Gìn giữ di sản vô giá nghìn năm tuổi
Vừa qua, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cuốn sách "Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật" của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã chính thức ra mắt. Theo chia sẻ của tác giả Bùi Trọng Hiền thì: "Đây là công trình nghiên cứu kéo dài 9 năm ròng rã vật lộn với kho tư liệu của thể loại âm nhạc nghìn năm tuổi, đồng thời cũng kết thúc một thời đoạn "ăn Ả đào, ngủ Ả đào và thức dậy cùng Ả đào" của tôi...".
Loại hình nghệ thuật "hiểm hóc" gây bất ngờ
Lâu nay, khi nói đến hát Ả đào (hay còn được gọi bằng các tên: Ca trù, Cô đầu, Hát cửa đình, Hát cửa quyền…) người ta thường nghĩ đến "nhà hát Cô đầu" cùng những thú vui hưởng lạc được xem là tàn dư của chế độ phong kiến những năm đầu thế kỷ XX. Nửa sau của thế kỷ XX, cùng với sự biến động của lịch sử, bộ môn nghệ thuật này dần bị mai một và gần như biến mất khỏi đời sống.
Đến năm 1983, bài "Tỳ bà hành" do nghệ nhân Quách Thị Hồ thể hiện trong đĩa hát mà giáo sư Trần Văn Khê đã về Việt Nam thu âm vào năm 1976 được bình chọn là 1 trong 9 tiết mục xuất sắc nhất trong "Diễn đàn âm nhạc châu Á" tại Bình Nhưỡng, lúc đó thế giới mới biết đến và kinh ngạc trước loại hình âm nhạc độc đáo này của Việt Nam. Cho đến khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2009, ca trù mới được hồi sinh với nhiều hoạt động truyền dạy, biểu diễn, xây dựng lại các câu lạc bộ ca trù ở các địa phương. Đặc biệt là, kể từ cuộc Liên hoan Ca trù lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005, sau đó là các năm 2014 và 2018, Liên hoan Ca trù Hà Nội cũng đã được tổ chức 3 lần đã khiến công chúng phần nào hiểu hơn về loại hình nghệ thuật cổ xưa, đặc biệt và... hiểm hóc này.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền vốn được biết đến là người có nhiều cống hiến quan trọng trong việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu một số loại hình âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong hành trình trên 30 năm nghiên cứu, tìm tòi và khám phá những ngóc ngách bí ẩn của lịch sử âm nhạc dân tộc, anh đã có nhiều đóng góp đáng kể đặc biệt là với Cồng chiêng Tây Nguyên và Ả đào - hai loại hình âm nhạc đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Trước "Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật", nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từng xuất bản cuốn sách chuyên khảo "Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên" với những nghiên cứu, tổng kết có tính khoa học và bộ tổng phổ các bản nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đã được ký âm. Công trình này cũng từng khiến giáo sư Trần Văn Khê vô cùng ngạc nhiên và thích thú.
Chia sẻ về mối "duyên nợ với Ả đào", nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, thực ra, từ năm 2005 khi tham gia làm hồ sơ Ca trù để trình UNESCO, anh đã có ý định sẽ nghiên cứu ca trù. Nhưng phải đến sau Liên hoan ca trù năm 2014, anh mới quyết tâm "cơm nắm muối vừng" đi nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản, công phu, kỹ lưỡng để hiểu rõ được những âm luật của ca trù.
Anh kể: "Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014 với vai trò là giám khảo, tôi nghe được một số nghệ nhân nhà nghề cuối cùng của ca trù như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức phàn nàn rằng, các nghệ nhân mới ngày nay là "đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ…" hay "đàn không ra cung bậc…" - có nghĩa về mặt chuyên môn, đào kép thời nay đã không nắm bắt được âm luật Ả đào cổ điển. Nhưng sai ở đâu, thế nào mới là đúng thì các cụ lại không nói. Thế là sau đó tôi đặt ra quyết tâm phải tìm hiểu thật ngọn ngành về Ả đào. Tôi nhận ra, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn nhớ được tất cả các thể thức hát cửa đình và ông cũng chính là "người cuối cùng và duy nhất" có thể giải đáp mọi câu hỏi với bao điều cần lý giải về loại hình âm nhạc hiểm hóc này…".
Ngược dòng lịch sử tìm giá trị nghệ thuật
Thế là sau đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Hiền phải chạy đua với thời gian để ghi lại tối đa những kiến thức về Ả đào mà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ còn lưu giữ với quyết tâm đào sâu, đi đến tận cùng, giải mã bằng được mọi bí ẩn trong hệ âm luật của Ả đào để đưa ra ánh sáng khoa học.
Anh tâm sự rằng, cả năm trời anh cứ đi đi về về bằng xe máy giữa Hà Nội và Hải Dương để thu âm, phân tích tư liệu. Mọi thắc mắc, mọi câu hỏi bất chợt lóe lên được anh gạch đầu dòng trên 1 tờ A4, cứ đủ độ nửa trang là anh lại xách ba lô lên đường về Hải Dương hỏi ông, nghe ông lý giải thật cặn kẽ, ngọn ngành.
Mùa hè năm 2015, có những đợt nắng nóng dữ dội, nhiều khi anh phải đi từ lúc 4 giờ sáng để trốn nắng. Có những cơn mưa, mặc vội áo mưa giữa đường sao cho trùm kín máy tính, đồ nghề thu thanh, còn người chịu ướt cũng được. Rồi có những hôm mưa rét đậm như cắt vào da thịt, đến thành phố Hải Dương phải dừng lại cho "trợ lý vợ" xuống chạy tại chỗ vì chân tê cóng mất hết cảm giác... Vượt qua bao ngày tháng gian truân vất vả ấy, cuối cùng, những vấn đề khúc mắc về bộ môn nghệ thuật Ả đào trong quá khứ cũng dần được anh làm sáng tỏ.
Bùi Trọng Hiền tâm sự rằng anh đã "vừa quyết tâm vừa hoang mang" khi bước vào một hành trình vô cùng khổ ải với những ngày tháng đi điền dã liên tục kéo dài cả năm trời và một khối lượng công việc đồ sộ, rối tinh rối mù như một mớ bòng bong. Nhiều lần anh tự trấn an, bụng bảo dạ: "Cứ xông lên đã, cứ đi rồi khắc thấy!", nhưng sau 2 tháng khi đã thực sự đắm chìm vào những tiếng nhạc nghìn năm tuổi, anh mới nhận ra hình như mình đang cưỡi trên... lưng hổ, lang thang vào một khu rừng rậm hoang vu với những vách đá cheo leo hiểm trở, tự vạch từng bụi cây ngọn cỏ, tự vạch từng đoạn lối mòn độc đạo, dò từng bước để tìm cách vén màn sương mờ bí mật về Ả đào.
9 năm qua, có những lúc nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phải ngừng toàn bộ công việc tới cả năm trời vì trước đó đã làm việc quá độ và thức đêm triền miên dẫn đến kiệt sức. Trong 9 năm ấy, anh cũng luôn chia sẻ những phát hiện mới cũng như những khó khăn, khổ ải của công việc cho các đồng nghiệp ở cơ quan và nhận được sự đồng hành, chia sẻ tích cực từ các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Vicas) như: Viện trưởng Từ Thị Loan từng phê duyệt đầu tư kinh phí cho anh xây dựng dự án "Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại Thành phố Hà Nội" năm 2017; Viện trưởng Bùi Hoài Sơn đã đồng hành, cổ vũ, động viên anh trong dự án "Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB Ca trù Hải Phòng" năm 2020. Cả 2 dự án nghiên cứu ứng dụng này đều đã thành công bất ngờ, mở ra một phương pháp tiếp cận mới trong việc hiểu, học nhạc Ả đào cho đào kép thời nay.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết thêm, trong cuộc đời làm nghiên cứu âm nhạc của mình, anh đã nhận được sự chỉ giáo, giúp đỡ của những người thầy lớn như GS. TS Trần Văn Khê, PGS.TS Vũ Nhật Thăng, GS.TS Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan... Niềm vui lớn về việc đứa con tinh thần, trí tuệ được thai nghén trong suốt hơn 9 năm mang tên "Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật" đã "mẹ tròn con vuông" với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền coi đó là thành quả để tri ân tấm lòng của những người thầy đã tin tưởng và kỳ vọng vào mình, đồng thời mong mỏi: "Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa. Vậy hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào… Thông qua cuốn sách này, hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được khuôn vàng thước ngọc của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển. Và như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo toàn nguyên vẹn, đúng nghĩa…".