Họa sĩ Phạm Việt Hưng - đằm sâu miền Tây Bắc

Chủ Nhật, 10/11/2024, 10:55

Mới gặp tôi hơi bất ngờ khi biết ông họa sĩ đến từ tỉnh Yên Bái này trước khi nghỉ hưu là cán bộ công tác tại Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Yên Bái. Tôi đã đùa: “Công an mà vẽ giỏi, vẽ đẹp quá. Nhất là xem những bức tranh thấm đẫm miền Tây Bắc”. Họa sĩ Phạm Việt Hưng chỉ cười hiền lành.

Vốn quê ở xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nhưng họa sĩ Phạm Việt Hưng lại khởi nghiệp tại Yên Bái. Ông cho biết: “Mỗi lần xuống công tác ở cơ sở là mỗi lần tôi được sống với những bản làng, được hòa trong tiếng sáo Mông, cùng những điệu xòe hoa của những cô, những chị người Mông khi rủ nhau xuống chơi chợ”.

2.jpg -0
Họa sĩ Phạm Việt Hưng say sưa vẽ bức tranh “Cáng Chủa”.

Có một điều này nữa, được sống với thấm đẫm hồn hoa Tây Bắc mà cậu bé tuổi Mậu Tuất ấy sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Phạm Việt Hưng theo học hội họa tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hoàng Liên Sơn. Năm 1976 cũng là năm chàng trai 18 tuổi Phạm Việt Hưng bước chân vào ngành Công an. Sẵn vốn hội họa nên anh thanh niên “lính mới tò te” ấy được nhận vào công tác tại Phòng Công tác chính trị, với nhiệm vụ như mọi người thường nói vui là “đóng đinh trèo thang”, nghĩa là làm công việc vẽ tranh cổ động, trang trí hội trường, treo hoặc cắm cờ, cắt viết khẩu hiệu, phục vụ nhu cầu tuyên truyền và những dịp hội nghị hay lễ tết.

Với công việc ấy nên anh Công an trẻ Phạm Việt Hưng thường đi cơ sở công tác và tiếp xúc nhiều với phong cảnh núi rừng, với bà con người dân tộc thiểu số chân chất thật thà. Nhưng những điều tưởng như chân chất thật thà ấy lại khơi gợi cho chàng họa sĩ trẻ những say mê.

Họa sĩ Phạm Việt Hưng cho hay: “Những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của bà con người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nói chung, ở Yên Bái nói riêng sẽ không còn hồn cốt và sinh động nữa nếu thiếu đi cảnh sắc núi rừng trập trùng cây lá. Thiếu đi những thửa ruộng bậc thang óng vàng mùa lúa chín hay ánh nước long lanh trong mùa đổ nước”.

Nghe ông họa sĩ ít nói và hay nhường để người khác nói này tâm sự thật lòng như vậy tôi mới hiểu sao ông lại gắn bó với miền Tây Bắc đến như vậy. Mới hiểu sao những bức tranh ông vẽ đều thấm đẫm hồn cốt Tây Bắc. Phải là những người yêu Tây Bắc đến “mê mẩn” mới “nặng lòng” đến như vậy. Phải là những người say hồn cốt Tây Bắc đến “nằm lòng” mới thể hiện được cái tình, cái lý, cái chất của người Tây Bắc. Người hời hợt hay thoáng qua chẳng thể nào hiểu được chứ nói gì đến thể hiện được những “cái chất Tây Bắc” qua nét cọ.

3.jpg -1
Bức tranh “Cáng Chủa” của họa sĩ Phạm Việt Hưng.

Tôi nhớ khi xem bức tranh “Mẹ Tây Bắc” của họa sĩ Phạm Việt Hưng, họa sĩ Đào Xuân Thảo đã nhận xét: “Tôi rất thích bức tranh có chủ đề rõ ràng như tác phẩm này”.

Họa sĩ Phạm Việt Hưng cuối cùng cũng đã hoàn thành bức tranh mà buổi đầu tiên mới gặp ông tôi đã thấy. Đó là bức tranh mang một cái tên cũng rất Tây Bắc, bức tranh “Cáng Chủa” (Trong tiếng Mông thì “Cáng Chủa” là một dụng cụ thồ hàng trên lưng). Ông cho tôi xem và “cũng may” là tôi nhận ra hình ảnh mà ông thể hiện muốn nói lên ý gì.

Ông đã vẽ có ba người dân tộc Mông đang im lặng bước đi, lưng quay lại và dĩ nhiên không nhìn thấy mặt ba người Mông đó. Trong ba người có một người đàn ông đi trước, như để “mở đường”. Hai người đàn bà đi sau. Bóng của họ đổ về phía hướng đi. Đó là bức tranh miêu tả ba người dân tộc Mông đi chợ về. Tại sao không nói là ba người Mông đi xuống chợ. Nhìn dáng đi của họ, nhìn thứ mà họ đang thồ trên lưng, nhìn phong cảnh xung quanh và nhất là tinh ý sẽ thấy ba người dân tộc Mông ấy chừng như đang bắt đầu leo dốc, thì người xem sẽ cùng chung một câu nói: “Ba người dân tộc Mông đi chợ về”. Người xem tranh đó ngoài tôi ra còn có vài người khác nữa, ví như họa sĩ Trần Quang Minh chẳng hạn, xem bức tranh “Cáng Chủa” thì bạn ấy chỉ nói ngắn gọn: “Đậm chất Mông”.

Nghe tôi nói như vậy, họa sĩ Phạm Việt Hưng cười rất vui: “Xem tranh thì dễ nhưng để hiểu tranh mới là quan trọng”. Tôi đồng ý với câu nói của ông bởi không chỉ vẽ ra đơn thuần mà thành tranh được. Phải “nói” được cái tinh thần của tranh mới nói là bức tranh thành công. Mà bức tranh thành công chính là người họa sĩ đã “nắm” rất chắc nội dung tranh từ ý nghĩ ở trong đầu. Tức là người họa sĩ đã “ấp ủ” đề tài đó từ rất lâu rồi, “ấp ủ” một bức tranh từ trong tâm tưởng.

Họa sĩ Phạm Việt Hưng khá khiêm tốn. Khi vẽ tranh ông cũng rất khiêm tốn. Đề tài mà ông thường thể hiện chính là đề tài miền núi nói chung, miền núi Tây Bắc nói riêng, với những cảnh vật và con người Tây Bắc. Trở lại với bức tranh “Mẹ Tây Bắc” của họa sĩ Phạm Việt Hưng, đó là bức ảnh vẽ một người đàn bà dân tộc Dao đang ngồi bán hàng ở chợ. Thứ mà bà đang bán cũng rất đơn giản, đó là mấy củ măng tre hình như mới được hái và được đem xuống chợ ngay. Hình ảnh bà mẹ Dao với dáng ngồi thư thái, ánh mắt hiền hậu đang nhìn xa chờ đợi nhưng lại toát lên vẻ chân chất, hiền lành. Bức tranh có chủ đề rất rõ ràng đúng như họa sĩ Đào Xuân Thảo đã nhận xét.

4.jpg -2
Bức tranh “Mẹ Tây Bắc”.

Hay xem bức tranh có tên ngắn gọn là “Mùa đông” chẳng hạn. Hình ảnh một người đàn ông dân tộc Mông đầu quấn khăn đang đứng tựa bên đầu vào cửa nhà, tuy ngắn gọn nhưng cho thấy một mùa đông ngóng trông, một mùa đông bận rộn lo toan ở nơi rừng núi giá rét. Một bức tranh khác, có hai người đi rừng kiếm củi mong sưởi ấm gió mùa đông bắc giá lạnh đang tràn về. Phía trước là ngôi làng êm đềm với những đứa trẻ thơ đang trông đợi. Tôi có nói vui: “Hình như mùa đông cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Một vẻ đẹp hơi buồn nhưng có sự sống đang tồn tại?”.

Không chỉ có như đã nói. Yên Bái với những cánh đồng ruộng bậc thang Mù Căng Chải nổi tiếng cũng được họa sĩ Phạm Việt Hưng quan tâm. Những bức tranh như: “Cấy lúa” hay “Cấy lúa trên non” của ông đã cho thấy những dự cảm tương lai no đủ trên miền Tây Bắc, khi ông đã sử dụng màu vàng ấm để miêu tả việc ruộng nước trên ruộng bậc thang (Nhẽ ra theo như tôi hiểu thì đó phải là màu sáng trắng mới thực tế).

Họa sĩ Phạm Việt Hưng đã đoạt được nhiều giải thưởng về hội họa, như Giải Nhì về tranh cổ động “Cho các em thơ yên giấc ngủ ngon” do Bộ Công an trao tặng. Ông cho biết: “Tranh của tôi còn được Hội Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, đó là bức tranh “Bến quê”, ngoài ra còn được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn lọc đưa vào trong sưu tập của Hội. Tranh của họa sĩ Phạm Việt Hưng thường xuyên tham gia Triển lãm khu vực III - Tây Bắc - Việt Bắc. Một số tranh còn được giới thiệu tham dự Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hàng năm.

Nguyễn Trọng Văn
.
.