Khi thời trang kết hợp cùng di sản

Thứ Năm, 03/11/2022, 08:35

Không chỉ với mục đích ra mắt các bộ sưu tập (BST) mới đến với công chúng, giờ đây kết hợp giữa trình diễn thời trang với việc giới thiệu, tôn vinh di sản thiên nhiên - văn hóa dân tộc đang là xu hướng của nhiều show thời trang lớn. Cách làm độc đáo, hiệu quả này góp phần quảng bá du lịch cũng như nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc tới du khách trong và ngoài nước.

Ngày 20/10 vừa qua, show diễn đầu tiên trong chương trình “Bước chân di sản” đã được diễn ra tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (thuộc Làng gốm Bát Tràng, Hà Nội). Chương trình đã thu hút sự tham gia của 8 nhà thiết kế (NTK) gồm Hà Duy, La Phạm, Helenne Hoài, Vũ Việt Hà, Thanh Hương Bùi, Kenny Thái, Seven Uomo và Dezi. Tám bộ sưu tập với hàng trăm thiết kế đều lấy cảm hứng từ làng nghề gốm sứ Bát Tràng và những hình ảnh đậm văn hóa truyền thống Việt Nam.

những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa việt.jpg -0
Những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

NTK Hà Duy với BST “Sứ”, được anh cho biết lấy ý tưởng từ màu trắng của men sứ của làng gốm Bát Tràng. Anh thể hiện sự bay bổng qua các phom váy 3D trên nền vải sợi tre - chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường. NTK Helene Hoài với BST “Đất mẹ” lấy cảm hứng từ đất nung - nguyên liệu tự nhiên và cũng là chất liệu không thể thiếu để tạo nên những sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp của làng nghề, NTK Thanh Hương với BST “Long phụng trình tường” lại mang biểu tượng của sự hài hòa, vẹn toàn, cũng là biểu tượng thường được các nghệ nhân sử dụng trên các sản phẩm gốm Bát Tràng cùng các thiết kế lấy cảm hứng từ gốm và trống đồng, những di sản của nền văn hóa Đông Sơn.

Với BST “Trở về”, NTK Vũ Việt Hà mang đến những chiếc áo dài truyền thống được may từ lụa tơ sen, thổ cẩm, lụa tơ chuối… và thêu tay tỉ mỉ. Dù là BST thời trang công sở nhưng các thiết kế của Seven Uomo đều bằng các chất liệu gần gũi với thiên nhiên với tông màu trầm nam tính như đen, nâu, xám… Những thiết kế của nhà tạo mẫu Kenny Thái trong BST “Dạ yến” được ví như bữa tiệc phù hoa của những tà áo dài. NTK La Phạm lại mang đến những thiết kế sử dụng chất liệu thổ cẩm, nhung phối ren lấy cảm hứng từ thời vua Edward những năm 1890 là thời kỳ hoàng kim của lĩnh vực thời trang và nghệ thuật. Dezi giới thiệu BST vest với họa tiết lấy cảm hứng từ những kỳ quan khác nhau trên thế giới.

Cùng với việc ra mắt các BST thời trang, BTC còn cho khán giả chiêm ngưỡng cặp đôi sản vật mang tên Lộc Thiên Bình với 2 phiên bản Ngũ Long - Ngũ Phượng do nghệ nhân làng gốm Bát Tràng thực hiện.

Được biết “VC Fashion Show” - “Bước chân di sản” là một dự án quảng bá di sản bằng thời trang bao gồm một chuỗi chương trình diễn hàng năm, qua các miền di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước. Đây là ý tưởng của đạo diễn Hoàng Công Cường và siêu mẫu Hạ Vy với mong muốn đưa những thiết kế thời trang đến các miền đất di sản, tôn vinh những giá trị bền vững của dân tộc. Mỗi BST có từ 15 - 20 mẫu lấy ý tưởng, cảm hứng từ các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

NTK Hoàng Công Cường cho biết, sở dĩ anh có ý tưởng thực hiện chương trình này vì trước đó anh đã từng thực hiện một show thời trang tại thác Bản Giốc (Trùng Khánh, Cao Bằng). Chương trình đã để lại hiệu ứng tích cực từ đông đảo công chúng. Không chỉ là chương trình thời trang, giới thiệu những sáng tạo mới nhất của các NTK, người xem còn hiểu hơn về văn hóa bản địa, từ đó thu hút thêm nhiều du khách đến với nơi này.

Các nhà tổ chức cho biết, mỗi chương trình thời trang, mỗi chủ đề sẽ gắn với một địa danh trên đất nước Việt Nam. Các NTK sẽ sáng tạo những thiết kế lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và vẻ đẹp của địa phương đó. Việc trình diễn tại những vùng đất này sẽ góp phần cho vẻ đẹp văn hóa được quảng bá, đón nhận và nhiều người biết tới hơn. Từng bước như vậy, mong muốn của BTC là “Bước chân di sản” sẽ được đưa ra với công chúng nước ngoài.

Sau show mở màn tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, BTC đã lên ý tưởng cho những chương trình tiếp theo thực hiện ở những địa điểm như chùa Tam Chúc (Hà Nam), đồi mâm xôi (Mù Căng Chải, Yên Bái), nhà thờ cổ (Nam Định). Nếu lên Tây Bắc thì các NTK sẽ lấy cảm hứng từ cảnh sắc mùa lúa chín, ruộng bậc thang, từ cuộc sống sinh hoạt của bà con dân tộc, hoa văn thổ cẩm

Điều đáng nói là “Bước chân di sản” đã quy tụ những NTK không chỉ tài năng trong lĩnh vực thời trang mà còn có chung tình yêu, niềm đam mê với văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Bằng việc sáng tạo ra những BST thời trang hội tụ trong một show diễn chất lượng, các NTK sẽ không chỉ đưa thời trang nghệ thuật đến với đông đảo công chúng mà còn tạo ra được một sân chơi để đưa thời trang mang dấu ấn văn hóa dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước.

một số mẫu thiết kế của ntk hà duy lấy cảm hứng từ gốm sứ bát tràng.jpg -0
Một số mẫu thiết kế của nhà thiết kế Hà Duy lấy cảm hứng từ gốm sứ Bát Tràng.

Trước đó, từ giữa năm 2022, BTC “Vietnam International Fashion Tour” (VIFT)) cũng đã tổ chức các tour diễn tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sapa (Lào Cai) và chương trình kết thúc năm là tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, VIFT có 8 show với 40 thương hiệu/NTK cùng 1.000 người mẫu tham gia trình diễn. Mỗi chương trình sẽ kể câu chuyện thú vị, chi tiết về văn hóa, lịch sử từng vùng đất tổ chức.

Những chương trình biểu diễn tại Vịnh Hạ Long, sân mây đỉnh Fansipăng đã để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. Sắp tới, chương trình tại Hà Nội sẽ được thực hiện ở Hoàng thành Thăng Long. Cách làm này khiến cho mỗi show diễn không chỉ là thời trang mà còn là câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử từng vùng đất. Thời trang sẽ góp phần truyền tải thông điệp về vẻ đẹp vùng đất đó đồng thời nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngay từ khi bắt đầu tổ chức, VIFT xác định sàn diễn thời trang sẽ không có giới hạn khi dùng chính vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và các công trình kiến trúc độc đáo, ấn tượng làm sàn catwalk. Điều này sẽ tạo nên trải nghiệm thời trang kết hợp với thưởng ngoạn du lịch độc đáo cho khán giả.

Chia sẻ với báo chí, Bà Hà Thị Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết: “Đây là cơ hội tuyệt vời để thời trang và di sản kết hợp, tạo sự lan tỏa, quảng bá và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển”. Cùng chung ý tưởng này, trước đó, vào tháng 8/2022, triển lãm “Áo dài trên con đường di sản” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, (Hà Nội) với 20 BST đến từ 20 NTK đã dẫn dắt người xem đến với nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa Việt thông qua các BST như “Cánh buồm Quảng Ninh”, “Vịnh Hạ Long”, “Nụ cười biển”, “Kim cương đen”…

Có thể nói, cho đến nay, thời trang lấy cảm hứng từ di sản hay văn hóa truyền thống không phải là mới. Đưa di sản hay văn hóa truyền thống vào sản phẩm thời trang thường thể hiện thông qua chất liệu, hoa văn đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh một đất nước giàu bản sắc văn hóa độc đáo.

NTK Minh Hạnh là một trong những người luôn đau đáu với việc đưa bản sắc văn hóa vào các thiết kế thời trang. Khách hàng trong và ngoài nước yêu các sản phẩm của NTK Minh Hạnh bởi đó là những thiết kế mang ý tưởng mới lạ, cách xử lý chất liệu đa dạng, đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc trên các hoa văn, đường nét.

Tuy nhiên, việc có những BST được thiết kế lấy cảm hứng từ một vùng đất, một địa danh và được tổ chức ngay tại chính địa danh đó thực sự là một ý tưởng thú vị, là cái “bắt tay” ý nghĩa, phù hợp với xu hướng mới giữa thời trang và di sản. Nhiều nước trên thế giới có nhiều cách quảng bá trang phục truyền thống hiệu quả như Hàn Quốc, Nhật Bản… Điều đó giúp văn hóa của họ lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới.

Nhiều NTK cho rằng, trước đây chúng ta chỉ quen với sàn catwalk trong nhà với không gian bó hẹp, thiếu sự đột phá, việc sử dụng những danh lam thắng cảnh, những di sản thiên nhiên làm nơi giới thiệu những BST mới sẽ mang đến cho khán giả trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, Việt Nam là đất nước được tạo hóa ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ. Đây không chỉ là nguồn cảm hứng vô tận của thời trang mà còn là sàn diễn độc đáo cho sự ra mắt các BST.

Khánh Thảo
.
.