Giải thưởng sân khấu 2022: Những nỗ lực của tình yêu sân khấu

Thứ Sáu, 03/03/2023, 08:49

Giải thưởng sân khấu 2022 được trao cho 37 tác phẩm, đó cũng là con số bội thu cho một năm 2022 nhiều nỗ lực của ngành sân khấu sau 2 năm COVID. Nhưng liệu giải thưởng được vinh danh có phản ảnh đúng thực trạng của nền sân khấu nước nhà.

Khát vọng làm nghề

Có thể nói, sau đại dịch, năm 2022 là một năm ấn tượng của ngành sân khấu. Chỉ trong vòng 9 tháng, kể từ khi sân khấu được phép hoạt động trở tại đã diễn ra 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu, trong đó có 2 cuộc thi quốc tế và 7 cuộc tổ chức với quy mô toàn quốc. Lần này, hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập đều có tác phẩm tham dự liên hoan ở nhiều loại hình như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, xiếc và sân khấu thử nghiệm.

untitled-4.jpg -0
Vở “Mưa đỏ” của Nhà hát kịch Quân đội được trao giải A.

Sự nở rộ của các tác phẩm sân khấu sau hai năm đóng băng cho thấy khát vọng làm nghề của những người yêu sân khấu vẫn còn rất mãnh liệt. Giải thưởng sân khấu đã chọn mặt gửi vàng cho nhiều tác phẩm, trong đó giải A được trao cho vở cải lương "Đất liền và biển cả" (Đoàn Cải lương Hải Phòng); kịch nói "Mưa đỏ" (Nhà hát Kịch nói Quân đội); chèo "Đất liền và biển cả" (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa) và vở bài chòi "Cô Thần" (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định).

Trước đó, vở "Mưa đỏ" đã nhận Huy chương Vàng cho vở diễn cùng với 2 giải Bạc, 1 giải Vàng cho diễn viên tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô, hai vở "Đất liền và biển cả'' cũng giành giải Xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc và Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, vở bài chòi "Cô Thần" cũng được trao nhiều giải thưởng cá nhân tại Liên hoan Tuồng và Ca kịch toàn quốc năm 2022.

Ban tổ chức cũng trao 4 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc, gồm: Giải Họa sĩ xuất sắc cho NSƯT Nguyễn Đạt Tăng (Hà Nội); Giải đạo diễn xuất sắc cho NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Nhà hát Kịch Việt Nam, Giải biên đạo múa xuất sắc cho nghệ sĩ Hoài Anh (Nhà hát Chèo Hà Nội); Giải Nhạc sĩ xuất sắc cho NSƯT Tuấn Hải (Nhà hát Chèo Việt Nam).

Những vở diễn xuất sắc và những giải thưởng cá nhân một lần nữa khẳng định sự nỗ lực vượt qua gian khó của ngành sân khấu nước nhà vốn đang bị trì trệ sau đại dịch. Tổng kết giải thưởng, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương nhận định: "Nghệ thuật sân khấu năm 2022 đã có sự chuyển mình, sôi động, tiến bộ về mọi mặt. Chất lượng nghệ thuật của nhiều tác phẩm sân khấu được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, từng bước đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của khán giả, hoàn thành sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ sau đại dịch COVID - 19. Trong năm qua, sân khấu đã xuất hiện một số tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Đồng thời đã xuất hiện những ngôi sao mới trong lực lượng sáng tạo nghệ thuật sân khấu, điển hình là đội ngũ đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn thuộc các loại hình nghệ thuật. Đây là tín hiệu đáng mừng, có thể dần dần bù đắp phần nào sự khủng hoảng trong lực lượng sáng tạo đã trở thành căn bệnh trầm kha của nghệ thuật sân khấu nhiều năm qua".

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, một gương mặt vàng của làng cải lương Việt Nam chia sẻ về những khó khăn mà sân khấu, đặc biệt là cải lương mà đang phải đối mặt. Đối với chị, giải thưởng là một cách khích lệ, động viên người nghệ sĩ, nhất là trong thời điểm khó khăn này. Chị chia sẻ: "Giải thưởng là niềm khích lệ, động viên các nghệ sĩ nuôi dưỡng tình yêu của mình. Những nghệ sĩ như chúng tôi làm việc và cống hiến không phải vì giải thưởng, nhưng sự ghi nhận đó sẽ giúp họ vững tin hơn trên con đường chông gai này, nhất là trong thời điểm sân khấu, đặc biệt là cải lương gặp vô vàn khó khăn".

Lần này, vở "Đất liền và biển cả" do NSND Quỳnh Mai đạo diễn giành giải A. Năm 2022, chị có 3 vở diễn được vinh danh: "Đất liền và biển cả", "Bất tử với Thăng Long" và "Vua Thánh triều Lê". Với NSND Hoàng Quỳnh Mai, đứng sau thành công của các nghệ sĩ là hạnh phúc của chị, khi sân khấu luôn được giữ lửa và có sự tiếp nối của thế hệ trẻ.

Những rào cản của ngành sân khấu

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đối với các tác phẩm sân khấu sau mỗi cuộc thi là làm thế nào để tác phẩm đến được với khán giả. Vì chỉ có đến được với khán giả, tác phẩm mới có đời sống. Số lượng vở diễn và huy chương tại các kỳ liên hoan trong năm nay tính đến hàng trăm, nếu chỉ nhìn vào giải thưởng, chúng ta thấy rằng, nghệ thuật sân khấu đang phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu. Nhưng tình trạng thi xong mang đi diễn không có khán giả đành cất kho vẫn khá phổ biến. Đây cũng là nỗi trăn trở chung của những người làm nghề. Điều này đặt ra câu hỏi, vì sao tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao lại chưa chạm đến khán giả. Phải chăng, có sự chênh lệch giữa khả năng thưởng thức của khán giả, sân khấu mới chỉ đưa ra những thứ mình có chứ chưa phải là thứ khán giả cần.

Chính NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu cũng trăn trở: "Phải chăng nhiều đơn vị nghệ thuật đang đưa ra công chúng những sản phẩm nghệ thuật mà đơn vị có chứ chưa phải là những sản phẩm mà khán giả cần? Phải chăng đội ngũ sáng tạo chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cổng về nhận thức và tâm hồn của khán giả ngày hôm nay?".

cảnh trong vở cải lương đất liền và biển cả dành giải a.jpg -0
Cảnh trong vở cải lương “Đất liền và biển cả” của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Các tác phẩm dự thi được giải thưởng chủ yếu làm về đề tài lịch sử, chiến tranh, những câu chuyện khá cũ và mang tính an toàn, vì thế rất khó tiếp cận khán giả. Đây là một vấn đề khó khăn của ngành sân khấu, đỏ mắt đi tìm kịch bản. Chúng ta luôn mơ ước có một Lưu Quang Vũ mới xuất hiện trong thời đại hôm nay để cứu cánh cho nền sân khấu đương đại. Nhưng tài năng quá hiếm. Các tác phẩm sân khấu mới, mang hơi thở đương đại, phản ánh những vấn đề nóng của thời đại còn thưa vắng. Đó cũng là một lý do khiến khán giả ít đến rạp vì sân khấu, ngoài việc dàn dựng những tác phẩm kinh điển, nó còn mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, đi vào những đề tài gai góc của thời cuộc, có tính dự báo.

Trong xu hướng nghe nhìn thay đổi, sân khấu không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh rằng, nhu cầu nghe xem của khán giả ngày nay đã khác mà phải tự làm mới mình để thu hút họ. Rõ ràng, ai cũng biết, đối tượng của sân khấu không đại trà. Vây làm sao chinh phục được những khán giả không đại trà đó. NSND Trung Anh từng chia sẻ với tôi về sự xuống cấp của các tác phẩm sân khấu. Nhiều tác phẩm không còn giữ được những giá trị chuẩn mực của nó trong hành trình làm mới, tiếng cười hay nước mắt của sân khấu cũng dễ dãi dần đi.

Vừa qua, nhiều nhà hát đã đổi mới cách tiếp cận khán giả. Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mở kênh Youtube. Hàng loạt các vở diễn và trích đoạn kinh điển của nghệ thuật cải lương Việt Nam sẽ dần được giới thiệu trên nền tảng mảng xã hội dành cho khán giả mến mộ trong và ngoài nước và khán giả mới mẻ của tương lai.

Vở diễn đầu tiên được kênh Youtube của nhà hát giới thiệu mang tên "Hừng đông" của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên cùng các nghệ sĩ tài năng của nhà hát dàn dựng. Đây là một trong hàng loạt các nỗ lực và quyết tâm của Nhà hát Cải lương Việt Nam với hy vọng gìn giữ, phát huy di sản nghệ thuật này trong bối cảnh mới. Đặc biệt, lan tỏa tình yêu cải lương tới giới trẻ và người nước ngoài. Nhà hát Tuổi trẻ cũng tận dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm và có lịch diễn định kỳ hàng tháng. Ngoài ra, có nhiều hình thức, thể loại sân khấu mới được thể nghiệm, như kết hợp xiếc và cải lương, tuồng và nhạc điện tử, để làm mới sân khấu, phát triển sân khấu học đường để đưa sân khấu đến tiếp cận với khán giả nhỏ, đào tạo thế hệ khán giả kế cận.

Có lẽ, đó vẫn là hành trình "dặm dài thiên lý" của ngành sân khấu nước nhà. Giải thưởng chỉ mới dừng lại ở sự động viên, khích lệ tinh thần của người nghệ sĩ, nhưng sau giải thưởng cần rất nhiều chính sách, sự quyết liệt đổi mới của những người yêu sân khấu, mới có thể đưa sân khấu đến gần với công chúng hôm nay.

V. Hà
.
.