Khó báu của "dị nhân thành Nam"

Chủ Nhật, 13/07/2025, 09:19

Có một người không phải là nhà báo, không phải dân văn nghệ, cũng chẳng liên quan gì đến công tác quản lý báo chí... vậy mà dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) vừa qua, cứ bận tíu tít vì... báo chí. Đó là nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định (trước đây). Nhiều người gọi ông là "dị nhân thành Nam" và ông cũng tỏ ra rất thích thú với cái biệt danh ấy lắm...

Vâng, thời buổi 4.0, báo chí điện tử lên ngôi, văn hóa đọc xuống cấp… thế mà có người chi hàng chục tỉ đồng và lặn lội ngót chục năm để sưu tầm hơn 400.000 tờ báo giấy, xuất bản trong nước từ trước tới nay; lại dành hẳn ngôi nhà mặt tiền 4 tầng, tổng diện tích hơn 300 m2 ở 595 Trường Chinh của TP Nam Định để lưu giữ kho báo khổng lồ khoảng 23 tấn giấy, rõ không phải "dị nhân" thì là gì?

khobau1.jpg -0
Lễ ra mắt Dự án Số hóa kho báo giấy của nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng.

Trong kho báo của lão "dị nhân" nhiều tờ là số đầu tiên (số 1) của nhiều tờ báo đặc biệt, như: Cờ giải phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) ra ngày 10/10/1942; Cứu Quốc (Cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh), số Xuân năm Quý Mùi, ra ngày 5/1/1943; Độc lập (Cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam dân chủ đảng trong Mặt trận Việt Minh) số ra ngày 3/9/1945, tường thuật chi tiết lễ Quốc khánh và toàn văn bản Tuyên ngôn Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc… Đó là những ấn phẩm quý hiếm, thậm chí nhiều thư viện lớn trong nước và thế giới vẫn chưa có.

Cái kho báo của ông Dũng, quả là một kho báu tư liệu về nhiều mặt. Bởi thế mà dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng vừa qua, rất nhiều tập thể và cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đến đây để tham quan, tìm hiểu và khai thác để phục vụ các hoạt động kỷ niệm. Cũng dịp này, gia đình ông và các đối tác hữu quan đã tổ chức trọng thể Lễ ra mắt Dự án số hóa kho báo của nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng. Đây là bước phát triển mới của một bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên ở nước ta.

Tôi may mắn được tham dự buổi lễ đặc biệt kể trên; được chứng kiến sự đồ sộ và phong phú của kho báo; được nghe những câu chuyện về niềm đam mê sưu tập và quá trình tích lũy nên kho báu khổng lồ này của "dị nhân" Nguyễn Phi Dũng. Theo đó, cái "nghiệp" sưu tập sách báo của ông được truyền từ người cha của mình, một công chức nghèo nhưng giữa những năm 70, 80 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên trích một phần lương eo hẹp để mua sách báo về đọc; rồi sách thì xếp thành bộ, báo thì đóng thành tập, để lưu giữ.

Ấn tượng về công việc ấy của người cha đã biến ông Nguyễn Phi Dũng từ một nhân viên hành chính trở thành một nhà sưu tập sách báo; ban đầu chỉ là để tiếp nối niềm đam mê của người cha như một sự báo hiếu; sau thành chuyên nghiệp hóa với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Từ những "thương vụ" giản đơn, như tìm đến các cơ sở thu gom, trao đổi, tái chế… giấy vụn và sách báo cũ, ông Dũng dần trở thành một nhà sưu tập có tiếng tăm.

Lúc ấy, các mối quan hệ của ông trong "thế giới" các nhà sưu tập cũng rộng lớn hơn; khách hàng và "đối tác" của ông cũng đông đúc hơn; công việc sưu tập báo chí của ông càng phát triển. Đặc biệt, từ khi ông xây dựng được căn nhà 4 tầng trên diện tích mặt bằng gần 100 mét vuông, thì ý tưởng xây dựng một bảo tàng báo chí trong ông càng trở nên câu thúc. Từ năm 2016 đến năm 2019, ông mua tổng cộng hơn 7 tấn báo. Từ năm 2019 đến nay, ông có thêm 16 tấn báo nữa…

Câu chuyện "săn lùng" báo cũ của ông Nguyễn Phi Dũng cũng có nhiều "pha" rất ly kỳ, nhất là đối với những ấn bản quý hiếm đang có nguy cơ hư hỏng hoặc "chảy máu cổ vật". Chẳng hạn như với bản số 1 của Báo Cờ giải phóng, hiện nay Thư viện Quốc gia cũng chưa có.

Năm 2022, một nhà sưu tầm trong nước đang sở hữu 1 bản gốc, có lẽ là duy nhất còn lại, đã ra giá 50 triệu đồng với ông Dũng. Kết quả đàm phán, hai bên thỏa thuận mức giá 48 triệu đồng với điều kiện ông Dũng phải mua kèm 4 tờ báo khác. Hoặc như với tờ Nỗ Lực, một ấn phẩm xuất bản tại Nam Định năm 1946, chủ nhân của nó đòi đổi chiếc đài cổ trị giá hơn 20 triệu đồng. Ông Dũng không chịu. Sau nhiều phiên kiên trì thương thuyết và chờ đợi, cuối cùng ông Dũng đã mua được số báo trên đây với giá 5 triệu đồng…

Cũng có những đồng nghiệp tìm đến kho báo của ông Nguyễn Phi Dũng, đòi mua một số ấn phẩm quý hiếm với mức giá cao gấp nhiều lần số tiền mà ông Dũng đã mua về, nhưng ông kiên quyết từ chối. Bởi vì, niềm đam mê sưu tập báo chí của ông còn có lý do là để lưu giữ những ký ức lịch sử.

Theo ông, vì báo chí là công cụ phản ánh chân thực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của đất nước qua các thời kỳ, nên việc lưu giữ là để các thế hệ sau hiểu được cha ông của họ đã sống, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước như thế nào; đồng thời cũng biết được những thăng trầm của đất nước qua các thời kỳ.

Ngay như tờ báo tỉnh nhà của ông đây, cũng đã mấy lần thay đổi tên gọi và măng-sét, gắn với những chủ trương sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới và đơn vị hành chính. Lật lại những trang báo thời ấy, lại thấy cả những vấn đề thời sự của đời sống kinh tế-xã hội qua nhiều chục năm rồi, nhưng đến nay vẫn là… thời sự. Chẳng hạn như các vấn đề chống hàng giả, hàng kém chất lượng và trật tự - an toàn giao thông…

khobau2.jpg -1
Ông Nguyễn Phi Dũng giới thiệu bản gốc Báo Cờ giải phóng số 1.

Toàn bộ kho báo trên đây được Nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng phân loại, sắp xếp và bảo quản theo tiêu chuẩn của một thư viện hiện đại. "Nhà kho" được lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, lưu thông không khí, các thiết bị và hóa chất hút ẩm… Ông Dũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Nhà sưu tập báo giấy phát hành tại Việt Nam từ thế kỷ 19 đến nay với số lượng nhiều nhất".

Theo giới chuyên môn thì ông thừa tiêu chuẩn để làm hồ sơ xin xác lập kỷ lục khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á. Tuy nhiên, điều ông đeo đuổi hiện nay là tìm cách số hóa toàn bộ kho báo; vừa phù hợp với điều kiện chứa đựng hiện vật, vừa đáp ứng nhu cầu khai thác tư liệu của các đối tượng, vừa là xu thế của thời đại "chuyển đổi số" theo Nghị quyết của Bộ Chính trị năm 2024…

Tâm nguyện ấy của nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng may mắn gặp được thiện tâm của Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - cựu Tổng giám đốc FPT, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT, Hiệu trưởng Trường Đại học Trực tuyến FUNIX. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đã kết nối với Công ty NTQ là một đơn vị công nghệ có hơn 1.000 nhân sự đang làm việc tại 6 quốc gia khắp 5 châu. Họ đã hai lần về tận nơi khảo sát và đánh giá đây là một dự án chưa từng có tại Việt Nam…

Ông Nam là đồng hương, đồng niên và đồng môn với ông Dũng. Với việc đầu tư kinh phí cho Dự án số hóa kho báo của ông Dũng, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam còn hướng đến việc xây dựng một mô hình mẫu, một giải pháp mà các thư viện, bảo tàng, nhà nghiên cứu trong nước có thể sử dụng sau này. Đó là tầm nhìn dài hạn của một chuyên gia công nghệ.

Ông Bùi Đức Chương, đồng sáng lập công ty NTQ, người chịu trách nhiệm phát triển Dự án này cũng chia sẻ: Quá trình số hóa phải bảo đảm ba yếu tố: Giữ nguyên kích thước tờ báo khi scan; Chuyển toàn bộ nội dung sang định dạng văn bản để tìm kiếm; Đồng thời bảo mật và lưu trữ lâu dài… Mà chất lượng, kích thước, chất liệu, hình thức… của kho báo thì muôn hình vạn trạng… Vì vậy, các ông đã tự thiết lập máy chụp, tự viết phần mềm, huấn luyện AI nhận diện các trang báo và cắt trang tự động…. Dự kiến công việc sẽ hoàn thành và khai trương kho báo số hóa này vào dịp Quốc khánh 2/9/2026.

Bằng vào những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi tin tưởng Dự án số hóa kho báo của nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng sẽ thành công đúng hẹn. Đây sẽ là một mô hình của Bảo tàng báo chí tư nhân thời đại kỹ thuật số và là một minh chứng sinh động của chủ trương xã hội hóa sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Mai Nam Thắng
.
.