Khán giả mong chờ gì ở phim truyền hình Việt?

Thứ Sáu, 15/09/2023, 15:37

Sau 21 tập lên sóng VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam, bộ phim “Món quà của cha” (đạo diễn Vũ Minh Trí) đã chính thức khép lại hôm 30/8 vừa qua. Rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh bộ phim này. Với cảm nhận của riêng mình, tôi thấy đây là bộ phim “ít ấn tượng nhất” trong những bộ phim thuộc dòng phim gia đình lên sóng thời gian gần đây. Có lẽ do kịch bản phim “chưa tới” hoặc cũng có thể vì dòng phim gia đình đang đưa khán giả vào tình trạng “quá tải”.

Khi khán giả đòi “đổi tên phim”

Ý kiến trái chiều của khán giả xoay quanh một bộ phim là điều vẫn thường xuyên diễn ra. Một số khán giả hài lòng với cái kết của “Món quà của cha” khi cơ bản các “nút thắt” trong phim đã được giải quyết “đâu vào đấy”. Đặc biệt là ca khúc kết phim “Cha và con gái” do Thảo (Ngọc Huyền đóng) gây xúc động cho khán giả, nhất là khi phim lên sóng tập cuối vào đúng ngày Lễ Vu Lan.

khan gia mong cho gi o phim truyen hinh viet 1.jpg -0
NSƯT Võ Hoài Nam (trái) và diễn viên Duy Khánh trong một cảnh quay phim "Món quà của cha".

Theo thống kê, ở những tập cuối, “Món quà của cha” là phim có tỷ suất người xem cao nhất trong số những bộ phim đang lên sóng VTV. Tất nhiên, tỷ suất người xem cao không phải lúc nào cũng đồng nhất với một bộ phim hay và “Món quà của cha” nằm trong số này. Nhà sản xuất cho biết, phim tập trung khai thác những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, qua các tình huống gần gũi để truyền tải thông điệp về tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ với con cái. Kết thúc phim, thông điệp và dấu ấn của bộ phim trong lòng khán giả không rõ nét.

Ngay từ những tập đầu, các tình tiết éo le, oan trái liêp tiếp xảy đến với ba đứa con của ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam thủ vai): Nghĩa (Tuấn Tú) đầu tư thua lỗ, mất khoản tiền hơn ba tỷ đồng, Thảo (Ngọc Huyền) làm mất xe máy, Hiếu (Duy Khánh) mới mua xe ô tô gây tai nạn phải bán xe. Những tình tiết trên không mới nhưng thực tế. Có lẽ, do “liều lượng” khi đưa vào phim quá dồn dập, trong cùng thời điểm khiến khán giả xem phim cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí, có khán giả còn đòi đổi tên phim là “Món nợ của cha”.

Diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội (NSƯT Võ Hoài Nam, NSND Minh Hòa) không có gì để chê trách. Các nghệ sĩ vào vai “ngọt” và lột tả được nội tâm nhân vật. Sự trở lại của NSƯT Võ Hoài Nam với vai diễn một ông bố “gà trống nuôi con”, ân cần, bao dung, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con cái mang lại nhiều cảm xúc của khán giả.

Tuy nhiên, vai diễn của dàn diễn viên trẻ, nhất là Ngọc Huyền (vai Thảo, con gái thứ hai của ông Nhân) gây nhiều tranh luận. Ngọc Huyền có nhiều nỗ lực để thể hiện vai diễn. Đánh giá một cách công bằng, cô thể hiện tròn vai Thảo với lối diễn xuất tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chính nhân vật này. Nhiều khán giả nhận xét rằng, Thảo được xây dựng nửa vời, không rõ tính cách nhân vật. Cô luôn ngọt ngào, nhỏ nhẹ với người ngoài nhưng nói năng, ứng xử không đúng mực với người thân trong gia đình. Là con gái nhà nghèo nhưng lại luôn tỏ vẻ “tiểu thư chảnh chọe”. Ngoài ra, diễn xuất của các diễn viên khác như Tuấn Tú, Hương Giang cũng “bình bình”, không có gì nổi bật.

“Món quà của cha” được đánh giá là bộ phim gọn gàng, các tình tiết không lê thê. Tuy nhiên, vì thời lượng ngắn dẫn đến tình trạng diễn biến tâm lý các nhân vật chuyển biến quá nhanh, không hợp lý. Bà Thủy (NSND Minh Hòa) là một người khắt khe, cay nghiệt, định kiến với con rể và gia đình thông gia nhưng lại dễ dàng thay đổi “180 độ” chỉ trong một, hai tập phim.

Nhân vật Phúc là một ẩn số của “Món quà của cha”. Đến khi kết thúc phim, khán giả vẫn không hiểu hết con người thật của nhân vật này và sự xuất hiện của anh để gửi gắm thông điệp gì. Phúc được xây dựng với hình tượng đẹp trai, giàu có, tốt bụng và chung tình. Anh là một người hâm mộ giọng hát của Thảo và sẵn làm tất cả vì cô gái này mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Con người thật sự của Phúc ra sao và gia thế như thế nào là câu hỏi chưa được giải đáp.

Một bộ phim khác đang lên sóng VTV3 cũng khiến khán giả “than trời” là “Gia đình mình vui bất thình lình” (Đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh). Đây cũng là phim khai thác về đề tài gia đình, có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng của “Vũ trụ VTV”. Phim nhận được sự chú ý của khán giả nhưng cũng bị chê vì quá nhiều tình tiết lan man khi cố kéo dài phim hàng chục tập so với dự kiến ban đầu.

Điểm cộng của phim là diễn xuất ấn tượng của của dàn diễn viên như NSND Lan Hương, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Kiều Anh, Quang Sự, Lan Phương, Doãn Quốc Đam, Thanh Sơn, Khả Ngân… Nhưng những điều đó không “cứu” nổi phim với nhiều tình tiết lòng vòng, tình tiết bị “bi kịch hóa”, kéo dài. Chưa thấy “vui bất thình lình” đâu, đã có khán giả đòi đổi tên phim là “Gia đình bất hạnh”.

Khán giả mong chờ gì ở phim truyền hình Việt?

Trước tiên, xem phim là để giải trí. Tôi cho rằng, đây là tiêu chí đáng quan tâm nhất của khán giả Việt khi đến với phim truyền hình hiện nay. Phim truyền hình cũng là một lĩnh vực giải trí và nó phải mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn, thoải mái sau quãng thời gian làm việc căng thẳng và áp lực từ bộn bề cuộc sống hiện đại.

khan gia mong cho gi o phim truyen hinh viet 2.jpg -1
Phim "Gia đình mình vui bất thình lình" (lên sóng VTV3 thứ 5, 6 hàng tuần) đang bị đánh giá là càng về cuối càng nhiều tình tiết lê thê, dài dòng, kém hấp dẫn.

Tất nhiên, ngoài chức năng giải trí, phim truyền hình còn có chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho người xem. Phim không hay, không hấp dẫn, không thu hút người xem thì nhà sản xuất không thể truyền đi những thông điệp muốn gửi gắm đến khán giả. Tình tiết phim rất quan trọng. Nó là những mắt xích để tạo nên một bộ phim hấp dẫn. Lựa chọn tình tiết phim gần gũi với đời sống hiện đại để đưa vào phim là cần thiết nhưng tình tiết phải luôn có “tính mới” mới thu hút khán giả. Tình tiết mà chưa xem phim, khán giả đã biết chuyện sẽ xảy ra thế nào và giải quyết ra sao sẽ không còn tính hấp dẫn nữa.

Đừng “bi kịch hóa” các tình tiết phim bởi cái gì “quá” sẽ gây phản tác dụng. Nhiều phim Việt mong muốn đẩy cao trào phim, đưa vào quá nhiều bi kịch khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là “ức chế” khi xem phim. Rõ ràng, “liều lượng”, tần suất các tình tiết phim lớn, nhỏ phải được tính toán và điều tiết hợp lý trong phim. Thực lòng, khán giả muốn xem phim chân thực, phản ánh hơi thở cuộc sống hiện đại nhưng trong đó vẫn là khát khao được hạnh phúc, khát khao những cái kết có hậu, tương lai tươi sáng, rộng mở ở phía trước.

Món ngon ăn mãi cũng nhàm. Khán giả mong muốn thường xuyên được “đổi vị” phim truyền hình. Những phim về gia đình lên sóng thời gian gần đây không tạo được dấu ấn như trước cũng vì lý do này. Đề tài phim gia đình bị khai thác quá nhiều, phim cùng chủ đề dồn dập lên sóng trùng thời điểm khiến khán giả cảm thấy nhàm chán là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, khi khai thác một chủ đề, không tránh khỏi sự trùng lặp về tình tiết phim cũng như cách thức xây dựng nhân vật.

Khán giả mong muốn phim truyền hình đa dạng hơn về đề tài, đối tượng phản ánh để gần gũi và bám sát các lĩnh vực, sự phát triển của nhịp sống hiện đại. Đặc biệt, khán giả mong chờ phim truyền hình cổ trang Việt vì đây là dòng phim gần như chưa được khai thác. Nói gì thì nói, thời gian gần đây, phim truyền hình Việt đã có những bước tiến dài, trở thành món ăn không thể thiếu với mỗi gia đình Việt. Trong sự phát triển của mình, phim truyền hình cũng sẽ phải trải qua những bước thăng trầm theo quy luật vốn có. Nghệ thuật không có điểm dừng hay giới hạn của sự sáng tạo, mà đó sẽ là hành trình không ngừng nghỉ để tìm kiếm cái đẹp, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cho cuộc đời.

Tường Phạm
.
.