Khi họa sỹ ký tên lên tranh chép

Thứ Sáu, 25/11/2022, 14:46

Chép tranh vốn là hoạt động hợp pháp nếu nó đảm bảo những quy tắc ràng buộc nghiêm ngặt. Nhưng ở nước ta, sự lỏng lẻo trong việc quản lý và ý thức yếu kém, vụ lợi của nghệ sĩ đã khiến việc chép tranh biến tướng. Vụ ký tên vào tranh chép của họa sĩ Phạm Hồng Minh chưa từng có tiền lệ trong giới mỹ thuật, song nó dấy lên nhiều tranh cãi lẫn lo ngại về hậu quả xấu cho nạn đạo tranh hoành hành.

Vừa qua, giới mỹ thuật một phen ầm ĩ khi họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tố họa sĩ Phạm Hồng Minh ngang nhiên ký tên vào hai bức tranh chép tác phẩm “Lì xì nhé” và “Cô gái Dao đỏ” của anh. Hai tác phẩm gốc đều có giấy chứng nhận bản quyền và đã được Lê Thế Anh bán cho nhà sưu tập.

Theo lời kể của họa sĩ Lê Thế Anh, hồi đầu tháng 11, anh được một học trò phát hiện bức tranh chép giống y bức “Lì xì nhé” nhưng ký tên Phạm Hồng Minh. Khi anh lên tiếng thì Phạm Hồng Minh mới giải thích là mua bức tranh ấy ở một cửa hàng chép tranh trên đường Trần Phú, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Sau cao hứng quá nên anh ký tên vào bức tranh và xin lỗi vì không biết bức tranh ấy chép từ bản gốc của Lê Thế Anh. Nghe vậy, Lê Thế Anh buồn cười vì “từ bé đến lớn tôi chưa thấy ai đi mua tranh chép về rồi ký lên cả”. Nhưng anh cũng bỏ qua vì không muốn làm lớn chuyện.

1 buc li xi nhe.jpg -0
Bức "Lì xì nhé" bản gốc (trái) và tranh chép có chữ ký của Phạm Hồng Minh.

Đến khi tò mò vào thử trang Facebook của Phạm Hồng Minh thì anh mới tá hỏa: “Bạn ấy có vài cửa hàng chép tranh to đùng. Mà lại không chỉ chép của tôi một bức, bạn ấy còn chép một bức khác và ngang nhiên ký tên coi mình là tác giả. Không nhẽ với bức thứ hai này, bạn ấy cũng đi mua từ đâu đó và về lại cao hứng ký lên. Vấn đề ở đây là: bạn ký tên lên tranh chép để làm gì? Một là bạn muốn xác nhận mình là tác giả bức tranh ấy. Hai là bạn phải xác định chữ ký đó mang lại lợi nhuận. Vì chữ ký trong một tác phẩm nghệ thuật là một phần bất khả di dời. Tranh giá trị nhất ở chữ ký. Nên tôi định cho qua nhưng giận quá, không cho qua được”.

Đáp lại lời buộc tội của bậc đàn anh, Phạm Hồng Minh nhất mực cho rằng mình không sao chép mà mua bức tranh. Anh viết một bài dài trên trang cá nhân khẳng định: “Khi đã mua tranh về đó là quyền sở hữu của người mua, nên họ viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền lợi!!! Minh chưa bao giờ viết bài hay công bố đấy là tranh Minh vẽ, và cũng chưa từng xuất hiện trong các triển lãm tranh của Minh. Anh nói Minh chép tranh là đang vu khống Minh”.

Trước lý luận này, giới họa sĩ vô cùng phẫn nộ và lên án. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng tư duy khi đã mua tranh về thì chủ sở hữu có quyền ký tên hay viết, vẽ tùy ý là tư duy sai lầm về quyền sở hữu trí tuệ. Một nghệ sĩ ngao ngán: “Vậy nếu ai đủ tiền mua tranh Picasso hay tranh Bùi Xuân Phái thì có quyền ký tên mình vô đó để trở thành họa sĩ?”. Bị dư luận phản ứng dữ dội, Phạm Hồng Minh phải tạm khóa Facebook. Đến khi mở lại thì bài đăng của anh có nhiều câu từ thay đổi, đoạn “nên họ viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền lợi!” được sửa lại thành “nên họ viết, tặng đó là quyền lợi!!”.

Sở dĩ vụ lùm xùm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi độ nổi tiếng của Phạm Hồng Minh. Anh được khán giả ưu ái đặt cho biệt danh “phù thủy vẽ tranh” bởi những màn trình diễn vẽ tranh bằng lửa, nước, kim tuyến… ấn tượng tại Vietnams Got Talent 2013. Ngoài ra, Phạm Hồng Minh từng đoạt quán quân "Bạn có thực tài 2015". Rời gameshow, Phạm Hồng Minh trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh trình diễn. Công chúng và ngay cả khổ chủ là họa sĩ Lê Thế Anh đều rất ngạc nhiên khi không thể hiểu nỗi tại sao một người nổi tiếng trong giới giải trí như Minh lại hồn nhiên ký tên lên tranh chép như thế. Nếu là một người chép tranh vô danh thì anh còn thông cảm nhưng Phạm Hồng Minh mang danh họa sĩ nổi tiếng, nên việc ký tên là điều tối kỵ.

2 buc co gai dao do.jpg -0
Bức "Cô gái Dao đỏ" của họa sĩ Lê Thế Anh (trái) và tranh chép.

Họa sĩ Lê Thế Anh phân tích: “Có vẻ Phạm Hồng Minh cho rằng việc ký tên vào tranh chép thì không nặng tội bằng việc chép tranh của người khác. Nên khi nhắn tin cho tôi, Minh chỉ một mực khẳng định mình chỉ ký chứ không chép và chỉ xin lỗi trên khía cạnh của một người ký vào tranh chép thôi. Nhưng Minh không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, chữ ký trên các văn bản nói chung và đặc biệt là với tác phẩm hội họa nói riêng, nó vô cùng quan trọng. Bất luận, tranh ấy là Phạm Hồng Minh chép hay người khác chép thì chỉ cần Minh ký vào đó, nghiễm nhiên tranh đó là của Minh vẽ ra, Minh là tác giả. Mọi lời nói là người khác chép hoặc mua từ cơ sở chép tranh mang về đều vô tác dụng.

Bởi vì: Thứ nhất, việc ký tên lên tác phẩm được hiểu là việc đánh dấu sự sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh. Thứ hai, Khoản 4, Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là một trong các quyền nhân thân gắn liền với tác giả và không một tổ chức, cá nhân nào có thể xâm phạm dù là chủ sở hữu tác phẩm (không phải tác giả). Thứ ba, quyền trên được bảo hộ vô thời hạn theo quy định của Khoản 1, Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, tất cả trường hợp xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Khoản 4, Điều 19 thì đều có thể bị xử lý xâm phạm bản quyền tác giả”.

Xưa nay việc chép tranh là hoạt động hợp pháp trong làng mỹ thuật. Nó giúp ích cho sinh viên, họa sĩ trong quá trình học tập, nghiên cứu. Tranh cũng được chép để bán cho những người muốn trang trí nhà cửa hay tặng bạn bè với giá cả phải chăng. Nhưng các bức tranh chép đó phải được ghi rõ là tranh chép và không được ký tên lên.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Trong cuộc triển lãm mừng sinh nhật danh họa Marc Chagall, nhiều bức tranh của ông trên khắp thế giới được trưng bày. Ông phát hiện một bức tranh của mình là tranh chép. Thủ phạm bị phạt sáu tháng tù. Ngay khi ra tù, hắn bảo vẫn chép tranh vì rất thích tranh Marc Chagall. Vậy là từ đó giới mỹ thuật có quy định: muốn chép tranh phải xin phép tác giả, tranh chép phải có kích thước khác với bản gốc và phải ghi rõ trên tranh “đây là tranh chép”. Người chép không được ký tên mình hay nhái chữ ký tác giả vào bức tranh. Nếu họa sĩ đã qua đời 50 năm thì người chép không cần xin phép tác giả nhưng các nguyên tắc trên vẫn phải tuân thủ”.

Bây giờ, các tiệm chép tranh ở Việt Nam mọc lên tràn lan, sẵn sàng chép tranh khi khách có yêu cầu mà không hề xin phép tác giả một câu. Từ chuyện chép tranh tràn lan, thiếu kiểm soát dẫn đến nạn đạo tranh, tranh giả là tất yếu. Họa sĩ càng có tiếng càng bán được giá. Người mua nhiều khi không cần biết tác phẩm vẽ gì mà chỉ cần nhìn chữ ký họa sĩ vì đây là bảo chứng quan trọng. Nếu mua ở gallery và được quảng cáo là tranh thật thì người mua cũng không tài nào phân biệt khi thiếu trình độ.

Đến nay, Phạm Hồng Minh vẫn chưa xin lỗi công khai trên báo chí như yêu cầu của họa sĩ Lê Thế Anh mà chỉ muốn gặp mặt riêng để dàn xếp. Phản hồi phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an về sự việc, người quản lý của Phạm Hồng Minh cho biết: “Ở thời điểm nhạy cảm về những rắc rối này, dù Minh có phân trần, nhận lỗi hay đính chính, phản bác thì cũng vô nghĩa! Cuộc sống là những bộn bề lo toan. Minh cần phải lo nhiều thứ, nhiều việc và các kế hoạch cần phải hoàn tất. Nếu Minh vi phạm pháp luật thì có pháp luật chế tài. Về phía anh Lê Thế Anh, bên Minh rất thiện chí để hai bên gặp nhau và hiểu rõ hơn mọi việc. Nhưng bên phía Thế Anh từ chối và tự viết bài sai sự thật”.

Trong khi đó họa sĩ Lê Thế Anh cho biết sắp tới mình sẽ gửi đơn khiếu nại lên Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh và mời luật sư vào cuộc để đi đến cùng sự việc. “Có hai lý do khiến tôi phải theo đuổi vụ việc này dù bản thân là người không thích ồn ào. Đầu tiên, tôi muốn góp tiếng nói để đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền ngày càng trắng trợn, ngang nhiên trong giới hội họa, đồng thời bảo vệ cho các nhà sưu tập, giúp môi trường mỹ thuật dần trong sạch. Thứ hai, Minh là người có sức ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng, nhất là giới trẻ, nên việc làm không hay của bạn ấy dễ thành tấm gương xấu cho người hâm mộ làm theo. Vụ kiện này dù ai thắng ai thua cũng cho thấy một bài học rằng: ký tên vào tranh chép dễ nhận về vô số rắc rối, để trong tương lai sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc tương tự”.

Mai Quỳnh Nga
.
.