Khi phim truyền hình có phiên bản điện ảnh

Thứ Sáu, 18/02/2022, 14:51

Chọn những bộ phim truyền hình Việt Nam đình đám một thời để chuyển thể thành phiên bản điện ảnh đang trở thành xu hướng thịnh hành của giới làm phim. Những ngày đầu năm 2022, công chúng đứng ngồi không yên khi hay tin "Đất phương Nam" và "Người đẹp Tây Đô" sẽ trở lại trong hình hài mới trên màn ảnh rộng.

"Người  đẹp Tây Đô" là bộ phim truyền hình nổi tiếng của đạo diễn Lê Cung Bắc. Lên sóng năm 1996, bộ phim ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức khán giả vì sự hóa thân xuất sắc của diễn viên Việt Trinh trong vai Bạch Cúc - nhân vật lấy nguyên mẫu từ nữ chiến sỹ tình báo Lâm Thị Phấn. Sự thành công của bộ phim đã đưa tên tuổi Việt Trinh lên hàng ngôi sao và khiến cô "chết tên" với biệt danh "Người đẹp Tây Đô".

Do vậy, khi nhà sản xuất CGV tung poster phiên bản điện ảnh của "Người đẹp Tây Đô" mang tên "Người đẹp Tây Đô - Chuyện đời chưa kể", dư luận được phen dậy sóng. Đại diện CGV cho biết đã lên ý tưởng quay phim này từ hai năm trước. Tác phẩm đang trong quá trình tìm kiếm gương mặt cho vai Bạch Cúc và dự kiến khởi quay đầu năm 2023.

1 nguoi dep tay do.jpg -0
Poster phim điện ảnh “Người đẹp Tây Đô - Chuyện đời chưa kể”.

Nhiều người cho rằng, cái bóng quá lớn của bản truyền hình sẽ khiến bản điện ảnh khó mà vượt qua dù theo nhà sản xuất, bản điện ảnh sẽ khai thác góc độ khác so với phiên bản truyền hình. Trong đó, điều khán giả tranh cãi kịch liệt nhất chính là câu hỏi "Ai sẽ thay thế Việt Trinh vào vai Bạch Cúc trong bản điện ảnh?". Việt Trinh bây giờ đã quá tuổi để trở lại vai cũ. Hơn nữa cô cũng vừa tuyên bố giải nghệ để tập trung chăm sóc con trai. Việc tìm một gương mặt mới là điều bắt buộc của hãng CGV. Nhưng với dàn diễn viên hiện nay, ai đủ sức để sánh ngang (chứ đừng nói là vượt mặt) Việt Trinh khi cô đã thể hiện quá tốt vai diễn này từ ngoại hình cho đến nét diễn?

Cũng mạo hiểm làm mới phim truyền hình kinh điển là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Anh chọn remake "Đất phương Nam" - bộ phim gắn bó với tuổi thơ nhiều người với hai chú nhóc An và Cò, gã Võ Tòng dữ dằn mà trọng nghĩa khí… Loạt phim gồm 11 tập do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thực hiện dựa trên tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Phim kể về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An do Hùng Thuận thủ vai. Mất mẹ, An phải rời đô thành để rong ruổi tìm cha. Cùng người bạn đồng hành Cò, An phiêu bạt khắp Nam kỳ lục tỉnh, được những người con Nam Bộ hào sảng, chất phác giúp đỡ, cưu mang.

Phiên bản điện ảnh mang tên như nguyên tác văn học. Lý giải về điều này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thổ lộ: "Tôi là một fan hâm mộ của bản truyền hình cũng như tiểu thuyết gốc, nên tôi mong muốn làm một phiên bản đậm đà khí chất, văn hóa con người Cửu Long. Cách đây 25 năm, do chưa đủ điều kiện về kỹ thuật, máy móc và kinh phí nên đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn không đủ sức để làm phần "rừng", mà chỉ thực hiện phần "đất". Đến nay, chúng tôi tự tin sẽ thực hiện được đầy đủ cả hai phần "đất" và "rừng", bám sát nguyên tác văn học, bù đắp lại những gì mà phiên bản truyền hình chưa làm được". Anh cũng cho biết, đây là dự án quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình và có thời gian chuẩn bị lâu nhất (ấp ủ 5 năm).

Danh sách phiên bản điện ảnh của phim truyền hình không dừng lại ở hai tác phẩm kể trên. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng đang lên kế hoạch để làm mới "Thằng Bờm" và "Số đỏ". Giải thích về lý do chọn hai bộ phim này để đưa lên màn bạc, anh chia sẻ: "Thằng Bờm" và "Số đỏ" là hai bộ phim ra đời đã khá lâu và rất hấp dẫn khán giả. Cho đến nay, tôi nhận thấy những vấn đề đặt ra trong phim chưa bao giờ cũ. Sự lọc lừa, giả dối, tham lam, phô trương… đạp lên mọi đạo lý thì thời nào cũng có. Chính vì vậy tôi muốn làm lại nó trong hình hài hiện đại hơn, mới mẻ hơn".

Cũng theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, tác phẩm cũ được remake bao giờ cũng là tác phẩm hấp dẫn số đông khán giả. Điều này không khác gì việc "Việt hóa" lại kịch bản nước ngoài. Bao giờ nhà sản xuất cũng chọn những kịch bản nước ngoài ăn khách nhất để làm lại. Chẳng ai dại lại đi remake một tác phẩm không ra gì. Ít nhất, sự nổi tiếng của bản gốc khiến bản mới được chú ý nhiều hơn ngay từ khi mới "nhá hàng". Tiếng vang của bản gốc khiến các đạo diễn có hứng thú hơn khi làm việc trên nền một kịch bản quá tốt và đã được bảo chứng qua thời gian. Song đó là bước đà thuận lợi nhưng cũng là rào cản lớn mà hậu bối phải vượt qua.

2 so do.jpg -0
Phim truyền hình “Số đỏ” sẽ sớm có phiên bản điện ảnh.

So với phim truyền hình, web- drama (tức phim chiếu mạng) đã đi trước một bước. Đến nay, điện ảnh Việt đã có hai tác phẩm làm lại từ wed-drama làm mưa làm gió trên YouTube là "Bố già" (remake từ web-drama cùng tên của Trấn Thành) và "Chị Mười Ba" (remake từ web-drama "Thập Tam Muội"). Điều đáng nói là hai phát súng tiên phong này đều gặt về quả ngọt. "Bố già" trở thành bộ phim Việt xô đổ mọi kỷ lục phòng vé khi đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Cả hai phần của "Chị Mười Ba" của cặp đôi Thu Trang - Tiến Luật cũng có doanh thu khả quan và để lại sức nóng trên các diễn đàn yêu phim.

Giải mã thành công của hai phiên bản điện ảnh remake từ web-drama này, giới chuyên môn cho rằng, yếu tố thời điểm và ekip chính là nam châm hút khách. Cả hai phiên bản điện ảnh đều ra mắt cách thời gian bản wed-drama phát sóng chưa lâu. Độ nóng của bản gốc vì thế nhanh chóng được chuyển giao cho bản mới một cách dễ dàng. Ekip của Trấn Thành lẫn Thu Trang - Tiến Luật đều gần như giữ nguyên dàn diễn viên cũ. Cốt truyện cũng theo tinh thần bản gốc, chỉ thêm mắm dặm muối cho cô đọng và bất ngờ hơn.

Từ sự "dò đường" của thể loại web-drama, khi chuyển thể phim truyền hình sang phiên bản điện ảnh, nhà sản xuất có vẻ gặp khó nhiều hơn. Các phim được chuyển thể như "Đất phương Nam", "Người đẹp Tây Đô", "Số đỏ"… đều có khoảng cách thời gian ra đời khá xa bản mới. Mỗi phim đều cách bản mới tròm trèm gần 30 năm. Chắc chắn cách tạo hình lẫn dàn diễn viên trong bản hậu bối sẽ mới mẻ hơn. Điều này khiến khán giả dễ bị hẫng, không kịp thích ứng để đón nhận một người bạn cũ trong hình hài đương đại.

Bên cạnh đó, do làm lại từ tác phẩm đã có tiếng vang nên phiên bản mới phải có yếu tố đặc biệt hơn để níu kéo khán giả. Đây là bài toán khó bởi phim truyền hình vốn nhiều thời lượng, có thể miêu tả chi tiết từng việc lẫn triển khai tâm lý nhân vật, tình huống. Trong khi đó phim điện ảnh chỉ gói gọn từ 90 đến 120 phút nên làm sao cho cốt truyện cô đọng lẫn sáng tạo cho mới mẻ là thách thức lớn. Về mặt con người, sự cảm nhận của thế hệ hôm nay, cách thể hiện của lớp đạo diễn và dàn diễn viên trẻ sẽ khác rất nhiều thế hệ tiền bối. Đây cũng là điều mà những người yêu các giá trị kinh điển và giàu hoài niệm luôn băn khoăn, lo lắng. Họ sợ lớp trẻ sẽ phá nát vàng ngọc một thời.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, kỹ xảo hiện đại, kỹ thuật quay chăm chút lẫn tư duy mở, hướng đi lạ của ekip hôm nay cũng là những hứa hẹn thú vị cho khán giả khi gặp lại "người cũ" trong diện mạo mới. Khán giả Trần Minh Vệ cho rằng: "Đây là cách làm mới để tác phẩm cũ không còn vang bóng một thời mà sẽ phát triển theo nhiều hướng khác nhau để khán giả như chúng tôi có dịp thưởng thức và chiêm nghiệm".

Khi hay tin "Đất phương Nam" sẽ có phim điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn rất xúc động và bày tỏ sự tin tưởng: "Với tôi, "Đất phương Nam" là một kỷ niệm đẹp trong đời làm phim. Việc làm lại bộ phim rất hay, vì bản truyền hình được làm cách đây đã hơn 25 năm, điều kiện kỹ thuật hồi đó còn thô sơ, thủ công. Bây giờ, với công nghệ làm phim hiện đại, tôi tin khi chuyển sang bản điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có thể mô tả hoành tráng hơn đất và người phương Nam. Tư duy của ekip mới sẽ giúp bộ phim bắt mắt, hiện đại và trẻ trung hơn".

Trong số các dự án chuyển thể điện ảnh, "Đất rừng phương Nam" là dự án được công chúng kỳ vọng nhiều nhất. Ở dự án này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không đơn thương độc mã mà sẽ có sự kết hợp của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Sự có mặt của người làm nên thành công của bản truyền hình khiến khán giả yên tâm hơn vì ông sẽ giữ được linh hồn của "Đất phương Nam" thuở nào khi thực hiện đứa con mới cho màn bạc.

Mai Quỳnh Nga
.
.