Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7: Tôn vinh những phát hiện mới

Thứ Sáu, 03/06/2022, 14:34

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 đã chính thức khép lại bằng lễ tổng kết và trao giải vào ngày 24/5 tại TP Hồ Chí Minh. Những tác phẩm được gọi tên ở hạng mục cao nhất đều thể hiện cá tính vượi trội với ngòi bút trẻ giàu thể nghiệm, khai phá.

Ngòi bút khoan sâu vỉa đất của riêng mình

Kéo dài trong ba năm (từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2021), giải thưởng lần này có số lượng tác phẩm dự thi cao nhất trong tất cả các mùa: 511 tác phẩm. Tuy vậy, tương tự mùa giải lần 6, năm nay Ban Giám khảo vẫn chưa tìm ra tác phẩm xuất sắc để trao giải Nhất. Chất lượng các tác phẩm khá ngang tài ngang sức nhưng chưa xuất hiện tác phẩm nào vượt trội hơn hẳn để chiếm trọn 10 điểm. Tại lễ trao giải, "Vụn ký ức" của Yang Phan và "Nửa lời chưa nói" của Duy Ân đồng đoạt giải nhì. Giải ba thuộc về tác phẩm "Vệt sáng của bụi" của Lê Quang Trạng và "Chuồng cọp trên cao" của Nguyễn Thu Hằng. Giải tư thuộc về "Có thú dữ trong thành phố"  của Nguyên Nguyên, "Bảy bảy bốn chín" của Hoàng Công Danh, "Chopin biến mất" của Hiền Trang.

Với chủ đề "Tuổi 20 hôm nay: Cuộc sống và góc nhìn", bảy tác phẩm được trao giải đều xoáy sâu vào hiện thực cuộc sống bề bộn với nhiều trăn trở, lo toan của người trẻ đương đại. Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng Ban giám khảo, điểm nổi trội của các tác giả ở cuộc thi lần này chính là một tinh thần sống kỹ, chuyên chú cho một lựa chọn để khám phá, biểu đạt và sáng tạo thay vì ưu ái xê dịch như những mùa giải trước.

screen shot 2022-06-03 at 14.35.36.jpg -0
Các tác giả đoạt giải “Văn học tuổi 20” lần 7 (hàng trước).

Ông nhận định: "Giờ đây, các cây bút trẻ đã dừng lại, sống kỹ, đào sâu vào "vùng đất" của riêng mình, hiểu theo cả nghĩa địa lý và nghĩa tinh thần. Chỉ có sống kỹ, đào sâu vào vùng sống của riêng mình, do mình lựa chọn, thì mới có khả năng kết tinh và thành tựu. Chúng ta thấy một Hiền Trang thử sức tập trung vào mối quan hệ giữa âm nhạc - một lĩnh vực chuyên biệt của nghệ thuật, của văn hóa - với sự sống vừa huyền vi vừa trần thế của con người. Một Nguyên Nguyên ướm mình vào trải nghiệm tất cả các nghịch cảnh có thể có và khát khao tìm cách thoát ra khỏi các nghịch cảnh ấy: nghịch cảnh của tuổi trẻ, tình yêu, sự cô độc, nỗi đau,… trên tinh thần phản tỉnh. Rồi một Hoàng Công Danh gieo ám ảnh vào lòng độc giả với những câu chuyện về tín ngưỡng, những tập tục của làng quê. Có một Nguyễn Thu Hằng kiên trì những nông nỗi người trong một khung cảnh sinh thái đặc chất đồng bằng Bắc bộ, thì ở không gian đất và người phương Nam, có một Lê Quang Trạng cắm mốc tại đó với lối quan sát và biểu đạt tinh tế, kỹ lưỡng, ân cần. Cả hai đã gặp nhau ở "tiếng lòng": lặng thầm những tình cảm, những khát vọng đổi đời, những hy vọng và thất vọng, những đốm sáng còn lại sau giông bão".

Ở hai tác phẩm đoạt giải cao nhất, tinh thần sống kỹ, khoan sâu vào vỉa đất riêng mình càng thể hiện rõ. "Nửa lời chưa nói" của Duy Ân là tác phẩm độc đáo khai thác cuộc sống từ khía cạnh ngôn ngữ. Cô cho hay: "Ý tưởng ban đầu của tôi đơn giản là muốn viết những mẩu kiến thức thú vị trong đề tài nghiên cứu về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và nhận thức mà tôi đang thực hiện ở Mỹ thành truyện ngắn để mọi người hiểu hơn về ngành học của mình. Nhưng viết được một thời gian, tôi thấy rằng viết về ngôn ngữ cũng chính là viết về con người, vì đây là cách chúng ta bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc".

PGS.TS Nguyễn Thành Thi không ngớt lời ngợi khen: "Người viết truyện và người nghiên cứu ngôn ngữ thường nhập hòa làm một, kể cho bạn đọc nghe những câu chuyện về sự kỳ diệu lẫn giới hạn của ngôn ngữ và giao tiếp bằng ngôn ngữ,… Từ đó, một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, những câu chuyện kéo người đọc dự phần vào trò chơi nhận thức, khám phá về mối quan hệ phức tạp, trừu xuất giữa ngôn ngữ và nhận thức của con người. Tập truyện mang lại một cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hoá. Các câu chuyện của Duy Ân về vấn đề này tự nó làm nên một khác biệt, độc đáo, hầu như chưa mấy ai quan tâm trong văn học Việt Nam, rất thú vị".

"Vụn ký ức" của Yang Phan lại đi sâu vào khái niệm Tự nhận thức. Thông qua cái chết của nhân vật chính, mỗi cá nhân liên đới đều bỗng tự chiêm nghiệm, hành hương trở lại cõi sâu tâm hồn để lục tìm mảnh vụn ký ức. Những mảnh vụn ấy được kết nối để khắc họa nên một con người, qua đó thể hiện những suy ngẫm về con người như một thực thể không ai/ không bao giờ biết hết. Những mảnh vụn chân dung của cá nhân không chỉ cho thấy sự bí ẩn của bản thể mà còn cho thấy tính chất mảnh vụn của ký ức. Yang Phan cho hay đây là tác phẩm hướng nội nhất anh từng viết.

Những hạt mầm triển vọng của văn đàn

Điều đáng quý ở mùa giải lần này là hầu hết tác giả đều rất trẻ, đa phần thuộc thế hệ 9X. Đặc biệt, bên cạnh các tác giả mới dự thi lần đầu còn có những tác giả kiên trì theo con đường viết lách nghiêm túc khi nổi lên từ những mùa giải trước. Đó là Hiền Trang, Nguyễn Dương Quỳnh, Nguyên Nguyên, Mai Thanh Nga, Lê Quang Trạng... Họ đã và đang trên con đường trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Ngòi bút không ngừng được mài giũa và trưởng thành hơn ở những tác phẩm kế tiếp, góp tiếng nói mới mẻ cho văn đàn.

screen shot 2022-06-03 at 14.35.49.jpg -0
Tác giả Yang Phan với tác phẩm “Vụn ký ức” - giải nhì “Văn học tuổi 20” lần 7.

Cũng có người chọn "Văn học tuổi 20" để thử thách bút lực và tìm kiếm một con đường. Trước khi đến với "Văn học tuổi 20", Yang Phan đã có ba cuốn sách được in (gồm "Đánh đổi", "Bẫy", "Ngày buồn sẽ tạm biệt ta mà đi"). Nhưng chàng trai sinh năm 1994 này thừa nhận chỉ đến "Vụn ký ức", anh mới mạnh dạn thử nghiệm và bộc lộ cá tính hơn so với các tác phẩm trước đó. Sự công nhận của Ban Giám khảo dành cho "Vụn ký ức"  giúp anh tự tin hơn trên hành trình văn chương của mình. Yang Phan tâm sự thời gian tới, anh sẽ tiếp tục thử thách mình với những thể nghiệm mới, bước ra vùng an toàn của văn chương để mang đến bất ngờ cho độc giả. 

Bên cạnh những cây bút quen thuộc, có không ít tác giả mới chạm ngõ văn chương nhưng bản thảo nhanh chóng lọt vào vòng chung khảo và đoạt giải cao. Duy Ân là một trong số gương mặt đáng gờm như thế. Không rõ sau "Nửa lời chưa nói", Duy Ân có tiếp tục gắn bó với công việc viết lách không. Tuy nhiên nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: "Có thể có những tác phẩm chỉ "đánh ùm một tiếng rồi thôi", nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng "đánh ùm" đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển".

Nhà văn Phan Hồn Nhiên rất vui mừng khi ở mùa giải lần này, những cá tính cần thiết cho văn học đã hiện ra. Dù tác phẩm được giải hay không, dù giải cao hay thấp, bạn đọc và giới viết đặt nhiều kỳ vọng ở Hiền Trang, Mai Thanh Nga, Lê Quang Trạng, Yang Phan, Nguyên Nguyên, Duy Ân, Hoàng Công Danh... Ngoài sức trẻ, họ khiến các nhà văn gạo cội phải dè chừng và ganh đua khi chọn tri thức làm nền tảng của sức mạnh sáng tác, chọn phá cách làm cảm hứng sáng tạo.

Phong cách viết của họ cũng rất phong phú với cách biểu đạt đa dạng. Theo Ban Giám khảo, bao quát 12 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, có thể hình dung hai kiểu dạng văn chương: một kiểu dạng truyền thống Việt Nam và một kiểu dạng toàn cầu hóa. Kiểu dạng thứ nhất là kết quả của những sống trải, va đập, gắn bó mật thiết với đời sống muôn màu muôn vẻ của chúng sinh ở cả vùng nông thôn lẫn đô thị, ở cả xứ ta lẫn xứ người. Các cây bút đã đứng trong lòng đời sống cần lao thường nhật để cảm nhận, phân tích và cắt nghĩa trạng thái tồn tại của đời sống này. Kiểu dạng văn chương thứ hai ở một số tác giả chủ yếu được cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn. Các tác giả này thạo ngoại ngữ, có một số người đã từng tu nghiệp nhiều năm ở phương Tây, làm chủ một chuyên ngành khoa học nào đó. Họ đã chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo.

Với những gì cây bút trẻ đã thể hiện ở cuộc thi, Ban tổ chức trao gửi niềm tin cậy vào lớp người viết mới đầy nội lực và triển vọng, tin tưởng những thành quả đường dài của họ sẽ đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Mai Quỳnh Nga
.
.