Khi nghệ thuật góp sức chống dịch

Thứ Năm, 26/08/2021, 17:09

Suốt mấy tháng qua, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng với số ca nhiễm đã có mặt tại 62/63 tỉnh thành, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã đóng băng hoàn toàn. Thay vào đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật online trên các nền tảng số, biểu diễn âm nhạc tại các bệnh viện, khu cách ly đang được chú ý và khuyến khích. Cho đến lúc này, các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu, hội họa, văn học đã bước đầu có những dấu ấn về vai trò của mình để phù hợp với tình hình mới...

Nhiều nghệ sĩ chung tay chống dịch

Vừa qua, thông tin nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bị đột quỵ và phải đưa vào Bệnh viện Quân y 175 điều trị từ ngày 17-8 đã gây xúc động mạnh đối với công chúng. Hồi cuối tháng 7, mặc dù là người có bệnh nền và từng trải qua phẫu thuật thận nhưng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có buổi biểu diễn đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình tại sân khấu là Bệnh viện dã chiến số 3, số 6 (Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) trước các y, bác sĩ và hàng ngàn bệnh nhân.

Dù phải mang khẩu trang y tế rất khó chịu đối với một nghệ sĩ kèn, nhưng saxophone Trần Mạnh Tuấn vẫn thể hiện trọn vẹn những ca khúc mang đậm tình yêu quê hương đất nước như "Quê hương", "Về quê", "Diễm xưa", "Còn tuổi nào cho em" và được những khán giả đặc biệt đón nhận nồng nhiệt. Cùng với các ca sĩ khác như Phương Thanh, Quốc Đại, Đăng Nguyên... buổi biểu diễn đã trở thành nguồn động viên tinh thần tích cực đối với lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch cũng như các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến.

1.png -0

Hình ảnh NSƯT Ngọc Sơn và nghệ sĩ Quốc Phòng trong MV "Chung tay chống dịch COVID".

Phía gia đình nghệ sĩ thông tin thêm với báo chí, trước khi đổ bệnh, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đang tiếp tục miệt mài làm việc để chuẩn bị cho đêm nhạc "Nối vòng tay lớn: Đất nước đồng lòng", "Vượt qua COVID", dự kiến diễn ra ngày 4-9. Vì thế, thông tin nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bị đột quỵ đã khiến rất nhiều người tiếc nuối và gửi lời chúc nghệ sĩ sớm bình phục và sớm trở lại với sân khấu.

Hồi tháng 5 vừa qua, họa sĩ Lê Huy, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cùng nhóm của mình đã cho ra mắt bức tượng "Em bé Điện Biên" và nhận được nhiều tình cảm và những phản hồi tích cực. Sau đó, hơn 130 phiên bản của "Em bé Điện Biên" được làm từ chất liệu đá ép đã được bán hết với số tiền thu được gần 100 triệu đồng đã được họa sĩ chuyển cho các quỹ từ thiện để ủng hộ miền Nam chống dịch. Hiện tại, họa sĩ Lê Huy và các cộng sự vẫn tiếp tục với việc bán các phiên bản của bức tượng "Em bé Điện Biên" với giá 680 ngàn đồng/bức, trong đó số tiền 350 ngàn  đồng sẽ được họa sĩ hướng dẫn "khách hàng" chuyển khoản thẳng vào các tài khoản ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19; 330 ngàn đồng còn lại chuyển cho nhóm sáng tạo.

Họa sĩ Lê Huy viết trên trang cá nhân: "Mình làm bức tượng này vào một ngày cuối tháng 5, khi bắt gặp hình ảnh những em bé với bộ đồ bảo hộ thùng thình trong khu cách ly tại Điện Biên. Dưới cái nắng hè đổ lửa, những hình ảnh đó thật sự rất cảm động, vừa yêu, vừa thương. Mình nghĩ đến những đứa con của mình và tạo hình em bé cầm gấu bông trong tay như muốn gửi gắm một người bạn, mong các em thấy như lúc nào cũng có gia đình ở bên, để ôm, để ngủ và cả để khóc. Khi dịch lan nhanh, những Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh trở thành vùng dịch lớn, mọi người đều hiểu rằng những em bé phải đi cách ly không còn là thiểu số nữa. Sẽ có thể có những em bé Hà Nội, những em bé Sài Gòn hay bất kỳ đâu trên đất nước mình, rồi cả những em bé trở thành F0, hay những em bé được sinh ra trong các khu cách ly... Các em thật sự là những em bé dũng cảm, kiên cường như những trẻ em thời chiến vậy... Chúng mình đặt tên là "Em bé Điện Biên" cũng với mong muốn mượn một địa danh lịch sử hào hùng làm biểu tượng cho tình đoàn kết và mạnh mẽ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này...".

2.jpg -0

Một cảnh trong vở "Cuộc chiến COVID" của sân khấu Lệ Ngọc.

Bên cạnh những sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, những ngày qua, nhiều phiên đấu giá trực tuyến tranh, ảnh nghệ thuật với tâm nguyện dùng toàn bộ các khoản thu được hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã được tổ chức như: Các phiên triển lãm, đấu giá mang tên "Câu chuyện dòng sông" do Quỹ Sống tổ chức trưng bày và bán đấu giá hơn 20 tác phẩm của các họa sĩ trong nước và quốc tế; 2 phiên đấu giá tranh của họa sĩ nhí Xèo Chu đã thu được số tiền gần 3 tỷ đồng từ tiền bán đấu giá trực tuyến 8 bức tranh để mua trang thiết bị y tế tặng Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và ủng hộ cho bếp ăn Bệnh viện Tâm Anh gần 400 triệu đồng...

Bên cạnh đó, cuộc triển lãm và đấu giá tranh online "Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương" được Vietnam Art Space (VAS) tổ chức thành công và tổng số tiền thu được trên 400 triệu đồng để mua những món quà thiết thực tặng người nghèo tại TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là triển lãm và bán đấu giá tranh trực tuyến "Cây đời mãi xanh" của nhóm họa sĩ Ngô Trần Vũ tổ chức với sự tham gia của 60 họa sĩ và gần 100 tác phẩm trên nhiều chất liệu, bước đầu đã thu được trên 1 tỷ đồng để dùng vào việc mua nhu yếu phẩm cho người dân nghèo mùa dịch…

Khuyến khích các sáng tạo về chủ đề phòng, chống dịch

Có thể nói, cả âm nhạc, hội họa, văn học, nghệ thuật, sân khấu... đều đang có những chuyển động riêng, các văn nghệ sĩ ngày đêm nỗ lực để sáng tác những tác phẩm nghệ thuật hướng tới công chúng trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, trong đó lĩnh vực sân khấu có một vị trí tương đối đặc biệt.

Tiên phong trong việc dàn dựng các vở diễn phòng chống COVID-19 là sân khấu Lệ Ngọc với vở kịch "Cuộc chiến COVID". Vở diễn được dàn dựng vào cuối năm 2020, đã có được mấy chục suất diễn khi tình hình dịch bệnh ổn định nên đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải đặc biệt năm 2020. Ngoài ra, Nhà hát Tuổi trẻ với vở nhạc kịch "Cuộc chiến virus" hay vở kịch "Người trong mắt bão" của Đoàn Kịch nói Hải Phòng cũng được đầu tư dàn dựng công phu.

Việc biểu diễn sân khấu trong thời gian dịch bệnh hết sức khó khăn như thế này, những vở diễn về chủ đề phòng, chống dịch cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Nhưng đây là những ví dụ hết sức sinh động cho những bước đi mạnh dạn, thức thời của nghệ sĩ và những người làm sân khấu hiện đại.

Cũng trong thời gian qua, nhiều cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật đã được phát động rộng rãi, tạo ra sự khích lệ, động viên đối với các sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phát động "Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19".

Theo NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến tới mọi người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Bộ y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Tôn vinh vị trí, vai trò và những đóng góp, hy sinh to lớn của lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh, đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân, cán bộ địa phương… Đồng thời còn thể hiện trách nhiệm cao của đội ngũ nghệ sỹ sân khấu trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, góp phần tạo niềm tin, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong toàn dân cùng Chính phủ quyết tâm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh".

Tại TP Hồ Chí Minh, cuộc vận động sáng tác, dàn dựng, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề "Chung một niềm tin chiến thắng" do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phát động đã nhận bài thi từ ngày 1-8-2021 với 7 lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật... Điều đó đã cho thấy, văn học nghệ thuật luôn là một phần tất yếu của cuộc sống và có những đóng góp quan trọng, đáng kể trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Và trong giai đoạn này, nghệ thuật cũng phải góp một phần sức lực của mình vào công tác phòng chống, dịch bệnh như một nhiệm vụ tiên phong, cao cả.

Nguyệt Hà
.
.