo nên không gian âm nhạc Việt đầy tính bản địa, sáng tạo và giao thoa quốc tế. Cũng đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh, trống..., cũng quan họ Bắc Ninh “Bèo dạt mây trôi”, “Se chỉ luồn kim”, hay xẩm “Mục hạ vô nhân”, “Quyết chí tu thân”, hát văn “Tình mẹ”... nhưng được chuyển soạn mới mẻ, trẻ trung và đầy hứng khởi. Các nghệ sĩ trẻ với tình yêu văn hóa truyền thống đã cùng nhau tạo dựng một không gian mới cho âm nhạc, trong sáng như tâm hồn và tình yêu của họ vậy.

Mỗi gương mặt, mỗi nhạc cụ đều là một nốt nhạc trong bản giao hưởng mang tên “Về Kinh Bắc”, về với một vùng văn hóa dân gian Bắc bộ, đậm chất truyền thống nhưng vẫn đương đại, mới mẻ. Tôi xúc động khi nghe tiếng hát xẩm của Nguyễn Quốc Bảo Khang (sinh năm 2008), em mới đang học lớp 10 nhưng vì tình yêu với xẩm, hằng tuần vào sáng thứ Bảy, Khang lại đi xe đò từ Hải Phòng lên Hà Nội tập cùng ban nhạc.

Khang sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật. Từ nhỏ đã đam mê các thể loại âm nhạc dân gian và được sự hướng dẫn của NSND Xuân Hoạch. Năm 10 tuổi đã cùng gia đình đi xuyên Việt hát xẩm để làm từ thiện. Nghe Khang hát, cảm nhận được sự tiếp nối của em với thế hệ đi trước, nhưng tươi mới hơn, gần gũi hơn trong cách hòa âm, phối khí của Ngô Hồng Quang. Hay, tiếng đàn nguyệt điêu luyện và giọng hát trong trẻo, tình cảm trong bài “Tình mẹ” của Phạm Vân Anh, một gương mặt trẻ của Thiên Thanh band...

Không chỉ vậy, ở đó còn có những kết nối quốc tế vì một tình yêu với âm nhạc truyền thống. Nghệ sĩ beatbox Trung Bảo mang đến “Về Kinh Bắc” một màu sắc mới lạ, hấp dẫn. Anh chia sẻ: “Có 3 điểm tương đồng khiến tôi luôn cảm thấy gắn kết với hành trình của anh Ngô Hồng Quang. Thứ nhất là tình yêu với bản sắc văn hóa Việt Nam, yêu sự đa dạng của âm nhạc, nghệ thuật, mong muốn tôn lên những câu chuyện và vẻ đẹp tinh túy nhất. Thứ hai là tâm hồn nghệ sĩ, đề cao tính thể nghiệm, luôn nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để trau dồi vốn kiến thức và kỹ năng của mình, đồng thời làm việc với những nghệ sĩ đa dạng để cùng nhau tạo ra và chia sẻ những kiến tạo nghệ thuật mới tới công chúng. Thứ ba, đối với Trung là điều không thể thiếu, đó chính là sự chỉn chu trong công việc, hướng tới chất lượng cao nhất cho mọi tác phẩm do mình thực hiện và thái độ làm việc chuyên nghiệp với mọi người xung quanh. Tiếng beatbox của Trung Bảo hòa âm cùng tiếng đàn môi của Ngô Hồng Quang tạo nên một không gian đặc biệt của đêm diễn."

Không gian mới của âm nhạc truyền thống -0
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang - Trung Bảo và nhóm nhạc Thiên Thanh.

Với không gian diễn xướng âm nhạc này, người yêu nhạc trong và ngoài nước được thưởng thức và trải nghiệm văn hóa âm nhạc Việt Nam với những cung bậc cảm xúc khác nhau. "Về Kinh Bắc" không chỉ đưa người nghe về với miền ký ức đậm chất văn hóa Việt để họ thêm yêu âm nhạc truyền thống mà còn kích thích sự quan tâm, tìm hiểu những không gian văn hóa đương đại của Việt Nam.

Và, không chỉ dừng lại ở đó, hành trình tiếp theo của các bạn trẻ với tinh thần yêu cái đẹp, cởi mở trong sáng tạo, tôn trọng các giá trị văn hóa bán địa, ngôn ngữ âm nhạc xuyên suốt của nhóm sẽ là sự kết hợp các yếu tố âm nhạc truyền thống với hiện đại; trình diễn các nhạc cụ dân tộc Việt Nam và các tác phẩm âm nhạc dân gian cũng như những sáng tác mới có sử dụng chất liệu cũ theo lối đương đại và quốc tế. Tùy theo nội dung dự án âm nhạc mà các hình thức biểu diễn của nhóm khác nhau và thay đổi về các loại nhạc cụ trình diễn. Có thể có những tác phẩm nước ngoài chơi bằng nhạc cụ dân tộc hoặc những phần trình diễn sử dụng nhạc cụ phương Tây tạo sự cộng hưởng và giao thoa văn hóa, âm nhạc với các nước trên thế giới, nhưng vẫn mang đậm yếu tố âm nhạc truyền thống Việt Nam...

Kết nối truyền thống và đương đại

“Về Kinh Bắc” là dự án đầy tâm huyết của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Sau nhiều năm sống và đi biểu diễn ở nước ngoài, đến gần 100 quốc gia, anh không ngừng truyền bá vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng những sáng tác mới, kết nối giữa truyền thống và đương đại. Với anh, trong mỗi chương trình biểu diễn có tính âm nhạc quốc tế được đề cao thì âm nhạc dân gian Việt Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những làn điệu ngũ cung không những được hòa mình bay lượn cùng các thể loại âm nhạc của các nước trên thế giới để người nghe ngoại quốc thấy được những âm sắc mang tính hoa mỹ rất Việt mà còn được đón nhận một cách nồng nhiệt từ nhiều tầng lớp yêu nhạc khác nhau bởi yếu tố văn hóa và lịch sử của âm nhạc truyền thống. Đây là những dấu hiệu tích cực và là động lực chính để Ngô Hồng Quang có thể vững bước trên con đường mình đã và đang chọn lựa.

“Trong quá trình học tập và làm việc tại các nước châu Âu, tôi thấy mình đã có ích, đóng góp được phần nào công sức của mình trong việc quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước thông qua âm nhạc. Và, tôi luôn mong muốn mở rộng những hướng đi tới thế hệ kế tiếp, đặc biệt là những bạn trẻ cũng đang theo đuổi con đường mà tôi đi”, Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Và, nhóm nhạc Thiên Thanh ra đời với mong muốn góp sức để xây dựng một môi trường âm nhạc tương tự như những gì mình đã được trải nghiệm trên thế giới tại Việt Nam. Anh cho rằng, những nét đẹp này chỉ có thể được phát triển tốt hơn nữa nếu âm nhạc truyền thống được liên tục nuôi dưỡng và đổi mới. Nhóm nhạc Thiên Thanh và dự án “Về Kinh Bắc” với mục đích không những để khơi nguồn cảm hứng cho những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc mà còn là một minh chứng nhỏ rằng đâu đó vẫn luôn tồn tại những người có tâm huyết và nỗ lực đưa văn hóa âm nhạc Việt Nam vươn xa hơn, cao hơn và chạm tới nhiều trái tim hơn.

Anh chia sẻ: “Âm nhạc dân tộc của mình rất hay mà sao cứ đứng im ở một chỗ lâu quá, điều này tạo nên khoảng cách giữa người thưởng thức trẻ với người làm nghệ thuật và văn hóa âm nhạc dân gian. Hơn thế nữa là chưa kể tới sự đứt nối giữa các thế hệ đã tạo ra cho âm nhạc dân tộc một khoảng lặng mà thực sự có rất ít người nghĩ tới sự tồn tại của nó. Một trong những điều làm tôi lo lắng hơn cả là chưa có nhiều sự quan tâm của các tổ chức trong nước dành cho việc phát triển văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam”.

Nhiều năm qua, chúng ta cứ bàn mãi vấn đề vì sao ngày nay giới trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống, các nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc truyền thống không có đất mưu sinh. Nhưng, truyền thống nếu muốn hòa vào dòng chảy hôm nay phải có những sáng tạo, đổi mới dựa trên những giá trị của truyền thống để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của giới trẻ. Hành trình của Ngô Hồng Quang và nhóm nhạc Thiên Thanh hy vọng sẽ mang lại một sắc màu mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam, một hướng đi mới cho âm nhạc cổ truyền.

Việt Hà
.
.