Kết nối các vùng văn hóa
Khi bạn đi trên phố, khi bạn ghé quán cà phê hay đến một xóm nhỏ xa xôi, bạn dễ dàng nhận ra giai điệu của "Bắc Bling" với một câu ca tưởng như cũ, mòn nhưng được làm mới bằng một giọng điệu độc đáo: "Mời anh về Bắc Ninh em chơi thăm, lễ hội nô nức đông vui quanh năm...".
Thực ra, không cần phải bàn đến một MV đã có tới gần 110 triệu views (tính đến ngày 1/4/2025), điều mà người viết muốn nói ở đây là sự đặc biệt, bởi lẽ: Nếu như những ca khúc từng gây sốt trên YouTube như: "Bống bống bang bang", "Sóng gió", "Bạc phận", "Em gì ơi", "Nơi này có anh", "Hồng nhan", "Phía sau một cô gái", "Lạc trôi", "Hãy trao cho anh", "Ngắm hoa lệ rơi"... đều là trạng thái cảm xúc phổ quát, mang yếu tố dân gian truyền thống thì đến "Bắc Bling", tất cả đều gói gọn trong miền Kinh Bắc; một thế giới nghệ thuật của người quan họ được mở rộng biên độ từ nhiều chiều kích.

Người ta thích nghe "Bắc Bling", thích hát "Bắc Bling", muốn đến Bắc Ninh... đâu chỉ vì một địa danh, một đặc sắc văn hóa mà là sự thức tỉnh một khát vọng gắn kết các miền văn hóa của đất nước. Trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến mục tiêu sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm quản trị hiệu quả, giảm thiểu chi phí và thúc đẩy phát triển bền vững; xu thế kết nối các vùng, tiểu vùng văn hóa lại càng cần thiết và trở thành nguồn cảm hứng mới...
Trở lại với bản chất văn hóa Việt Nam, chúng ta đã, đang có những gì? "Thống nhất trong đa dạng" là đặc trưng văn hóa đã được thừa nhận. Sự đa dạng là chất liệu gắn kết các tộc người, vùng miền và sự thống nhất tạo ra sức mạnh tổng thể của đất nước từng đánh đuổi nhiều đội quân xâm lăng và đủ sức đề kháng để chống lại mưu đồ đồng hóa và nguy cơ xâm thực về văn hóa. Không e ngại và kì thị sự khác biệt, đa dạng, truyền thống lịch sử cho chúng ta niềm tin về sự gắn kết này.
Bàn về tính "thống nhất trong đa dạng", GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: "Một nền văn hóa để giao lưu và hội nhập thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và xã hội của một cộng đồng, thì bản thân văn hóa của mỗi cộng đồng ấy phải bảo tồn và phát huy bản sắc, sắc thái văn hóa của mình. Bởi vì, một cộng đồng với bản sắc riêng như vậy, một mặt, sẽ là cơ sở, "vốn liếng" để giao lưu, khiến cộng đồng người đó không những không bị "hòa tan", đồng hóa, mà còn làm phong phú thêm nền văn hóa của chính mình; mặt khác, trong sự giao lưu ấy, mỗi nền văn hóa sẽ đóng góp những tinh hoa, sắc thái riêng của mình vào kho tàng chung của văn hóa nhân loại" (theo: "Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội" - Tạp chí Cộng sản).

Nhưng, một câu hỏi được đặt ra từ thực tế. Những cách làm văn hóa từ địa phương này liệu có giúp ích gì cho địa phương khác? Có người bạn đã nói với tôi rằng: sự thành công của "Bắc Bling" là màn "khích tướng", "Bắc Bling" gọi và các nghệ sĩ khác sẽ trả lời bằng sáng tạo từ bản sắc vùng miền. Người viết cho rằng, điều quan trọng nhất nằm ở cách tiếp cận vấn đề. Dù không sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, bạn vẫn có thể yêu và tự hào về những "đền Bà Chúa", "sông Như Nguyệt", "hội Lim"... và ngược lại, người Bắc Ninh vẫn yêu những làn điệu như: Xẩm, chèo, hát ví, hát dặm, hát xoan, hát trống quân, hò Huế, đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ... của các vùng quê khác. Các bạn trẻ sinh ra ở thành phố vẫn thích thú mặc trang phục dân tộc Mông, Mường, Thái, Tày, Dao... biểu diễn các làn điệu dân ca (và ca khúc mang âm hưởng dân ca) của các dân tộc thiểu số như: hát then, hát lượn, hát khắp... Bởi thế, cần có một tầm nhìn để từ sáp nhập địa giới hành chính đến gắn kết sức mạnh của văn hóa hiệu quả. Hay, nói cách khác là làm sao để văn hóa dày dặn, bền vững hơn khi vừa tiếp thu, vừa giữ gìn tinh hoa.
Trong bài viết nhan đề "Sáp nhập các đơn vị hành chính và cơ hội đối với sự phát triển văn hóa của đất nước” trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, PGS.TS Bùi Hoài Sơn có nhận định rất quan trọng: "Sáp nhập, nếu được thực hiện một cách có chiến lược, không chỉ là thay đổi trên bản đồ hành chính, mà có thể trở thành đòn bẩy để văn hóa và nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn. Khi nguồn lực được sử dụng đúng chỗ, khi di sản được bảo tồn với tầm nhìn dài hạn, khi những trung tâm văn hóa thực sự trở thành trái tim của đời sống cộng đồng, thì đó sẽ không còn là nỗi lo mất mát, mà là niềm hy vọng về một nền văn hóa giàu bản sắc nhưng cũng đầy sức sống trong thời đại mới". Cụm từ "trái tim của đời sống cộng đồng" mà ông Hoài Sơn nhắc đến là điều mà người viết tâm đắc từ lâu và có lẽ nhiều người cũng sẽ đồng cảm.
Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều đến bàn tay và khối óc như biểu tượng của trí tuệ, sự cần cù, miệt mài để vượt qua khó khăn thử thách. Nhưng, có lẽ trước một viễn cảnh mà những sức kéo, sức nâng, sức đẩy... được máy móc trợ giúp cho đôi bàn tay và sự tính toán của AI hỗ trợ cho khối óc thì sự rung động của trái tim lại thành điều quan trọng nhất nhưng cũng là dấu hỏi lớn. Chúng ta đã thực sự chuẩn bị cho "trái tim" ấy với nhịp đập lĩnh hội được xúc cảm của cộng đồng hay chỉ là những xúc động cảm tính?

Thật ra, trong thực tế, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp đã dẫn dắt người dân có được sự lựa chọn. Nhiều làng quê đã có "nhịp đập" văn hóa bằng xúc cảm. Sẽ là khá bất ngờ nếu một ngày bạn ghé qua làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang và nghe thấy tiếng đàn violin vang lên ở sân đình. Thì ra, từ năm 1950, ông Nguyễn Hữu Đưa, nhạc công trong Đoàn Ca múa nhạc Hà Bắc sau khi về quê nghỉ hưu đã gây dựng một lớp dạy violin cho 13 đứa trẻ, từ 8-14 tuổi.
Theo thời gian, các thế hệ "nghệ sĩ nông dân" chơi đàn quý tộc đã xuất hiện. Và, chỉ sau một thập kỉ, tiếng đàn từ một làng hoa đã được cả nước biết đến: "Những năm 1960, đội violin làng Then từng nhiều lần đại diện tỉnh Hà Bắc cũ đi biểu diễn tại Trung ương, được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, phát sóng. Năm 1976, họ được mời biểu diễn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IV. Sau đó, nhiều thành viên nhập ngũ, phục vụ trong đoàn nghệ thuật quân đội, nhưng phong trào học đàn ở làng vẫn duy trì" (theo: Quỳnh Nguyễn - Nga Thanh - vnexpress.net).
Tương tự, cách đây gần chục năm trước người dân ở làng Kon Hnglẽ, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cũng sống trong một không khí âm nhạc đặc biệt. Anh Thưuh, Bí thư Đoàn xã Hà Tây (năm 2016) cho biết: "Người dân ở đây sống đơn giản lắm, không quan trọng chuyện nhà cửa, giàu có mà chỉ miễn sao vui vẻ thôi. Mỗi năm, mỗi làng có một ngày lễ chung, ngày đó các làng tập trung lại cùng uống rượu, múa xoang rồi biểu diễn văn nghệ, hát ngày này qua ngày khác, khi nào tàn rượu cần thì thôi" (theo: Thái Bá Dũng - Báo Gia Lai).
Những câu chuyện của làng Then ở Bắc Giang hay làng Kon Hnglẽ ở Gia Lai đều nói lên sự đối thoại văn hóa giữa truyền thống và hiện đại. Việc người nông dân chân lấm, tay bùn hóa thành các nghệ sĩ đâu có gì bất ngờ: Họ đã chứng minh nghệ thuật, văn hóa là nền tảng, là động lực để cung cấp nguồn dinh dưỡng tinh thần và sức mạnh đoàn kết với các dân tộc trong, ngoài nước và luôn mở cửa đón nhận có chọn lọc, có tiếp thu những giá trị văn hóa mới. Bởi thế, trong tương lai gần sự kết nối các vùng văn hóa các vùng miền sẽ làm phong phú, đa dạng hơn cho nét đẹp văn hóa ấy, là tiềm năng để phát triển du lịch...