"Hiểm địa văn chương" và "con mắt đọc" Phùng Gia Thế
PGS.TS Phùng Gia Thế là một nhà giáo nhưng từ lâu anh đã được biết đến là một nhà nghiên cứu - phê bình văn học có uy tín với giọng điệu rất riêng. Vừa qua, nhà phê bình Phùng Gia Thế tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu luận - phê bình “Hiểm địa văn chương” được bạn bè văn giới chú ý.
Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - thì “cuốn sách đã trình bày ra được diện mạo của một người phê bình có trách nhiệm”. Còn theo đánh giá của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “Hiểm địa văn chương” đã thể hiện được “con mắt đọc” của Phùng Gia Thế trước dòng chảy của văn học đương đại.
Cuốn tiểu luận - phê bình “Hiểm địa văn chương” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 là tập hợp những tiểu luận, bài viết phê bình của tác giả được viết chủ yếu trong khoảng 3 năm trở lại đây. Cấu trúc cuốn sách gồm có 3 phần, với phần đầu là các tiểu luận mang tính lý luận, tiếp đến là các bài viết giải mã các hiện tượng văn chương và phần cuối những cuộc trò chuyện về văn chương, về nỗi cực nhọc của công việc dạy văn học trong đời sống đương đại.
Buổi giao lưu giới thiệu cuốn Tiểu luận - Phê bình “Hiểm địa văn chương” của nhà phê bình Phùng Gia Thế được Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6) tổ chức có đông đảo nhà văn, nhà phê bình tới dự như: các nhà phê bình văn học Lã Nguyên, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Hoài Nam…; các nhà văn Đỗ Phấn, Phùng Văn Khai, Uông Triều, Nguyễn Tiến Thanh, Trần Thanh Cảnh...
Trong số đó có những nhà văn đã trở thành “đối tượng nghiên cứu” của Phùng Gia Thế trong cuốn sách và có nhiều người từ “đối tượng nghiên cứu” đã trở thành những người bạn văn của anh. Nhà văn Phùng Văn Khai nhận định: “Phùng Gia Thế là cây bút viết phê bình công chính với văn chương!”, còn nhà phê bình Thanh Tâm thì cho rằng nhờ lợi thế vốn là một người sáng tác mà Phùng Gia Thế là một cây bút viết phê bình “luôn giữ được sự chừng mực mà vẫn tung tăng trong văn giới”.
Trước “Hiểm địa văn chương”, nhà phê bình Phùng Gia Thế đã có những đóng góp đáng kể về phê bình được ghi nhận như: “Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam đương đại” (chuyên luận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2016); “Văn học Việt Nam sau 1986 - Phê bình và đối thoại” (tiểu luận phê bình, NXB Văn học, 2016); “Văn học và giới nữ - Một số vấn đề về lý luận và lịch sử” (biên soạn, NXB Thế giới, 2016).
Theo nhận xét của PGS.TS La Khắc Hòa (nhà phê bình văn học Lã Nguyên): “Phùng Gia Thế có điểm mạnh là người nghiên cứu và theo dõi những vấn đề lý thuyết một cách có hệ thống nhưng đồng thời là người sáng tác nên rất am hiểu văn chương, am hiểu công việc của người sáng tác. Chính vì thế anh ấy là một người viết phê bình rất có duyên, đọc rất thú vị. Tôi cho rằng, nền văn học Việt Nam từ 1986 đến nay có nhiều tác giả - tác phẩm quan trọng nhưng vẫn chưa có những bài viết nghiên cứu chuyên sâu, chưa được tiếp cận bài bản. Tôi mừng là hiện nay có những người đọc văn theo hướng chuyên sâu có sức trẻ như Phạm Xuân Thạch, Phùng Gia Thế!”.
Trong cuốn sách mới của mình, nhà phê bình Phùng Gia Thế cũng đã bộc bạch: “Tôi làm nghề dạy học, việc viết phê bình thoạt tiên phục vụ cho công việc cá nhân. Làm phê bình, mỗi người có một thế mạnh riêng, sách vở cũng vậy, có bài dày bài mỏng, ý này ý khác. Cá nhân tôi không mong cầu phê bình phải đi đến đâu, mà chỉ mong muốn nó trở thành tiếng nói song hành và đối thoại lành mạnh với những ấm lạnh của đời sống văn chương đương đại…”.
Có thể nói, với những đóng góp lặng lẽ, công tâm của mình với văn học đương đại, cây bút phê bình Phùng Gia Thế đã trở thành cái tên được định vị bên cạnh dòng chảy của văn học sáng tác, nhất là văn học sau Đổi mới. Nhà giáo, nhà phê bình Phùng Gia Thế không chỉ mong muốn những trang viết của mình là “những đối thoại tử tế” với văn chương đương đại mà nó còn phục vụ tích cực cho những giờ lên lớp của anh trước các sinh viên Văn khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Là người yêu nghề dạy học, Phùng Gia Thế mong muốn truyền tải, muốn tiếp lửa tình yêu văn chương cho các bạn sinh viên sẽ trở thành các thầy cô giáo dạy văn trong tương lai. Đồng thời, anh cũng luôn hi vọng những chia sẻ đầy tính thời sự văn học của mình sẽ giúp các thầy cô tương lai nói được với học trò những điều mới mẻ trong những giờ đứng lớp sau này. Tấm lòng nồng hậu của Phùng Gia Thế với văn chương không chỉ thể hiện trên những trang viết, mà còn ở tấm lòng của người gieo hạt, ươm mầm, chăm bón và đem đến niềm hi vọng vào tình yêu văn chương cho các thế hệ sinh viên ở vùng đất Xuân Hòa (Vĩnh Phúc).