Giải thưởng sách quốc gia: Thêm động lực cho người làm sách

Thứ Bảy, 27/11/2021, 16:06

Ngày 12-11 vừa qua, Lễ trao Giải thưởng sách quốc gia lần thứ tư đã trao cho 24 cuốn sách, bộ sách giá trị của những tác giả là nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả... được lựa chọn từ hàng trăm đầu sách xuất bản trong năm qua.

Trong bối cảnh  văn hóa đọc đang bị lấn át bởi các loại hình giải trí khác như hiện nay thì việc những giải thưởng liên quan đến sách được tổ chức khiến nhiều người hy vọng có thể tạo ra động lực đối với người làm sách, đồng thời góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.

Sôi động mùa giải thứ tư

Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Giải thưởng được chấm qua 3 vòng: Sơ khảo, Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia và sách đoạt giải A phải qua phản biện kín. Ban tổ chức trao 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C cho 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi.

Giải thưởng sách quốc gia: Thêm động lực cho người làm sách -0
Các tác giả và đại diện các đơn vị xuất bản nhận giải A - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư.

Chung cuộc, cuốn "Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người" (tác giả Jared Diamond; người dịch: Trần Tiễn Cao Đăng, NXB Thế giới và Công ty CP Sách Omega Việt Nam phối hợp phát hành) và cuốn "Chang hoang dã - Gấu" (lời: Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdung, NXB Kim Đồng phát hành) được trao giải A, mỗi giải thưởng trị giá 100 triệu đồng (giải B: 50 triệu đồng, giải C: 30 triệu đồng).

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư: "Trong điều kiện dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư vẫn được tổ chức, triển khai theo đúng Điều lệ, Quy chế của giải và có những nét mới. Tham dự giải lần này có 47/59 nhà xuất bản tham gia; với 284 bộ sách và tên sách, gồm 365 cuốn với nhiều tác phẩm chất lượng tham dự giải thưởng... Nhìn chung, các cuốn sách tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau.

Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm. Nét nổi bật trong mùa giải lần này là mảng sách thiếu nhi tuy số lượng không nhiều so với các mảng sách khác, nhưng thể loại khá phong phú, chất lượng được đánh giá cao hơn so với những năm trước. Trong mùa giải này, sách Thiếu nhi chiếm 1 giải A, 4 giải B, 2 giải C trong tổng số 25 giải...".

Nhìn bao quát Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư có thể thấy, số lượng sách tham dự giải lần này tập trung nhiều vào các mảng sách nếu xếp theo thứ tự là: Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật (có 74 tên sách và bộ sách, gồm 94 cuốn); Chính trị, Kinh tế (có 64 tên sách và bộ sách gồm 77 cuốn); Khoa học xã hội và Nhân văn (có 62 tên sách và bộ sách gồm 71 cuốn); Khoa học Tự nhiên và Công nghệ (có 57 tên sách và bộ sách gồm 61 cuốn); Thiếu nhi (có 27 tên sách và bộ sách, gồm 62 cuốn).

Hiện tại, 24 tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư năm 2021 đang được trưng bày tại Đường sách TP Hồ Chí Minh để độc giả có thể tiếp cận.Việc trưng bày tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia tại một không gian văn hóa đọc như thế này sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận, biết đến những cuốn sách, công trình nghiên cứu có giá trị, được tuyển chọn kỹ lưỡng. Bên cạnh trưng bày trực quan các tác phẩm đoạt giải từ ngày 16 đến 28-11, mỗi cuốn sách cũng có riêng mã QRcode để độc giả có thể tự tìm đọc thêm thông tin thú vị về tác phẩm.

Tôn vinh người làm sách

 Tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, Giải thưởng luôn có vai trò quan trọng với ngành xuất bản, từ 13 mùa giải Sách Việt Nam cho đến khi nâng lên thành Giải thưởng Sách quốc gia.

"Trước hết, đó là sự tôn vinh với người làm sách gồm tác giả, dịch giả, đội ngũ nhà xuất bản và công ty sách… Bên cạnh đó, giải thưởng góp phần tôn vinh giá trị của cuốn sách, làm cho giá trị những cuốn sách đó lan tỏa, đi vào đời sống xã hội. Cuối cùng, đích cao nhất là góp phần giúp xã hội quan tâm đến sách, khiến sách trở thành người bạn lớn, phát triển văn hóa đọc. Vì thế, ngay trong tiêu chí chấm giải đã có những điểm liên quan giá trị ứng dụng, giá trị phổ quát, giá trị tư tưởng, giá trị khoa học… Đây đều là những tiêu chí có thang điểm để chấm!".

Giải thưởng sách quốc gia: Thêm động lực cho người làm sách -0
Một số cuốn sách được giải thưởng của NXB Kim Đồng.

Trong số những cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư năm nay, đáng chú ý là cuốn sách thiếu nhi đoạt giải A "Chang hoang dã - Gấu". Trong cuốn sách, nhà bảo tồn động vật 9X Trang Nguyễn đã kể một câu chuyện đầy xúc động về hành trình giải cứu chú gấu Sorya khỏi tay của những kẻ buôn bán động vật hoang dã và đưa chú trở lại môi trường sống tự nhiên. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng để các bạn nhỏ dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình.

Được xuất bản đầu năm 2020, chỉ một thời gian ngắn sau đó, "Chang hoang dã" đã được NXB Pan Macmillan (Anh) mua bản quyền và tiếp tục bán bản quyền cho Penguin Random House (Mỹ), Bookdream (Hàn Quốc), Jieli (Trung Quốc), Ayrinti (Thổ Nhĩ Kỳ), Fontini (Na Uy), AST (Nga)... Chị Nhàn Phạm, phòng Bản quyền NXB Kim Đồng cho biết, cuốn sách đề cập đến lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên là chủ đề được nhiều NXB trên thế giới quan tâm, cùng với những bức tranh minh họa màu nước sống động của họa sĩ Jeet Zdung là lý do khiến cuốn sách được nhiều quốc gia mua bản quyền.

Bên cạnh đó, còn có các cuốn sách cho thiếu nhi được trao giải B và C như: "Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy" của nhóm tác giả Team Loài Plastic, "Lướt cùng Tí địa lí" của Xuân Đài, Uyên Trương; "Cuốn sách về quyền lực: Nó là cái gì, ai có nó và tại sao?" (Nhiều tác giả, sách mua bản quyền của NXB Quarto (Anh), Kim Ngọc biên dịch); "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" (tác giả Nguyễn Quang Thiều, minh họa: Kim Duẩn)… Điều này cũng cho thấy, mảng sách Thiếu nhi năm nay có nhiều khởi sắc, được sự quan tâm của bạn đọc, các nhà xuất bản và công ty sách cũng như Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia.

Để góp phần lan tỏa những tác phẩm đoạt giải, nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều biện pháp khác nhau để "kích cầu" văn hóa đọc. Trong đó, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, cần "số hóa" những cuốn sách được giải để nhanh chóng đến được với đông đảo bạn đọc. Bởi sách đoạt giải là những ấn phẩm có giá trị chuẩn mực, bao quát mọi lĩnh vực trong đời sống. Chúng trải qua khâu chấm và bình xét rất kỹ về mặt chuyên môn, tư tưởng, học thuật và đáp ứng được nhu cầu của độc giả ở từng lứa tuổi, sở thích khác nhau. Đặc biệt, những ấn phẩm đó đã được tôn vinh tại giải thưởng uy tín của toàn ngành nên sẽ "giúp độc giả bớt được công đoạn chọn sách để đọc".

Xuất bản điện tử dù ở định dạng ebook, audio book hay multimedia, đều giúp tác phẩm được quảng bá rộng rãi đến công chúng hơn. Bởi vì, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của toàn ngành xuất bản mà ở đó, phát hành sách phiên bản điện tử giữ vị trí trọng yếu. Khi một cuốn sách giấy được số hóa, trở thành ebook, audio book hoặc multimedia, người đọc sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận tri thức...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, ngày 21-4 hằng năm được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, góp phần xây dựng xã hội học tập. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.

Nguyệt Hà
.
.