Kết nối văn học Việt Nam và thế giới
Ngày 8-4, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chính thức ra mắt Hội đồng Văn học dịch. Sự ra đời của tổ chức này không chỉ là tín hiệu vui khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ dịch giả mà còn nâng cao sứ mệnh kết nối văn học Việt Nam và thế giới, đưa văn học Việt đến gần hơn với bạn bè năm châu.
"Mỗi dân tộc đều treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình, nhà văn có sứ mệnh phải rung quả chuông đó lên bằng văn chương. Nhưng tâm hồn của dân tộc đó phải có người vận chuyển qua biên giới để có thể đến được với tâm hồn của dân tộc khác, giúp hai dân tộc yêu và hiểu nhau. Đó chính là vai trò quan trọng và thiêng liêng của dịch giả". Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người có nhiều đầu sách được dịch sang tiếng nước ngoài, từng tâm sự như thế tại một buổi trò chuyện về văn học dịch.
Trên thị trường xuất bản sách, văn học dịch chiếm một thị phần không hề nhỏ. Đáng buồn là trong khi lực lượng dịch giả dịch sách nước ngoài sang tiếng Việt khá hùng hậu thì lực lượng dịch văn học Việt sang tiếng nước ngoài cực kỳ mỏng và yếu. Số lượng các tác phẩm văn học Việt được giới thiệu ra nước ngoài vẫn còn rất ít và hầu hết do các tổ chức tư nhân, trường đại học hoặc các nhà xuất bản nước ngoài thực hiện. Việc giao lưu văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc đang gặp nhiều hạn chế.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng văn chương Việt Nam gần như không có tiếng vang nào trên thế giới ngoại trừ một vài cây bút hiếm hoi, mà đa số họ viết về chiến tranh. Vài năm trở lại đây, tình hình sách Việt (nhất là văn chương đương đại) ra thế giới có vẻ thay đổi nhưng đó vẫn chỉ là nỗ lực cá nhân đơn lẻ và vấp phải vô số khó khăn. Dịch giả, PGS.TS Montira Rato, Khoa Văn học Nghệ thuật, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cho hay ngay như nước láng giềng rất gần là Thái Lan, văn học Việt Nam vẫn khá xa lạ. Vấn đề không phải văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay mà vì chúng ta vừa ít được dịch, vừa thiếu bản dịch tốt.
Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết, đơn vị tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt - hội sách thường niên lớn nhất thế giới, từ năm 2004 nhưng nhiều năm liền Nhà xuất bản chỉ dám cử một, hai người đến thăm thú cho biết kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Các đầu sách Việt Nam khi ấy nếu có cũng chỉ toàn tiếng Việt nên khách tham quan chỉ lật giở cho vui. Mãi đến năm 2018, đơn vị này mới tự tin mang đến loạt tác phẩm văn học Việt Nam nổi bật đã được dịch sang tiếng Anh như: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (tựa tiếng Anh: I see yellow flowers in the green grass); "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" - Nguyễn Ngọc Thuần (Open the windows, eyes closed); các tựa sách của nhà văn Dương Thụy như "Nhắm mắt thấy Paris" (Paris through closed eyes), "Oxford thương yêu" (Bloved Oxford)… Đây có thể xem là lần hiếm hoi Việt Nam có nhiều đầu sách văn học nổi bật được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu, chào bán với bạn bè quốc tế tại Hội sách Frankfurt.
Chính vì thế, việc thành lập Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trở thành một sự kiện gây chú ý cho văn đàn cũng như làng xuất bản. Trong xu thế giao lưu văn hóa hội nhập cùng thế giới như hiện nay, việc thành lập Hội đồng Văn học dịch sẽ tạo điều kiện, cơ hội để quảng bá sách Việt, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới, tạo điều kiện để văn học Việt có thể tham dự các cuộc thi về văn chương trên toàn thế giới và nâng cao vị thế ngành xuất bản Việt.
Hội đồng gồm các nhà văn, dịch giả giàu kinh nghiệm: dịch giả Hiền Nguyễn (Nguyễn Thị Hiền), Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Đại học Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch; dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Chi - Chibooks, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch; dịch giả Dương Kim Thoa, Biên tập viên Ban Quốc tế, Báo Tuổi trẻ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, dịch giả Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch cho biết, Hội đồng hoạt động trong khuôn khổ nghề nghiệp hằng năm tìm kiếm, phát hiện và giới thiệu những dịch phẩm có giá trị cho giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Những tác phẩm xuất sắc sẽ được chọn ra để trao giải, nhằm ghi nhận, tôn vinh sức lao động, sáng tạo của đội ngũ dịch giả.
"Trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại, vì chỉ có sự tương tác hai chiều mới tạo được sự liên kết. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển đội ngũ hỗ trợ các dịch giả bằng nhiều hình thức, ví dụ như hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần hoặc bằng các giải thưởng liên quan. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa văn học Việt Nam và thế giới" - bà chia sẻ.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Phó Chủ tịch Hội đồng cho rằng: "Dù có lẽ hơi muộn so với các nước khác, nhưng tôi tin rằng với sự phát triển về đời sống văn chương Việt Nam hiện nay, nhu cầu giao lưu và đưa văn học Việt ra nước ngoài là thiết yếu, chắc chắn và cần có. Bởi việc này trước đây còn nhiều hạn chế, chỉ xảy ra tự phát chứ chưa có lộ trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ".
Là Giám đốc Công ty sách Chibooks, dịch giả Lệ Chi thấu hiểu những khó khăn khi đưa sách Việt ra thế giới. Với tư cách người làm sách, xuất phát từ niềm đam mê sách, khi tham gia các hội chợ sách quốc tế, đơn vị của bà luôn cố gắng tổ chức nhiều gian hàng và lựa chọn nhiều đầu sách văn học Việt để quảng bá rộng rãi. Gần đây nhất, tại Hội chợ sách bản quyền Thái Lan, Chibooks cũng đã trưng bày nhiều đầu sách văn học Việt Nam để bạn đọc quốc tế có cơ hội tiếp cận sách Việt.
"Bản thân tôi luôn mong mỏi sách Việt xuất hiện nhiều hơn nữa trên các hội chợ sách trong khu vực Đông Nam Á và hội sách quốc tế trên thế giới. Vừa rồi chúng tôi còn cho ra mắt Tủ sách Văn hóa Việt gồm các đầu sách viết về văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam. Các đầu sách này đều được tôi cho chuyển ngữ sang tiếng Trung và tiếng Anh" - bà cho hay.
Dự buổi ra mắt Hội đồng Văn học dịch, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh vui mừng khi Hội đồng quy tụ nhiều gương mặt trẻ nhưng giàu tâm huyết và có bề dày kinh nghiệm với công tác dịch thuật. Bà cho rằng để dự án được lâu dài và bền vững, Hội đồng phải có sự ủng hộ, trợ lực và các cơ chế chính sách. Nghĩa là ngoài chuyện tôn vinh và hỗ trợ, Hội đồng sẽ không đứng ngoài công nghiệp văn hóa, bởi một trong những ngành trọng điểm mà đề án UBND Thành phố đã phê duyệt bao gồm cả ngành xuất bản.
Dịch thuật là công việc đối mặt với nhiều thách thức. Dịch văn chương càng không thể máy móc theo kiểu "một - một". Người dịch phải đạt được cái gì đó gần như là sự đồng nhất giữa họ và tác giả, nắm được dòng tư tưởng, cảm hứng của tác giả đến mức họ cảm thấy những trang mình đang dịch giống như mình đang viết tác phẩm. Bởi khi dịch, dù dịch thoáng hay dịch bám sát nguyên tác, họ cũng là người bắt cầu hai nền văn hóa, cho nó một đời sống mới trong một ngôn ngữ mới.
Chính vì điều này nên khi dịch giả là người Việt, một lo ngại xuất hiện: dịch giả nắm được cái thần của tác giả nhưng lại không nắm hết văn hóa, văn phong của nước bạn (nơi của ngôn ngữ mà mình chuyển ngữ). Điều đó khiến bản dịch lủng củng, khó đọc. Còn nếu là người nước ngoài chuyển ngữ, họ lại gặp khó khăn khi không hiểu hết cái hay của văn bản tiếng Việt và tinh thần tác giả gửi gắm. Sự ra đời của Hội đồng Văn học dịch phần nào sẽ hỗ trợ dịch giả, nhất là dịch giả trẻ, giải quyết vướng mắc này. Với một loạt hoạt động tích cực trong tương lai, Hội đồng được kỳ vọng sẽ là cái nôi chắp cánh cho nhiều tác phẩm văn học Việt bước ra thế giới.