Khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân

Thứ Sáu, 08/12/2023, 14:19

Tối 26/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn. Cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao động phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sau gần 2 năm phát động, triển khai cuộc thi đã nhận về 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài nước.

Thành viên hội đồng Chung khảo, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đánh giá, viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, chất liệu đời sống thực tế rất cao của người viết. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Tuy nhiên, đề tài này bẵng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Những cuộc thi như lần này của Báo Lao động chắc chắn sẽ khơi nguồn, sẽ là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn.

Khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân -0
Hai tác giả Nguyễn Trí và Trịnh Thị Phương Trà đoạt giải Nhất cuộc thi.

Từ gần 500 tác phẩm nhận về, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào Chung khảo cuộc thi. Tiếp đó, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất để trình Ban Chỉ đạo và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, trao giải.

Phát biểu tại buổi tổng kết ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi cho biết, ông ấn tượng với nhiều tác phẩm viết về trải nghiệm cuộc sống công nhân trong xóm trọ, nhà máy, nơi những lo toan, trăn trở của người lao động được thể hiện có cả niềm vui xen lẫn khó khăn. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng luôn có niềm tin về tương lai phía trước. Họ sống tử tế, chân thành, biết chia sẻ và khát vọng cống hiến. Cũng trong các tác phẩm, hình ảnh Công đoàn Việt Nam đang chuyển mình đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Hiểu tin rằng, thông qua các tác phẩm văn học, xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới. Việc đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay rất quan trọng. Từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị văn chương, có tính nhân văn cao cả, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu công việc, yêu công đoàn và khát vọng cống hiến của mỗi người lao động.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho tác giả Nguyễn Trí với tiểu thuyết “Hoa xương rồng” và tác giả Trịnh Thị Phương Trà tác giả truyện ngắn “Con đường của Hạ”.

Nhà văn Nguyễn Trí cho biết: “Tôi rất vui, rất hạnh phúc khi đoạt giải Nhất về tiểu thuyết cho cuộc thi truyện ngắn và tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tổ chức. Vượt được 83 tác phẩm là một kỳ tích của đời viết văn của cá nhân tôi. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình giải nhất ”.

Tôi từng là một công nhân cho một Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên người Việt. Sau đó có thêm ba năm sáu tháng là công nhân cho một Công ty nước ngoài. Tôi cũng từng là ủy viên công đoàn trong công ty. Khoảng thời gian năm năm sáu tháng làm công nhân dư đủ để tôi viết tham dự cuộc thi. ''Hoa xương rồng'' viết về chính gia đình tôi. Vì bị bệnh nên tôi rời núi rừng xuống thành phố chữa trị. Con cái phải bỏ học bán vé số phụ mẹ nuôi cha. Chúng tôi lâm lụy khi vay nợ xã hội đen. Sau đó bỏ phố về khu công nghiệp kiếm sống. Tôi làm thợ hồ, bà xã phụ bếp cho công ty, con gái là công nhân…Trong tiểu thuyết “Hoa xương rồng” tôi viết về một gia đình bước ra từ đáy xã hội và đứng được với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Họ như cây xương rồng. Phơi mình trong nắng trong gió trong cằn khô mà vẫn xanh tươi và nở hoa. Thông điệp mà tôi muốn truyền tải là đừng nhụt chí khi cùng đường. Hãy đứng thẳng lưng dù còn một chân.

Nhà văn Nguyễn Trí sinh năm 1956, cuộc đời ông đã đi qua những nỗi đau tưởng như không thể vượt qua, khi hơn chục năm về trước con gái của ông bị giết hại trong một vụ xô xát ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. “Nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy cần phải viết. Đời tôi khá trầm thăng đến bây giờ vẫn thăng trầm. Viết là công việc tôi yêu mỗi ngày và nhờ viết mà tôi tìm được hạnh phúc cho riêng mình”, tác giả “Hoa xương rồng” chia sẻ.

Giải thưởng lần này có nhiều ý nghĩa đối với tôi, giúp tôi có cơ hội để hoàn thành một dự án lớn mà tôi ấp ủ từ lâu. Với tôi, đề tài công nhân luôn mới nên trong tương lai tôi vẫn tiếp tục viết về mảng đề tài này.

Không giấu được niềm xúc động khi được giải nhất cuộc thi, nhà văn Trịnh Thị Phương Trà chia sẻ: “ Tôi vô cùng bất ngờ và hạnh phúc. Khi gửi tác phẩm dự thi, tôi hy vọng tác phẩm đoạt giải, vì tôi đã rất trăn trở, rất “vật vã” và đặt nhiều tâm huyết khi viết tác phẩm này. Nhưng tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ được trao giải nhất”.

Khi biết thông tin về Cuộc thi này, tôi nghĩ rằng mình nên tham gia. Vì tôi thấy đề tài này tuy không dễ viết nhưng rất thú vị. Cuộc thi là cơ hội để cho tôi cũng như nhiều cây bút chuyên và không chuyên sáng tạo những tác phẩm văn học với nhiều góc nhìn, nhiều sắc thái về công nhân và công đoàn, đặc biệt là sau khi cả nước, trong đó có biết bao công nhân trải qua những ngày tháng không thể nào quên do đại dịch COVID-19. Và tôi viết về những công nhân làm công việc bình thường nhất, ít được chú ý nhất. Tôi muốn thay họ cất lên tiếng nói của họ.

Khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân -1
Các tác giải đoạt giải cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân và công đoàn.

Để viết truyện ngắn mà nhân vật chính là một phụ nữ quét rác, tôi đã đi thâm nhập thực tế, gặp gỡ, trò chuyện với các công nhân vệ sinh môi trường, tìm hiểu về công việc, cuộc sống, những ước mơ đơn sơ của họ. Là một nhà báo, công việc của tôi khá bận rộn nên để có thể sáng tác truyện ngắn trong khoảng thời gian ít ỏi, tôi phải “tách mình” ra. Nghĩa là khi khép lại các tin, bài cho báo, ngồi trước máy tính, ngồi trước "Con đường của Hạ", tôi phải viết văn, phải là một nhà văn. Nếu không “tách” ra được, thì rất có thể, "Con đường của Hạ" sẽ giống như một bài ký sự nhân vật, hoặc thậm chí là một bài viết người tốt việc tốt, chứ không phải là một tác phẩm văn chương. Với truyện ngắn "Con đường của Hạ", tôi muốn gửi gắm thông điệp, dẫu cuộc sống còn khó khăn, dẫu nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn chập chờn trong những giấc mơ của công nhân, người lao động nghèo, nhưng ở đâu đó vẫn luôn có những công nhân giữ được vẻ đẹp thuần khiết trong tâm hồn. Chính họ góp phần làm cho đời sống này đẹp hơn.

Theo tôi, cuộc thi này như một tiếng gọi mạnh mẽ và tha thiết tới các cây bút quan tâm đến một mảng đề tài rộng lớn từng được các nhà văn tiền bối sáng tác rất thành công, nhưng giờ đây có phần trầm lắng. Tôi đã đọc một số tác phẩm dự thi. Có tác phẩm được viết bởi các cây bút chuyên nghiệp. Có tác phẩm được viết mộc mạc, từ những suy tư, trăn trở của người trong cuộc. Tôi nghĩ rằng các tác phẩm đó là những mảnh ghép sinh động, góp phần khắc họa hình ảnh công nhân, khắc họa vai trò của tổ chức Công đoàn, của cán bộ Công đoàn trong đời sống hiện nay. Qua cuộc thi, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều cây bút hào hứng với đề tài công nhân, công đoàn và nhiều tác phẩm văn học có giá trị sẽ ra đời. Riêng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm hiểu, thâm nhập thực tế và sáng tác về đề tài thú vị nhưng cũng đầy thử thách này''.

Tại buổi lễ, Cuộc thi trao giải Nhì cho tiểu thuyết “Nhân quả” của tác giả Đoàn Hữu Nam, tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Anh Quốc, hai truyện ngắn của hai tác giả Nguyễn Thị Oanh và Tống Phước Bảo lần lượt là “Hệ sinh thái và cánh diều của cha” và “Nước mắt Mặc Nưa”. Và 6 giải Ba (3 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn) và 12 giải khuyến khích (5 tiểu thuyết, 7 truyện ngắn) cho các tác giả đoạt giải.

Lê Đình Trung
.
.