Khi giá trị thật của âm nhạc lên ngôi
Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của gameshow truyền hình "Ca sĩ mặt nạ" (The marked singer Vietnam) mùa đầu tiên cùng sự yêu mến khán giả dành cho những giọng hát thực sự, không cần chiêu trò đã cho thấy thị trường âm nhạc dường như đang trở lại với giá trị cốt lõi của mình. Điều này đã giảm bớt những lo lắng về tình trạng giá trị ảo lên ngôi ở thị trường âm nhạc thời gian vừa qua.
Có lẽ, thời gian vừa qua, sự kiện trong đời sống âm nhạc được giới truyền thông cũng như công chúng nhắc tới nhiều nhất đó là show ca nhạc truyền hình "Ca sĩ mặt nạ". Đây vốn là một gameshow truyền hình ăn khách được mua bản quyền từ "King of Mask Singer" của Hàn Quốc, gần như ở quốc gia nào cũng tạo được hiệu ứng tích cực. Ngay từ khi lên sóng tập đầu tiên, "Ca sĩ mặt nạ" đã khiến khán giả bùng nổ.
Để một chương trình giải trí về âm nhạc có thể khiến khán giả phát sốt, chờ mong từng tập phát sóng vào cuối tuần là điều không dễ dàng. Hàng chục năm qua, nhiều gameshow ca nhạc đã phát sóng trên truyền hình khiến chúng trở thành món ăn quá đỗi quen thuộc với khán giả. Người lớn thi hát, trẻ em thi hát, hết nhạc nhẹ rồi đến nhạc trữ tình bolero… Thậm chí, có những thời điểm, khán giả truyền hình ngao ngán khi bội thực các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình.
Vậy, điều gì đã khiến "Ca sĩ mặt nạ" tạo được cơn chấn động trong đời sống âm nhạc vốn sôi động và đa sắc như vậy? Câu trả lời đó chỉ là bởi âm nhạc đích thực. Lần đầu tiên, "Ca sĩ mặt nạ" quy tụ được 15 người chơi đều là những giọng ca nội lực. Nhưng khán giả không biết họ là ai bởi ngoại hình đã hoàn toàn được giấu kín bởi "mascot". Họ chỉ thấp thoáng thể hiện mình trong một vài câu giao lưu với Ban giám khảo nhưng những thông tin đó cũng khá ít ỏi để lộ rõ tên tuổi. Khán giả cũng không có cơ hội để bàn luận về họ những chuyện ngoài âm nhạc. Và vì thế, những người chơi đến với khán giả chỉ bằng những tiết mục âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, công phu, đẳng cấp.
Sau này, kết thúc chương trình, khi mặt nạ được gỡ bỏ, thì khán giả mới ồ lên về danh tính những người chơi. Họ là những người đã nổi tiếng, rất quen thuộc với khán giả như ca sĩ Trần Thu Hà, Uyên Linh, Thùy Chi, Trung Quân Idol, từng là thần tượng trong giới trẻ như Lương Bích Hữu, Mai Tiến Dũng hay những giọng ca mới như Hà Nhi, Myra Trần, Vũ, Juky San, Song Luân, Vương Anh Tú… Mỗi người một chất giọng, 1 cá tính và tư duy âm nhạc khác nhau nhưng cùng mang đến một sân chơi đẳng cấp về âm nhạc. Ở đó không ai rõ người chơi già hay trẻ, đến với âm nhạc bao lâu, có nổi tiếng hay không mà chỉ bằng khả năng chinh phục khán giả qua giọng hát. Dàn nghệ sĩ giấu mặt tài năng với những màn trình diễn vô cùng bùng nổ đã thu hút lượt xem nghe khủng trên các nền tảng mạng xã hội.
Và sự chiến thắng của O Sen - ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Ngọc Mai, người vốn không có độ phủ sóng rộng trong thị trường âm nhạc là minh chứng cho thấy quyết định của khán giả chỉ hoàn toàn bởi giọng hát, không hề có sự chi phối của cảm xúc yêu ghét cá nhân hay gánh nặng thần tượng. Với tài năng của mình, những người chơi đã làm mới ngay cả những ca khúc quen thuộc, khiến chúng một lần nữa được tìm kiếm nghe lại trên các trang mạng xã hội. Ngay cả những ca khúc từng được thể hiện bởi ca sĩ nào đó thì sẽ được phối lại thành một phiên bản mới vô cùng hấp dẫn. Yếu tố âm nhạc của chương trình là điều khiến đông đảo công chúng xuýt xoa khen ngợi.
Chính vì thế, không ngoa khi nói rằng, "Ca sĩ mặt nạ" như một "đại tiệc" âm nhạc, nơi dung hòa giữa chất giọng, ban nhạc và sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất. Sức hút từ "Ca sĩ mặt nạ" cho thấy hóa ra lâu nay khán giả vẫn khát những ca sĩ có giọng hát chất lượng, những chương trình âm nhạc mà ở đó âm nhạc là cối lõi chứ không phải chiêu trò gây sốc.
Vượt lên trên một show ca nhạc, sự thành công của "Ca sĩ mặt nạ" mang đến hy vọng cho những khán giả lâu nay vẫn khắc khoải với âm nhạc thị trường. Không thể phủ nhận, âm nhạc luôn có sự phát triển sôi động và không ngừng thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, một thời gian dài ở lĩnh vực âm nhạc giải trí, giá trị ảo đồng loạt lên ngôi. Có những bản hit nổi rần rần trên mạng mà nghe xong, khán giả hoang mang không hiểu đây có phải là âm nhạc không?
Tràn ngập trong các MV là cảnh hở hang phản cảm hoặc bạo lực gây sốc. Có những ca sĩ thuộc hàng ngôi sao nhưng khi lên sân khấu trực tiếp hát không rõ lời. Những sản phẩm thuộc hàng "thảm họa âm nhạc" ngày một nhiều. Đáng lo ngại hơn, khi người ta lấy lượng view cao thấp để đánh giá mức độ hot của một sản phẩm âm nhạc thì có tình trạng nghệ sĩ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lượt view… Thay vì bình luận về những sáng tạo trong sản phẩm âm nhạc mới, người ta bình luận về số tiền ca sĩ bỏ ra làm MV nhiều hơn.
Cùng với chương trình "Ca sĩ mặt nạ", một số sự kiện âm nhạc gần đây cho thấy, khán giả vẫn chờ mong những show âm nhạc đích thực. Con số 30.000 khán giả đến với sân vận động Mỹ Đình để nghe Mỹ Tâm hát trong liveshow "Tri âm" ngày 5/11 vừa qua là một minh chứng tiêu biểu. Với khán giả yêu nhạc, Mỹ Tâm được đánh giá là ca sĩ không scandal, không có những màn khoe hàng hiệu hay chiêu trò… điều mà khán giả quá quen ở giới giải trí. Cô là đại diện cho tuýp ca sĩ giản dị, hồn nhiên, chân thành và cháy hết mình trên sân khấu âm nhạc. Nhiều người trở thành fan của ca sĩ Mỹ Tâm từ khi đang tuổi thanh xuân, tới nay đã bước vào tuổi trung niên. Sau liveshow, người ta cũng không bàn Mỹ Tâm mặc váy thương hiệu gì, bao nhiêu tiền mà đọng lại chỉ là hình ảnh "Họa my tóc nâu" bùng nổ trong từng ca khúc. Rõ ràng, xã hội có hào nhoáng bao nhiêu thì những gì thuộc về chân giá trị vẫn luôn được yêu quý, trân trọng và lan tỏa.
Và những năm qua, sự yêu mến của khán giả dành cho những giọng hát như Thùy Chi, Đen Vâu, Thu Hà… cùng một loạt ca sĩ khác đủ để chúng ta tin nghệ thuật đích thực vẫn luôn có sức sống bền lâu. Sự thành công của rapper Đen Vâu là một ví dụ. Để có được vị trí trong làng âm nhạc như ngày hôm nay là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Nhưng nổi bật ở anh là sự gần gũi, chân chất của một rapper đi lên từ nghèo khó. Những ca khúc của Đen Vâu luôn là những tâm sự, nỗi lòng được thể hiện một cách giản dị, mộc mạc nhưng đầy sáng tạo trong các sản phẩm âm nhạc.
Công thức thành công của Đen Vâu không phải "đổ tiền" vào các sản phẩm âm nhạc. Thậm chí, nhiều lần trong các MV của anh không có sự xuất hiện của nhãn hàng tài trợ nào, hay được nói là MV "0 đồng". Ví dụ như MV "Hai triệu năm", sản phẩm mà Đen Vâu chỉ làm với duy nhất một cảnh ngâm mình trong dòng nước hát về sự tiến hóa của nhân loại. Được bình chọn là "MV đơn giản nhất mọi thời đại" nhưng nhờ ý tưởng độc đáo, sản phẩm vẫn tạo tiếng vang với 46 triệu lượt xem. Với quan niệm đầu tư cho ý tưởng thay vì chi phí, MV "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em", "Trốn tìm"… từng gây sốt trong thị trường âm nhạc nhưng chi phí sản xuất vô cùng rẻ. Điều đó cho thấy, tiền không phải là yếu tố quyết định sự thành công của các sản phẩm âm nhạc mà phải là giọng hát.
Đáng mừng là trong thị trường nhạc Việt, không ít ca sĩ có MV được khán giả yêu mến nhưng vẫn tiết kiệm như "Vài lần đón đưa" của Soobin Hoàng Sơn, "Vì tôi còn sống" của Tiên Tiên, "Vợ người ta" Phan Mạnh Quỳnh, "Nhật ký của mẹ" của Hiền Thục, "Mùa đông" của Đinh Mạnh Ninh… Không chạy theo thị trường đã trở thành một xu hướng mà nhiều nghệ sĩ theo đuổi thời gian gần đây. Họ không quá chú trọng đến chuyện đầu tư về hình ảnh, truyền thông mà dồn tinh lực cho chất lượng, ca khúc. Điển hình trong số đó là ca sĩ Nguyên Hà, Phùng Khánh Linh
Âm nhạc có lẽ là lĩnh vực đa sắc nhất, ở đó các nghệ sĩ có quyền lựa chọn hướng đi cho mình. Có người chọn cách truyền thông chiêu trò nhưng cũng có người muốn mang đến cho khán giả không gian âm nhạc thuần túy. Nhưng bao giờ cũng vậy chỉ có giá trị cốt lõi mới giữ chân khán giả dài lâu.