"Giai điệu quê hương" - kết tinh văn hóa 3 miền đất nước

Chủ Nhật, 20/10/2024, 20:43

Với khoảng 100 tiết mục dự thi, qua bốn đêm thi diễn khá sôi nổi, đầy hào hứng của hơn 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên múa đến từ 22 đơn vị văn nghệ phong trào cơ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, công chúng được thưởng thức nhiều chương trình âm nhạc muôn màu muôn vẻ với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều giá trị tinh thần sâu sắc.

Dư âm

Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn - Gia Định xưa) - vùng đất được hình thành cách nay hơn 320 năm, đã dung hợp nhiều dòng văn hóa khác nhau, dung dưỡng biết bao loại hình nghệ thuật dân gian trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những loại hình nghệ thuật dân gian ấy đã đồng hành cùng quần chúng nhân dân trong suốt những chặng đường lịch sử hình thành và phát triển thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại những giá trị tốt đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo cho diện mạo văn hóa TP Hồ Chí Minh luôn đa dạng sắc màu.

image001.jpg -0
Tiết mục múa "Trăng xuân thì" (dân tộc Pa Dí) của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 6.

Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam với công chúng và bạn bè quốc tế; Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh được Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phân công tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” TP Hồ Chí Minh lần thứ XIX năm 2024. Liên hoan diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10/10 tại Trung tâm Văn hóa Hậu Giang (quận 6) và Nhà hát Bến Thành (quận 1), với sự tham gia của các Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông 21 quận huyện và TP Thủ Đức.

Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” đã khép lại, tuy nhiên những dư âm về liên hoan vẫn còn đọng lại trong ký ức của khán giả, du khách thập phương và các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công, diễn viên múa tham gia liên hoan. Bằng trái tim đam mê sáng tạo nghệ thuật, với tình yêu âm nhạc dân gian cháy bỏng, các nghệ nhân, nghệ sĩ,... đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc, phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình. Đó là sự kết tinh từ những nét văn hóa đặc trưng của 3 miền đất nước.

Bà Ngô Trần Phượng Vy - biên tập chương trình “Nét Việt muôn màu” của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 6 bày tỏ: “Trò chơi dân gian là một di sản văn hóa quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Đó là những sáng tạo chung mang tính cộng đồng với đầy đủ các giá trị thể chất, tinh thần, xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất của ông cha ta. Trong kí ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam, ai cũng đã từng chơi ít nhất một vài trò chơi dân gian như: Ô ăn quan, đánh đáo, nhảy dây, đá cầu, nhảy bao bố, đi cà kheo... Tham gia liên hoan lần này, chúng tôi mong muốn tái hiện lại sự kết hợp thú vị từ các trò chơi dân gian cùng những làn điệu dân ca đặc trưng vùng miền của các dân tộc Việt Nam”.

Sức quyến rũ của nghệ thuật truyền thống

Không chỉ thuần túy là những trò chơi, điệu múa, những làn điệu dân ca đậm chất dân gian mà chúng đã được các nghệ nhân, đạo diễn, biên đạo khai thác, gọt giũa, chắt lọc để mang đến liên hoan những phần trình diễn vô cùng ấn tượng. Từ Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đến hát Ví Giặm Nghệ An - Hà Tĩnh, hay những điệu lý, câu hò của vùng đồng bằng Nam bộ, các điệu múa của dân tộc miền núi phía Bắc, dân ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Khmer… đều mang trong mình những giọt mồ hôi của người lao động, những khát vọng về hòa bình, tình yêu và tinh thần lạc quan của cả một dân tộc. Có thể nói, sức sống mãnh liệt của nghệ thuật dân gian đã góp phần quan trọng tạo nên sức quyến rũ riêng cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Thạc sĩ văn hóa Thái Mỹ Linh - phụ trách đoàn văn nghệ Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình chia sẻ những cảm xúc đọng lại: “Liên hoan lần này, chúng tôi giới thiệu và quảng bá những giá trị quý báu của Hát ru - nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống thường ngày của nhân dân ta từ bao đời nay. Từ các làng quê thôn dã xa xưa của Việt Nam vốn có nhịp sống thanh bình, yên ả, chính là nơi khởi nguồn, trao truyền và nuôi dưỡng bền vững tiếng hát ru của biết bao thế hệ. Tiếng hát ru chính là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật của những người bà, người mẹ; là âm hưởng của tình yêu gia đình, quê hương, đất nước; thể hiện tình cảm nồng nàn giữa ông bà, cha mẹ và con cháu; thể hiện vốn tri thức văn hóa văn minh trong ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội, và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để đơn vị quận Tân Bình được trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa địa phương”.

Bà Nguyễn Thanh Lan - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Cần Giờ chia sẻ: “Liên hoan là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên khắp Việt Nam, trong đó huyện Cần Giờ mang đến liên hoan những bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, đó là những làn điệu lý Nam bộ - dòng âm nhạc dân gian từng rất thịnh hành trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân lao động ở Nam bộ nói chung và cư dân xứ biển Cần Giờ nói riêng, để quảng bá hình ảnh và người dân của mảnh đất Cần Giờ tới các đơn vị bạn và du khách gần xa”.

image003.jpg -1
Chương trình "Tiếng vọng lời ru" của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc, những loại nghệ thuật dân gian Việt Nam được hình thành và phát triển từ rất sớm. Mỗi vùng miền đều lưu giữ một vài loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm nét đặc trưng riêng. Chúng đã đi vào đời sống lao động và trở thành một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam. Những làn điệu, những khúc dân ca ấy là sợi dây vô hình nhưng bền chặt cố kết lòng người, tạo nên sức mạnh đưa dân tộc vượt qua những thăng trầm lịch sử.

Ngoài những làn điệu của Hát chầu văn, Ca trù, Quan họ được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (gọi tắt là UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại rất đáng tự hào, chúng ta còn có nghệ thuật Bài chòi ở Nam Trung bộ, Đờn ca tài tử, Dân ca Nam bộ, các trò chơi dân gian… cũng là những đặc sản văn hóa vô cùng quý báu.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng - Trưởng ban tổ chức liên hoan bày tỏ vui mừng: “Chương trình được các đơn vị đầu tư khá công phu, mang tính chuyên nghiệp từ các công đoạn biên tập, viết lời dẫn kịch bản, thủ pháp dàn dựng của đạo diễn trong công tác xử lý đường dây kết nối các tiết mục, xử lý âm thanh, ánh sáng, xử lý cảnh trí, đạo cụ, phục trang… Một số đơn vị đã biết khai thác hợp lý các loại hình dân gian như: Hát ru, Hò, Lý của các vùng miền; Bài chòi, Dân ca Ví dặm, Dân ca Quan họ vào chương trình thi diễn. Tất cả đã góp phần làm cho Liên hoan đậm sắc màu văn hóa dân gian”.

Khép lại những đêm thi diễn khá sôi nổi, hào hứng, dựa trên cơ sở đánh giá của Hội đồng Ban Giám khảo, Ban tổ chức đã ra quyết định tặng 36 giải thưởng cho các tiết mục ở các thể loại: đơn ca, song - tam - tứ ca, múa độc lập, tốp ca múa minh họa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc; 22 giải thưởng chương trình và 1 giải thưởng dành cho Thạc sĩ Võ Nguyễn Thành Nhân - biên đạo múa xuất sắc Liên hoan.

Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” TP Hồ Chí Minh lần thứ XIX năm 2024 đã góp phần lưu giữ giá trị quý báu của ông cha cũng như đảm nhiệm tốt vai trò tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa, các di sản văn hóa phi vật thể qua những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền trên đất TP Hồ Chí Minh gắn với đời sống con người, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Phạm Thái Bình
.
.