Hiểu và dùng đúng tên gọi của người Mông
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam, có ba cách viết tên gọi của người Mông là H'mông, H'Mông) và Mông với hai cách đọc là Hơ Mông và Mông. Có bài viết, bài nói dùng cả hai, thậm chí dùng cả Hmong của tiếng Anh. Các cách viết đọc trên có từ đâu, việc dùng chúng lợi hại ra sao, có nên thống nhất một cách không và nên chọn cách nào?
Năm 1979, trên cơ sở điều tra, nghiên cứu của Viện Dân tộc học, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê Việt Nam ban hành "Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam". Trong danh mục này, tên dân tộc trước đó gọi là Mèo có tên mới là Hmông. Tên này được coi là tên tự gọi của người Mèo, ghi bằng chữ Mèo được xây dựng năm 1961 là Hmôngz, được Việt hóa khi chuyển sang tiếng Việt cho người Việt viết và đọc là Hmông (bỏ chữ z).
Điều trớ trêu là, khi thực hiện một nguyên tắc trong việc xác minh thành phần dân tộc là tôn trọng tên tự gọi của đồng bào, Viện Dân tộc học đã tiếp nhận một cách máy móc cách ghi tên gọi bằng chữ của người Mông mà không biết rằng trong tên gọi Hmông, phụ âm Hm viết theo ký âm ngôn ngữ học quốc tế, trong đó chữ H là âm câm. Có nhà ngôn ngữ học gọi đó là âm môi - môi, phát như m trong tiếng Việt nhưng nhẹ hơn.
Với đa số người Mông, Mông là tên gọi gần gũi nhất với tên gọi đúng của họ, còn "Hơ Mông" là một tên gọi sai, xa lạ và vô nghĩa. Người thật thà thì nói: Mình là người Mông chứ không phải là người Hơ Mông đâu. Người thích đùa thì nói: "Ui, mình có phải con mèo ngồi bếp lửa đâu mà hơ mông"," Hơ mông thì cháy mông đấy, mình không thích đâu ... Với một số người Việt, tên gọi Hơ Mông dễ gây cười. Có người còn tếu táo làm câu đối: "Cô gái Hơ Mông bên bếp lửa/ Chàng trai Mường Tè xuống chợ xa"…
Giới nghiên cứu và truyền thông cũng lúng túng. Người nghiêm túc như nhà nghiên cứu văn học - dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, khi làm luận văn và viết sách Những đỉnh núi du ca, nói dù biết tên Mông là đúng, nhưng vẫn dùng tên H'Mông, bởi đó là qui định của nhà nước! (Sách này rất nổi tiếng, đã tái bản, giới truyền thông viết về người Mông, chắc không ít người dùng theo tác giả). Người vui tính, vô tư thì bảo: "Ôi dào, ngôn ngữ chỉ là qui ước, Mông hay H'Mông cũng chỉ là một dân tộc thôi. Vả lại, người Việt ta có thói tùy tiện, ai dùng thế nào chả được!". Có lẽ vì thế, có những bài viết, bài nói dùng cả tên Mông và H'mông hay Hơ Mông, thậm chí Hmong.
Dù sao, tình trạng bất nhất đó đã khiến Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa X đã phải có công văn ký ngày 4/12/2001 về việc đề nghị đọc đúng tên và khái niệm về dân tộc, trong đó nêu rõ: "Tên gọi dân tộc Mông, nếu viết bằng chữ phổ thông là ngôn ngữ chính thức của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì viết là dân tộc Mông". Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 12 năm, tình trạng trên vẫn không thay đổi. Có vẻ, nhiều người nghĩ "Người khác dùng, ta cũng dùng, có sao đâu?".
Là một nhà dân tộc học đã từng có vài năm nghiên cứu văn hóa Mông, có nhiều kỷ niệm tốt đẹp với người Mông, tôi xin có ý kiến sau:
1- Các nhà khoa học và nhà quản lý cũng có lúc sai lầm, nhưng chúng ta cần và có thể sửa sai cho họ.
2- Về mặt ngôn ngữ học, tên đúng của người Mông là Mông. Tên gọi người Mông ở Lào, Thái Lan cũng được viết và gọi là Mông trong tiếng Thái, Lào. Ở Mỹ, trong 10 điều nhắc nhở người Mỹ cần biết về văn hóa Mông, ẩm thực và ngôn ngữ Mông thì điều đầu tiên là cách phát âm đúng tên Hmong là Mong (tức Mông). Mỹ là nơi ngoài châu Á có lượng "Mông kiều" lớn nhất.
3- Có thể điều này ít người biết nhưng vô cùng quan trọng: nghĩa gốc của tên gọi Mông là Người. Đó là một tên tự gọi họ hàng với tên tự gọi của nhiều tộc người khác như Miên/Mun (tức Dao), Mol/Muan (tức Mường), Mang (một nhóm Lô Lô), Rman/Rmeng (tức Môn - một tộc người lớn ở Miến Điện)...
Tôi nghĩ, cuộc sống lắm nhọc nhằn và bản tính đầy kiêu hãnh của mình, người Mông muốn là những Con Người nhất. Danh là mệnh. Tên gọi một người mang hồn người đó. Tên tự gọi của một tộc người thể hiện ý thức tự giác tộc người và khẳng định sự tồn tại của tộc người đó. Vì thế, xin mọi người Việt, nhất là người trong giới nghiên cứu và truyền thông, nếu thực sự có cảm tình và hơn nữa, tôn trọng, yêu quí người Mông, hãy trân trọng ý nghĩa sâu sa, cao đẹp của tên gọi Mông bằng cách chỉ dùng cách viết và cách gọi "Mông", tuyệt đối không dùng các cách viết sai khác.