"Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn" lần 5-2024: Truyền cảm hứng sáng tác cho thiếu nhi

Thứ Sáu, 07/06/2024, 08:45

Kết quả “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” lần 5 đã được công bố, lễ trao giải được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/5 với 1 giải “Hiệp sĩ Dế Mèn”, 5 giải “Khát vọng Dế Mèn” và 2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo. Trong khuôn khổ lễ trao giải còn có phần trưng bày những bức tranh tiêu biểu rút ra từ bộ truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” - một chuyển thể đặc sắc từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã đoạt giải thưởng “Khát vọng Dế Mèn” năm nay.

Mùa giải thành công

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 thu hút sự tham gia của 135 tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời gian từ 1/1/2023 - 20/4/2024, đồng thời cũng là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất so với các mùa giải trước. Theo ban tổ chức, các tác phẩm này đến từ hai nguồn: từ các tác giả trực tiếp gửi dự thi và từ đề cử của các NXB, đội ngũ cộng tác viên thân thiết của Báo Thể thao và Văn hóa.

Từ 135 tác phẩm này, qua 2 vòng chấm, Ban Sơ khảo Giải thưởng đã chọn ra top 10 tác phẩm xuất sắc nhất để đưa vào vòng chung khảo với sự góp mặt của những tác giả chuyên nghiệp như Lý Lan, Thái Chí Thanh, Đặng Chương Ngạn, Nguyễn Khắc Cường, Lữ Mai, cho đến những cây bút trẻ mới sáng tác cho thiếu nhi nhưng đã sớm có dấu ấn như May, LinhRab, Lã Thanh Hà... Đặc biệt, được sự đồng thuận của các thành viên, Hội đồng Giám khảo đồng ý đề cử ca khúc “Trăng ơi... từ đâu đến?” (nhạc Thái Chí Thanh, thơ Trần Đăng Khoa) vào danh sách chung khảo.

1.jpg -0
Em Lê Sinh Hùng (14 tuổi, đứng giữa) là một trong 5 tác giả được trao Giải thưởng "Khát vọng Dế Mèn".

Trong số 11 tác phẩm vào chung khảo năm nay, có 5 tập/bộ truyện dài, 1 tập thơ, 1 bộ truyện tranh, 1 bản thảo tranh truyện, 1 chùm tranh truyện, 1 ca khúc, 1 series phim hoạt hình. Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - làm Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên khác là họa sĩ Thành Chương; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; PGS.TS nhà phê bình Văn Giá và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa đã chấm điểm, thống nhất trao giải “Hiệp sĩ Dế Mèn” cho nhà văn Lý Lan với “Tự truyện một con heo” (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà.

5 giải “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho các tác phẩm: “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng), “Dưới khung trời ngát xanh” (bản thảo truyện dài của Lữ Mai), “Thư viện kỳ bí” (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi), “Trăng ơi... từ đâu đến?” (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa), “Vương quốc nhỏ bí mật” (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội và Crabit Kidbooks).

2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn gồm có: Chùm sách thiếu nhi trong bộ “Vun đắp tâm hồn” (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm “Bánh mì gối xinh” (Thư Cao vẽ) và “Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới” (Thảo Võ vẽ), “Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò” (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn). Ban tổ chức cũng trao 3 Chứng nhận vào vòng chung khảo Dế Mèn cho các tác phẩm: “Kho báu trong thành phố” (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ), “Mật hiệu OGO” (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng), “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất).

Tôn vinh “Hiệp sĩ Lý Lan”

Sau 5 mùa giải, đây là lần thứ ba “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” tìm được tác giả xứng đáng để phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ Dế Mèn”, nối tiếp những tên tuổi xuất sắc như Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023), đó chính là nhà văn Lý Lan. Theo tiêu chí đã có từ mùa giải đầu tiên, giải “Hiệp sĩ Dế Mèn” là phần thưởng cao quý nhất, được xét “phong tặng” cho những tác giả hoặc là có tác phẩm đặc biệt xuất sắc đến mức xuất chúng, hoặc có tác phẩm nổi bật lọt vào vòng chung khảo, đồng thời có nhiều cống hiến cho thiếu nhi trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình. Với truyện dài đặc sắc “Tự truyện một con heo” lọt vào vòng chung khảo, nhà văn Lý Lan chia sẻ rằng bà tìm kiếm một lớp độc giả thiếu nhi trưởng thành hơn 2 tập truyện trước của bà là “Ngôi nhà trong cỏ” và “Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi”.

Nhà văn Lý Lan lâu nay vẫn được độc giả quen thuộc trong vai trò dịch giả của bộ truyện “Harry Potter” nổi tiếng khắp thế giới. Bắt đầu sự nghiệp văn học từ những năm 1980, nhà văn Lý Lan đã xuất bản hàng chục tác phẩm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn... Tác phẩm “Ngôi nhà trong cỏ” của bà đoạt Giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982-1984), sau đó là tác phẩm như “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”. Ngoài ra, nhiều độc giả còn nhớ những áng văn như “Chuyện của vàng anh” và “Cổng trường mở ra” của bà được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.

Nhà văn Lý Lan tâm niệm: “Thiếu nhi cần sách giải trí như cần đồ chơi, bánh kẹo, còn văn chương là chất dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con người, bồi bổ khả năng cảm thông hay sự thông minh cảm xúc...”. Hội đồng Giám khảo “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” nhận định, với những cống hiến suốt đời cho văn học thiếu nhi, từ “Ngôi nhà trong cỏ” đến “Tự truyện một con heo” cùng nhiều sáng tác, dịch thuật cho thiếu nhi được độc giả yêu thích, nhà văn Lý Lan xứng đáng được tôn vinh với giải thưởng “Hiệp sĩ Dế Mèn”.

Xuất hiện những sáng tạo độc đáo

Có thể thấy, truyền thống của “Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn” là mùa giải nào cũng có được những gương mặt thiếu nhi thực sự xuất sắc để vinh danh. Năm nay, “Thư viện kỳ bí” của Lê Sinh Hùng (14 tuổi) là một bất ngờ trong số các tác phẩm của thiếu nhi gửi dự thi. Theo Hội đồng Giám khảo, tác phẩm này hội tụ đầy đủ các yếu tố cho thấy đây là sản phẩm sáng tạo của một bạn nhỏ trong thời hiện đại. Bên cạnh phần truyện, Lê Sinh Hùng cũng tự vẽ minh họa và tô màu cho tác phẩm của mình với phần tranh vẽ phục vụ đắc lực cho phần chữ. Bản thảo “Thư viện kỳ bí” đã được chuyển thể kịch bản và dàn dựng thành vở diễn trên sân khấu nhà trường.

Một trong 5 giải “Khát vọng Dế Mèn" gây được chú ý năm nay là tác phẩm "Trăng ơi... từ đâu đến?" - một bài thơ ra đời từ nửa thế kỷ trước, từng được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc rất thành công, nhưng sau hơn 50 năm lại được một nhà văn cũng không còn trẻ nữa là Thái Chí Thanh phổ nhạc lại và khiến chính tác giả gốc của nó - nhà thơ Trần Đăng Khoa - cũng hết sức ngỡ ngàng.

Một tác phẩm gây ngạc nhiên nữa là “Cuộc phiêu lưu của Dế Út” (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng) - một chuyển thể từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Sau 7 năm miệt mài, họa sĩ LinhRab đã tái hiện thành công hành trình trưởng thành của Dế Út (lấy nguyên mẫu từ Dế Mèn) và dựng lên một thế giới tự nhiên vừa quen thuộc, lại vừa có nét hiện đại, gần gũi với các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Bộ truyện tranh này đã sáng tạo dựa vào cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, nhưng tác giả không đơn thuần là chuyển thể sang tranh. Nếu chỉ chuyển thể dựa theo nguyên bản tác phẩm thì cùng lắm cũng chỉ là cái bóng mờ của tác phẩm. Nhưng, LinhRab còn mở rộng thêm, đưa đời sống mới vào tác phẩm, vì thế rất sinh động. Bộ truyện tranh này là gợi ý cho ta về việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn tác phẩm bằng cách phát triển nó, bổ sung nó, đặt nó trong sự phát triển của đời sống, của tư duy sáng tạo...”.

 Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa

2.jpg -0

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn ra đời cách đây 5 năm chính là nhằm tìm kiếm những luồng gió mới trong sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi. Một mùa giải Dế Mèn thứ 5 đã mở ra với 135 tác phẩm dự giải, đã có 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo để chọn ra những gương mặt, những giải thưởng xứng đáng. Đó chưa phải là bức tranh toàn cảnh về nền nghệ thuật thiếu nhi trong năm qua, nhưng là tất cả những nỗ lực của chúng tôi để truyền cảm hứng xem - nghe - đọc cho trẻ em và cho cả những ai từng là trẻ em. Mùa giải Dế Mèn năm nay có nhiều sự tươi mới và “chất đương đại” của đời sống hôm nay. Đây vẫn luôn là điều cần thiết để hấp dẫn công chúng - đặc biệt là công chúng trẻ em - đến với văn hóa nghệ thuật, cho dù chúng ta vẫn rất yêu quý kinh điển và không ngừng quảng bá những giá trị bất biến đó đến với các thế hệ người đọc, người xem.

Nguyệt Hà
.
.