Giải thưởng nhiếp ảnh: Vì sao lùm xùm?

Thứ Sáu, 13/09/2024, 10:32

­­Nhiều năm qua, kết quả của một số giải thưởng nhiếp ảnh luôn gây tranh cãi thậm chí có nhiều bức ảnh được trao phải thu hồi giải thưởng vì vi phạm quy chế. Mới đây nhất, tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024, bức ảnh "Tân binh lên đường nhập ngũ" đã bị cộng đồng mạng và giới chuyên môn cho rằng không xứng đáng đoạt Huy chương Bạc. Vì sao những giải thưởng về nhiếp ảnh ngày càng mất uy tín?

Thi nhiều - chất lượng chưa tương xứng

Ngay trong những ngày tháng 8, đã có nhiều cuộc thi nhiếp ảnh mà kết quả đều vướng những lùm xùm không đáng có. Ngày 29/8, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức triển lãm, trao giải Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Truyền thống TP Hồ Chí Minh (NSNA) lần thứ 49 năm 2024. Tác phẩm "Chiều công trường" của tác giả Lâm Điều Trung đoạt Huy chương Đồng nhóm chủ đề ảnh tự do.

Khi giải công bố, giới nhiếp ảnh xôn xao với thông tin những dữ liệu được chắp ghép trong ảnh không phải do chính tác giả chụp. Đám mây trong ảnh được ghép từ kho hình ảnh mây của phần mềm Adobe. Ảnh tác giả chụp xuôi sáng trong khi đám mây lại ngược sáng. Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh Đoàn Hoài Trung đã xác nhận, tác phẩm "Chiều công trường" phạm quy vì "đã lấy mây trên mạng thay vào mây bầu trời trong ảnh". Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh ra quyết định hủy và thu hồi Huy chương Đồng đối với tác phẩm.

ảnh dùng kỷ xảo tạo đám mây bị thu hồi giải thưởng.jpg -1
Ảnh dùng kỹ xảo tạo đám mây bị thu hồi giải thưởng.

Cũng tại Liên hoan này, tác phẩm được trao Huy chương Vàng là "Ánh sáng tương lai" của tác giả Nguyễn Kim Hoàn (Ninh Thuận) thu hút sự chú ý của dư luận, bởi tác phẩm này vừa bị thu hồi giải thưởng ở một cuộc thi khác. Chính tác phẩm này đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ. Nhưng chỉ vài ngày sau, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam ra quyết định hủy và thu hồi giải thưởng do tác phẩm "Ánh sáng tương lai" chụp ở địa điểm ngoài khu vực Đông Nam bộ, như vậy là vi phạm thể lệ của liên hoan này.

tác phẩm ánh sáng tương lai đạt hcv của tác giả nguyễn kim hoàn bị thu hồi giải thưởng.jpg -0
Tác phẩm “Ánh sáng tương lai” đoạt Huy chương Vàng của tác giả Nguyễn Kim Hoàn bị thu hồi giải thưởng.

Ngay cuối tháng 8, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ 2024 trao giải Bạc cho tác phẩm "Tân binh lên đường nhập ngũ" của tác giả Từ Thành khiến cộng đồng và giới chuyên môn tranh cãi về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Nội dung của bức ảnh là thanh niên mặc áo lính tươi cười, bên cạnh và trước mặt chàng trai là hai phụ nữ lớn tuổi. Một người dùng khăn giấy như vừa lau nước mắt, một người quàng tay ôm ghì cổ tân binh khóc mếu.

Sau khi công bố giải thưởng, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Phần lớn giới chuyên môn cho rằng, tác phẩm này không có tính nghệ thuật trong một cuộc thi có tên là "nghệ thuật". Thậm chí, bố cục ảnh còn rất lỗi khi ống kính của một tay máy khác lọt vào bên trái khuôn hình.

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh chia sẻ trên trang cá nhân rằng, bức ảnh này thiên về truyền tải thông tin hơn là thẩm mỹ thị giác. Anh thẳng thắn cho rằng, bức ảnh có truyền tải một số cảm xúc nhưng tính "nghệ thuật", một tiêu chí quan trọng của cuộc thi thì không có. "Khi một bức ảnh hoàn toàn chỉ chứa đựng trong đó những cảm xúc đến từ "nội dung văn học", diễn giải nụ cười, nước mắt của nhân vật mà thiếu vắng đi hoàn toàn tiêu chí của ảnh nghệ thuật thì không thể gọi đây là ảnh nghệ thuật được. Bởi bản chất ngôn ngữ hình ảnh nó đã thiếu vắng các gạch đầu dòng về thẩm mỹ thị giác, thì nó là một bức ảnh xấu".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh (thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan ảnh Bắc Trung bộ) lên tiếng giữa những tranh cãi rằng, bức ảnh "Tân binh lên đường nhập ngũ" tạo ấn tượng nổi bật. Nội dung tác phẩm truyền đi thông điệp tích cực, bức ảnh chân thật làm lan tỏa ý nghĩa cuộc sống, thể hiện cảm xúc tự hào, yêu nước của thanh niên Việt Nam trong ngày nhập ngũ. Ông cũng đưa ra những lý giải không rõ ràng giữa tiêu chí ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, những tiêu chí ông Linh đưa ra không đúng với một cuộc thi mang tính nghệ thuật.

Đây không phải là lần đầu một bức ảnh đoạt giải bị cộng đồng mạng và giới chuyên môn phê phán. Tháng 6 vừa qua, Ban Tổ chức Cuộc thi ảnh "Việt Nam - điểm hẹn thế giới 2024" thông báo rút một số giải thưởng do phạm quy, trong đó tác phẩm "Mâm xôi mùa cấy" bị rút lại giải Nhất.

Năm 2021, Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội cũng vướng lùm xùm khi bức ảnh được trao giải Nhất "Chúc mừng sinh nhật mẹ" của tác giả Vũ Thị Thúy Hà bị tố có sự chỉnh sửa, chắp ghép, dàn dựng... Còn tác phẩm đoạt giải Ba có tên "Tình yêu Tổ quốc" của Lê Thị An Thu chụp một nữ công dân ngồi xe lăn tới điểm bỏ phiếu bầu cử cũng bị chỉ ra lỗi sơ đẳng như nhiều chữ trên phông của một sự kiện chính trị quan trọng đã bị cắt cụt.

Không nên làm xấu nền nhiếp ảnh qua các cuộc thi

Có quá nhiều lùm xùm quanh các cuộc thi nhiếp ảnh khiến dư luận và giới chuyên môn cho rằng, đã đến lúc cần "thanh lọc" bớt các cuộc thi. Việc nở rộ giải thưởng với những tiêu chí không rõ ràng khiến chất lượng đi xuống, thậm chí sẽ góp phần làm "hỏng" cả một nền nhiếp ảnh đang nỗ lực thay đổi, làm mới mình để tiệm cận với thế giới và khu vực.

Theo nhà báo, nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng: "Lý do khiến các cuộc thi mất uy tín vì hấu hết các cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam đều chưa chuẩn tính chuyên nghiệp. Điều này được chứng minh qua khâu tổ chức, ban hành quy chế, nội dung thể lệ cuộc thi cho đến chọn Hội đồng giám khảo và cuối cùng là khâu chấm giải". Ông nhấn mạnh rằng, nhiếp ảnh Việt Nam đang lúng túng trong việc phân định loại hình nhiếp ảnh cho đến xu hướng phát triển nhiếp ảnh đương đại mà không làm mất đi nhiếp ảnh truyền thống.

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh cũng cho rằng, điểm yếu của nhiếp ảnh Việt Nam là không phân biệt được ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. "Đề cao nội dung văn học, tính định hướng, tính tuyên truyền vẫn là chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới. Điều này nên chăng cần có sự đánh giá lại, nhìn nhận lại hoặc cân bằng nào đó để những nhiếp ảnh gia thuần túy về cái đẹp thị giác nhưng thiếu nội dung văn học (các mảng phong cảnh, tĩnh vật, văn hóa, nude art…) không bị nản lòng khi nghĩ đến các cuộc thi", anh nói.

Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng đề xuất, khi xảy ra sự cố, cần những tiếng nói của Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh để định hướng dư luận. Hội NSNA phải bình tĩnh đưa ra giải pháp trấn an dư luận bằng những bài viết chuyên môn mang tính phản biện đúng, công tâm, sẵn sàng nhận sai sót, trách nhiệm về mình. Và điều quan trọng nữa là sau mỗi cuộc triển lãm do Hội tổ chức và bảo trợ, Hội cần đứng ra tổ chức các tọa đàm, mời các thành viên Hội đồng lý luận và những nghệ sĩ nhiếp ảnh có uy tín cùng đông đảo hội viên tham gia mổ xẻ, rút kinh nghiệm. "Đấy là những điều cần làm để tránh đi những hệ lụy đáng tiếc, những cãi vã không cần thiết làm xấu mặt nhiếp ảnh sau mỗi lần thi thố" - ông nói.

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam khẳng định, Hội đã ban hành quy chế hoạt động. Hội viên vi phạm sẽ bị xử lý dựa trên các căn cứ đã được nêu trong quy chế. Tuy nhiên, trong thời đại của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão, điều quan trọng vẫn là tư cách và đạo đức của nhiếp ảnh gia. Họ chụp ảnh để làm gì hay chỉ mục đích đi thi, tìm kiếm giải thưởng. Rõ ràng, với những người nghệ sĩ chân chính, đó không phải là đích đến của mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực. Vì thế, có lẽ, những người cầm cân nảy mực trong Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh cần có những tiếng nói rõ ràng, công tâm hơn về các cuộc thi để không xảy ra những "sự cố" đáng có đối với một lĩnh vực đề cao cái đẹp và sự chân thực như nhiếp ảnh. Đã đến lúc chúng ta cũng cần thanh lọc các cuộc thi, để nó không làm xấu nền nhiếp ảnh Việt Nam.

Mỹ Hiền
.
.