“Khơi nguồn sáng tạo” và câu chuyện về sự nối dài của truyền thống

Thứ Năm, 06/01/2022, 09:00

Khép lại năm 2021 nhiều biến động do dại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, tại ngôi nhà lịch sử 22 Hàng Buồm đã diễn ra "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo", quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng. Họ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thời trang, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, nhưng cùng chung một con đường, sáng tạo trên nguồn cảm hứng từ các giá trị truyền thống và văn hóa bản địa của Việt Nam.

Quy tụ những sáng tạo độc đáo

Nghệ sỹ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn là Giám đốc nghệ thuật của "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021". Anh đóng vai trò chọn lọc, sắp xếp các chương trình và không gian nghệ thuật của tuần lễ. Anh đã dành rất nhiều tâm huyết, kiến thức và tài năng cho sự kiện sáng tạo ý nghĩa nhất trong dịp cuối năm này.

nhóm đàn đó biểu diễn tại tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021.jpg1.jpg -0
Nhóm Đàn Đó biểu diễn tại Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021.

Anh chia sẻ: "Với một tinh thần cố gắng kết nối và gợi mở các khả năng đối thoại với các không gian, sự kiện triển lãm lần này là nỗ lực cố gắng trưng bày điểm xuyết các thực hành nghệ thuật đa dạng của các nhóm sáng tạo trong rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau vào các mảng không gian rất đa dạng và hấp dẫn của nơi chốn này. Tuy rất khác nhau về hình thức và phương pháp thực hành song có một điểm chung, các thực hành của các kiến trúc sư, nghệ sỹ, các nhà thiết kế được lựa chọn ở đây đều dựa trên nguồn cảm hứng từ các giá trị văn hoá truyền thống và văn hoá bản địa rất giàu có của Việt Nam".

Ở đó, chúng ta bắt gặp một nhóm "Đàn đó" của nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự, họ tìm tòi tác phẩm âm nhạc, chuyển động và trình diễn với chất liệu tre. Bên cạnh đó, nhóm cũng bắt đầu thử nghiệm về chuyển động và hình thể, kết hợp cùng nhạc cụ tự chế, nhạc cụ bản địa… Thời gian về sau, hoạt động của nhóm càng cho thấy sự giao thoa và truyền cảm hứng qua lại giữa âm nhạc và hội họa khi Nguyễn Đức Phương trở thành thành viên thứ năm, trực tiếp ghi lại hoạt động của nhóm qua tranh và ký họa. Có thể nói, "Đàn đó" đã tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình, trong sự giao thoa kết nối giữa truyền thống và đương đại.

Ở đó, ta gặp nhóm thư pháp Tiền vệ, hai nhà nghiên cứu Hán Nôm, thư pháp gia Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Quang Thắng với quá trình thực hành nhiều năm nghiên cứu chữ Nôm, đã thực hiện các tác phẩm thư pháp sử dụng chữ Nôm được thể hiện trên giấy dó và lụa, đồng thời dùng "mực" được chiết xuất từ màu đất tự nhiên do hoạ sỹ Nguyễn Đức Phương thu thập về từ khắp các vùng đất ở Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm "Thư pháp trong dòng chảy đương đại" diễn ra trong khuôn khổ "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo", thư pháp gia Phạm Văn Tuấn chia sẻ mong muốn thư pháp Việt, đặc biệt là chữ Nôm được nhiều bạn trẻ quan tâm hơn nữa, bởi đó là cầu nối giúp chúng ta hiểu quá khứ của cha ông và chỉ khi hiểu được quá khứ, chúng ta mới có thể đi đến tương lai một cách tự tin, mạnh mẽ. Lần đầu tiên, chúng ta được thưởng lãm một màn trình diễn thư pháp vô cùng ấn tượng của hai nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn, "Rồng rắn lên mây", với màu mực đen - đỏ, một được lấy từ lòng đất sâu 50m, một được lấy trên núi cao, tượng trưng cho hai thái cực âm - dương, được bàn tay tài hoa của hai nghệ sĩ thi nhau uốn lượn trên dải lụa trắng trải dài như rồng bay phượng múa. Bốn chữ "Rồng rắn lên mây" được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm, ngôn ngữ sáng tạo của người Việt, thể hiện lòng tự tôn dân tộc sâu sắc.

một góc triển lãm ở 22 hàng bài.jpg -0
Một góc triển lãm ở 22 Hàng Bài.

Khán giả cũng được thưởng thức một triển lãm sắp đặt video art "Đại Tượng" của 2 nghệ sỹ thị giác Triệu Minh Hải và Ngô Thu Hương với phần tương tác trình diễn của nhóm tam tấu (violon, cello, piano) cũng sẽ tạo nên một cuộc "thảo luận" đầy ngẫu hứng giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Triển lãm bao gồm các âm thanh thu sẵn và video 3 kênh, mô phỏng vũ trụ quan của triết học Đông Á, nhưng kế cận và tiếp biến ý thức hệ Khổng Mạnh, câu chuyện của văn hóa Việt Nam trong tổng thể Đông Á nói chung và mô phỏng thế giới tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.

Vở "Cõi thinh không" của nhóm Lên Ngàn cũng là một điểm nhấn thú vị trong "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo". "Cõi thinh không" là sự tương tác giữa các nghệ nhân của nghệ thuật tuồng truyền thống với hip hop của giới trẻ, cho thấy sự nối dài của truyền thống trong dòng chảy đương đại.

Trong chuỗi các trình diễn còn có sự xuất hiện của màn trình diễn hai bộ sưu tập thời trang thiết kế, lấy cảm hứng từ văn hoá Hà Nội của nhà thiết kế Diego từ thương hiệu thời trang Chula và bộ sưu tập từ những cảm hứng, chất liệu và kỹ nghệ tạo tác thủ công đa dạng từ nhiều vùng miền của nhà thiết kế Vũ Thảo với thương hiệu thời trang KILOMET109.

Phòng trưng bày "Ký ức 22 Hàng Buồm" với những sắp đặt sử dụng các hiện vật là những cấu kiện thu gom lại trong quá trình trùng tu không gian 22 Hàng Buồm, cũng sẽ được nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, hoạ sỹ Vũ Xuân Đông, Nguyễn Thế Sơn và kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương cho ra mắt vào dịp này. Tác phẩm sắp đặt "Phố Hàng Buồm" của hoạ sỹ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và sắp đặt "Dãi thẻ" của nghệ sỹ Nguyễn Đức Phương cùng Kiến trúc sư Nguyễn Hà (Công ty Kiến trúc arb) cũng được sắp đặt tương tác trong không gian 22 Hàng Buồm.

Ngoài các không gian trưng bày triển lãm trong nhà, hai cuộc triển lãm "Hà Nội là…" và nhóm "Ký họa đô thị Hà Nội" cũng được trưng bày tương tác trong khuôn viên hai khoảng sân rất "đắt giá" của không gian 22 Hàng Buồm. Một Hà Nội của các bạn trẻ được thể hiện bằng kỹ thuật thời đại đồ hoạ kỹ thuật số cho thấy được rất nhiều điều ngạc nhiên thú vị từ các góc nhìn khác nhau về một Hà Nội từ khắp mọi miền. Nhóm "Ký hoạ đô thị Hà Nội" (Urban Sketchers Hanoi) cũng cho thấy một tình yêu Hà Nội không phân biệt tuổi tác ngành nghề đã tạo ra một nguồn cảm hứng lan toả trong cộng đồng về tình yêu di sản kiến trúc và văn hoá Hà Nội ra sao trong suốt ba năm qua.

Chúng ta nên bao dung với sáng tạo của những người trẻ

Trong tọa đàm "Những nhà sáng tạo trẻ - văn hóa kiến tạo tương lai", được tổ chức trong khuôn khổ "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo", ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Group cho rằng: "Chúng ta cần bao dung với sáng tạo của các bạn trẻ, sự bao dung và sáng tạo sẽ góp phần thay đổi thế giới. Tôi nhớ đến câu nói của một nhân vật truyền cảm hứng về công nghiệp sáng tạo, ông Richard Florida, để khuyến khích những người trẻ, chúng ta cần 3 yếu tố, công nghệ, sự bao dung và tài năng. Nếu chỉ có công nghệ và tài năng, mà thiếu sự bao dung thì sẽ không có những con người sáng tạo. Đó là tư tưởng về sự xóa nhòa khoảng cách, chấp nhận sự khác biệt, khuyến khích những ý tưởng mới. Lĩnh vực quan trọng nhất cần sự bao dung, đó chính là văn hóa, mỗi người chúng ta đều đại diện cho một nét văn hóa nào đó và chúng ta cần sự kết nối, chấp nhận nhau. Một lĩnh vực khác cần sự bao dung đó là sự khác biệt của các dân tộc, giới tính, tôn giáo, để kích thích sáng tạo".

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, cũng trên tinh thần của sự bao dung ấy, đã quy tụ được những người trẻ với những ý tưởng mới mẻ trên nền tảng truyền thống. Họ là một cộng đồng đang góp phần tạo nên những giá trị mới cho xã hội, chính họ, chứ không phải ai khác, sẽ góp phần phát triển và nối dài truyền thống.

"Chúng ta cần một tư duy liên ngành để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa. Ngày nay, các bạn trẻ rất tài năng, có sự kết nối của nhiều lĩnh vực với nhau, một nhà thiết kế thời trang có thể rất am hiểu về hội họa, về văn hóa dân gian, một nhạc sĩ có thể hiểu thấu đáo mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn... Tất cả những sáng tạo đó đều rất hấp dẫn và thú vị, nó minh chứng một điều rằng, truyền thống là thứ chúng ta có thể tạo ra và chỉ có con người tạo ra văn hóa, tạo ra truyền thống. Chúng ta phải biết trân trọng sự sáng tạo và con người sáng tạo thì mới có văn hóa và truyền thống". Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.

V. Hà
.
.