Khơi nguồn dòng chảy Văn học Công an
Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022), cuộc thi viết và Trại Sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã được tổ chức thành công với nhiều “quả ngọt”.
Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được tái hiện sinh động
Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022), cuộc thi viết và Trại Sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã được tổ chức thành công với nhiều “quả ngọt”.
Lễ tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi viết và Trại Sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã được tổ chức trang trọng vào sáng ngày 8/7/2022 cùng với lễ khai mạc triển lãm và trao giải thưởng Cuộc thi ảnh nghệ thuật và video clip mang tên “Những chiến sĩ mang sứ mệnh bảo vệ cuộc sống bình yên” năm 2022 và “Tuần lễ kịch CAND” diễn ra trước đó ít ngày đã tạo nên dấu ấn nghệ thuật đặc sắc.
Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được khai mạc vào ngày 14/3/2022 và bế mạc vào ngày 2/4/2022 với hơn 40 nhà văn tham dự. Trong đó có 11 nhà văn, tác giả trong lực lượng Công an như các nhà văn Nguyễn Thế Hùng, Chu Thanh Hương, Phan Đức Lộc, Bùi Tuấn Minh, Kim Thị Mùa Đông, Lê Thanh Tăng, Vũ Liêm, Nguyễn Kiên Cường, Trịnh Thị Thu Hạnh, Trần Ngọc Mai…; 29 nhà văn ngoài lực lượng Công an được Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu như Phạm Thanh Khương, Vương Tâm, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Thụy Anh, Niê Thanh Mai, Uông Triều…
Sau 25 ngày mở trại sáng tác và 1 tháng hoàn thiện tác phẩm, các nhà văn và các tác giả đã gửi về Ban thường trực 51 tác phẩm dự thi gồm các thể loại: bút ký, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Sau các vòng chấm chọn, Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức đã trao: 2 giải A cho chùm tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hiệp (truyện ngắn “Mây Sà Rình” và “Mắt hồ đêm”) và nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (truyện ngắn “Giao thừa” và bút ký “Xin đừng gọi tôi là người hùng”); 3 giải B cho các tác phẩm: truyện ngắn “Bình minh ở Đăk DRao” của tác giả Bùi Tuấn Minh, truyện ngắn “Mùa hoa Pa Bát” của tác giả Phan Đức Lộc, truyện ngắn “Âm thanh cuộc sống” của nhà văn Thụy Anh. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 5 giải C, 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm dự thi lần này.
Bên cạnh Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, cuộc thi viết về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cũng đã nhận được 270 bài dự thi. Trong đó, một tín hiệu rất đáng mừng là có tới 215 bài dự thi của các tác giả trong lực lượng Công an và 55 bài dự thi của các tác giả ngoài lực lượng Công an. Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 1 giải đặc biệt cho truyện ngắn “Con nuôi” của Thượng tá Lê Nguyên Đông (Khánh Hòa) và 5 giải A, 15 giải B cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Có thể thấy, cùng với cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” và cuộc thi “Cây Bút vàng” đã được tổ chức thành “truyền thống” của dòng văn học Công an, cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cũng đã tạo nên nguồn khích lệ, động viên mới đối với người viết.
Nói như đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tại buổi lễ tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân thì: “Hình tượng người chiến sĩ Công an nói chung, hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nói riêng được tái hiện trong các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ rất sinh động. Tại Trại sáng tác này, các nhà văn đã được tìm hiểu về quá trình rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong quá khứ cũng như trong hiện tại và thực tiễn công tác đã được các nhà văn đi sâu khai thác và đưa vào các trang viết. Trong thời đại mới, lực lượng Công an không chỉ tập trung công tác phòng, chống tội phạm mà trong phòng, chống tội phạm thể hiện những “con người văn hóa”. Rất mong các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh tiếp tục đi sâu tìm hiểu, khai thác và hiện thực hóa những nhân vật, những điển hình, những tấm gương của các chiến sĩ Công an nói chung và Cảnh sát nhân dân nói riêng...”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Mỗi tác phẩm đều là bộ “hồ sơ tâm hồn”
Lần đầu tiên các nhà văn đã minh chứng một cách rõ ràng nhất rằng, mọi đề tài mà chúng ta thường hiểu là “đề tài hẹp” trước kia như: văn học Công an, văn học công nhân hay văn học trong lĩnh vực giáo dục... bị phá bỏ ranh giới. Các tác phẩm dự thi là những tác phẩm đã đạt đến những nghệ thuật nhất định, làm xóa nhòa đi tất cả những ranh giới phân định lĩnh vực, ngành nghề. Lần đầu tiên có một đội ngũ các nhà văn Việt Nam tham gia đông đảo trong một trại sáng tác và viết nên các tác phẩm của mình, làm nên một diện mạo mới trong dòng văn học viết về đề tài Công an.
Chúng tôi phải cảm ơn lãnh đạo Bộ Công an đã cho chúng tôi cơ hội viết về những bí mật, bí ẩn trong công việc của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Mỗi tác phẩm dự thi, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, bút ký, tôi cho đó đều là một “hồ sơ tâm hồn”, chứa đựng những vẻ đẹp, những bí ẩn trong tâm hồn người chiến sĩ Công an. Con số vài chục tiểu thuyết, truyện ngắn và bút ký về nhiều thân phận con người, cảnh ngộ hãy còn là ít trong một cuộc thi như thế này, nhưng nó đã hé lộ những bí mật trong đời sống tinh thần của người chiến sĩ Công an.
Chúng ta xưa nay biết đến nhiều vụ án, nhiều công việc, nhiều chiến công của lực lượng Cảnh sát, nhưng người dân cần biết hơn nữa về tâm hồn họ, trong trái tim họ chứa đựng điều gì? Điều này cần được lan tỏa đến với nhân dân qua những trang viết. Khi người dân nhìn thấy tâm hồn người chiến sĩ Công an, người ta càng có niềm tin vào con người đó, tạo nên phòng tuyến nhân dân. Nhờ đó, chúng ta sẽ bảo vệ được sự bình yên của cuộc sống này trên nguyên tắc nghiệp vụ, luật pháp và sự nhân văn của mỗi người.
Trung tá Bùi Tuấn Minh, cán bộ Phòng Chính trị, Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I: Mong có thêm nhiều tác phẩm về đồng đội
Tôi rất vinh dự vì lần đầu tiên được tham dự trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân và lại được giải B với truyện ngắn “Bình minh ở Đắk DRao”. Những ngày ở trại viết, được tiếp xúc, trò chuyện với các nhà nhà văn chuyên nghiệp, có tên tuổi đã cho một người có thể nói là “chân ướt chân ráo” đến với văn xuôi như tôi nhiều kinh nghiệm quý giá.
Tôi đến với văn chương bắt đầu bằng thơ, thời gian gần đây tôi mới thử sức với thể loại truyện ngắn và “Bình minh ở Đắk DRao” là truyện ngắn thứ 6 của tôi. Giải thưởng lần này đã đem đến cho tôi nguồn khích lệ, động viên lớn để tôi tiếp tục dấn thân với con đường sáng tác văn xuôi và mảng đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an nói chung, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nói riêng.
Tôi cho rằng, lực lượng người viết về mảng đề tài này còn ít quá và cần được liên tục bồi dưỡng, bổ sung. Tôi mong muốn có thêm nhiều trang viết có sức lan tỏa về những vất vả, hy sinh thầm lặng của cán bộ chiến sĩ để nhân dân có cuộc sống bình yên. Tôi thực sự cảm động và tự hào khi được viết về chính những người đồng chí, đồng đội của mình…
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an: Cần tạo nên những “cú huých văn chương”
- Thưa Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, ông là người có thâm niên gắn bó với văn học của lực lượng Công an cả trong tư cách người viết và là thành viên Ban tổ chức các cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, “Giải sáng tác văn học Cây bút vàng”, ông thấy cuộc thi sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân lần này có gì khác biệt so với các cuộc thi sáng tác văn học do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trước đây?
+ Cuộc thi sáng tác văn học về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân là một cuộc thi sáng tác văn học có nhiều điểm mới, được tổ chức chặt chẽ, thân thiện, gợi mở những cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn, tác giả. Các nhà văn, tác giả được mời về trại sáng tác lần này đều là những tên tuổi có bút lực, nhiệt huyết, trẻ trung, có cái nhìn tươi mới về hiện thực cuộc đấu tranh chống tội phạm của lực lượng CAND, trong đó có nhiều cây bút đam mê, gắn bó, thủy chung với đề tài văn học này như nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Phạm Thanh Khương (Báo Biên phòng), nhà văn Nguyễn Thế Hùng (Báo Văn nghệ Công an), Nguyễn Hiệp (nhà văn ở Bình Thuận), chiến sĩ trẻ vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam Phan Đức Lộc (Công an tỉnh Điện Biên), Tống Phước Bảo (nhà văn tại TP Hồ Chí Minh). Một số cây bút trong lực lượng CAND rất có triển vọng như Bùi Tuấn Minh (Trường Cao đẳng Cánh sát Nhân dân I), Lê Đình Trung (Công an xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), Lê Thanh Tăng, Vũ Liêm (Cục truyền thông CAND), Trần Ngọc Mai (Đại học An ninh), Võ Duy Nhất (Công an huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ)... cũng được mời tham gia trại viết như một cách để chăm sóc, đánh thức con đường sáng tạo văn chương nhọc nhằn và hạnh phúc cho đội ngũ kế cận.
Một điểm mới khác là trước đây, chúng ta thường tổ chức trại viết ở một điểm sáng tác, sau đó đi thực tế “chớp nhoáng” ở một số Công an đơn vị, địa phương. Nay trại viết được tổ chức tại Công an Đắk Nông, sự chu đáo của Ban tổ chức, tình cảm thân hữu, gần gũi, chia sẻ, tâm sự, hỗ trợ của Công an tỉnh Đắk Nông, từ các chiến sĩ công an ở cơ sở đến lãnh đạo công an các cấp đã tạo động lực cho các nhà văn.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Ban tổ chức do Cục Công tác Đảng và công tác chính trị là cơ quan thường trực đã mời tổ tư vấn cùng tham gia trại viết để chia sẻ kinh nghiệm thực tế, hỗ trợ các nhà văn, đó là: Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm tư vấn nghiệp vụ; Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an làm tư vấn văn học về đề tài Công an.
Đây cũng là lần đầu tiên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi. Tham gia Hội đồng giám khảo cùng với ông còn có các nhà văn có uy tín trong làng văn như các nhà văn Lê Minh Khuê, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đăng Điệp... Tất cả những điều đó cho thấy, Bộ Công an đã coi trọng chất lượng văn chương của cuộc thi, tạo nên “cú huých văn chương”, sự hứng khởi, tin cậy, yên lòng của các nhà văn.
- Theo ông, yếu tố quan trọng nào đã làm nên thành công của cuộc thi viết và Trại Sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân?
+ Tổ hợp các yếu tố tạo nên sự thành công của cuộc thi này tôi đã nói ở trên. Nhưng quan trọng nhất của bất cứ cuộc thi nào để có thành công phải là tài năng của người viết. Muốn thế, phải tìm kiếm và mời những nhà văn, tác giả nào sung sức trong sáng tạo, hiểu sâu sắc và tâm huyết về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, về đề tài Công an. Thêm một yếu tố nữa là cách thức tổ chức như thế nào để các nhà văn cảm thấy thân thiện, hứng khởi, trách nhiệm khi đặt bút sáng tạo những dòng chữ đầu tiên. Theo tôi, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bảy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác Chính trị Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức trại viết và Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông là những người có kinh nghiệm, cách làm của các đồng chí đã góp phần thăng hoa tài năng của các nhà văn dự trại viết.
- Văn học về đề tài người chiến sĩ Công an nói chung và về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nói riêng có một mảng rất quan trọng là văn học tư liệu với những tác phẩm được lấy chất liệu từ những vụ án, những chiến công của lực lượng Công an. Điều này có được thể hiện trong cuộc thi sáng tác văn học về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, thưa ông?
+ Thực ra Trại Sáng tác và cuộc thi diễn ra trong một thời gian ngắn, tuy vậy đã giành được sự thành công lớn kể cả chất lượng, số lượng các tác phẩm từ tiểu thuyết đến truyện ngắn và ký sự. Cũng do thời gian ngắn, cho nên các tác phẩm văn học tư liệu là rất ít. Muốn thành công ở thể loại vốn là “đặc sản” của văn học về đề tài Công an, có lẽ cần phải đầu tư dài hơi hơn độ vài ba năm như cuộc vận động sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, “Giải văn học Cây bút vàng”.
- Theo quan sát của ông, làm thế nào để hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nói riêng và hình ảnh người chiến sĩ CAND nói chung ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với người đọc, người viết?
+ Trong cuộc chiến đấu phòng, chống tội phạm bảo vệ nền an ninh, trật tự của đất nước, bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân, có thể nói hàng ngày, hàng giờ xuất hiện rất nhiều những tấm gương người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Những năm gần đây, nhiều chiến sĩ Công an chiến đấu với tội phạm và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm kính trọng, thương tiếc của đồng đội và nhân dân cả nước; nhiều chiến sĩ Cảnh sát dũng cảm cứu người bị nạn, lặng lẽ dấn thân vào sào huyệt của tội phạm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ An ninh Tổ quốc. Họ góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng của lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng và CAND nói chung. Nhưng để làm sao những tấm gương như thế, hình tượng người chiến sĩ CAND thân thuộc, gần gũi hơn với người dân, người đọc, người viết thì trách nhiệm cao cả ấy thuộc về văn học và báo chí.
Riêng về lĩnh vực văn học, chúng ta phải có cách thức làm sao mời được nhiều nhà văn, nhà nghệ thuật thâm nhập sâu hơn vào đời sống công tác và chiến đấu của lực lượng Công an để có tình cảm, tình yêu, có sự cảm thông, niềm kính trọng, sẻ chia thật sự với công việc, sự dấn thân, hy sinh của anh em Công an. Từ đó mà sáng tạo nên những tác phẩm có sức lan tỏa trong lòng công chúng!
- Xin cảm ơn Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái!