Họa sĩ Công Quốc Hà: Bền bỉ làm mới chính mình
Công Quốc Hà là họa sĩ nổi tiếng, định danh với những tác phẩm sơn mài về chủ đề thiếu nữ Hà Nội và phố. Mười năm nay, họa sĩ Công Quốc Hà cùng gia đình định cư tại Thụy Điển. Anh vừa trở về Việt Nam và tổ chức triển lãm “Không gian hội họa Công Quốc Hà” từ ngày 22 đến 24/7 với 18 tác phẩm đặc sắc, ấn tượng được anh sáng tác trải dài trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2022.
Nhân dịp này, Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với họa sĩ Công Quốc Hà.
- Thưa họa sĩ Công Quốc Hà, anh đã chuẩn bị cho cuộc triển lãm đồng thời là sự trở về của mình sau 10 năm xa quê hương như thế nào?
+ Hai năm trước, tôi có dự kiến sẽ trở về Việt Nam để thăm người thân, đồng thời tổ chức triển lãm để kỷ niệm 10 năm tôi xa Hà Nội. Tôi muốn trở lại để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè đồng thời công bố những tác phẩm tôi mới sáng tạo trong 10 năm. Tuy nhiên, đây không phải là triển lãm một giai đoạn ngắn đó, mà có những tác phẩm tôi đã vẽ từ năm 1995 và có tác phẩm tôi mới hoàn thành năm 2022, với nhiều chất liệu sáng tác mà tôi muốn giới thiệu với bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật.
Đối với tôi, những tác phẩm này không phải là sự tìm tòi trên chất liệu gì mới mẻ cả, mà đều là chất liệu quen thuộc. Cái mới ở đây là cái mới về tư tưởng. Qua cuộc sống ở nước bạn trong 10 năm, tôi được trải nghiệm rất nhiều và sự trải nghiệm đó va đập vào tâm trạng, tình cảm, cảm xúc sáng tạo của tôi. Cái mới ấy cũng không phải là du nhập cái gì mới ở châu Âu, mà cái chính là tôi nhìn lại bản thân mình để làm mới chính mình, làm mới Công Quốc Hà. Nếu bạn theo dõi hội họa của tôi, có thể thấy từ khoảng năm 1995 tôi đã vẽ khác tôi của giai đoạn trước đó. Cái khác đó chính là sự làm mới chính mình và điều đó tôi cho là rất cần thiết, quan trọng với người sáng tạo. Đó cũng chính là mục đích của tôi trong chuyến trở về và triển lãm lần này.
- Anh vừa nói đến “sự va đập cảm xúc” của cuộc sống mới khi ở xa quê hương. Khi ở nước ngoài, lăng kính của anh khi nhìn về đất nước, về quê hương, về cuộc sống và con người Hà Nội có gì thay đổi so với trước đây?
+ Thay đổi nhiều chứ. Khi mình có nhiều điều kiện để trải nghiệm cuộc sống, tham quan đất nước bạn trên nhiều khía cạnh như: chiêm ngưỡng những tác phẩm kinh điển ở các bảo tàng, gặp gỡ các nghệ sĩ lớn của quốc tế, tham gia các triển lãm tại các nước bạn… thì sự va đập về cảm xúc cho tôi một sức sống mới, cách nhìn mới về đất nước, con người, xứ sở của mình.
- Theo quan sát của tôi, dòng chảy sáng tác của anh về chủ đề phố Hà Nội, thiếu nữ Hà Nội vẫn là dòng chảy tiếp nối chủ đạo như anh đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua. Vậy anh có thể nói cho công chúng yêu nghệ thuật và độc giả Văn nghệ công an biết, cụ thể cái mới mà anh vừa nói tới là gì?
+ Tôi vẫn vẽ về quê hương, về con người, đất nước nhưng với cái nhìn trẻ trung hơn, lạc quan hơn, đầy màu sắc và hy vọng khác với cái nhìn có phần trầm ngâm, suy tư của tôi trước đây. Làm thế nào để người nghệ sĩ vẫn giữ được cái phong cách, cái riêng có của mình nhưng phải là đi lên, vượt qua chính mình mới là điều khó khăn và cũng chính là đòi hỏi của người yêu nghệ thuật. Tôi thấy mình như có một bảng màu mới, cảm xúc của tôi trong lúc sáng tạo cũng dâng trào mạnh mẽ hơn, về hình cũng đơn giản hơn, có tính bao quát để mở ra một không gian nghệ thuật rộng hơn.
- Chất liệu trước đây đã làm nên tên tuổi của anh, đó chính là sơn mài. Trong 10 năm qua, anh vẫn tiếp tục trung thành với chất liệu ấy chứ?
+ Tôi vẫn tiếp tục chứ! Trong thời đại ngày nay, chất liệu không còn là vấn đề gây khó khăn cho việc thi công nữa. Vấn đề là mình có thích nó hay không thôi. Ở Thụy Điển, tôi có thể làm việc trong phòng có nhiệt độ ổn định, thuận lợi. Nhưng thời gian qua tôi vẽ trên cả 3 chất liệu: sơn mài, sơn dầu, acrylic. Mỗi chất liệu lại có một thế mạnh, một sở trường, một lợi thế riêng và mình cũng nên tận dụng nó để thể hiện cảm xúc của mình: ở sơn mài, nếu họa sĩ có cách nhìn có tính ước lệ cao thì sẽ mang đến vẻ đẹp hiện đại, ở sơn dầu, điểm mạnh của nó là tả thật còn acrylic thì ghi lại được những cảm xúc sáng tạo một cách nhanh chóng. Chính vì thế tôi thường xuyên làm việc song song trên cả 3 chất liệu này.
- Được biết, trong thời gian sống ở nước ngoài, họa sĩ Công Quốc Hà cũng có nhiều hoạt động để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật hội họa của Việt Nam ra thế giới. Anh có thể chia sẻ về chuyện này?
+ Trước khi sang Thụy Điển sinh sống, tôi đã có một ước mơ là xây dựng được một trung tâm nghệ thuật nhỏ làm nơi giao lưu với bạn bè quốc tế. Chính vì thế, khi đặt chân sang đến nước bạn là tôi đã có một bộ sưu tập rất nhiều tranh, tượng của các họa sĩ Việt Nam mà tôi yêu mến, âm thầm góp nhặt trong nhiều năm và có cả của các họa sĩ quốc tế nữa. Tôi đã xây dựng thành một bảo tàng nhỏ. Thỉnh thoảng khi có dịp, tôi vẫn tổ chức các buổi triển lãm nhỏ để bạn bè, đối tác mới của tôi đến xem. Qua các triển lãm nhỏ đó, bạn bè đồng nghiệp mới của tôi cũng hiểu thêm về hội họa và nghệ sĩ của Việt Nam mình. Có lần tôi đã tổ chức cho các họa sĩ Việt Nam giới thiệu tác phẩm ở Thụy Điển như Nguyễn Hữu Ngọc, Đồng Tiến, Lâm Anh Tuấn…
- Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, anh đã tổ chức bao nhiêu triển lãm ở nước ngoài? Anh cảm nhận thế giới đánh giá như thế nào về tranh sơn mài Việt Nam?
+ Nhiều lắm, tôi cũng không nhớ hết, nhưng chắc là hàng trăm cuộc rồi. Trong đó ở hầu hết các nước châu Âu, Mỹ, Nhật… tôi đều đã có triển lãm. Tôi thấy rằng, sơn mài là chất liệu mà bạn bè quốc tế rất thích và khâm phục. Một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… dùng sơn mài để làm đồ mỹ nghệ, tranh trang trí mỹ nghệ. Nhưng riêng Việt Nam đã có nhiều bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng đã dùng chất liệu này làm tranh hội họa thành công và làm nên nét riêng biệt của hội họa Việt Nam.
- Trong một thời gian khá dài xa quê hương, anh có cảm thấy mình bị tách biệt khỏi đời sống hội họa ở trong nước không?
+ Không! Tôi tin là tôi có một cái mạch của riêng mình, ở đâu tôi cũng vẫn làm việc được và không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Cái chính là nguồn cảm hứng của tôi luôn được nuôi dưỡng, được tạo ra từ chính mình bởi sự chủ động, lạc quan!
- Ở triển lãm lần này, chủ đề phố và thiếu nữ Hà Nội một lần nữa trở lại trong các sáng tác mới của anh. Phải chăng đây vẫn là dòng chủ lưu, dòng chảy đằm sâu trong cảm xúc sáng tác của anh?
+ Đúng vậy! Như tôi đã nói, chất liệu acrylic có sức biểu cảm nhanh, giữ lại được cảm xúc của người sáng tác. Cái mới chính là vì tôi là người học chuyên sơn mài với nhiều tìm tòi trải nghiệm, nên tranh chất liệu acrylic của tôi ứng dụng kỹ thuật dán vàng, dán bạc của sơn mài vào tác phẩm. Chính sự pha trộn, giao thoa của sơn mài và acrylic đã tạo hiệu quả, hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ, khác lạ và hiện đại hơn.
- Những năm 90 của thế kỷ trước, tranh sơn mài của Công Quốc Hà được các nhà sưu tầm, khách du lịch quốc tế mua nhiều. Có người nói rằng, cũng bởi tranh của anh có giá thành khá cao nên người yêu tranh và các nhà sưu tầm trong nước không có cơ hội để sở hữu?
+ Tôi cho rằng ý kiến đó không hoàn toàn đúng, mà tranh của tôi bán 50% ở trong nước và 50% thị trường quốc tế. Các nhà sưu tập trong nước cũng mua của tôi nhiều đấy chứ. Tôi cho rằng, giá cả đối với tôi nhiều khi không phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Vẫn có những điều thuộc về tình cảm, sự ưu tiên, ưu đãi đặc biệt của tôi dành cho các nhà sưu tập, bạn bè, người yêu tranh ở trong nước. Vì dù sao đi nữa thì tôi cũng hiểu là người Viêt của ta kiếm ra đồng tiền cũng khó khăn mà.
- Sau triển lãm này, anh có dự định nghệ thuật nào khác chưa?
+ Tháng 9 này, tôi sẽ tham dự một triển lãm nghệ thuật tại Amsterdam (Hà Lan). Đây là triển lãm của các họa sĩ trên toàn châu Âu diễn ra hàng năm. Mỗi năm, triển lãm này sẽ tổ chức ở một nước, các nghệ sĩ phải tự liên hệ, bỏ tiền ra đăng ký và đem tranh của mình đi triển lãm. Tôi đã từng tham gia triển lãm này một lần, khi nó được tổ chức tại Thụy Sỹ.
- Xin cảm ơn họa sĩ Công Quốc Hà!