Hội trại điêu khắc 30+ Online
Thú thực khi nghe đến “Hội trại điêu khắc 30+ Online” tôi đã thấy tò mò. Trước tiên là bởi chính cái tên gọi: Đã Hội trại tựa như Trại sáng tác văn học nghệ thuật ấy mà lại còn Online nữa thì không hiểu các trại viên sẽ làm việc như thế nào. Tôi đã rất tò mò và muốn tìm hiểu về một “sáng kiến” trong thời Covid của giới mỹ thuật Việt Nam.
Vậy là tôi cũng tác nghiệp bài viết này theo cách “Online”, nghĩa là tôi “bốc” smartphone, kết nối internet rồi Zalo, rồi Messenger (nói chuyện thoải mái chẳng lo trả tiền, chẳng lo thời gian) để hỏi chuyện họa sĩ Phạm Kiên. Lý do tôi hỏi chuyện ông họa sĩ có râu tóc hệt như một người đàn ông Hồi giáo này là bởi họa sĩ Phạm Kiên là người quen, hơn nữa ông là họa sĩ lắm chiêu nhiều trò này không chỉ “bầy” ra các kiểu “sân chơi” cho giới hội họa. Ông đã tổ chức thành công các Hội trại như: “Hội quán 60+”; “Bạn vẽ tôi vẽ”; “Tranh trừu 3 miền”… Ngoài ra rảnh ra là ngồi… viết truyện ngắn. Số truyện ngắn mà họa sĩ Phạm Kiên đã viết nhiều đến nỗi một nhà văn chuyên nghiệp như tôi cũng phải nể.
Họa sĩ Phạm Kiên cười vui vẻ khi nghe tôi hỏi “Có phải ông là người sáng tạo ra hội trại lần này không?”. Ông kể: “Sau thành công mấy “vụ” hội trại do tôi tổ chức, tôi nói chuyện vui vui cùng mấy anh em trong nghề. Bữa ấy có cả vợ chồng Liên Vũ cùng ngồi. Bên hội họa thì đã có tôi “lo liệu” bên điêu khắc cũng xem làm một vài cái gì đó cho khuấy động phong trào trong mùa dịch buồn tẻ này đi.
Ai dè Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ cùng vợ là họa sĩ Ngô Quỳnh Liên làm thật. Ba năm trước Công ty cổ phần Mỹ thuật Liên Vũ đã tổ chức Hội trại Điêu khắc. Lần đó được gọi là lần thứ nhất. Ban đầu Hội trại chỉ định giới hạn Hội trại Điêu khắc chừng 30 người tham gia. Ai dè, số người đăng ký tham dự Hội trại lên tới hơn 50 người nên mới thành cái tên 30+. Cũng như họa sĩ Phạm Kiên đã làm, Hội trại Điêu khắc 30+ cũng được tiến hành tại gia, nghĩa là tổ chức tại chính khu nhà vườn của vợ chồng Liên Vũ. Dĩ nhiên người tổ chức đi luôn với chuyện làm “nhà tài trợ” chính của hội trại.
Kết thúc hội trại với thành công vượt mong muốn, anh chị em giới mỹ thuật nói chung, giới điêu khắc nói riêng trong cả nước phấn chấn lắm, mọi người đề nghị Hội trại được tiếp tục tổ chức định kỳ nếu không được hàng năm thì cũng 2, 3 năm một lần cho anh chị em được “gặp nhau” thường xuyên.
Nhất trí như vậy nhưng dự kiến Hội trại lần thứ 2 bị “con COVID - 19” bất ngờ gây cản trở. Loay hoay mãi chưa nghĩ ra được mà bỏ thì còn đâu ý nghĩa định kỳ nữa. Cuối cùng, đúng là “Cái khó ló cái khôn”, sáng kiến Online được manh nha xuất phát từ những cuộc họp trực tuyến, học trực tuyền được mọi người nhất trí và ủng hộ nhiệt liệt. Từ tháng 8-2021 với tư cách là Nhà tổ chức, Công ty cổ phần Mỹ thuật Liên Vũ lên kế hoạch và “hô hào” mọi người đăng ký tham dự. Và ngày mùng 9 tháng 10 này “Hội trại Điêu khắc 30+ Online” chính thức khai mạc và dĩ nhiên rồi, cũng Online. Tuy hơi gấp và điều kiện về Công nghệ thông tin còn hạn chế nhưng cũng đã có gần 30 người đăng ký tham dự.
Tôi liền tìm gặp họa sĩ Nguyễn Thịnh, một trại viên của Hội trại online để hỏi ngọn ngành. Bấm chuông và chờ lâu lâu cửa mới mở, họa sĩ Nguyễn Thịnh bước ra miệng xuýt xoa xin lỗi vì đôi bàn tay dính đầy đất nặn. Tôi ghé mắt nhìn qua khung cửa thấy “chình ình” một khối màu nâu. Đó là tác phẩm điêu khắc đang trong quá trình hoàn thiện của ông. Tôi lại thắc mắc “Trại viên chỉ ngồi tại nhà nặn tượng thì có gì liên quan đến phương tiện và online?”. Họa sĩ Nguyễn Thịnh dừng tay đang miết miết vào tác phẩm “Có chứ bác. Trại viên tuy ngồi ở nhà nặn tượng nhưng mở máy liên tục để online. Một là để mọi người cùng xem tác phẩm. Hai là để giao lưu. Kiểu “truyền hình mạng” ấy bác. Cuối ngày thì chụp ảnh rồi đưa lên Trang của Hội trại. Kiểu báo cáo tiến độ tác phẩm ấy bác. Thế mới gọi là online chứ”.
Tiếp tôi tại số nhà 22 phố Hoàng Liên, quận Bắc Từ Liêm, Họa sĩ Ngô Quỳnh Liên thay mặt chồng mình là Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ dẫn tôi đi thăm khu nhà vườn của mình. Chị cho hay: “Công ty chúng em chuyên về điêu khắc và thiết kế cảnh quan nên bắt tay vào làm hội trại cũng bỡ ngỡ nhưng với mục đích “Lan tỏa tình yêu nghệ thuật điêu khắc tới mọi người” đã khích lệ chúng em mạnh dạn làm”.
Chỉ tay vào bức tượng đất đang còn dang dở Họa sĩ Quỳnh Liên giới thiệu “Đây là bức tượng của anh Vũ nhà em tham dự hội trại lần này”. Tôi hơi thắc mắc “Cứ tưởng tượng là phải bằng vật liệu bền vững kia chứ?”. Họa sĩ Quỳnh Liên cười giải thích “Khâu đầu tiên của việc làm tượng là nặn tượng mẫu bằng đất”. Thì ra là vậy, ở Hội trại Điêu khắc 30+ Online này “trình tự cũng như vậy. Các trại viên ban đầu nặn tượng bằng đất, đây được gọi là “giai đoạn sáng tác”. Hội trại dự định giai đoạn sáng tác kéo dài chừng 10 ngày, sau 10 ngày nặn tượng thì các bức tượng do các trại viên sáng tác sẽ được Ban tổ chức lựa chọn để tìm ra những “tượng” có chất lượng nghệ thuật và tác giả ưng ý nhất để thực hiện khâu tiếp theo, đó là “đổ khuôn tượng”, rồi chuyển tượng mẫu từ đất nặn sang tượng sử dụng chất liệu bền vững. Tôi nhanh nhẩu Thế thì cũng dễ nhỉ”. Giấu nụ cười Họa sĩ Quỳnh Liên cho biết “Không dễ đâu ạ. Trong số 27 trại viên tham dự hội trại mà gần một tuần trôi qua vẫn có vài trại viên chưa có đất để nặn tượng mẫu. Dịch giã nên giao thông mắc kẹt”.
Đấy là cái khó trong nhiều cái khó đặt ra cho Hội trại Điêu khắc 30+ Online này. Đây là lần đầu tiên một hội trại (trại sáng tác) tiến hình theo hình thức online nên có nhiều lúng túng. Lúng túng về phương tiện, lúng túng về trình độ sử dụng công nghệ của các trại viên và lúng túng về cách tổ chức điều hành. Họa sĩ Quỳnh Liên chia sẻ: “Lần đầu chưa quen nhưng sẽ mở ra cách làm mới cho những hội trại khác trong mùa dịch bệnh này”.
Nghe câu nói ấy tôi thầm đoán “Chừng như cách thức online này phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Nếu hội trại có tiếng vang thì biết đâu đấy lần tổ chức sau sẽ có sự góp mặt của các nhà điêu khắc ở các quốc gia khác tham dự?”.
Cái khó tiếp nữa là vì online nên việc các trại viên giao lưu với nhau bị hạn chế, trại viên khích lệ nhau không được nhiều. Đặc biệt là việc xem tượng, tượng là loại hình nghệ thuật tạo hình có không gian đa chiều nên việc xem cũng phải trong môi trường đa chiều. Nghĩa là xem tượng nếu được xem trực tiếp thì người xem thường ngắm nghía rất kỹ ở mọi góc độ, ở mọi cự ly và kể cả gần xa trên dưới. Hình động hay ảnh chụp dù ở nhiều góc vẫn chưa cho thấy hết những đường nét của bức tượng. Chưa nói đôi khi để có cái đánh giá chính xác thì ngoài cảm nhận thị giác ra còn có cảm nhận trực giác nữa.
Ngày “dự” hội trại của Họa sĩ Nguyễn Thịnh đã xong, ông cười mãn nguyện rồi đưa tay quệt quệt y hệt một cậu bé vừa nghịch đất xong vậy. Tôi hỏi “Bức tượng này ông định đặt tên là gì?”. Họa sĩ Nguyễn Thịnh chợt chùng xuống: “Phải sống”. Vâng. Phải sống. Tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện một nữ bác sĩ phải xa nhà xa đứa con đang còn bú mẹ để đi chống dịch. Những lúc sữa về người nữ bác sĩ ấy đã vắt sữa bỏ đi. Và tôi đã hình tượng hóa để người nữ bác sĩ ấy vắt sữa vào một chiếc đĩa để một chú chim nhỏ đậu xuống uống những giọt sữa đó”. Nói rồi ông xin lỗi tôi để còn bấm máy chụp tác phẩm. “Cuối ngày các trại viên sẽ chụp ảnh báo cáo tiến độ của mình. Đưa lên trang mạng của hội trại bác ạ”.
Tôi gật gù khi nhớ tới thông báo của họa sĩ Quỳnh Liên, chị cho biết “Ngày 31-10 Hội trại kết thúc. Ngày 25-12 sẽ Tổ chức triển lãm trên mạng. Và nếu dịch giã được kiểm soát tốt thì tổ chức triển lãm trực tiếp”. Và chị nói thêm “Các tác phẩm dự hội trại còn được bán đấu giá lấy tiền giúp đỡ các nghệ sĩ có khó khăn”.
Thật đúng là “Sáng tạo nghệ thuật luôn đi kèm với tình người”.