HDBank
Mobifone

Họa sĩ "dị" Đoàn Nguyên: Vẽ bằng cả sinh mạng

Chủ Nhật, 11/08/2024, 18:35

Đoàn Nguyên quá nổi tiếng với những giai thoại về cuộc đời và hành trình vẽ. Những câu chuyện liên quan đến anh luôn râm ran trong giới hội họa. Dẫu như anh nói đã trốn biệt, từ chối mấy chục cuộc phỏng vấn và rất sợ người. Nhưng, hóa ra đằng sau “chất điên” của Đoàn Nguyên là những điều bất ngờ.

Bức tranh từ trái tim tôn kính

Chúng tôi bắt đầu cuộc gặp vào một buổi sáng vùng ngoại ô, với cà phê sữa, mấy trái bắp nếp và những câu chuyện vui. Đoàn Nguyên mấy hôm nay đang tịnh dưỡng, ở ẩn sau khi hoàn thành bức tranh vẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng 9 đóa hoa sen trong 3 ngày đêm và phải đi truyền dịch.

Khi họa sĩ xuất hiện, tôi hơi bất ngờ, bởi Đoàn Nguyên có ngoại hình khác xa chữ “điên” mà thiên hạ gán ghép. Khi Đoàn Nguyên bắt đầu cất lời, thì câu chuyện lại khiến buổi sáng nở ra những tiếng cười rộn ràng. Đoàn Nguyên kể chuyện thật thà và lắm lúc vẫn cứ “em xin thề”, chừng như sợ tôi chẳng tin. Thoảng khi Đoàn Nguyên hứng lên, hồn nhiên khua tay múa chân diễn đạt rất vô tư giữa quán xá đông đúc.

b%3fc-tranh-h%3fa-si-ðoàn-nguyên-v%3f-t%3fng-bí-thu-nguy%3fn-phú-tr%3fng.jpg -0
Bức tranh họa sĩ Đoàn Nguyên vẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bức tranh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với 9 đóa hoa sen chính là từ trái tim tôn kính mà anh vẽ nên. Nhưng phía sau đó là câu chuyện của cả một tấm lòng. Trước Tết 2024, trên chuyến tàu từ Hà Nội đi Hà Tĩnh anh và ca sĩ Duy Mạnh đã lên ý tưởng về bức tranh vẽ chân dung Tổng Bí thư. Điều này xuất phát từ tình cảm trân quý những cống hiến hết mình của Tổng Bí thư. Anh ấp ủ và nuôi nấng cảm xúc trong đầu mình, dự định khi chín muồi sẽ bắt phác họa. Mãi cho đến mấy ngày trước khi Tổng Bí thư mất, ca sĩ Duy Mạnh lại nhắc anh về bức tranh.

Đoàn Nguyên lại dồn nén cảm xúc đặc quánh trong đầu. Nhưng, nhiều đêm vẫn chưa thể vẽ những nét đầu tiên. Hôm 19 tháng 7, thức dậy sau giấc ngủ vùi, khi trời nhập nhoạng chiều, anh thấy tin nhắn và nhiều cuộc gọi nhỡ, mở ra anh bàng hoàng nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất. Ngay lúc đó, trong lòng Đoàn Nguyên như có ngọn lửa vụt cháy, anh lao vào cắt vải, cầm cọ, pha màu và những nét vẽ đầu tiên được hình thành.

Đoàn Nguyên vẽ miệt mài, quên cả ăn, đến khi đói lả thì cắm nồi cơm điện nấu cháo. Cứ vậy, anh giam mình vào không gian của riêng mình. Thậm chí từ chối mọi cuộc gặp, ngay cả ca sĩ Duy Mạnh lúc đó lo lắng cho Đoàn Nguyên đòi qua thăm anh, anh cũng từ chối. Anh muốn nhanh chóng nhất hoàn thành tất cả những gì đang ngồn ngộn chảy tràn trong trí óc mình. Anh sợ không kịp đến ngày Quốc tang thì như một món nợ với chính mình. Cho đến khi hoàn thành bức tranh, anh nhanh chóng công bố và trong cơn lảo đảo anh biết mình đã kiệt sức.

Chuyện Đoàn Nguyên nằm bệnh viện truyền dịch nhanh chóng lan ra và rất nhiều người xin gặp, tìm đến anh, thậm chí nhiều cơ quan báo đài xin phỏng vấn, cả những người muốn sở hữu bức tranh cũng liên tục hỏi. Khoảng thời gian đó Đoàn Nguyên trốn biệt trong nhà. Còn bức tranh thì anh không hề muốn bán, đã giao cho người bạn giữ và với Đoàn Nguyên những nét vẽ từ trái tim của anh, chỉ dành cho sự tôn kính. Đoàn Nguyên kể dứt khoát.

Trong cái ngoại hình như gã du mục ấy, tôi thấy ánh mắt anh sáng bừng, tôi tin Đoàn Nguyên là một người thiệt thà. Thiệt thà đến mức khi tôi nhắc những giai thoại về Đoàn Nguyên, anh lại “em xin thề”. Người ngồi trước mặt tôi có điên hay không tôi chưa chắc, vì câu chuyện sẽ còn nối dài, nhưng chí ít, trong làn khói thuốc mỏng tang sáng nay, tôi thấy Nguyên hiền quá chừng.

Sự thật những giai thoại

Nguyên hiền đến nỗi bị người ta ép Nguyên trong toilet của một nhà hàng, bắt anh phải kí tên vào những bức tranh mà anh không vẽ. Nguyên nhất quyết không kí và bị đánh một trận nhừ tử mà không hề phản kháng. Nguyên kể và hồn nhiên bảo “Em đâu có biết đánh nhau”. Nguyên hiền đến mức độ vác cái túi lang thang trong đêm khắp mấy cánh đồng sen ở quận 12, bị Công an bắt đem về, tưởng Nguyên là ăn trộm. Hóa ra trong cái bao tải đó toàn là cọ, là giấy, là màu vẽ.

Ngay cả khi thiên hạ đồn Nguyên điên, Nguyên cũng không hề giải thích. Đó là dạo dân hội họa hay thấy Nguyên vác cái bao, đi lang thang, ăn mặc luộm thuộm. Thậm chí có bài báo nói Nguyên lụm rác, nói Nguyên ăn xin và cả uống màu vẽ. Nguyên vẫn cười re re và sống cuộc đời riêng của Nguyên.

Đoàn Nguyên cũng trạc tuổi tôi, thời trẻ ở quê nhà Nam Định từng đi bộ đội, từng vẽ tranh cổ động. Rồi Nguyên lại vào Nam, làm thợ chép tranh cho mấy tiệm tranh trên đường Trần Phú, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Nhưng, Nguyên lại chẳng thích mình đi theo con đường rập khuôn của thế hệ danh họa đi trước. Nguyên phải là Nguyên, là sự vượt thoát những con đường mòn đã cũ, tiếp tục tìm đến những gì mới mẻ, dị biệt, thậm chí cả những sự phá cách quá đà, nhưng tự do hơn và riêng biệt hơn. Nguyên bỏ việc và tìm về vùng ngoại ô thành phố, những khu nhà lúp xúp, những con đường đất đá và những nghĩa địa hoang lạnh. Một đêm đi ngang đầm sen, Nguyên thấy được sự bình yên từ hương sen, và Nguyên ngồi lại, trò chuyện cùng sen.

Họa sĩ
Họa sĩ Đoàn Nguyên.

Tôi chưng hửng khi lần đầu nghe có người nói chuyện với sen. Nhưng, Nguyên đã kể tỉ mỉ cánh sen đêm chuyển động ra sao, sương bốc lên từ đêm tỏa hương như thế nào, và những cánh sen tàn sau một đêm ngậm sương sẽ hồi sinh tươi tắn lạ kỳ. Trong những cơn say chếnh choáng Nguyên thấy Mẹ Quan Âm rải những cánh sen trước mặt mình. Với Nguyên đó là một sự tỉnh thức. Nguyên có nhiều bức tranh về sen rất đẹp, được trả giá cao. Vì mê sen mà trong bức tranh vẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên chọn 9 bông sen như tượng trưng cho niệm ý sự hồi sinh một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao quý.

Nguyên lang thang trong đêm với bao tải đựng đồ vẽ bởi như Nguyên nói, chính anh sợ sự kỳ thị của người bình thường gặp anh, sợ luôn những vồ vập của nhiều kẻ hiếu kỳ và sợ những sự ồn ã của trò đời. Nguyên không có kênh YouTube, không có TikTok, Nguyên chỉ có trang Facebook để giao lưu cùng bạn bè. Vậy nên, nhiều YouTuber, TikToker tự xưng là nhà báo rồi đến làm phiền Nguyên cả ngày. Thậm chí rình mò ngay trước cửa nhà anh, khiến bao phen Nguyên phải bỏ nhà trốn đi. Lắm lúc quay về đã thấy có người ngồi trước nhà chờ mình. Họ thêu dệt những chuyện trời ơi đất hỡi về Nguyên, dù anh chưa bao giờ nhận trả lời phỏng vấn.

Nguyên nổi tiếng với giai thoại uống màu vẽ. Trong cơn nghiền ngẫm đời mình, Nguyên nghĩ đã mấy chục năm vẽ mà chưa biết mùi vị của màu vẽ là thế nào. Vậy đó là tự nhiên cầm màu vẽ lên ngửi, rồi nếm. Ban đầu ít quá chẳng biết ra mùi vị gì. Thế là muốn thử thêm chút nữa, ai ngờ mạnh tay bóp, màu vẽ chui tọt vào họng cái ót. Đêm đó, Nguyên ói tới mật xanh mà sáng ra người vẫn tím tái đau quằn quại. May có anh bạn đưa vào viện súc ruột.

Nguyên kể rất hồn nhiên rồi cười hềnh hệch. Nguyên chẳng muốn uống, chỉ là nếm mà rồi trời đày cho uống. Nguyên cũng chẳng phải bợm nhậu, chẳng bao giờ say bét nhè, dẫu thiên hạ đồn Nguyên nốc rượu ừng ực. Nhưng khi tôi đến chỗ anh vẽ thì thấy lố nhố nhiều loại rượu, bia. Nguyên cười tỉnh bơ, mỗi lúc vẽ cứ phải tự uống, uống vào lại vẽ ra. Cứ vậy cầm uống, mà Nguyên không say. Càng uống càng thăng hoa. Tuy nhiên khi tụ họp cùng những người bạn chí cốt thì Nguyên lại ít uống. Điều này những bạn bè chơi chung cùng Nguyên đã xác thực với tôi, Nguyên uống rượu rất yếu.

Giai thoại về Nguyên còn nhiều, tỷ như đốt tranh rồi thì có một người Đan Mạch tìm đến, hỏi mua. Nguyên chỉ bức tranh đang cháy xém và một bức tranh bị hư trong góc nhà, cho người đàn ông ấy đem về. Hay như tranh của Nguyên bán tiền tỷ mà Nguyên thì đi con xe quái đản đến Công an bắt xong cũng phải tha về.

Chuyện về Nguyên có lẽ phải viết thành loạt bài nhiều kỳ. Nhưng, Nguyên có điên hay không, kỳ thực khi chia tay ra về tôi vẫn chẳng xác định được. Nguyên cười hềnh hệch, nay Nguyên biết tôi sẽ cố tình ghé nhà nên dọn nhà, tắm rửa chứ bình thường thì… Nhà Nguyên vẫn nhìn ra khu nghĩa địa, và Nguyên vẫn rất sợ người, chỉ đi ra ngoài vào ban đêm.

Đời làm báo cho tôi gặp nhiều, tiếp xúc nhiều và từng trải nhiều đủ để hiểu. Làm người tỉnh táo khôn ngoan chắc chắn tốt rồi. Nhưng nếu dị và điên được như Nguyên để có lúc anh vẽ bằng cả sinh mạng, vẽ bằng niềm tôn kính ngưỡng mộ và tình yêu thương sâu sắc lớn lao để hoàn thành được những tác phẩm hội họa để đời, thì đó là cái chất dị, điên được người đời chấp nhận và đón nhận. Với nghệ sĩ, sau cùng vẫn chính là tác phẩm. Tôi thấy Nguyên như vậy đã thành công.

Tống Phước Bảo