Họa sĩ Trần Thùy Linh: “Tôi muốn truyền bá một tư duy du lịch mới!”
Trần Thùy Linh được biết đến là họa sĩ tạo được dấu ấn riêng với hai dòng tranh là trừu tượng và hoa cùng những khám phá, thể nghiệm mới mẻ. Sau chặng đường dài dấn thân với niềm đam mê xê dịch rồi hội họa, những năm gần đây họa sĩ Trần Thùy Linh trở lại với niềm đam mê viết lách.
Điều thú vị là, hai cuốn du ký "Đi như tờ giấy trắng", "Muôn dặm đường hoa" đã trở thành cuốn sách "gối đầu giường" với nhiều người yêu thích du lịch. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với họa sĩ Trần Thùy Linh.
- Thưa họa sĩ Trần Thùy Linh, sau 2 tập sách du ký "Đi như tờ giấy trắng" và "Muôn dặm đường hoa" xuất bản năm 2019, chị vừa trở lại với thể loại này với "Đi như tờ giấy trắng 2". Chị có thể chia sẻ cùng độc giả Văn nghệ Công an về lý do tại sao chị dành nhiều tâm huyết cho việc viết sách du ký?
+ Có thể nói, cuộc đời tôi gắn liền với những chuyến đi. Sau nhiều năm với số chuyến đi không đếm hết thì niềm đam mê khám phá thế giới nói chung, thiên nhiên và văn hóa nói riêng vẫn cứ đang ngày một dày lên trong tôi. Và, khi những kiến thức thu lượm được, những cảm xúc tuyệt vời nhận được từ thiên nhiên, khiến tôi cảm thấy mình thật "giàu có", thì tôi luôn muốn chia sẻ "sự giàu có đẹp đẽ" ấy cùng mọi người.
Nếu như hội họa giúp tôi giải tỏa cảm xúc và tư duy nội tâm, thì viết sách là cách tôi bày tỏ quan điểm của mình về cách du hành và cách sống. Với tôi, cách đi chính là phong cách sống và văn chương là phương tiện tốt nhất để tôi chuyển tải điều đó. Tôi muốn truyền bá một tư duy du lịch mới, một phong cách đi khác biệt:
"Đi như tờ giấy trắng" - đó là cách đi buông bỏ - buông hết những định kiến, những gì là quen thuộc, bỏ hết những thói quen tiện nghi, phố thị... để đón nhận những điều mới mẻ!". "Đi như tờ giấy trắng" còn là kiểu đi "check-out" bản thân ra khỏi vùng an toàn, thoát khỏi những thói quen cố hữu, nói không với "check-in" chụp ảnh vội vã tại những điểm đến; là phong cách "Đi như là sống" - "chậm" với những trải nghiệm chọn lọc và "sâu" với những chiêm nghiệm trong hành trình và sau chuyến đi. Thể loại văn học du ký đã cho phép tôi biểu đạt thông điệp đó một cách tốt nhất có thể. Ngoài du ký, tôi còn viết tản văn, truyện ngắn và thơ nữa.
- Được biết, trước đây chị từng giành được học bổng du học ngành văn học tại Đức, nhưng khi về nước chị lại gắn bó với công việc làm du lịch rồi lại trở thành một họa sĩ trước khi đến với những trang văn. Điều này có thể hiểu là với chị, việc viết thực sự có ý nghĩa rất quan trọng?
+ Ngay từ những năm đầu đời, viết lách đã luôn là đam mê của tôi. Niềm đam mê bắt nguồn từ tủ sách của bố mẹ, từ những năm là học sinh tham gia CLB Văn học ở Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Nội - dưới sự hướng dẫn của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ như Tô Hoài, Phạm Hổ, Nguyễn Đình Thi... Khi là sinh viên ngôn ngữ và văn học ở Đức, tôi không chỉ được học cách tư duy, cách viết mà còn học được cách đi, cách khám phá thế giới của người Đức qua những khóa thực tế trong chương trình học.
Bên cạnh đam mê viết, vẽ từ nhỏ, tôi có thêm đam mê xê dịch. Vậy nên, việc tiếp tục đi nhiều, cả trong lẫn ngoài nước trở thành đương nhiên. Và vì tôi được đào tạo để gắn đời mình với bút sách, nên viết cũng là đương nhiên. Nhưng, công việc trong ngành lữ hành thời đó chiếm hết thời gian nên tôi không thể chuyên tâm chỉ viết hoặc vẽ. Rồi khoảng hơn 20 năm sau này, khi quay trở lại với hội họa - niềm đam mê từ nhỏ và tiếp nối truyền thống vẽ của gia đình - tôi lại càng đi nhiều hơn, sự trải nghiệm trở nên đa dạng hơn, vốn sống cũng nhiều hơn, tôi bắt đầu viết nhiều hơn, hợp tác với các báo và xuất bản sách. Bởi thế, có thể nói, viết với tôi cũng đơn giản là sự trở lại với chính mình!
- Khi trở lại với hội họa, chị lựa chọn theo đuổi dòng tranh trừu tượng và hoa. Dòng tranh hoa mà chị yêu thích có phải cũng bắt đầu từ cảm xúc mạnh mẽ với những loài hoa mà chị đã gặp trên những dặm đường du lịch?
+ Không hẳn chỉ là như vậy. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội rất yêu, trồng và cắm hoa mỗi ngày, nên tuổi thơ tôi đã gắn bó với hoa. Cỏ cây hoa lá đi vào cuộc đời tôi một cách rất đơn giản và bình dị, như những người thân luôn bên tôi. Tình yêu với hoa của tự nhiên ngấm và lớn lên cùng niềm đam mê xê dịch. Hoa thành chủ thể trong tất cả công việc sáng tác mà tôi đang làm: vẽ, viết, chụp ảnh, trang trí nội thất.
Vì tình yêu hoa đã là máu thịt, nên những loài hoa trên đường luôn thành tâm điểm trong những chuyến đi. Tôi thấy trong những bông hoa mong manh ý nghĩa của cuộc đời: Sự đẹp đẽ, niềm hạnh phúc, vòng trầm luân, những bon chen, nghịch cảnh... của đời người và xã hội loài người đều có trong những bông hoa và thế giới các loài hoa. Hội họa giúp tôi "tả" được loài người và những cảm xúc của con người qua hình tượng hoa. Tôi cũng mong rằng, kỹ thuật vẽ hoa cánh mỏng của tôi có đủ khả năng kể câu chuyện nào đó mang lại cảm xúc cho người xem, chứ tôi không chỉ là vẽ hoa để đơn thuần tôn vinh vẻ đẹp của hoa.
- Trong "Đi như tờ giấy trắng 2", chị có tâm sự rằng: "Với tôi, đi, viết và vẽ là phương tiện để hành thiền, để tìm về cội nguồn bản ngã của vạn vật và chính mình, để giải thoát mọi cảm xúc với đích đến cuối cùng là đạt được sự tự do...". Trong quan niệm của chị, tự do có ý nghĩa như thế nào đối với một người làm công việc sáng tạo nghệ thuật?
+ Với tôi, nghệ thuật luôn mang tính cá nhân. Mỗi nghệ sĩ có một định nghĩa về tự do và tự do sáng tạo cho riêng mình, nhưng điểm chung của những người làm nghệ thuật là luôn có nhu cầu sáng tạo, khát khao phủ định chính mình. Sự lặp lại, kể cả lặp lại những thành công, vẫn là "đào hố tự chôn mình".
Tôi cũng luôn muốn làm mới mình, cả trong văn chương lẫn hội họa. Nhưng, với riêng tôi, sáng tạo chỉ là sáng tạo khi tác phẩm được con người trao cho sự sống. Hay, nói cách khác, tác phẩm ấy phải đạt được sự tự do khi hình thành và sau đó có thể sống cuộc đời của riêng nó.
Cụ thể trong hội họa cũng như văn chương, đó là một quá trình diễn ra tự nhiên, khi tác giả không còn "nệ" vào những qui ước, những khuôn khổ, luật lệ, kỹ thuật, quan điểm... đã học, đã lĩnh hội nữa, mà vẫn tạo ra được những tác phẩm có đời sống riêng. Khi tôi tự do trong sáng tạo và bạn tự do trong cảm nhận, lúc ấy quá trình sáng tạo nghệ thuật mới được hoàn tất.
- Đi - vẽ - viết đã ảnh hưởng/tương trợ gì cho nhau trên con đường làm nghệ thuật của chị?
+ Nghệ thuật rất cần vốn sống và sự chiêm nghiệm. Vậy nên những chuyến đi khắp các châu lục đã mang lại cho tôi không chỉ những kinh nghiệm sống, những trải nghiệm và chiêm nghiệm đủ để thay đổi cuộc đời tôi, mà còn ảnh hưởng thực sự rất sâu sắc tới góc nhìn và tư duy nghệ thuật trong văn chương cũng như hội họa của tôi. Càng đi thì càng hứng thú viết, chụp và vẽ, càng có nhu cầu giải tỏa cảm xúc bằng ảnh, chữ và màu. Ngược lại, khi đã làm nghề sáng tạo thì lại càng cần có những chuyến đi để có được cảm xúc tươi mới và nhiều ý tưởng nghệ thuật hơn. Những chuyến đi luôn giúp tôi bồi đắp cho nền tảng của cả hội họa lẫn văn chương, giúp tôi tìm thấy con đường cho riêng mình.
- Theo đuổi chủ nghĩa xê dịch, đam mê hội họa, nhiếp ảnh và viết lách, chị có thấy mình ôm đồm quá không?
+ Vẽ, viết là đam mê từ nhỏ của tôi, khi trưởng thành có thêm đam mê xê dịch và nhiếp ảnh. Sự kết hợp đi-chụp-viết-vẽ ấy là hoàn hảo, theo quan niệm của cá nhân tôi. Sẽ là ôm đồm nếu không có đam mê thực sự và không biết cách sắp xếp giữa nghệ thuật và cuộc sống, cũng như sẽ không thể kiên trì theo đuổi chúng. Đam mê là cứu cánh của tôi, nếu không trong bối cảnh vừa công việc, gia đình, con cái... tôi sẽ rất khó sáng tác trong một lĩnh vực chứ đừng nói gì 3 hay 4.
Việc cân bằng những đam mê sáng tạo với các nghĩa vụ đời thường đương nhiên đòi hỏi người làm nghệ thuật phải có nỗ lực hơn bình thường. Nhưng, tôi không thấy mình ôm đồm, vì được sống với đam mê đã là điều hạnh phúc, nhất là khi đam mê ấy còn có ích cho cộng đồng và xã hội...
- Xin cảm ơn họa sĩ Trần Thùy Linh!