Giới trẻ hát lên khát vọng non sông

Thứ Hai, 09/05/2022, 09:42

Nếu nhìn vào những cơn sốt trên mạng, thì nhạc trẻ Việt Nam chỉ có những ca khúc vui nhộn và dễ dãi, kiểu như “Rồi tới luôn”, “Đế vương”, “Đi đu đưa đi” hoặc “Ai chung tình được mãi”... Thế nhưng, có một dòng ca khúc khác được giới trẻ yêu thích, lại hát lên khát vọng non sông thời hội nhập.

Cảm hứng tự hào dân tộc có lẽ đã được phản ánh đầy đủ âm sắc qua các sáng tác của Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Minh Tuấn... Thế nhưng, giới trẻ hôm nay lại có cách riêng của họ để cất cao tiếng hát mang khát vọng về con người và đất nước Việt Nam.

Nhạc sĩ Lê Quang có nhiều bản tình ca được giới trẻ yêu thích như “Đi về nơi xa”, “Miền cát trắng”, “Mùa thu dưới mưa”... Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Quang cũng có những ca khúc đầy kiêu hãnh về dân tộc Việt Nam như “4.000 năm rực rỡ gấm hoa”, “Dân nước Nam”.“Đất Việt tiếng vọng ngàn đời” hoặc “Bản hùng ca chim Lạc”... Nổi bật nhất trong mảng đề tài tự hào dân tộc của nhạc sĩ Lê Quang là ca khúc "Dòng máu Lạc Hồng” do ca sĩ Đan Trường thể hiện. Có một lượng fan đông đảo, ca sĩ Đan Trường khi mang ca khúc “Dòng máu Lạc Hồng” lên sân khấu, lập tức trở thành một hiện tượng.

ca sĩ đan trương.jpg -0
Ca sĩ Đan Trường được yêu thích với bài hát “Dòng máu Lạc Hồng”.

Ca khúc “Dòng máu Lạc Hồng” có ca từ vang vọng: "Dòng máu Lạc Hồng, bốn nghìn năm/ Dòng máu đỏ tươi chảy trong tim mình/ Nòi giống Lạc Hồng, giống rồng tiên nguyện ôm bao đời đất mẹ/ Nhịp trống hào hùng, mãi còn vang, bao lớp người đi ra nơi biên thùy/ Hình bóng mẹ già, đứng đợi con, tạc vào sử sách”.

Ca sĩ Đan Trường cho biết, ca khúc “Dòng máu Lạc Hồng” là một trong những bài hát mà anh được yêu cầu biểu diễn nhiều lần nhất trong một thập niên qua. Ca sĩ Đan Trường thổ lộ: “Trước đây, tôi cứ nghĩ giới trẻ chỉ thích nhạc tình. Thế nhưng, mỗi khi hát “Dòng máu Lạc Hồng” thì tôi còn được lứa tuổi hai mươi tán thưởng nồng nhiệt hơn. Ngay cả khán giả hải ngoại cũng thường yêu cầu tôi hát “Dòng máu Lạc Hồng” mỗi khi có show phục vụ kiều bào ở Mỹ”.

Chọn một cách nói nhẹ nhàng hơn, nhạc sĩ Đức Trí kết hợp với nhạc sĩ Hà Quang Minh sáng tác ca khúc “Thương ca tiếng Việt” để gửi gắm tình cảm trân trọng hồn thiêng sông núi. Ca khúc “Thương ca tiếng Việt” được ca sĩ Mỹ Tâm thu âm, nhanh chóng lan tỏa vào đời sống nghệ thuật: “Tiếng Việt ru bên nôi/ Tiếng mẹ thương vô bờ/ Đưa con vào đời bằng vần thơ/ Những cánh cò bay rợp mộng mơ/ Tiếng Việt cha dạy con/ Những chiều bay cánh diều/ Câu đồng dao bên bạn quen/ Cho con nhìn quê mình tình yêu Tiếng Việt trong bài thơ/ Có người xưa chinh phụ/ Ngồi mỏi mòn đợi chờ chinh phu/ Hóa đá rồi lời ca vẫn còn/ Tiếng Việt còn trong mỗi người/ Người Việt còn thì còn nước non/ Giữ tiếng Việt như ngày nào/ Hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau/ Tiếng Việt còn trong mỗi người/ Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn/ Giữ tiếng Việt cho nối đời/ Lời quê hương ấy lời sắt son”.

Dù chưa đạt đẳng cấp ngôi sao như ca sĩ Đan Trường hay ca sĩ Mỹ Tâm, nhưng ca sĩ Phan Đinh Tùng cũng là một tên tuổi được giới trẻ ưa chuộng. Đáng chú ý, ca sĩ Phan Đinh Tùng có một bài hát “ruột” là “Hào khí Việt Nam”. Trên các diễn đàn âm nhạc, nhắc đến ca sĩ Phan Đinh Tùng, công chúng luôn nhắc ca khúc “Hào khí Việt Nam” tưng bừng: “Việt Nam ơi, giống hùng thiêng, ngàn năm lưu danh sử sách/ Mẹ Âu Cơ, bố Lạc Long Quân, cùng trăm con, xây cơ đồ/ Thời gian qua, đỏ thắm đời ông cha, dựng xây giữ yên bờ cõi/ Để hôm nay, con cháu cùng hoan ca, đất nước thanh bình, rực rỡ gấm hoa”.

ca sĩ my tam.jpg -0
Ca sĩ Mỹ Tâm thành công cùng bài hát “Thương ca tiếng Việt”.

Người sáng tác ca khúc “Hào khí Việt Nam” cho ca sĩ Phan Đinh Tùng là nhạc sĩ trẻ Holy Thắng. Sinh năm 1988, Holy Thắng là đạo diễn phim được đào tạo bài bản. Thế nhưng, một lần cao hứng, đã giúp Holy Thắng có được ca khúc “Hào khí Việt Nam” lay động người nghe: “Triều Tây Sơn, áo bạc vai, rừng thiêng sắc son thề ước/ Thành Thăng Long, mãi còn bay xa, thời gian qua, thắm oai hùng/ Nhà Nam ta, đất với trời bao la, tuyệt nhiên thiên thư còn đó/ Giặc bao phen khiếp vía/ Đất nước ngoan cường, một dải gấm hoa/ Đinh, Lý, Trần, Lê ơi! Nguyện xin khắc ghi đời đời/ Xương máu rồng tiên ơi! Còn đây kiên trung bất khuất/ Như sóng biển Đông kia, ngàn năm mãi luôn lưu truyền/ Hào khí trời Nam ta, rạng ngời sắc son Việt Nam”.

Ngoài ca khúc “Hào Khí Việt Nam”, nhạc sĩ trẻ Holy Thắng còn có hai ca khúc có phong cách tương tự là “Hiển vinh Lạc Hồn” và “Việt Nam ơi, ngẩng cao đầu”.

Cùng tuổi với Holy Thắng, nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng cũng gây thú vị cho khán giả khi tự mình mang lên sàn diễn ca khúc “Lá cờ” và giành được giải thưởng Bài Hát Việt. Ca khúc “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng còn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam vinh danh vì thể hiện được sự tiếp nối truyền thống yêu nước.

Viết theo thể loại country rock, ca khúc “Lá cờ” bày tỏ tình cảm trân trọng: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì/ Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha/ Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Không biết bo bo là gì/ Chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ/ Chuyện của cha tôi/ Là những giấc mơ dở dang/ Là xếp bút nghiên chiến đấu/ Vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người/ Chuyện của mẹ tôi/ Là cất tiếng ca cho đời/ Là đến những nơi xa xôi/ Với những con người cài ngôi sao vàng trên mũ/ Một thời chiến đấu, cha tôi anh hùng/ Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang/ Thì vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom”.

Có cảm hứng gần giống “Lá cờ”, nhạc sĩ trẻ Phạm Hồng Biển có ca khúc “Giai điệu tự hào” bày tỏ niềm kiêu hãnh của công dân khi nghe và hát quốc ca: “Từ ngày đầu bi bô tập nói, mẹ đã dạy cho con giai điệu tự hào/ Bài hát vang lên con ngây thơ chưa hiểu gì/ Rồi ngày tháng con đeo màu khăn quàng đỏ, tự hào giọng hát cất lên/ Bài hát oai hùng, bài hát từ triệu con tim/ “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường ghập ghềnh xa"/ Bài hát ấy vang trong tim con/ Bài hát ấy làm con mạnh mẽ phi thường/ Bài hát ấy khiến con rưng rung/ Khi đứng dưới cờ đỏ sao vàng/ Bài hát ấy con nghe hôm nay/ Là điều tuyệt vời thiêng liêng của cả dân tộc/ Cùng triệu người ngân vang câu ca/ Nước non Việt Nam ta, vững bền”.

Nếu như nhạc sĩ trẻ Holy Thắng và nhạc sĩ trẻ Phạm Hồng Biển hát về Tổ quốc gần gũi, thì nhạc sĩ trẻ Minh Beta lại hát về Tổ quốc bằng trái tim của một đứa con cách xa. Khi sang Mỹ du học, nhạc sĩ Minh Beta đã ngoảnh lại quê nhà để sáng tác ca khúc “Việt Nam ơi” thật đắm say, thật cồn cào: “Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi/ Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi/ Bước giữa nắng tràn/ Đường phố nơi tôi ở/ Từ thơ bé đã quen/ Giữa đất nước này/ Niềm tin luôn căng tràn/ Đừng lo lắng, cười lên/ Và gió qua tán cây/ Hòa trong tiếng trẻ thơ đùa vui cười/ Và nắng trên lá reo/ Ngày xanh tươi sáng/ Việt Nam ơi”.

Nhạc sĩ trẻ Minh Beta, tên thật Bùi Quang Minh sinh năm 1983, thổ lộ: “Tôi viết ra thành bài hát để thể hiện tình cảm với quê hương đất nước, tự nhắc nhở bản thân, cũng như muốn mọi người có tinh thần tích cực hơn với quê hương đất nước mình, dù mọi việc vẫn còn khó khăn phía trước”. Trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, giai điệu “Việt Nam ơi” được viết lời mới thành ca khúc “Việt Nam ơi, đánh bay COVID” rất thịnh hành. Tuy nhiên, vẻ đẹp của ca khúc “Việt Nam ơi” nguyên bản mới mang thông điệp mà nhạc sĩ trẻ Minh Beta muốn dâng tặng nơi chôn nhau cắt rốn: “Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa/ Về nơi nhà cao, xe giăng phố/ Hòa một niềm tin reo ca/ Từ nơi đảo xa mênh mông sóng/ Về nơi đồi cao bay mây trắng/ Một vòng tay nối tròn Việt Nam/ Bao la đất trời, quê hương xanh ngời/ Xòe tay đón nắng mai cười trong mắt/ Bao nhiêu con người chung tay xây đời/ Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi”.

Gia quan
.
.