Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ IV: 1O năm khẳng định bề dày văn chương

Thứ Bảy, 20/04/2024, 12:04

Tròn 10 năm kể từ lần đầu tiên phát động, Giải thưởng truyện ngắn và ký Quỹ nhà văn Lê Lựu qua 4 mùa giải đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà văn thành danh như: Vương Trọng, Nguyễn Trí, Bích Ngân, Phong Điệp, Đặng Chương Ngạn, Lê Ngọc Minh, Vũ Đảm, Du An... Đây được xem là nơi để các cây bút chuyên nghiệp khẳng định phong độ ổn định của mình khi viết về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; về đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân”.

Sáng 13/4/2024, tại trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội đã diễn ra Lễ trao giải truyện ngắn và ký Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ IV, giai đoạn 2021-2023. Chọn lọc kĩ càng từ hàng trăm truyện ngắn và ký có chất lượng ấn tượng, ban giám khảo thống nhất kết quả như sau:

1 Giải Nhất thuộc về tác giả Lê Hoài Lương với chùm tác phẩm “Ngưu hoàng”, “Sóng khác”. 2 Giải Nhì thuộc về: tác giả Phan Đình Minh với chùm tác phẩm: “Cha tôi - Kép Cúc”, “Phần mềm”; tác giả Nguyễn Hải Yến với chùm tác phẩm “Người đàn bà của dòng sông”, “Đồng tháng ba sương bắt đầu lên”.

3 Giải Ba thuộc về: tác giả Đinh Ngọc Hùng với chùm tác phẩm “Mặn mòi vị biển”, “Thăng trầm của đất”, “Vỡ làng”; tác giả Phan Đức Lộc với chùm tác phẩm “Người đàn ông của dòng sông”, “Lỗ sẻ”; tác giả Võ Thị Xuân Hà với chùm tác phẩm “Khúc thiên thai”, “Giữa bầy cừu”. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn trao 4 Giải Tư cho các tác giả: Song Ngư, Hồ Ngọc Quang, Nguyễn Văn Học, Bùi Ngọc Quế.

Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ IV: 1O năm khẳng định bề dày văn chương -0
Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác giả chụp ảnh lưu niệm.

Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu là minh chứng rằng đề tài nông nghiệp, nông thôn luôn có sức hút mãnh liệt đối với các nhà văn trên tiến trình phát triển của văn học nước nhà. Trong quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, hình ảnh người nông dân và “mảnh hồn làng” ít nhiều có sự thay đổi. Nhiệm vụ quan trọng của mỗi tác giả là gọi tên được sự thay đổi đó, đồng thời, dùng ngòi bút của mình “dự phần” vào việc gìn giữ những giá trị truyền thống của làng quê.

Làm mới đề tài cũ là thử thách cho các nhà văn. Bởi vậy, có thể thấy, trong giải thưởng lần này, bên cạnh lối viết hiện thực dễ chạm vào cảm xúc người đọc, được thể hiện qua các truyện ngắn “Cha tôi - Kép Cúc” (Phan Đình Minh), “Người đàn ông của dòng sông” (Phan Đức Lộc), “Người nuôi trâu tế” (Lê Quang Trạng), “Tiếng hát đêm rừng” (Quàng Thị Diên), “Nẻo khát” (Trần Thị Tú Ngọc), “Cói hát” (Lê Đình Trung), “Đất nứt” (Ny An), “Mự tôi” (Hồ Ngọc Quang)... thì chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng được các nhà văn vận dụng nhuần nhuyễn trong các truyện ngắn “Sóng khác” (Lê Hoài Lương), “Khúc thiên thai” (Võ Thị Xuân Hà), “Người đàn bà của dòng sông” (Nguyễn Hải Yến), “Cầu vồng ma” (Song Ngư)...

Điểm chung của hầu hết các truyện ngắn này, dù viết theo bút pháp, góc nhìn nào thì cũng đều mang đến những câu chuyện buồn thương, day dứt, ám ảnh và đặc biệt gợi nhiều suy ngẫm về đời sống đương đại, đau đáu đặt ra nhiều câu hỏi giữa được và mất, cho và nhận, vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển... Truyện ngắn “Giữa bầy cừu” của Võ Thị Xuân Hà ẩn chứa những tầng triết lí sâu xa về mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, giữa hiện thực khắc nghiệt và những điều thiêng liêng tưởng chừng đã mất. Với truyện ngắn “Cha tôi - Kép Cúc”, Phan Đình Minh tái hiện bức tranh làng quê Đồng bằng Bắc bộ mang đậm không khí hoài cổ của nghệ thuật tuồng, và ở đó, lòng bao dung đã vượt lên mọi ghen tuông, mâu thuẫn.

Am hiểu sâu sắc về làng quê miền Bắc, Nguyễn Hải Yến tự tin đi sâu khai thác mối quan hệ giữa “ma người, người ma” bằng “Người đàn bà của dòng sông”, “Đồng tháng ba sương bắt đầu lên”, những truyện ngắn huyền mị, cuốn hút, khắc họa sự lắt lay của số phận con người giữa dòng đời biến thiên xuôi ngược. Truyện ngắn “Lỗ sẻ” của Phan Đức Lộc mang đến câu chuyện bi thương về một gia đình nhỏ mà cả bố và con gái đều thuộc cộng đồng LGBT, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ đã bản lĩnh vượt qua định kiến để sống là chính mình. Đặc biệt hơn cả, với văn phong sinh động, nhuần nhuyễn, chắt lọc và kĩ thuật dựng truyện công phu, chắc chắn, đầy bất ngờ, truyện ngắn “Sóng khác” của Lê Hoài Lương là lời giải xác đáng cho câu hỏi, con người sẽ thích nghi và biến đổi bản chất như thế nào nếu đột nhiên môi trường sống bị xáo trộn hoàn toàn.

Nhà văn Văn Chinh (thành viên Ban giám khảo): Hồn làng là hồn Việt

Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ IV: 1O năm khẳng định bề dày văn chương -0

Những truyện ngắn đã để lại ấn tượng mạnh về nhiều mảnh sự đời, nhiều vẻ đẹp mới lạ về văn hóa trong cuộc thi này! Chúng tôi thống nhất cao ở 3 tác giả tốp đầu: Lê Hoài Lương, Phan Đình Minh, Nguyễn Hải Yến. Thật mừng là ở họ, viết về hồn làng, ở “Sóng khác” là hồn biển với một ý thức rất cao, được vun bồi dày dặn và thấm thía để trở thành tư tưởng nghệ thuật. Trong các tổ hợp văn bản của Nguyễn Hải Yến hầu như đều có ma sống với người, thân thiện như người, tiếp tục nỗi niềm người. Ở “Phần mềm”, tuy là viết về một viện trí thức ở đô thị, nhưng bao trùm lên vẫn là hình bóng của những nông dân thấp thoáng hồn làng. Đằng khác, từ các tác phẩm của họ mở ra một định đề: Hồn làng là hồn Việt, hiện còn là một nguồn cảm hứng mênh mông thăm thẳm cho sáng tạo văn chương.

Nhà văn Nguyễn Hải Yến (Giải Nhì): Cội nguồn nuôi dưỡng yêu thương

Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ IV: 1O năm khẳng định bề dày văn chương -0

Nhận được một giải thưởng chuyên ngành văn chương được nhiều người quan tâm như thế này, nói về cảm xúc, trước hết tôi phải nói đến từ xúc động. Xúc động bởi tấm lòng của cố nhà văn Lê Lựu - người tài thế hệ trước, dẫu bây giờ đã đi về một “khung trời khác, muốn nhắn gì sang không dễ đâu” nhưng vẫn truyền ngọn lửa đam mê, truyền tình yêu văn chương và nhiệt huyết cống hiến, đóng góp cho cuộc đời đến biết bao thế hệ người viết hậu sinh như chúng tôi. Xúc động bởi tấm lòng của những người đã và đang tiếp tục giữ cho ngọn lửa văn chương ấy cháy mãi.

Cùng với nỗi xúc động, tôi muốn nói đến lòng biết ơn. Nói về nhà văn Lê Lựu, tôi phải thú thật là không chỉ có tôi mà là cả nhà tôi ngưỡng mộ ông. Ngày mẹ tôi mang cuốn “Thời xa vắng” của ông về, tôi học cấp 3, nhưng bởi đi học sớm, chương trình cấp 2 ngày ấy chỉ có 8 năm, nên tôi mới 13 tuổi. "Thời xa vắng" ấy, trong ngôi nhà cuối con ngõ vắng, văn của Lê Lựu cùng Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Chu Văn, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng... nuôi tôi lớn lên, như cơm gạo của bố mẹ, cùng với những câu chuyện kể của bà tôi. Và bốn mươi năm sau, tôi gửi đến ban tổ chức giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu hai truyện ngắn của mình, thay cho lời tri ân một trong những cội nguồn nuôi yêu thương, nhân ái!

Thượng úy - nhà văn Phan Đức Lộc (Giải Ba): Chuyện làng thổn thức trang văn

Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ IV: 1O năm khẳng định bề dày văn chương -0

Tôi được sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ xứ Nghệ “mùa hè nắng nẻ cành lim, mùa đông rét co hòn đất”, nên rất thấm thía nỗi khó khăn, vất vả của những người nông dân. Sau này, lớn lên, tôi nhận ra, kể cả những sự bươn bả, cực nhọc mình từng trải qua suốt thời niên thiếu cũng chính là nguyên liệu quý giá để sáng tác. Tôi thầm nghĩ, mình có kể suốt đời cũng không hết những câu chuyện làng mình. Hai truyện “Lỗ sẻ” và “Người đàn ông của dòng sông” được tôi thai nghén trong một thời gian dài. Khi đặt bút viết, nhiều khoảnh khắc, tôi không kìm được lòng mình.

Thân phận của những người thuộc cộng đồng LGBT vẫn bị xem là “lạc loài” trong xã hội, bởi vậy, họ luôn chịu thiệt thòi, bất công, đau khổ, nhất là khi họ sống vật vờ ở những vùng quê còn nặng nề khuôn phép. Tôi hy vọng, những trang văn mộc mạc của mình sẽ góp phần nhỏ bé trong việc làm mờ định kiến ấy, thay đổi nhận thức của một vài người về điều này, theo hướng tích cực, cởi mở, thân thiện hơn. Đoạt giải của một cuộc thi uy tín mang tên nhà văn nổi tiếng Lê Lựu, tôi vô cùng hạnh phúc và trân trọng. Đây là dấu mốc đẹp trên hành trình sáng tác còn non trẻ của tôi, tạo động lực để tôi dùng ngòi bút khám phá sâu hơn đề tài nông thôn, miền núi theo góc nhìn nhân văn của riêng mình.

Tâm Đăng
.
.