Khi âm nhạc trở thành món fastfood

Thứ Năm, 09/03/2023, 14:31

Cơn sốt "See tình" của Hoàng Thùy Linh khiến không ít ca khúc mới ra lò thi nhau chia thành từng đoạn nhỏ để đăng trên TikTok. Thời đại mạng xã hội, ca khúc bỗng trở thành món fastfood (thức ăn nhanh) không hơn không kém. Và "chất dinh dưỡng" của nó luôn là điều gây tranh cãi.

Không thể phủ nhận rằng nhờ đoạn video ngắn trích ra từ ca khúc "See tình" đăng trên TikTok, Hoàng Thùy Linh đã khuấy đảo toàn cầu. Giai điệu bắt tai cùng điệu nhảy cuốn hút khiến người nổi tiếng lẫn cư dân mạng thi nhau nhảy theo.

Hơn một năm trước, khi ca khúc này vừa trình làng trên YouTube, sức lan tỏa của nó không khủng khiếp đến vậy. Có chăng, "See tình" chỉ là MV ăn khách trong nước. Chỉ khi TikTok phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, ekip của nữ ca sĩ bắt đầu quảng bá trên nền tảng này thì "See tình" mới thực sự gây bão, vươn ra tầm quốc tế.

Một số ca khúc cũng được cộng đồng quốc tế phát cuồng nhờ clip ngắn chỉ 15 đến 30 giây như "Dạ vũ", "Ngây thơ" của Tăng Duy Tân; "Hai phút hơn" của Pháo… Thậm chí, có ca khúc "từ đời nảo đời nao" được dịp sống lại và gây sốt xình xịch nhờ công quảng bá của TikTok như "Mong một ngày anh nhớ đến em".  

1 hoang yen.jpg -0
Hoàng Yến Chibi gây tranh cãi với ca khúc "Ừ! Em xin lỗi".

Cuộc sống ngày càng sôi động, hối hả, người ta càng chuộng lối sống nhanh. Ở giới trẻ, lối sống nhanh càng thể hiện rõ. Họ không thích cái gì dài dòng, mất thời gian. Việc giải trí cũng không ngoại lệ. Và thế là TikTok với những clip siêu ngắn và gây chú ý ngay từ những giây đầu tiên được giới trẻ mê mẩn.

Theo thống kê, độ tuổi những người sử dụng TikTok là từ 10 đến 25 tuổi. Sự phát triển nổi trội của TikTok khiến giới công nghệ dự đoán chỉ vài năm nữa, nó sẽ đứng ngôi đầu, chiếm lĩnh thị trường của các ông lớn như YouTube, Facebook… Để cạnh tranh và chống lại sự bành trướng của TikTok, cả YouTube lẫn Facebook đều có mục video cực ngắn với định dạng tương tự.

Các video ngắn có nội dung nhảy nhót hay biến hình trên nền ca khúc dễ biến thành trào lưu vì giới trẻ ưa bắt chước mốt thời thượng, hay ho. Mà đã là trào lưu thì tốc độ lan tỏa của ca khúc đến từng ngõ ngách vô cùng chóng mặt. Đây là mảnh đất màu mỡ để âm nhạc tìm cách phổ cập sâu rộng. Với những nghệ sĩ ít tên tuổi, TikTok tạo nên bước đột phá rất lớn khi họ tạo được trend (xu hướng) cho sản phẩm.

Cứ nhìn bước nhảy vọt của Tăng Duy Tân hay Pháo sẽ thấy rõ. Sau khi tung ra sản phẩm chính thức, nghệ sĩ chấp nhận cắt một mẩu nhỏ trong bản gốc và biến nó thành phiên bản fastfood trên TikTok, mời gọi mọi người "ăn" thử. Nếu phiên bản fastfood đó được yêu thích, nó nhanh chóng lan tỏa. Rất nhiều người vì quá thích thú với đoạn video ngắn ngủi đó mà tìm đến bản gốc để được thưởng thức trọn vẹn. Lúc này âm nhạc trở về giá trị của chính nó với những nguyên liệu và cách chế biến công phu, nguyên bản.

Thị trường giải trí Việt Nam thường hay vấp phải vấn nạn muôn thuở: "Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Nhạc Việt cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Những gì "See tình", "Ngây thơ", "Hai phút hơn"… gặt hái khiến các nhạc sĩ đua nhau "băm nát" tác phẩm hòng làm nên cơn bão tương tự. Thay vì chăm chút cho cả một bài hát rồi trích ra một đoạn nhỏ để PR trên TikTok thì giờ đây, nghệ sĩ chỉ "vắt óc" cho 15 hay 30 giây cao trào của ca khúc.

Chạy theo trào lưu, họ gắng làm sao cho đoạn ngắn ngủi đó nhanh chóng thành trend, bởi không ít người chọn TikTok làm nơi chào sàn đầu tiên thay vì nền tảng phát hành quen thuộc như YouTube. Còn toàn bộ ca khúc là hợp âm nhạt nhẽo, vô vị. Lúc này, ca khúc trở thành món fastfood đúng nghĩa với giá trị dinh dưỡng bằng không. Thông điệp và giá trị ca khúc hoàn toàn bị quên lãng. Ngay cả 15 giây ngắn ngủi ấy cũng bị áp đặt kiểu remix nhạc điện tử EDM với tốc độ nhanh dần kết hợp ngôn từ đơn giản, đời thường (để hợp xu hướng TikTok) dẫn đến ra đời hàng loạt ca khúc có giai điệu na ná còn phần lời vô nghĩa, nhảm nhí.

"Ừ! Em xin lỗi" của Hoàng Yến Chibi hay "Tất cả đứng im" của Ngô Kiến Huy là ví dụ điển hình. Tham vọng tạo trend mạng xã hội khiến hai nghệ sĩ nổi tiếng này "bán rẻ" mình với những ca từ sáo rỗng, đơn điệu như: "Hả… Anh nói cái gì cơ?/ Anh muốn chia tay á (không dễ đâu anh)/ Anh muốn lật kèo á (không dễ đâu anh)/ Thật á (không dễ đâu anh)/ Sit down, sit down, sit down, please", "Tất cả đứng im, không được nhúc nhích"… Khổ nỗi những đoạn điệp khúc vô nghĩa này lại được người dùng TikTok chia sẻ rộng rãi khiến "Ừ! Em xin lỗi" nổi như cồn. Trong khi đó, trên kênh chính thức mà MV này phát hành, khán giả lại kêu gọi tẩy chay.

Số ca khúc dở tệ nhưng vẫn lan truyền chóng mặt trên TikTok còn có "2-3 con mực" của rapper Linh Thộn, "Anh hứa không bao giờ đua nữa" của Lã Phong Lâm, "Ghệ yêu dấu của em ơi" của Tlinh… Khán giả không thể nào chấp nhận những ca từ thô vụng như: "Một cơn bão ào sang phố Huế rồi tiến về trung tâm Hồ Gươm đã lên đèn/ Náo loạn Hồ Hươm, ôi náo loạn Hồ Gươm tiếng nẹt bô ầm giời?" hay khó hiểu, lạt lẽo như "Ghệ yêu dấu của em ơi/ Ghệ yêu nhất hệ mặt trời/ Ghệ ơi muốn ghệ sang chơi/ Ghệ toàn khiến em bật cười/ Em có ghệ vui/ Yeah yeah có ghệ vui/ Em thích mỗi ghệ thui/ Ghệ ghệ ghệ ghệ ghệ ui…". Dưới phần bình luận, các fan cuồng vẫn tung hô thần tượng lên mây, coi như một tác phẩm bất hủ đi vào lòng người. Lời mật ngọt càng khiến nghệ sĩ ảo tưởng và mải miết đuổi theo trào lưu.

2 ngo kien huy.jpg -0
Ca từ trong MV "Tất cả đứng im" của Ngô Kiến Huy khiến người nghe khó hiểu.

Nhạc sĩ La Phong lo lắng: "Chạy theo xu hướng TikTok chỉ khiến nhạc sĩ ngày càng lười biếng, rập khuôn máy móc mà thui chột đi khả năng sáng tạo. Đồng thời nó còn cắt vụn, thậm chí phá nát tác phẩm hoàn chỉnh. Giữa biển bài hát na ná nhau, ca sĩ rất khó khẳng định màu sắc riêng vì chính giọng hát của họ cũng bị bóp méo, remix để bắt tai hơn. Ở góc độ người tiếp nhận, việc quá si mê với những clip siêu ngắn sẽ khiến khán giả dần thiếu kiên nhẫn để thưởng thức trọn vẹn một bài hát dài". 

Tai hại hơn, vòi bạch tuộc của TikTok làm các ca khúc bị đánh giá không đúng với giá trị vốn có của nó. Nhiều người lầm tưởng bài hát tạo nên cơn sốt vì được khán giả yêu thích hay chất lượng quá tuyệt vời. Điều đó không hẳn đúng trong nhiều trường hợp. Phần đông, cách mà mạng xã hội vận hành khiến người dùng dễ chạy theo trào lưu mà không cần biết nó bổ ích, giá trị hay không. Họ đơn thuần chỉ muốn chứng tỏ mình là người thức thời, không bỏ sót bất kì xu hướng đang hot nào. Số người thi nhau cover (nhảy lại) điệu nhảy "See tình" ít nhiều nằm trong trường hợp này.

Ở giải âm nhạc "Cống hiến" 2023, trước thắc mắc vì sao "See tình" bị loại khỏi bảng đề cử, nhà báo Hữu Trịnh, Phó trưởng ban tổ chức, lý giải: "Trong năm 2022, Hoàng Thùy Linh có ra mắt hai tác phẩm là "See tình" và "Gieo quẻ". Nghe kỹ hai ca khúc, chúng tôi thấy mặc dù "See tình" gây sốt, giai điệu bắt tai, đáng yêu, hình ảnh đầu tư trau chuốt nhưng chất lượng chuyên môn không sánh bằng "Gieo quẻ". Chất liệu dân gian, độ thâm thúy, khúc chiết trong lời ca, cái sâu sắc của âm nhạc trong "Gieo quẻ" đều nhỉnh hơn. Cân nhắc kỹ các yếu tố, chúng tôi quyết định chọn ca khúc này". Rõ ràng, ca khúc gây sốt chưa hẳn là ca khúc có chất lượng đỉnh nhất.

Theo ca sĩ Ánh Tuyết, nếu tác phẩm của anh tốt, mạng xã hội sẽ là đôi cánh giúp tác phẩm đó thêm bay cao và xa hơn. Còn khi nó chỉ là một sản phẩm tồi, thì dù đôi cánh có tốt cỡ nào, anh chỉ bay được chốc lát rồi lại mãi mãi ngồi nơi đáy giếng nhìn trời. Do vậy, điều mà nghệ sĩ phải chú trọng hơn hết chính là thái độ nghiêm túc với âm nhạc để làm nên sản phẩm giá trị, giàu ý nghĩa và năng lượng sáng tạo. Đừng chạy theo trào lưu rồi tự biến đứa con tinh thần của mình thành món fastfood, người ta ăn xong rồi quên.

Mai Quỳnh Nga
.
.