Hoàng Thanh Du làm mới giá trị lịch sử bằng “đôi mắt” đương đại

Thứ Hai, 28/07/2025, 12:24

Vừa gặp nhau tại Đại hội lần thứ I của Hội Phát triển Công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam, hôm sau ngó trên trang cá nhân Hoàng Thanh Du đã thấy “ba chàng ngự lâm” gồm NSND Vương Duy Biên, NSND Lê Tiến Thọ và ông check-in ở Sân bay quốc tế Sheremetyevo (Moskva, Nga). Kinh ngạc. Và rồi tôi theo dõi.

Hóa ra, Hoàng Thanh Du tác giả kịch bản, NSND Lê Tiến Thọ - đạo diễn, NSND Vương Duy Biên - người thiết kế sân khấu cùng ê-kíp Nhà hát Lệ Ngọc mang vở kịch ''Lá đơn thứ 72'' sang công diễn ở Cộng hòa Liên bang Nga. Họ “mang chuông” đặc biệt đi “đánh đất người”.

Hoàng Thanh Du làm mới giá trị lịch sử  bằng “đôi mắt” đương đại -0
Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du.

Đây có thể coi là hoạt động “hậu” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025). “Lá đơn thứ 72” là tác phẩm sân khấu chính kịch mới nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù đề tài Bác đã được các loại hình văn học, nghệ thuật khai thác nhiều. Các nghệ sĩ bay sang Moskva đúng Ngày kỷ niệm 75 năm Việt Nam - Nga chính thức có quan hệ ngoại giao (16/7/1950 - 16/7/2025).

Đây cũng có thể coi là hoạt động “ngoại giao văn hóa” đầu tiên của Hiệp hội Phát triển CNVH Việt Nam sau khi được thành lập, theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 của Bộ Nội vụ.

Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị “hiếm có khó tìm”, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Lần này họ đưa “Lá đơn thứ 72” xuất ngoại cũng bằng cách xã hội hóa. Điều đó cho thấy, dù sân khấu chính kịch, nếu kịch bản có tầm, đạo diễn tài năng và diễn viên giỏi thì sân khấu sẽ “sáng đèn”.

*

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” của tác giả Hoàng Thanh Du dựa trên một câu chuyện có thật. Theo tác giả, ông viết kịch bản từ tư liệu của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao - người từng “giải mã” nhiều vụ án oan sai, “hành trình” cùng công lý.

Ngoài đời, nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, từng là cán bộ địa phương, bị lĩnh án tù giam về tội giết người. Do bị oan sai nên trong suốt 8 năm, ông Chồi liên tục gửi hơn 70 lá đơn kêu oan. Đơn được gửi đến cả Văn phòng Chủ tịch nước.

Năm 1966, Hồ Chủ tịch giao ông Vũ Kỳ chuyển đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lá đơn kêu oan của ông Chồi với lời nhắn: “Bác không hài lòng với lối làm việc đùn đẩy. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết”. Và vụ án của ông Đỗ Văn Chồi được lật lại hồ sơ.

Trong vở kịch “Lá đơn thứ 72”, nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi được đổi tên là Đỗ Minh. Phải chịu ngồi tù đầy oan ức, liên tục viết thư kêu oan, nhận được hồi âm chiếu lệ nhưng Đỗ Minh không tuyệt vọng. Chính niềm tin tuyệt đối vào Đảng, chính quyền và công lý của ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; Bác từng nói: “Dân có oan ức mới khiếu nại hoặc người dân do chưa hiểu chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước mà dẫn đến khiếu nại. Do vậy trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải xem xét giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi khiếu nại, tố cáo của dân”.

NSND Lê Tiến Thọ đã chọn được những lát cắt đắt để làm nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn. Hình ảnh Bác dung dị, gần gũi trong bộ quần áo kaki quen thuộc ngồi làm việc trên chiếc ghế mây ở Phủ Chủ tịch; Bác chấn chỉnh lối làm việc của cấp dưới nhẹ nhàng mà thấm thía; Bác đi thực tế ở địa phương để hiểu về cuộc sống của người dân... Cảnh kết, khi những nút thắt đã được tháo gỡ, hình ảnh các cháu thiếu nhi quây quần bên Bác khiến khán giả xúc động và vỗ tay không ngớt. Hình tượng Bác qua các lớp, cảnh trong kịch bản sân khấu được tái hiện sống động, chạm đến trái tim.

NSND Vương Duy Biên thực hiện ý tưởng sân khấu tối giản, tinh tế. Những tấm pano được thiết kế linh hoạt, ghép nối để tạo các không gian như nơi làm việc của Bác, phố phường Hà Nội, cơ quan kiểm sát, trại giam…; đồng thời tạo ra đạo cụ hỗ trợ nghệ sĩ diễn xuất. Thiết kế sân khấu của NSND Vương Duy Biên mang đến cho công chúng góc nhìn chân thực, giản dị về Bác.

Công diễn tại Nga lần này, những nghệ sĩ quen thuộc của Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi để đêm diễn tác phẩm ấn tượng, có sức lan tỏa. Trong đó, tiêu biểu là nghệ sĩ Văn Hải thể hiện hình tượng Bác Hồ, NSND Lệ Ngọc trong vai vợ Đỗ Minh, NSƯT Hoàng Tùng trong vai Vũ Kỳ, NSƯT Trịnh Mai Nguyên vào vai Viện trưởng Viện kiểm sát, nghệ sĩ Anh Tuấn trong vai Đỗ Minh,…Chính tác giả kịch bản Hoàng Thanh Du vào vai điều tra viên vụ án. Ông đã góp phần khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an.

“Đúng 7h30 giờ Nga (tức 11h30 giờ Việt Nam) đêm diễn đầu tiên đã diễn ra thật tuyệt. Khán giả Việt Nam thì thôi rồi, khán giả Nga cũng nhiều người biết tiếng Việt nên yêu mến tác phẩm. Chỉ tiếc cho hơn trăm khán giả không vào xem được vì không mang hộ chiếu”, Hoàng Thanh Du thông tin cho bạn bè tại Việt Nam.

“Lá đơn thứ 72” từng được Sân khấu Lệ Ngọc diễn ở nhiều địa phương trong nước, lần này “xuất ngoại” giúp công chúng hiểu thêm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

*

Tôi quen Hoàng Thanh Du chưa lâu, nhưng cũng đủ để hiểu về trăn trở, suy tư. Ai lần đầu gặp ông cũng cảm nhận về một nghệ sĩ hơi “phủi”, cá tính, ngang tàng. Chất nghệ sĩ ở ông từ nội tâm, toát ra thần thái.

Hoàng Thanh Du làm mới giá trị lịch sử  bằng “đôi mắt” đương đại -0
Nghệ sĩ Văn Hải vào vai Bác Hồ nhận hoa sau đêm diễn.

Cho đến nay, Hoàng Thanh Du đã có gần 45 năm gắn bó với sân khấu. Nghề chọn ông như một định mệnh. Dù chuyển qua rất nhiều cơ quan nhưng điều tạo nên “bản sắc” Hoàng Thanh Du, là yêu nghề, đắm đuối với nghề sân khấu. Ông là sự tiếp nối hoàn hảo truyền thống nghệ thuật của gia đình. Thân phụ ông là đạo diễn Hoàng Thanh Giang, một trong những người sáng lập Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội).

Cuối năm 1974, Hoàng Thanh Du tham gia Đoàn kịch Trường Sơn (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2). 3 năm sau ông theo đạo diễn Văn Thơm vào Cần Thơ để thành lập Đoàn Văn công Quân khu 9. Năm 1981, ông về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, cùng lứa với Lê Khanh, Đức Hải, Chí Trung... Đến năm 1988, khi diễn viên Trần Vân, "kép chính" của Đoàn Kịch Hà Nội bị ốm, ông được "mượn" tham gia một vở diễn. Thế rồi gắn bó tại đây suốt 21 năm. Đam mê, tìm tòi thôi thúc Hoàng Thanh Du theo học lớp đạo diễn, sau đó ông chuyển về công tác tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) từ năm 2009. Chức vụ ông trước khi nghỉ hưu là Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất của VTC.

Dù ở vai trò diễn viên hay đạo diễn, Hoàng Thanh Du luôn say sưa, nghiêm túc, trách nhiệm. Là diễn viên, ông từng giành Huy chương Vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như vai thằng Bờm trong “Lời nói dối cuối cùng”, vai Côn trong “Mùa hạ cay đắng”, vai Địch trong “Ăn mày dĩ vãng”...

Với vai trò đạo diễn, ông từng đoạt Huy chương Vàng trong các liên hoan phim toàn quốc với những bộ phim truyện, phim tài liệu như “Trên cao bầu trời vẫn xanh”, “Trên đỉnh Ninh Giang”, “Tình thắm Sa Pa”, “Cội nguồn”, “Những khuôn mặt đời trần”, “Hồ sơ văn hóa Việt”..

Hoàng Thanh Du viết kịch bản sân khấu với tư duy sắc sảo, quán chiếu mới mẻ. Đến nay, ông là tác giả của hơn 20 vở kịch đã được dàn dựng, trong đó có “Thiên mệnh” đoạt Huy chương Vàng Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021. Trong “Thiên mệnh”, ông dựng chân dung Thái sư Trần Thủ Độ ở giai đoạn cuối đời, người có nhiều nỗ lực đóng góp để gây dựng nên cơ nghiệp của Vương triều nhà Trần.

“Xưa nay người dựng sân khấu về Trần Thủ Độ đa phần là với cái nhìn tiêu cực. Tôi thì lại đi theo con đường mới, đó là dựng nên một vị khai quốc công thần, người có vai trò cá nhân quan trọng và là trụ cột của triều Trần trong nhiều thập niên. Do đi theo hướng mới này nên nếu chọn cách tiếp cận, khai thác không hợp lý sẽ khiến cho vở diễn trở nên khiên cưỡng, dễ ngả theo một chiều, mang tính minh họa, thiếu chiều sâu, kém thuyết phục”, Hoàng Thanh Du chia sẻ.

“Tôi không muốn viết những vở diễn về lịch sử để minh họa cho những câu chuyện đã được ghi chép lại và chưa có tính sáng tạo nhiều hoặc chưa đưa ra được góc nhìn của ngày hôm nay với những việc làm của người xưa. Khi viết kịch, tôi nhìn những sự kiện ấy bằng con mắt của ngày hôm nay”, Hoàng Thanh Du tâm sự.

Hoàng Thanh Du luôn suy tư, tìm góc nhìn mới về với giá trị lịch sử, vốn đã được “mặc định”. Đó là đổi mới sáng tạo chính kịch, góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống.

Ngô Đức Hành
.
.