Hài tết có vui?
Nhiều năm trở lại đây, hài Tết đã trở thành "món ăn tinh thần" và được chờ đón với đông đảo khán giả mỗi khi Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, có được nhiều tác phẩm mang đến tiếng cười tích cực, chứa đựng thông điệp nhân văn, sâu sắc vẫn là mong muốn của công chúng yêu hài Tết.
Khác với phim Tết chiếu rạp chỉ phù hợp với một bộ phận khán giả sống ở thành phố hay những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, phim hài phát trên truyền hình hay trên nền tảng số có mức độ "phủ sóng" rộng hơn, nên tiếp cận với đông đảo khán giả hơn. Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thị trường hài Tết năm nay trở lại khá sôi động. Nhiều tác phẩm đã được ê kíp sản xuất hoàn thiện để sẵn sàng tung ra thị trường.
Nhiều năm qua, đạo diễn Bình Trọng được biết đến là người có "thâm niên" trong lĩnh vực sản xuất phim hài Tết. Mỗi năm, các phim hài của anh thường gắn với những câu chuyện, vấn đề có tính thời sự diễn ra trong năm đó. Năm nay, đạo diễn Bình Trọng cho ra mắt khán giả phần tiếp theo của thương hiệu phim hài đã được anh cùng ê kíp xây dựng thành chuỗi phim nhiều năm qua là "Đại gia chân đất số 13" và "Làng ế vợ số 9". Lấy ý tưởng từ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp tràn ngập hiện nay cũng như giấc mơ đổi đời sau một cuộc thi của một số thiếu nữ có nhan sắc, "Đại gia chân đất 13" xoay quanh câu chuyện ông Sự (hay còn gọi là Shark Sự), do NSƯT Quang "tèo" thủ vai đứng ra tổ chức cuộc thi "Miss Bông lúa ngoài biển khơi". Tại cuộc thi này, nạn mua giải diễn ra khá công khai khi Ban giám khảo đưa ra mức giá cho từng danh hiệu. Nhưng vì tất cả các thí sinh đều có quan hệ họ hàng hoặc quen biết với các thành viên Ban giám khảo nên cả 28 thí sinh trong vòng chung kết đều có giải. Vì trót nhận khá nhiều tiền của một thí sinh nên ông Tích (NSND Trung Hiếu thủ vai) nhất mực xin cho thí sinh đó danh hiệu Á hậu 1 nhưng ông Sự không đồng ý. Cực chẳng đã, ông Tích tự tổ chức một cuộc thi hoa hậu riêng và lôi kéo thí sinh sang cuộc thi của mình. Từ đó, một loạt mâu thuẫn nảy sinh giữa ông Tích và ông Sự.
Phim có sự tham gia của những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trung Hiếu, NSND Trần Nhượng, NSƯT Tiến Quang, nghệ sĩ Trà My, Thanh Hương, Bình Trọng Thanh Tú…
"Làng ế vợ 9" lại lấy ý tưởng từ những câu chuyện mang tính thời sự như chương trình từ thiện phá sản do kinh doanh đa cấp, nạn buôn người, cho vay nặng lãi... Vì thế, bộ phim không chỉ mang đến tiếng cười cho những ngày đầu xuân mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ cả tin. Còn "Đại gia rửng mỡ" bộ phim của đạo diễn Dương Ngọc Bảo là câu chuyện xoay quanh hai đại gia có hoàn cảnh trái ngược nhau. Một đại gia nhiều đất cát, sổ đỏ nhưng lại không có tiền mặt. Khi phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã quyết định bán hết đất đai để lấy tiền ăn chơi, hưởng lạc. Đại gia còn lại trẻ tuổi xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Anh giàu lên là nhờ tìm được một lượng vàng lớn trong lúc đi đãi vàng thuê. Nhiều tình tiết hài hước, cười ra nước mắt trong cuộc sống của 2 đại gia này. Phim có sự tham gia của các nghệ sĩ như Hoàng Yến, Chiến Thắng, Đại Mý…
Dịp Tết này, Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long cũng đã kết hợp cùng đạo diễn trẻ Trung Trần cho ra mắt 2 tác phẩm là "Ai là chưởng lễ" và "Thông gia đón Tết". Nếu như "Ai là chưởng lễ" phóng tác nhiều truyện cười trong dân gian thì "Thông gia đón Tết" khai thác đề tài gia đình hiện đại. Hai phim đều quy tụ nhưng diễn viên hài nổi tiếng phía Bắc như NSND Quốc Anh, NSƯT Phú Đôn, Đức Khuê, Tạ Tuấn Minh, Thanh Tú, Thu Hương… Ngoài ra, nhà sản xuất Đinh Trà My cũng kết hợp cùng đạo diễn trẻ Trọng Phúc cho ra mắt bộ phim "Chúng con yêu bố" trên kênh Youtube. Bộ phim xây dựng hình ảnh ông bố yêu con, luôn tự hào về các con nhưng đồng thời cũng vô tình gây áp lực cho các con. Phim có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, Đỗ Kỷ, Bá Anh… Ngoài ra, thị trường hài tết còn có những tác phẩm như "Lộc Xuân 2" của nhà sản xuất Hường Đinh, nghệ sĩ Xuân Nghĩa với "Tết lấy được vợ", nghệ sĩ Hồng Nguyên với "Hồn Trương 4, da cốt thịt lợn".
Thị trường hài Tết phía Nam cũng sôi động với những bộ phim hài như "Cậu Út cậu con Cúc" của nghệ sĩ Huỳnh Lập. Bản thân anh cũng vào vai chính cậu Út với bề ngoài nổi bật cùng tính cách không kém phần quái đản. Sản phẩm không chỉ mang đến tiếng cười thoải mái mà còn chứa đựng thông điệp ý nghĩa nhân văn.
Sau 2 tập Web - drama "Tết này có chồng" của Hồ Bích Trâm đã thu hút được sự quan tâm của khán giả. Hay "Tết đến là về nhà thôi 5" của Thu Trang với việc tập trung khai thác khía cạnh tình cảm gia đình và quê hương. Phim xoay quanh câu chuyện về một gia đình miền Tây Nam bộ đang sửa soạn đón Tết…
Theo đánh giá chung thì năm nay, thị trường hài Tết không sôi động bằng những mùa Tết trước khi dịch bùng phát. Một trong những nguyên nhân là tình hình kinh tế của các nhà sản xuất khó khăn hơn sau đại dịch. Thực tế là lâu nay, các phim hài phát sóng truyền hình hay phát hành trên mạng này thường có sự tài trợ đắc lực của các nhãn hàng, các Mạnh Thường Quân. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này không được dư dả như mọi năm. Nếu như trước đây, các phim hài thường được in thành băng đĩa để bán cho khán giả xem trong dịp Tết. Giờ đây, với sự phát triển của Internet, thị trường băng đĩa nhường chỗ cho công nghệ số. Đó cũng là lý do phim hài Tết tập trung trên các nền tảng xã hội, nổi bật là Youtube.
Có thể nói, lượng phim hài ra mắt năm nay có lẽ vẫn đủ cho công chúng có một cái Tết tinh thần thư giãn, vui tươi. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực của các nhà sản xuất trong điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, điều khán giả mong mỏi nhất vẫn là những sản phẩm hài thật sự chất lượng. Nhìn vào những bộ phim sản xuất năm nay đã thấy các đạo diễn cũng cố gắng khai thác tiếng cười ở nhiều khía cạnh khác nhau. Từ sự lố bịch ở những cuộc thi nhan sắc "ao làng" trong "Đại gia chân đất" hay những cảnh báo cho sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân ít hiểu biết, ham kiếm tiền ở "Làng ế vợ". Có những tác phẩm đã khai thác tình cảm ấm áp của người thân, gia đình... Tuy nhiên, làng hài Tết lâu nay vẫn thiếu vắng những tác phẩm mang đến tiếng cười sâu sắc, giàu ý nghĩa. Vẫn còn đâu đó những phim hài mà người xem phải nhăn mặt vì phản cảm như lạm dụng hotgirl ăn mặc hở hang hay cảnh nóng để câu khách.
Việc cài cắm sản phẩm quảng cáo một cách lộ liễu... Nhiều sản phẩm hài phát hành trên mạng vẫn bị khán giả liệt vào hàng hài nhảm, hài nhạt. Ngoài câu chuyện phim sơ sài, cách làm phim đơn giản, thiếu cẩn thận thì vẫn ngập tràn tình huống hài nhạt nhẽo, vô duyên. Thiếu sự sáng tạo dẫn đến mô típ chọc cười giống nhau. Nếu lấy bối cảnh ở nông thôn thì sẽ là nhân vật với ngoại hình như răng vẩu, nói ngọng, thô kệch. Hài miền Nam thường thiên về giả gái, chọc cười hình thể... Đám trai làng thường được xây dựng theo mô típ ăn không ngồi rồi, tụ tập kéo cánh giữ gái làng, gây gổ đánh nhau… Các đạo diễn, những người sản xuất thì cho biết tình trạng trên bắt nguồn từ việc thiếu kịch bản chất lượng.
Phần lớn kịch bản hài hiện nay vẫn được viết vội vàng trong thời gian ngắn, nội dung khơi khơi dựa vào những sự kiện, vấn đề nảy sinh trong đời sống. Làng hài Việt vẫn thiếu vắng những cây bút viết chuyên nghiệp, sâu sắc.
Mang tiếng cười thư giãn, sảng khoái đến với công chúng đầu năm là mục đích tốt đẹp mà các sản phẩm hài hướng đến. Để có được những tác phẩm hài chất lượng, ý nghĩa không hề dễ dàng. Ranh giới giữa gây cười và sự nhảm nhí cũng rất mong manh. Ngay cả nhiều thương hiệu phim uy tín được sản xuất và có sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi đôi khi cũng vẫn có những chi tiết gây cười phản cảm. Việc thiếu sự kiểm duyệt chặt chẽ trên không gian mạng cũng là một lý do khiến hài kém chất lượng vẫn "nở rộ như nấm sau mưa". Thế nên, khán giả vẫn "khát" những sản phẩm hài đích thực, không hình ảnh phản cảm, không dung tục và mang giá trị nhân văn sâu sắc.