Hai mùa thu đi vào lịch sử

Thứ Năm, 15/09/2022, 18:04

Không biết tự bao giờ, mùa Thu đã trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận của thi ca. Và trong văn chương Việt Nam, mùa Thu Bắc Việt có lẽ là mùa Thu để lại nhiều dấu ấn, phong vị hơn cả. Không phải chỉ vì sự quyến rũ của đất trời mà còn bởi mỗi độ Thu về, trong lòng người Việt lại ngân lên bao cảm xúc yêu thương, thành kính, tự hào về hai mùa Thu đặc biệt mãi mãi đi vào lịch sử, làm nên những dấu ấn không thể phai nhòa. Đó là mùa Thu Tháng 8 năm 1945 và mùa Thu tháng 10 năm 1954.

1.Mùa Thu 1945 là mùa Thu của Cách mạng Tháng 8, khi Việt Minh cướp được chính quyền từ tay đế quốc Nhật Bản, buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Trong khoảng 10 ngày, Chính quyền Việt Minh đã được thiết lập trên hầu hết các tỉnh lỵ ở Việt Nam. Sáng ngày 19 tháng 8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về Nhà hát Lớn Hà Nội, làm nên một cuộc mít tinh lớn chưa từng có trong chiến dịch Tổng khởi nghĩa lịch sử.

Ca khúc "Mười chín tháng 8" của nhạc sĩ Xuân Oanh đã được viết ngay trong dòng người biểu tình và được nhạc sĩ bắt nhịp cho mọi người cùng cất vang tiếng hát: "Mười chín tháng tám, ánh sao tự do đem tới/ Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang san/ Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề/ Mười chín tháng tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam".

mùa thu 2.9.1945, bác hồ đọc bản tuyên ngôn độc lâpj .jpg -0
Mùa Thu 2/9/1945, Bác hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Cách mạng Tháng 8 thành công đã làm nên ngày mùng 2 tháng 9 đi vào lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chủ tịch  trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, mở ra kỷ nguyên của nước Việt Nam mới. Đã có biết bao áng thơ nhạc hào hùng lộng lẫy ghi lại cảm xúc trong thời khắc lịch sử này: "Mắt người sáng láng vàng sao thắm tươi, trán người mái tóc bạc thêm/ Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười" (Người Hà Nội - Nhạc và lời: Nguyễn Đình Thi); "Ôi ngày mười chín, ngày oanh liệt/ Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương/ Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt/ Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương/ Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy/ Là những dòng sông đỏ nhánh cờ/ Chói lọi hoa vàng, sao vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (Vũ Hoàng Chương); “Nắng Ba Đình đầy tia sáng anh linh/ Còn ghi lại trên cỏ hoa đua nở/ Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ/ Tiếng Cha già xen lẫn tiếng hoan hô” (Ba Đình nắng - Vũ Hoàng Địch).

Khi Bác Hồ kính yêu cất tiếng: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", cả biển người đồng thanh dậy sóng: "Rõ!". Nhiều tác phẩm trong các thời kỳ sau vẫn còn nhớ lại khoảnh khắc xúc động thiêng liêng đến nghẹn ngào ấy: "Tháng Tám mùa Thu xanh thẳm/ Mây nhởn nhơ bay/ Hôm nay ngày đẹp lắm/Mây của ta trời thắm của ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!" (Ta đi tới - Tố Hữu); “Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình/ Lời Người Thu năm ấy, màu cờ Thu năm ấy, vẫn đây xanh trời mây” (Hà Nội mùa thu - Nhạc và lời: Vũ Thanh); "Mùa Thu em ơi sao vàng cờ bay/ Trời Thu năm xưa lay động lòng ai" (Em có nghe mùa Thu - Nhạc và lời: Trần Quang Huy).

2.Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quét sạch bóng giặc Pháp trên lãnh thổ miền Bắc. Bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng 10 năm 1954, nhiều đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam theo các ngả đường tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô.

Đúng 15h ngày 10 tháng 10 năm 1954, hàng vạn người dân Hà Nội dự Lễ thượng kỳ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng tung bay tại Cột cờ Hà Nội.

Ca khúc "Tiến về Hà Nội "được nhạc sĩ Văn Cao viết từ năm 1949 bằng một niềm tin son sắt và mãnh liệt, một tình yêu Tổ quốc cháy bỏng thiết tha, đến lúc này mới được vang lên trên mọi ngả đường: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát/ Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh/ Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên".

Nhà thơ Tố Hữu trong mùa Thu tháng 10 lại nhớ về mùa Thu tháng 8 năm xưa với niềm xúc động khôn nguôi: "Đã tan tác những bóng thù hắc ám/ Đã sáng lại trời Thu tháng Tám/ Trên đường ta về lại Thủ đô/ Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ" (Ta đi tới). Cả một cuộc hồi sinh đang kéo tới, cả một thời đại mới đang ùa về: "Mùa Thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời Thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha/ Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa/ Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).

Bao đau thương như đã qua đi, từng sự sống mới mẻ đang được nhóm lên, được sinh sôi, lịch sử đã thực sự sang trang: "Mẹ ơi lau nước mắt/ Làng ta giặc chạy rồi/ Tre làng ta lại mọc/ Chuối làng ta xanh chồi/ Trâu ta ra bãi ra đồi/ Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa/ Các em ơi đã học chưa?/ Các anh dựng cho em trường mới nữa/ Chúng nó chẳng còn mong dội lửa/ Trường của em đứng giữa đồi quang/ Tiếng các em thánh thót quanh làng" (Tố Hữu).

mùa thu 1954- thủ đô hà nội được giải phóng. nhân dân hà nội vui mừng chào đón đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô.jpg -0
Mùa Thu 1954- Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Nhân dân Hà Nội vui mừng chào đón đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô.

Trong một cảm xúc trào dâng, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã viết bài thơ "Cảm xúc tháng Mười" với một lối so sánh độc đáo ngay từ những câu thơ mở đầu tác phẩm: "Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em không khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường". Cũng như Tố Hữu, nhà thơ Tạ Hữu Yên dành những câu thơ thiết tha cho người mẹ, người phụ nữ chịu bao hy sinh thầm lặng trong những tháng năm đằng đẵng chờ chồng chờ con: Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thầm gọi các con/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn".

Bài thơ của Tạ Hữu Yên đã được nhạc sĩ Nguyễn Thành phổ nhạc thành ca khúc cùng tên nổi tiếng, như một sự chắp cánh cho tác phẩm lan tỏa mạnh mẽ để mỗi khi đến tháng 10 là giai điệu ấy lại vọng về trong mỗi chúng ta: "Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm/ Tháng Mười ấy là khúc ca xanh/ Khúc ca mở những chiến công đầy/ Ôi Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội/ Nghìn năm vẫn một trái tim này".

3.Còn một tác phẩm rất đặc biệt nữa về hai mùa Thu lịch sử mà tôi muốn nhắc đến trong phần kết của bài viết này. Đó là bài thơ "Mùa Thu tôi yêu", được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được gửi về Hà Nội một cách rất đặc biệt, theo lời tác giả kể lại, là để trong "cát tút pháo 37 hai nòng". Và rồi khi bài thơ được in, một quyển "Văn nghệ quân đội" đã được thả vào trận địa giữa tiếng bom đạn, khét lẹt mùi thuốc súng.

Khi cha mẹ Hoàng Nhuận Cầm nghe có tin đồn con trai mình đã hy sinh, hai ông bà vội vã đạp xe đến gia đình một người bạn của con để hỏi thăm cho đích xác. Trên đường về, hai ông bà phải trú mưa dưới một mái hiên ven đường. Bỗng đâu trong một chiếc đài của ngôi nhà gần đó vang lên giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam: "Con chim trắng tự do ơi/ Mùa Thu ấy có bao người hồi sinh/ Tôi thầm kêu: Hồ Chí Minh/ Tiếng tôi bay đến Ba Đình trong mơ/ Mùa Thu ấy có ai đưa/ Vào trong máu với trong thơ triệu người...". Bà mẹ nhà thơ nắm chặt tay chồng nghẹn ngào: "Là bài thơ Mùa thu tôi yêu của thằng Cầm đấy! Thằng Cầm chưa chết. Thằng Cầm vẫn còn sống ông ơi!".

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng đã đi xa hơn một năm. Nhưng bài thơ của anh, những câu thơ mùa Thu anh viết sẽ còn sống mãi trong lòng tôi mỗi dịp thu về, sống mãi cùng những mùa thu lịch sử của dân tộc: "Mùa Thu mây tóc Bác Hồ/ Mùa Thu quả bưởi hương đưa ngọt ngào/ Mùa Thu tục ngữ ca dao/ Mùa Thu tôi tự khi nào đã yêu"

Đỗ Anh Vũ
.
.