Hồng Nhung - Người đàn bà thổi sáo

Thứ Ba, 26/09/2023, 20:21

NSƯT Hồng Nhung, người vợ thứ hai của nhạc sĩ Phú Quang, vừa qua đời đêm 12/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 71 tuổi. NSƯT Hồng Nhung từng giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là thành viên chủ lực của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhắc đến nghệ danh Hồng Nhung, công chúng thường nghĩ ngay đến ca sĩ Hồng Nhung. Thế nhưng, có một Hồng Nhung khác là NSƯT được mến mộ với tài năng trình diễn flute (sáo điện tử). Người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung có tên khai sinh là Nguyễn Thị Nhung, nguyên quán Hải Phòng. Tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Sofia - Bulgaria, NSƯT Hồng Nhung trở thành một gương mặt nữ hiếm hoi trong làng nghệ thuật Việt Nam gắn bó với sáo điện tử.

Cơ duyên với sáo điện tử, từng được nghệ sĩ hé lộ: Đó là năm 13 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Nhung từ Hải Phòng lên Hà Nội thi tuyển vào một khóa đào tạo nghệ thuật. Thử sức thi đủ các chuyên ngành, mà Nguyễn Thị Nhung chỉ trúng tuyển vào Khoa violon. Học violon được mấy tháng, Nguyễn Thị Nhung say mê tiếng sáo của người thầy nên chuyển sang học thổi flute - một loại sáo điện tử có nguồn gốc châu Âu.

hong nhung 2.jpg -1
Người đàn bà đẹp có đôi mắt buồn buồn và tiếng sáo buồn buồn.

Người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung đến với nhạc sĩ Phú Quang đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, nhạc sĩ Phú Quang vừa tan vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên với nghệ sĩ ballet Phạm Thị Chung, chỉ có niềm đam mê và hai bàn tay trắng. Năm 1985, người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung ôm đứa con gái 3 tuổi Giáng Hương cùng chồng rời Hà Nội để vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Rồi đứa con trai Phú Vương ra đời ở đô thị phương Nam, người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung chấp nhận lùi lại để làm hậu phương cho nhạc sĩ Phú Quang thỏa sức gây dựng sự nghiệp.

Những ngày tháng ấy, được NSƯT Hồng Nhung chia sẻ: "Cuộc sống chỉ lay lắt, tạm bợ bằng những đêm đi biểu diễn tại các nhà hàng với số thù lao ít ỏi. Có nhiều lúc bi quan, tôi muốn ngược ra Bắc. Nhưng rồi vẫn hy vọng và vẫn chờ. Ngày xưa phải ăn mì luộc, đi tập nhạc dưới hầm, nhạc cụ không đủ vẫn theo đuổi được mà. Đâu dễ dàng gì từ bỏ được niềm đam mê. Mỗi một buổi biểu diễn là niềm hạnh phúc".

Ngoài công việc giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung có được nơi thể hiện tài năng cá nhân khi Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1993. NSƯT Hồng Nhung có đôi mắt buồn buồn và tiếng sáo cũng buồn buồn. Bà không giấu giếm điều ấy, để chia sẻ chân thành: "Có khán giả nhận xét rằng trong tiếng sáo của tôi luôn phảng phất những thanh âm rất buồn. Ừ, có thể là như thế. Những ưu tư cuộc sống ta thường không hề muốn mang theo, nhưng trong tiềm thức của mình vẫn giữ lại đó những nỗi niềm riêng".

Không chỉ là một người vợ, NSƯT Hồng Nhung còn là tri âm, tri kỷ với nhạc sĩ Phú Quang. Nhiều tác phẩm khí nhạc của Phú Quang như "Khát vọng", "Tình yêu của biển", "Câu chuyện truyền thuyết" được lan tỏa tới công chúng qua tiếng sáo flute của Hồng Nhung. Thời gian sống yên ổn với người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung cũng là giai đoạn nhạc sĩ Phú Quang sáng tác sung mãn nhất, với hàng loạt ca khúc được yêu thích như "Em ơi, Hà Nội phố", "Nỗi nhớ mùa đông", "Đâu phải bởi mùa thu", "Chiều phủ Tây Hồ", "Điều giản dị", "Trong ánh chớp số phận", "Mơ về nơi xa lắm"...

Đặc biệt, hình ảnh tất tả vì chồng vì con của người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung thời xuôi ngược gian khó, đã thúc giục nhạc sĩ Phú Quang viết ca khúc "Thương lắm tóc dài ơi" dạt dào xúc động: "Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi/ Một đời long đong, long đong thân cò lặn lội/ Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi/ Một đời lênh đênh dòng đời đục trong" và day dứt nghĩa tình "Yếm rách còn ngăn được gió/ Tình em dang dở, yếm nào che/ Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi/ Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn".

Tự nguyện đứng sau một ông chồng nổi tiếng, người đàn bà thổi sáo Hồng Nhung cũng chịu đựng không ít thiệt thòi và ngậm ngùi. Nhạc sĩ Phú Quang cứ mải mê rong ruổi cùng các chuyến đi sáng tác, các chương trình biểu diễn, các bữa tiệc chúc tụng, mọi việc nhà cửa con cái đều do một tay NSƯT Hồng Nhung vun vén chu toàn. Dường như bà xem đấy là bổn phận của mình và cũng là niềm vui của mình, không oán than, không trách giận.

Mỗi khi nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương - con gái của nhạc sĩ Phú Quang và nghệ sĩ ballet Phạm Thị Chung từ Nga trở về Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ hè, thì bà cũng đưa đón, chiều chuộng không khác gì con ruột. Nhiều đồng nghiệp bảo, bà khổ vì ông chồng đào hoa, nhưng bà không nghĩ vậy mà bà nâng niu cả những giăng mắc của nhạc sĩ Phú Quang: "Người đến đời tôi một chiều rồi người đi/ Tình đến đời tôi một mùa rồi tình xa/ Ðể rồi một chiều tôi nghe hoang vắng/ Ðể rồi một mùa quanh tôi quạnh hiu". Mỗi khi có dịp xuất hiện cùng nhạc sĩ Phú Quang trước công chúng, NSƯT Hồng Nhung bao giờ cũng chọn lựa vẻ đẹp lặng lẽ, ngay cả nụ cười cũng dè dặt khiêm nhường.

hong nhung 1.jpg -0
Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Nhung (1953-2023).

Ngôi nhà chung của nhạc sĩ Phú Quang và NSƯT Hồng Nhung trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh từng là chốn gặp gỡ cho những nhân vật văn nghệ phương Nam. Bạn bè của nhạc sĩ Phú Quang đến nhà tụ bạ đàn ca tán gẫu thì NSƯT Hồng Nhung lại chạy tới chạy lui chăm lo trà thơm rượu ngon. Sự ân cần ấy lắm phen khiến khách cũng ái ngại, nhưng bà luôn đôn hậu: "Các bác đến chơi với chồng em là vui rồi". Đáng tiếc, ngôi nhà chung đó cũng phải chứng kiến sự rạn nứt giữa hai tâm hồn nhạy cảm. Họ kết thúc hơn 2 thập niên đầm ấm phu thê.

Sự chia ly nào cũng ẩn chứa những xót xa, không ai nỡ truy vấn. Cả NSƯT Hồng Nhung và nhạc sĩ Phú Quang đều cất giữ những bí mật thầm kín cho riêng mỗi người, để tiếp tục tôn trọng nhau và yêu thương con cái. Nhạc sĩ Phú Quang mua một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và dọn ra ở riêng với những bận bịu sương khói khác "Lối nhỏ mình anh căn phòng nhỏ/ Em cứ đến rồi ra đi vội vã".

Một thời gian sau, nhạc sĩ Phú Quang quay về Hà Nội và cưới người vợ thứ ba Trịnh Anh Thư. Còn NSƯT Hồng Nhung dọn sang một căn hộ ở chung cư An Phú, thành phố Thủ Đức, lấy tiếng sáo dặt dìu và lời kinh Phật an ủi bản thân. Thỉnh thoảng bà nhận hướng dẫn cho vài sinh viên thực tập và làm giám khảo vài cuộc thi âm nhạc.

Sau tuổi 60, NSƯT Hồng Nhung bị bệnh tiểu đường, rồi biến chứng suy thận. Bà luôn ao ước có thể tổ chức một đêm biểu diễn ở Hà Nội, để được thổi flute trước những người thân quen ngày xưa, nhưng không thể thực hiện. Bởi lẽ, mỗi tuần bà phải vào bệnh viện lọc máu chạy thận. Cũng may, bà có con gái Giáng Hương bên cạnh gần gũi, bởi con trai Phú Vương đã định cư Canada.

Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ngày 8/12/2021, ở tuổi 72. Bây giờ, NSƯT Hồng Nhung, người vợ thứ hai của ông, cũng chìm khuất vào mây trắng. Có lẽ họ được gặp nhau ở cõi khác, trong nỗi bồi hồi ngân nga một thuở "em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm". Với những ai đã từng gặp gỡ NSƯT Hồng Nhung, chắc chắn ai cũng tiếc nhớ người đàn bà đẹp có đôi mắt buồn buồn và tiếng sáo buồn buồn.

Tuy Hòa
.
.